Những tháng ngày ngột ngạt -- nhật ký Hà Nội 1974 (kỳ I)


11/1


 Đoàn Công Tính - Cảm giác về
Hải Phòng. Mọi người cứ ngơ ngác, như là vừa bị lừa. Không ai còn thiết gì nữa.
Gọi nhau đi ăn thì lùi lũi đi, không hăng hái, không bốc lên được.




Những gì mà mọi người lo chi chút ngày hôm qua, coi như hỏng cả -- không dùng được việc gì.
Hôm nay, lại phải lo tích luỹ lại.


Và bây giờ sao người ta quên nhau ghê gớm như vậy -- Tính nói
thêm. Như tôi có thằng bạn, hồi chiến tranh phá hoại, tôi ngồi viết cho nó những
bức thư hàng 8-10 trang. Nay tôi nhận được nó bức thư 4 trang cũng chẳng muốn
trả lời.




15/1


Sách báo Sài Gòn ra ngày một nhiều mà các nhà văn trong ấy
cũng được nhắc tới nhiều hơn bao giờ hết. Trong một bài ký Tô Hoài kể ra một
người mà ai cũng hiểu là  Vũ Bằng.


- Ở trong Nam, Vũ Bằng cũng viết hồi ký, không những kể chuyện
Thương nhớ mười hai mà còn kể về Vũ
Trọng Phụng, Ngô Tất Tố.


Nhân chuyện B52  cuối
72, Vũ Bằng tiếc Khâm Thiên cho đó là một
thứ nôi văn nghệ trước cách mạng, nhiều vấn đề của văn nghệ được bắt đầu từ
đây.





20/1


Thỉnh thoảng tôi quay ra hỏi ông Khải xem ngày xưa có thế này
không? Biết là làm khó cho ông, nhưng cứ muốn, nên không kìm được. Loanh quanh
lại trở về với vấn đề ấy. Để rồi hôm nay nghe ông gắt:


- Cái ông này cứ hỏi đường ngang cuốn chỉ mãi.... Cũng phải dần
dần vỡ ra, chứ ngày xưa cũng như thế này, ai sống làm sao nổi.


Nhưng mà thôi rồi, bây giờ đổ vỡ hết rồi. Không phương cứu chữa.
Chúng tôi nghĩ đến nước Đức sau đại chiến. Chúng tôi nghĩ đến nước Nga sa
hoàng.





Thỉnh thoảng lúc rỗi, tôi lại mơ màng tưởng tượng ra một khuôn mặt là cái mặt chính
mình để rồi nhìn thẳng vào đó xem nó đang như thế nào. Anh nên nhớ anh ở vào một đất nước vừa qua một
cuộc chiến tranh. Và để làm cuộc chiến tranh này, người ta phải nghĩ ra một thứ
chủ nghĩa phát xít. Sống qua được thời này đã khá. Làm sao mà có thể ngẩng mặt
lên được.





Một nhà báo Pháp (?) viết đại ý: Tình hình ở Việt Nam là cả
hai bên còn muốn đánh nhau nữa. Nhưng dân chúng cả hai bên đã chán. Dân chúng
thành một thứ sức ép. Thế là một. Thứ hai, cần phải lo kiến thiết chứ. Thứ ba vấp
phải một bộ máy hành chính quá nặng .


Khải tóm tắt:


-- Cả thống nhất tổ quốc, cả xây dựng CNXH,  với việc tự tổ chức mình lại, xây dựng lại -- cả ba việc ấy đều hỏng, thế thì còn nói
chuyện gì.





Còn như chuyện hoà hợp dân tộc.


Một sĩ quan Sài Gòn:


-- Hoà hợp cũng có nhiều cách, như chanh pha nước đường,
thành nước chanh rất tuyệt. Nhưng cuội bỏ vào nước ngàn đời vẫn là hai thứ rời
rã. Bây giờ chúng tôi gặp các ông. Các ông không đời nào từ bỏ cách sống của
các ông. Mà chúng tôi vẫn phải giữ kiểu của chúng tôi. Thế thì chịu, chịu. Các
ông cứ nói rằng chúng tôi ôm chân Mỹ. Nhưng ở Việt Nam này, thả nào cũng phải dựa
vào một thế lực nước ngoài. Nếu không, làm sao tồn tại được. Chính chúng tôi
không bao giờ nói rằng: “Đời đời nhớ ơn nước bạn” như các ông...


Xuân Sách: Bây giờ hết chuyện đối thoại. Đối thoại trở thành
trớ trêu. Khổng Tử nói chuyện với híp - pi làm sao được.





25/1


 Tết. Những ngày vui là
một dịp để người ta nhìn mặt nhau gần 
hơn. Một dịp để phô bày, tự bộc lộ. Đốt pháo ngày tết ư? Chẳng qua muốn
kêu to lên một tiếng chứng tỏ về sự có mặt của mình ở trong đời sống.


Cái xã hội hiện nay, chỉ có thể chấp  nhận cho người ta sống với nhau như vậy.




 Lòng đường là một cái
gì còn để hở một khoảng cho tự do với
nghĩa ai muốn làm gì thì làm. Con người đi lại tuỳ tiện. Xe ô tô tự dưng cắm cờ
(xí nghiệp nào đó mừng công). Có lần, một đám cưới thổi kèn bu rích rầm đường. Mỗi người giải thích
cái khe hở đó một kiểu, và khai thác nó theo cách có lợi cho mình. Xét ở cái sự  bừa bãi, xuôi chiều, nhố nhăng, xã hội ta
cũng tự do lắm chứ.


 ĐCTính:


-- Đi trên đường bây giờ, rất khó phân biệt những người nào,
thuộc nghề nghiệp gì. Mặt mũi tất cả nhoà hẳn đi. Nhưng sự khác nhau lặn sâu
vào bên trong thì vẫn còn đấy dù chỉ chút ít. Bên trong người ta vẫn khác nhau
bao nhiêu, để lại giống nhau biết mấy.





14/2


Khải:


--Đất nước làm sao mà lắm thứ kỷ niệm. Quanh năm kỷ niệm.
Nguyên Ngọc gửi thư về cho tôi, nói rằng chúng ta qua những ngày tháng chiến thắng
quằn quại. Mình (Nguyên Ngọc) còn đang viết được vì mình còn ở giữa cái thực tế
đó. Nhưng mình còn phải vươn lên trên cái quằn quại kia.


Khải bình luận thêm:


-- Vươn lên thì chỉ còn bộ xương. Ông ấy gửi ra một cái ký,
lo rằng ở ngoài này không còn tinh thần chiến đấu nữa, nên lên giọng dạy đời.
Nghe mà sợ.




Tình cảnh và  suy
nghĩ các nhà văn ở chiến trường thường vẫn
trở lại trong câu chuyện của chúng tôi.


Đâu trong một lá thư, Nguyễn Khoa Điềm cũng e ngại ngoài Bắc,
mọi người quên mất mọi chuyện, thanh niên bắt đầu nghĩ đến nghỉ ngơi.


Triệu Bôn gửi thư ra cho ông Tô Hoài. Em cũng muốn ra, nhưng
trên các anh ấy không cho ra. Trong này ngày ngày du kích chỉ uống rượu và nghe
đài Sài Gòn. Bọn em ngày đêm cầu nguyện làm sao cho Trung ương thấu hiểu tình
hình miền Nam.


Nguyễn Khắc Phục thì khái quát vào đây bây giờ ông dở ông, thằng
dở thằng, nửa đời nửa đoạn thế này!


Khải đế thêm, đến ở Hà Nội, cũng còn dở ông dở thằng nữa là ở
trong ấy..





Một câu ca dao tồn tại kiểu truyền khẩu ở chiến trường


Năm nay ăn tết rừng
xanh


Sang năm ăn tết ở quanh
rừng già


Anh ơi cố gắng nuôi gà


Để ta lại chuẩn bị ăn tết
rừng già rừng xanh





 Tôi buột mồm chỉ cần
mượn hai bài thơ của Bertold Brecht là nói đủ hết tâm sự của mình. Một là Gửi người mai sau: “Quả tôi sống thời
gian cay đắng  lắm”. Hai là Nói với con ( lúc đầu nói thời buổi này việc
gì phải học; sau đã lại dặn con cứ học toán học văn học sử...). Bài trên là nhận định về
thời thế bây giờ. Bài dưới là khuyên nhau trong tình thế ấy, phải sống và hành động ra sao.
Bằng Việt bảo ông nói thế hóa ra thời này cũng tương tự như thời Quốc xã rồi còn gì.
Tôi không cãi lại. Tôi cũng không biết tôi nghĩ gì nữa.





Cái tội ác lớn nhất của người quả lý xã hội hiện nay là làm cho người ta
không còn nghĩ đến chuyện làm thêm của cải. Làm thì bị cấm đoán. Chỉ sợ cá nhân giàu
thêm. Người ta chỉ còn có cách ăn cắp, nịnh bợ, đục khoét, nhớ thế mới có thể mát mặt ít chút. Và thế là ngấm ngầm đua nhau. Cái ao ước có
thể khá giả hơn, nó gắn chặt như một bộ phận trong mỗi con người chúng ta, làm
sao mà hòng xoá bỏ được.





3/3


 Lúc nào buồn, có lẽ chỉ
cần ra đường là có thể hết. Hết cả buồn vặt. Bởi còn lại chỉ là nỗi đau lòng lớn
lao. Bụi bậm, sự chen chúc, sự vô học, những gì lầm lụi, những gì tê liệt. Mặt
đường là một cái sân bẩn thỉu. Mặt đường là một cái ao tù nước đọng sau nhà để người
ta tha hồ vứt rác. Những câu nói khốn nạn, những câu chửi cay nghiệt.


Tôi biết nói thế nào đây, đây là cái thành phố của tôi, thành
phố quẫy lộn, thành phố dầu dãi, thành phố ngồi bệt xuống đất để tồn tại.


Cái điều mà tôi thường
không dám nghĩ tới, cái điều gọi bằng tên của nó là sự thất trận, cái không khí
chiến bại đang hoành hành, đang hiện ra đầy đủ với bộ mặt nhàu nát của nó hơn bao giờ
hết.


Đến lúc nào đó, sự trắng trợn của người ta tự nhiên có
đủ loại lý do chân chính. Không còn biết nói với nhau thế nào nữa. Nản hết mọi sự. Với một nhân dân thế này, có thể xoay sở điều gì được?





21/3


Chưa bao giờ đời sống văn nghệ gay gắt như lúc này. Người ta
cần phải đe nẹt nhau, mỗi người phải đe nẹt chính mình.


Nxb Thanh niên mời
một buổi họp về thơ. Ông Chế Lan Viên "quạt cho bọn thơ trẻ một trận",
như lời sau này người ta bảo chính miệng ông kể lại.


- Lúc này chưa phải là lúc cầm cành đào đi giữa phố.


- Tình hình như phòng đầy hơi xăng. Anh làm cái gì? Hay anh định
xoè que diêm đốt lên ngọn lửa?


- Không cẩn thận sẽ sập tiệm


- Thơ không phải là để nói chuyện buồn.


- Chúng ta phải tự hào ở Trung ương Đảng ta có đường lối đúng
đắn. Bây giờ muốn có gạo ăn, ra đường mà hô Mao Trạch Đông muôn năm, Brêznhép
muôn năm, là lập tức có gạo ăn. Nhưng chúng ta sẽ không làm như vậy. Chúng ta chọn bài Hịch tướng sĩ, và chọn chiến công Trần Hưng Đạo, là những gì chủ yếu
của lịch sử.


Ngay tình hình giải thưởng Hội nhà văn cũng phải chững lại. Dạo
này đang có những chuyện đói kém. Tình hình chẳng ra làm sao. Ví như, giá làm được
cái chuyện giải thưởng này ngay sau ngừng bắn, thì phải hơn. Bây giờ thấy đã có
vị bẽ bàng.





30/3


 Lại vẫn có nhiều tin
đánh nhau. Xe ủi đất đánh nhau với máy bay trực thăng. Các kỹ sư Bắc Việt làm
đường chia đôi miền Nam. Xe ủi đất đã ủi tung con đường đi đến hoà hợp—ai đó
bình luận.


... Xe tăng, thiết giáp vẫn là còn đang vào. Khốn khổ cho dân
tộc tôi, người ta đọ nhau về lòng tin, tranh hơn giành kém, một đứa bé con cũng
nói bố đi Nam, bố đi Nam. Nó chỉ biết có thế.


 Không ai lo chuyện làm
ra của cải. Một kỹ sư nhà máy Trần Hưng Đạo nói với tôi: Mọi sản phẩm làm ra đều
hỏng đến 30%. Có nơi hỏng 70%. Một mẻ gang, chuẩn bị hàng nửa tháng trời. Một
công nhân rót gang nóng quá, vứt cát lung tung vào khuôn. Hỏng hết cả. Mất hàng
nghìn tiền điện.





31/3


Thành phố ồn quá, người đi, thanh niên nói cười ầm ĩ ngoài đường.
Thành phố như một con tàu trì trệ ì ạch. Những đám khói vẩn lên trên vườn hoa,
đám khói ở một gốc cây, đám khói sau một vạt lá sấu... Thành phố như một xứ nhà
quê, người già cổ hủ, trẻ em nhố nhăng lưu manh hoá.


Luôn luôn Hà Nội gợi cho ta cảm tưởng là một thứ thành phố có
thể đẹp, và ngày xưa có lẽ cũng đẹp, hơn là hôm nay đang đẹp. Không phải xấu nữa,
nó đang hư hỏng.





... Có lẽ trong cuộc đời, tôi sẽ không bao giờ quên được mùa
xuân năm nay. Mùa xuân thì bao giờ cũng đẹp. Nhưng năm nay, chúng tôi ở vào một
mùa xuân bị đe doạ bởi nạn đói, có lẽ vì thế mà nó càng đẹp hơn chăng. Những
bông gạo nở tung ra trên thân cây nứt nẻ, hoa như rót từ nhựa cây phá ra mà
thành, hoa như một tiếng kêu cuối cùng của một thân cây. Cái không khí này mơn
man. Nền trời hồng lên như sắc lửa ở một đám cháy xa. Trời đất cũng đĩ tính
quá. Những đôi trai gái đi sát vào nhau hơn. Mọi vật đều khao khát sự sống.
Nhưng, nhìn kỹ  thì thấy cái đua nhau nẩy nở ở đây vẫn là những mầm xấu, mầm dại và cái đẹp
hùng vĩ  thì hoá ra vô duyên lạc lõng.





Một xã hội cơ cấu theo kiểu con giun. Nghĩa là chỉ gồm những
bộ phận đơn giản và giống hệt nhau. Đó là xã hội của chúng tôi hôm nay. Sống
trong xã hội như vậy, không ai khác đi nổi.


Một lần nào đó, tôi đã nói với ông Khải rằng cần sống trong xã hội
này, để khỏi cảm thấy mình cắt đứt với lịch sử. Nhưng như thế thì đáng buồn
sao. Và một trong những lý do đáng buồn là chúng tôi không được chuẩn bị để sống
trong một xã hội như vậy.





12/4


Ngày hè đầu tiên, là ngày hôm kia: mưa rào.


Và ngày hôm nay, nắng rực rỡ, như suốt mùa hè qua , suốt những
mùa đông qua...đã nắng. Hoa gạo bung ra đã được một tháng. Cây đại trước cửa
phòng tôi đã lên những mầm thật mạnh. Suốt mấy ngày hôm nay, tôi có nhiều việc,
lúc thật vui, thật buồn. Mùa rét qua, có những khi tôi làm việc được liên tục.
Mùa xuân này, thì cái chính là tôi không còn an tâm để làm việc bình thường,
tôi không thể chịu được tình trạng nhạt nhẽo, lối đi bước một.


Tôi luôn luôn cảm thấy rằng mình thừa sức, nhưng lại không tìm
ra việc đáng làm. Và rút cục, kết quả công việc gần như số không.





Đọc lại một ít nhật ký những ngày 1967-68. Mấy năm nay, tôi
khác đi bao nhiêu trong ý nghĩ, nhưng lại vẫn cô quạnh như thế trong tâm tư.


Nhớ lại năm 1971, cái năm tôi gặp bao nhiêu người con gái, mà
sao không giữ được ai dừng lại với tôi. Khi ấy tôi 28 tuổi. Những lớp học, những
cuộc đi ngăn ngắn, và bài vở viết được khá nhiều. Cái năm 1971, lòng người, cái
loại người  "cán bộ" mới vào đời như tôi, lòng còn đầy hy vọng, còn cảm thấy có thể thành tựu
gì đấy về "giải phóng". Một năm sau, chiến tranh nổ ra dữ dội hơn bao
giờ hết. Một năm sau nữa, hy vọng chỉ thành thất vọng, hoà bình thành ra sự tụt
xuống cái nấc cuối cùng trong niềm tin của mỗi người. Và đến năm nay, vẫn cái nấc
thang cuối cùng, cái mà năm ngoái tưởng đã là đáy, thì bây giờ ở trên đầu mình.
Vậy thì mọi điều sẽ ra sao?





Bây giờ là tháng tư 1974. Lại nhớ những khi tôi cố sống trong
bom đạn. Bây giờ, bom đạn ở xa, nhưng cả xứ sở này vẫn là xứ sở chiến tranh.
Cái luôn luôn đòi hỏi con người là sự nhẫn nại không chịu chết. Phải cố sống
trong mọi hoàn cảnh.


... Hãy quan sát xem, cái sự tan rã về mọi phía của xã hội,
nhất là sự tan rã của tư tưởng. Nó vẫn mang đầy đủ những nhân tố là cái vỏ cũ,
nhưng lại tự mình huỷ hoại đi tan nát đi, một cách kỳ lạ.


Một câu trong phim Waterloo
mới xem bên Xưởng phim quân đội: Ngoại trừ thất bại không kể, thì cuộc chiến
thắng nào cũng vẫn có nỗi buồn của nó.





14/4


Một đất nước của những tiếu lâm chính trị. Một đất nước lúc
này đây là của vinh quang, của những cuộc viếng thăm, nhưng ngay đấy là nỗi khổ
cực đến tê dại của mọi người dân bao gồm cả sự đầu độc tuyên truyền họ phải
chịu. Một đất nước mà mọi nguyên vọng bình thường đều cảm thấy lạc lõng, người
cầm quyền không cần đến cái bình thường đó.


Trong khi ở đây không có tự do gì hết, thì cái đài, tờ báo tự
nhận là vì dân xoen xoét thương tiếc cho những người nơi khác không có tự do.


Lúc nào cũng thấy người ta phân ưu với các nơi lụt bão. Làm
như ở đây sung sướng lắm.





Không, tôi không sợ sống khổ sở, chiến tranh thì tránh sao khỏi
khổ! Nhưng tôi đau đớn vì ngày mai, ngày kia, người ta còn bắt mọi người sống
khổ sở. Tôi có đủ lý do để hoàn toàn thất vọng vì cái xã hội này, cách cai trị
người dân ở đây. Nói một đằng thực tế một nẻo. Vơ vét để kiếm sống, ăn thịt
nhau. Đó là cách sống của con người. 


Có những lúc, tôi oán trách “những người
anh em” không thương dân tộc tôi, không giúp chúng tôi đến cùng. Bây giờ
tôi thấy họ có lý, họ không thể thương những kẻ đi phá của. Đất nước chỉ đào tạo
những kẻ đi giết người. Ôi, thấy ghê rợn quá. Một bức ảnh phóng to đặt giữa đường
phố lớn nhất của thủ đô -- một đứa trẻ con cầm khẩu súng, vênh mặt.


... Sẽ sống làm sao đây, rồi sẽ ra sao nữa, tôi nguyền rủa những
kẻ không tính gì đến số phận chung của cộng đồng, không tính đến tương lai của
xứ sở.





16/4


Những buổi chiều cuối xuân đầu hè. Cảm giác mùa xuân muộn mằn,
cảm giác về một quãng đời tốt đẹp đi qua (nó như mùa xuân), cảm giác về một ít
thử thách sẽ tới (đáng sợ lắm, cái mùa hạ ấy). 


Tôi, một người như tôi, một người
lười biếng, đơn điệu, vậy mà tôi có bao nhiêu điều đã sống. 


Tôi nhớ lại một ít
quá khứ, một hai năm trước, năm mười năm trước. Tôi nghĩ tới hôm nay. 


Cái đói
ám ảnh bao nhiêu đời thường ngay ở chung quanh Hà Nội. Những nồng nóng trong
không khí chính trị. Và cuộc đời thường, mà tôi thường mơ ước cho mình, như ao
ước cho bao nhiêu người khác, bao giờ cuộc đời thường đó đến được? Và tôi phải
làm gì cho nó, ở một người như tôi, tôi nên làm gì. Tôi không hiểu. 


Ngay tôi
cũng không biết chia sẻ với ai nữa. Có bao nhiêu nơi tôi cần đến, cần biết.
Nhưng hình như chả có ai cần tôi. Đến gia đình nào, bạn bè hay họ hàng, tôi
cũng thấy hoặc là người ta bận bịu, khổ sở, không còn hơi đâu gặp tôi, hoặc là
họ lại nhạt nhẽo, vớ vẩn, khiến tôi không còn muốn nói  điều gì với họ. Tôi muốn chửi toáng lên, về
cái trình độ thấp kém chung, nhưng tôi hiểu rằng như thế, trong cái đám ấy, tôi
cũng đã rất thấp kém, tôi làm sao ra thoát mọi ràng buộc. Cuộc đời đáng
yêu quá đi, cần phải sống quá, do đó mà phải bàn về cuộc sống,  nhưng biết là bàn được với ai.





Đất nước của những khả năng.


 Một người ít nhạy bén
về chuyện chính trị như tôi, cũng đã cảm nghe thấy rằng cần phải thay đổi, và
đây đó, trong những người chung quanh, cũng có dấu hiệu muốn thay đổi.


....


Chính là chiến tranh đã đến với Hà Nội chứ không phải ở nơi
nào khác. Chính là chiến tranh ở đây, chiến tranh tàn phá, xâu xé tất cả, chiến
tranh làm cho mọi thứ nát nhèo và rối tung cả lên, chiến tranh ăn rỗng mọi thân
thể, phá hoại mọi linh hồn, không còn đâu là sự lương thiện, không còn đâu là
niềm tin của con người.


- Tôi kinh nhất sự nguỵ tạo, sự dối trá.


- Ở đâu chẳng có dối trá? – một thằng tôi khác cãi lại.


- Không, dối trá ở những nơi khác là như thế nào đó, in ít
thôi, loáng thoáng thôi, người ta vẫn làm việc. Còn như ở chúng ta, sự dối trá
là để phụ hoạ cho sự ích kỷ hèn hạ, sự lười biếng. Dối trá thường xuyên và dối
trá nơi nơi.


Ôi, cái đất nước người nào cũng nhạy bén, người nào cũng làm
chính trị, rồi thì sẽ ra sao, có một cái thứ chính trị quan trọng nhất, là làm
việc một cách bình thản thì người ta không ai thèm làm.





7/5


Khải: Chiến tranh vui vẻ thật, người ta lên tướng lên tá ầm ầm.
Khi nhìn cái lon mới của mình thì chả ai nhớ chiến tranh cũng là khốn nạn cho
biết bao nhiêu người.





12/5


 Từ miền Nam ra, Triệu
Bôn kể :


Ở trong ấy, không nghĩ được gì nữa. Như một con bò, chỉ biết
có gặm cỏ. Cách mạng miền Nam như một cơn mê ngủ, đến bây giờ cũng chưa ra khỏi
cơn mơ đó. Mọi người nôn nao chờ một cái gì đó thay đổi, mà không có. Sống ở
trong đó, chỉ có mấy anh em thân mật bàn bạc với nhau. Còn ra đám đông, cái
khóc cái cười của người ta rất lạ, không biết rằng thật hay giả nữa.


Có lúc, chúng tôi ngồi bàn nhau, hay là viết thư ra Trung
ương. Nhưng rồi thôi, chả ai làm.


 Một cô gái hủ hoá với
rất nhiều người, nhưng không lấy ai. Hỏi cô, cô bảo bức bách thì giải quyết
sinh lý vậy. Chứ chả có ai đáng yêu.





Tiếp tục ghi những tâm sự Triệu Bôn :


- Cái mà tôi phải luôn luôn đấu tranh, đó là sự bất mãn. Mình
phải tránh bất mãn. Nhiều lý do lắm! Có lúc, tôi thấy ghê sợ khi nhìn mặt người.
Như một thứ bệnh sinh lý. Cái sức mạnh ghê gớm, lúc này lại càng hiểu được, tức
là lý tưởng. Không có lý tưởng, chúng tôi đã rơi vào tình trạng như vậy.


Ở chiến trường, người ta chỉ nói tới khôn dại. Không còn khái
niệm đúng sai gì nữa. Người ta chiến đấu, bởi không biết làm một việc gì khác nữa.
Nếu tới năm 1976, chúng ta không đánh, thì sẽ tan rã từng mảng.





Thằng địch nó bảo: Tha hồ cho các anh đánh tôi. Chúng tôi là
bán nước. Vâng! Chúng tôi là lính đánh thuê. Vâng! Chúng tôi là công cụ chủ
nghĩa thực dân mới. Vâng! Nhưng nhất định là chúng tôi sẽ đánh thắng các anh.







 Cái chính của cuộc chiến
tranh lúc này, là người dân đứng ngoài mọi chuyện. Ở Nam Bộ, có loại thanh
niên, gọi là thanh niên bù trao. Họ không theo địch, khi địch đến thì họ chạy,
cùng lắm thì họ mới đánh. Nhưng họ cũng không theo ta. Họ tụ tập với nhau,
thành một đám người giữa đồng, cũng tăng võng như bộ đội, rồi đi buôn, đi tát
cá. Kiếm ăn. Kiếm ăn và ngồi hát cải lương sầu tủi, nội dung cuộc sống chỉ còn
như vậy. Toàn Nam Bộ, số người đi bù trao này tập họp cũng được vài sư đoàn.

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét