Nguyễn Khải 1972





 Trong
thời gian từ 1967 tới 1979, tôi có nhiều dịp nghe nhà văn Nguyễn Khải trò
chuyện, giảng giải… và đã ghi lại đều đều các câu chuyện đó trong những cuốn sổ riêng, nay mới chỉnh lý được phần ghi chép trong các năm
1972-1974 đầu 1975. 


Các ý kiến bình luận thời sự của Nguyễn Khải đã được ghép vào Nhật ký Hà Nội 1972-73.



 Phần 
giới  thiệu hôm nay tập trung vào các suy nghĩ của ông về đời sống văn học đương thời bao gồm:


-- sự bất lực của văn học trước đời sống chiến tranh

-- tầm hạn chế của chính các nhà văn; tình trạng sống cầm chừng, vừa viết vừa ngần ngại

-- sự non kém của thế hệ kế tiếp

--những hồi ức về thời Nhân văn giai phẩm và những vô vọng trong việc thay đổi

--sự xa lạ của văn chương ta với văn chương thế giới 

ngoài ra là các ý tưởng liên quan tới các tác phẩm  như Chủ tịch huyện( 1972), Chiến
sĩ (1973). 


Có nhiều điều ghi chép hôm qua, ngày nay đọc lại thấy không đúng, hoặc quá ngây ngô, nhưng để tôn trọng lịch sử , xin phép vẫn được giữ nguyên. Chỉ riêng các đầu đề nhỏ là mới được thêm vào khi chỉnh lý.

18/2


Dạo này trong những tin tức vào Nam
có nhiều chuyện hay lắm. Nghe cứ rợn cả lên, những tay nhà mình viết giỏi quá.
Bọn này không vừa đâu.


Tôi thấy mình -- chưa kể  viết -- cứ nói đã lợi hại rồi. Nói chuyện ở
ngoài hội trường, sinh viên nhiều lớp đang học bỏ ra nghe cơ mà.




Cái Chủ tịch huyện này, phải
cắt xén nhiều quá. Tôi vẫn chưa viết được quyển sách mà mình thích. Xem bản
đính chính rồi. Thế là lại coi như là xong. Bây giờ nói tới làm gì, thật chẳng
rỗi hơi.


Còn quyển Chiến sĩ, viết giả
nợ chuyến đi năm ngoái ấy mà, không ra gì đâu.


Nhưng mà lắm lúc, cứ phải nghĩ không
ai chịu trách nhiệm về bài viết của mình hết ngoài mình. Không việc gì phải
hoảng cả lên vì những lời khen chê chung quanh. Cứ phải tự anh đánh giá anh
thôi. Bằng cái lạnh của mình mà thấy. Rồi được hay hỏng cũng là của mình.


Trong Chủ tịch huyện tôi có
viết một câu thế này:


- Người thông mình nhất có lúc cũng
bị tai hoạ.


Sau lo sợ là người ta hỏi người
thông minh nhất là ai, thì lại phải chữa lại:


- Người nào cũng có lúc bị tai hoạ.


Mỗi người chỉ có một thời


Tôi ở đây, nổi tiếng thế này đã 10
năm, tức cũng là quá lâu. Nay mai rồi cũng bị hạ bệ thôi. Hạ bệ một cách vớ vẩn
nhất cho mà xem. Lúc ấy, nếu ông còn, thì ông có thể nói với mọi người tôi đã
chuẩn bị. Tôi biết những cái đó từ lâu.


Hôm đi họp viết về nông dân, mỗi
người nói một nẻo, bây giờ xem bài phát biểu trên báo, tất cả lại ra một nẻo
khác.


Thế mà cũng không ai ngạc nhiên, bên
báo cũng không ngạc nhiên. Đủ hiểu là mình bây giờ đã thập thành trong cái việc
dối trá thế nào.


Khi viết lại bài ấy, tôi chỉ nói có
một điểm: tất cả những sự khôn ngoan gọi là phát hiện trong tác phẩm đã có
trong nghị quyết của các cấp. Tức là Đảng đã phát hiện ra cả. Như mình thì biết
gì mà gọi là phát hiện. Mình chỉ làm cái việc ghi chép lại. Thế thì nay mai,
đọc Chủ tịch huyện có ai còn nỡ đánh tôi nữa.





Nhàn: Có rất nhiều vấn đề mà văn học
do tính năng động của nó, nó phát hiện ra. Những người chính trị tiếp thu lấy
cái tinh thần đó, nhưng đồng thời lại trị luôn cái anh văn nghệ làm việc phát
hiện, cái anh đầu têu ra mọi điều. Văn học được quy định một số phận như vậy.


Khải: Không phải. Văn học mình cũng
chẳng phát hiện được vấn đề gì trước chính trị đâu. Cùng lắm, cả hai bên cùng
phát hiện ra. Nhưng anh văn học thường đặt vấn đề một cách lý tưởng, cũng là
một cách không tưởng, còn anh chính trị phát hiện ra một cách thực tế hơn, có
ngay phương sách giải quyết hơn. Hai anh vẫn nương tựa vào nhau, mà vẫn ghét
nhau là vì thế.





25/2


Tôi viết quyển Chiến sĩ được 200 trang rồi. Viết nữa cũng được. Mà cắt đi còn 150
trang cũng được.


Những lúc này, đúng là nên nghỉ,
không nên viết cái gì cả. Viết cái gì ra sau này cũng sẽ tiếc, tiếc đáng lẽ
mình có thế viết hơn được chứ.





 Tiếng vọng của văn học nước ngoài



      - Nghe Hân nói Marques có quyển Trăm
năm đơn độc
hay lắm. Mình phải đi tìm xem nó ba đầu sáu tay nó thế nào. Tôi
mà là tổng thư ký Hội, tôi cho dịch ngay.


     
- Cuốn ấy viết về một tên độc tài, chưa từng có trên thế giới Mỹ la tinh
bao giờ.


     
- Tôi chỉ tiếc là ở miền Nam, không có tay nào viết được về những tên
độc tài...


     
-- Người ta có thể ở Pháp, Anh lấy tài liệu chứ.


     
- Nhưng thật ra, đó phải là người lăn lộn trong các cuộc chơi chính trị,
biết mọi thứ đầu       dây mối rợ với lại thông tỏ mọi loại người cơ. Ở ta có ai?





Xem này, quyển Phương tây văn học
và con người.
Ông Hoàng
Trinh ông ấy viết thế cho trên đọc chứ cho gì mình. Dịch ra thế giới thì hay
phải biết. Tôi đã đọc những tay như tay Koestler. Gọi nó là cây bút tình báo
gián điệp thì không đúng đâu. Chỉ có cái tay ấy bi quan quá, và thấy cái tự do
của trí thức là bao trùm lên mọi thứ, nên mới ra thế .


 Koestler nói thà dưới trướng một viên toàn
quyền, còn hơn dưới sự lãnh đạo một ông chính uỷ. Những tay chính ủy thường cứ
tỏ ra cái gì cũng biết, ông ấy có thể tham gia vào mọi chuyện, mà thực ra  chỉ là nghe lỏm. Trong khi các viên toàn quyền lại thường là
chuyên gia ở cái xứ mà hắn cai trị.





Chính trong những loại trinh thám,
cũng có thể học được nhiều chứ. Những quyển trinh thám có giết người là loại
xoàng. Phải nói tới loại đấu trí cơ. Ở đó mình học được cách đo đắn, xét đoán
con người.


 Nhưng cả loại này nữa đọc mãi rồi cũng thấy
chán. Bao giờ cũng có một tay thám tử, một cô thư ký rất đẹp, và người
mà dễ bỏ qua nhất thì lại chính là thủ phạm.


Thế mới biết trí óc con người là vô
hạn, mà cũng là hữu hạn.





Nhưng tay viết tiểu thuyết lớn đều
rất ghét truyện viễn tưởng. Đến hôm nay anh còn không biết được, làm sao anh
biết nổi chuyện ngày mai.





Quan hệ với giới chính trị

Ông không biết chứ, có lần trong
buổi chiêu đãi, có rất nhiều cái loại vụ trưởng, ông Tố Hữu ghé tai tôi,
ông ấy bảo:


- Ông Khải này, trong đám này, ông
nhìn có lẽ cũng nhiều tay lố bịch lắm đấy nhỉ.


 
Nghĩa là ông ấy cũng chú ý đến tôi chứ không phải xoàng đâu.


 Ông ấy định cho tôi ra khỏi quân đội. Nhiều lúc cũng muốn
làm công tác tổ chức một ít, thử thi thố xem sức lực của mình đến đâu. Nhưng ra
thì ít nhất phải làm phó tổng thư ký. Chứ làm chân chạy, tôi không chịu.


 Nói cho cùng, mình cũng lơ lửng. Có tên rồi.
Nhưng vẫn lại là chưa có một cái tên người ta sử dụng được. Các ông khác, như
ông Xuân Diệu, có lẽ kỳ này được chú ý cũng nên.





Một lần, Khảỉ bảo làm văn nghệ mà
không ở Hà Nội, không viết được đâu. Tôi hỏi lại:



Có phải anh nói với nghĩa ở Hà Nội mới hiểu biết các vấn đề chính giới.
Mà không hiểu gì chính giới, viết không được.


Ông lại lảng ngay:


- Các ông khác có thể cần, tôi thì
hiện nay quen thế cũng đủ để tôi viết rồi.





Sắp tới chắc được viết cũng thích.
Ít nhiều cũng dễ dàng hơn. Nhưng mà đừng tưởng vào trong kia [
vùng giải phóng ]
là dễ dàng đâu. Đi đã khó. Người ta phải giữ người chứ !


Các ông ở Hội, ông Thi, ông Tô Hoài
sắp tới đều muốn nghỉ việc. Nghĩa là các ông ấy còn muốn viết.





Văn học và thời sự   


Mối quan hệ giữa văn học và người
đọc của mình bị đứt đã lâu rồi. Người đọc ngày nay người ta hoàn toàn không
trông chờ gì ở văn chương.


 Nhưng mà phần mình, tôi vẫn nghĩ rồi có một
quyển sách nào đó, mình sẽ viết. Viết rất thích nữa đằng khác. Người ta đọc
quyển ấy là xong.





Gặp những tay nhà văn Liên Xô, mình
vẫn thấy họ có gì khờ dại. Ví như họ hay nghĩ đến sự bất tử của nghề văn. Mình
thì mình nghĩ không làm gì có thứ bất tử ấy hết. Hôm nay người ta cần, người ta
đưa mình lên, mai người ta không cần nữa, người ta đánh đi.


Khi anh viết về những vấn đề chính
sách, những vấn đề gì mà tự anh cũng thấy thoải mái nhất, thì tin rằng những
vấn đề đó, sẽ còn đóng vai trò quan trọng về sau. 


Và chắc chắn, nó sẽ không có
gì trái ngược đời với lương tâm anh.





Vai trò của những bài tiểu luận


 Hồi Hội nghị những người viết trẻ các ông
không nói, tôi cứ tiếc mãi.


Sự nổi tiếng của một người, cố nhiên
có nhiều mặt, nhưng một mặt quan trọng là phải nói. Người ta không chỉ thấy
mình có thể dùng được. Người ta còn thấy có thể chủ trì được các chuyện tổ
chức. Người ta thấy mình làm không phải cầu may, mà rõ ràng, đó là một thứ ý
thức.


 Nên người ta mới thấy có thể giao việc cho tôi. Như ông Nguyễn Minh Châu, vừa rồi chỉ
viết tiểu thuyết, có phải chưa chắc đã ăn không? Nhưng ông ấy lại viết luôn
mấy bài tiểu luận nữa, tất nhiên là người ta phải chú ý hơn.





 -- Anh có để ý việc học hỏi của các
ông viết văn khác.    


 -- Có chứ. Ví như ông Lê Khâm, ông ấy
học được nhiều ngoại ngữ, cái gì ông ấy cũng đọc, đọc một cách rất là lẩn mẩn.
Bây giờ lại đi học Nguyễn Ái Quốc đấy. Hay là ông Tô Hoài, ông này đọc nhiều,
nhưng mà lại giữ được một cách sống tương đối đúng mực. Với người nào ông ấy
thích ông ấy nói rõ; người nào ông ấy không thích, thì ông ấy chê; hoặc nếu
không, cũng không vuốt ve.


 Mình mới công tác văn nghệ một vài năm, mà đã
sớm học được cái tình màu mè, ranh vặt, chả đọc gì cả. Gặp cái gì cũng khen um
cả lên, một cách vô trách nhiệm.


Một dịp khác:


- Ông Tô Hoài đọc thế nhưng lại vẫn
không phải là người có tri thức đâu. Với lại mỗi người có cách làm việc riêng.
Nếu như anh làm thế nào có ích cho anh, thì anh cứ làm. Không việc gì mà phải
trông vào người khác.





Giỏi đóng kịch


Xuân Sách bảo tôi:


-- Mình chỉ sợ ông Khải ở cái điểm
này. Ví dụ như đối với ông Phú, ông Nguyên là ông ấy rất ghét, nhưng ông ấy vẫn
có thể nói một cách thoải mái, thì quả thật là ông ấy ghê. Mình mà ghét ai, chịu, không nói đuợc một lời nào cả.


- Ông Phương thật thà hơn, tất cả
những thứ ông ấy đang suy nghĩ, có gì 
ông ấy đều bộc lộ ra mình thích hơn chứ? – tôi đùa.


- Không. Ông Khải là cái loại biết
điều, tự kiềm chế được. Cái xấu của ông ấy không lộ ra. Mình đỡ khổ hơn.





Các ông bên Hội giao cho tôi cái món
trẻ. Trông thấy ông Xuân Sách (là người gợi ý nếu Khải rủ, sẽ sẵn sàng cộng tác—VTN) 
tôi đã không thích. Nhưng nói thế, cũng phải làm thôi. Tôi đề nghị dọn
cái chỗ Câu lạc bộ, để có chỗ cho anh em nó ăn uống -- nếu không, nó lại ra ngoài thì
hết người.


Nhưng mà trong lúc bàn về sinh hoạt,
tôi định kéo 1, 2 anh em trẻ vào bàn thêm . Việc của anh em, mà không có anh em
bàn, thì ra sao nữa? Tôi nghĩ đến Nhàn và Hân.


 - Anh cứ làm, rồi chỉ được ít lâu,
người ta chán và lại có người khác làm. Không được lâu đâu.
Nhưng mà cứ phải làm.


 - Trong tình hình hiện nay, nghĩ như
thế là hợp lý đấy. Có làm có hỏng, rồi lại làm.





Sự trì trệ của văn học


--Vừa rồi, thường vụ họp, cũng bàn
về giải thưởng văn học 15 năm. Nhưng mà 
cho tác giả, chứ không phải cho những quyển sách cụ thể. Chả có cuốn nào
nổi hẳn lên cả.





Nhà văn và nhân vật 


Các nhân vật của tôi luôn luôn suy
nghĩ. Chính tôi cũng muốn như thế, cũng muốn là làm sao con người mình nó làm
nó sống đỡ bản năng đi - bản năng ghê quá.


 Nhân vật Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng thì bản năng
thật rồi. Các nhân vật của Nam Cao nghĩ đằm hơn.


 Nhưng nhân vật của Nam Cao cũng chỉ lần mần
chứ chưa nghĩ được cái lớn.Thực tế là người mình, đánh giá nhau, nghĩ về nhau
thì rất giỏi. Nhưng nghĩ về rường mối thì còn kém.





 Cái lúc này và cái vĩnh cửu


 Có lúc nghĩ, cứ viết như thế này, rồi tính ra
có tội đấy.


Nhưng có lúc lại tự bảo không bao
giờ nên nghĩ làm cái gì lâu la, nào tìm ra chân lý, nào viết cho hậu thế. Cuộc
sống tự nó thay đổi luôn. Anh tìm cho anh chưa xong, sẽ tìm cho ai?


Hãy cứ viết cái gì của ngày hôm nay,
cho được rõ ràng.


Một quyển sách như quyển Chủ tịch
huyện
của tôi, người ta đọc hai buổi
trưa thì xong, người đọc nhanh chỉ đọc một buổi trưa. Nghĩ được cái gì thì
nghĩ, rồi phải nghĩ sang cái khác. Thế là vừa với người đọc hơn cả.





- Có bao giờ anh nghĩ anh sẽ viết
lại về cải cách ruộng đất?


- Cũng chẳng định. Có điều là mọi
chuyện cải cách ruộng đất, nếu mình nhận thức được, thì nó lại nhập vào trong
những cái mới viết của mình.



Xung đột ghê thật.



Ghê chứ. Vì nó quyết liệt. Chính cái thời kỳ của Mùa lạc về sau,
lại là thời kỳ lãng mạn.





Giữa các đồng nghiệp 


Ng M Châu:


-- Có hai loại nhà văn. Một, phải va
chạm mới sống được, và một loại tự mình ngồi một mình đã viết được. Khải nó
cũng biết nhận loại người như nó phải qua va chạm, mới đập ra, phản ứng ra được
thành những ý nghĩ. Còn những người như tôi, lắm lúc đọc quyển sách, bỏ xuống,
bụng bảo dạ giá cứ nằm mà nghĩ, có khi còn ra được những cái hay hơn.


 (…) Trong mỗi người đều có mấy khuôn
mặt… Thôi, ít ra hai khuôn mặt, khuôn mặt thằng láu cá, và khuôn mặt thằng đần.
Đi với ông Khaỉ lắm lúc thấy ông ấy đần ra, rất thích.





Hồng Duệ nói về Chiến sĩ:


-- Anh đặt ra cái món đầu đề nhỏ đọc
nghe hấp dẫn thật đấy.


-- Bây giờ hơn với kém nhiều khi ăn
nhau ở cái tiểu xảo ấy. Nếu như nhìn cái biển treo lên đã thấy thích thì người
ta còn muốn vào .








 Hôm trước ở thôn sơ tán Hương Ngải, đang ngồi bên ấm nước, Ng M Châu độp cho một
câu:


-- Hôm qua, tôi nghe nó đánh Hà Nội,
rồi lại chạy sang nhìn mặt ông Khải, thì tưởng sự nghiệp của cách mạng chúng ta
đã sụp đổ đến nơi rồi.


 Ng Khải giận lắm, bỏ về. Đến cửa mới quay lại vớt vát:


--Ông này lúc nào cũng đùa quá trớn.


Nguyễn Minh Châu: 


--Tôi đã đùa, thì chỉ có đùa quá
trớn thôi mà.





Một lần khác, Ng Khải đang ngồi nói
chuyện với cánh nhà văn chỗ này, lại tạt sang chỗ khác. Ng M Châu:


-- Cái lão này đối với ai cũng toe
toét, đối với ai cũng ve vãn.





Cái quyền của người nổi tiếng


 Mấy hôm sau, Khải giải thích:


-- Người ta bao giờ cũng thích trội
hơn đồng loại một chút. Ông Đốt được nhiều người đọc, một phần là vì ông ấy
diễn tả được cái đó những cái phút muốn hơn đồng loại của một người nào đó. Và
cái mà người khác im, thì ông ấy nói ra.


Ví dụ ngay ông Châu, thỉnh
thoảng ông ấy cũng ghét tôi. Mình chỉ
muốn tát vào mặt nó một cái
. Thả nào chả có lúc ông ấy nghĩ thế.


Cả ông nữa, thỉnh thoảng ông ghét,
tôi biết. Tôi nhậy cảm như đàn bà vậy.





Ông Châu bây giờ cái gì cũng khen.
Là bởi vì ông thấy văn mình hay quá rồi. Và thấy rằng mình hơn mọi người.


Chứ nói chuyện với một người hơn ông
ấy xem, ông ấy phải rất cẩn thận. Không chê đã đành, khen quá đáng cũng không
được, khen quá thì sợ người ta khinh cho.





Bây giờ phải viết như là Lỗ Tấn thì
mới được. Viết thẳng vào các vấn đề. Còn thì loanh quanh mà làm gì. Chính dân
nhà văn mình bây giờ lại tổ sư nghệ thuật vị nghệ thuật.


Những năm vừa qua, tôi đã cố để mà
được lấy cái phần này, coi việc viết của mình như một sự thức tỉnh, làm sôi động
những người khác.


... Nhưng mà bây giờ thì bó
chân bó tay quá rồi. So với ông Châu gần đây đi viết về công trường 800, về những đứa con đi sơ tán của nhà mình, tôi thấy thật là tôi không có gan. Không thể viết được.





 Một chút hổ thẹn


Làng đang có bộ đội sơ tán. Họ nói
thẳng với Xuân Sách cái ông cao lớn ấy – chỉ 
Nguyễn Khải -- người thì béo nứt ra, đi đường mặc áo lót. Hưởng lương
thiếu tá, ngồi khểnh dái ra mà viết văn.


Khải cũng biết. Nhiều lần tự kể đi
đâu gặp lính là tôi phải cau mặt xuống, có khi lại còn úp luôn cả cái mũ che
mặt đi nữa. Chứ cái mặt béo béo như mình là dễ bị lính chửi lắm.


Xuân Sách:


-- Trong cơ quan, Khải là người bắt nạt mọi người, là người trị
mọi người. Nhưng mà lắm lúc ông sợ từ cả một người lính.





Tìm tới một sự đánh giá chính xác 


Xuân Sách kể Nguyễn Khải nói gì
không biết, Nguyễn Minh Châu sang tận nơi, uất ức nói :


--Ông áp bức chúng tôi lâu quá rồi,
chúng tôi không thể chịu được nữa rồi...





Châu giải thích với tôi:


--Bây giờ thỉnh thoảng tôi cũng phải
nói với Khải nhiều chuyện rất thẳng... Mình yêu lão  hơn. Cho nên mình mới dám nói, chứ cứ như ông
Mai, tôi lại không dám nói.


--Những năm vừa qua, chính những tay
nhà văn chuyên nghiệp nước mình, như Tô Hoài có viết gì về xã hội chủ nghĩa
đâu. Trong lúc ông Khải  hò hét thì các
ông ấy im.


--Suy cho cùng, những quyển sách
viết về hợp tác hoá của ông Khải nói gì. Người ta bảo hợp tác là tốt, ông ấy
thì bảo không, rất tốt - thế thôi. 


Bây giờ so sánh những tác phẩm của những
người viết về nông thôn trước cách mạng như Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình
Lạp... với những cái của ông Khải, thì thấy ông Khải trẻ con hơn nhiều chứ. 


Ông
Khải có hiểu gì lắm về nông thôn.


Nhìn ra chung quanh


Thời nay mới biết văn học của mình
là cái trò vớ vẩn, tức là nghĩ một đằng, viết một nẻo. 


Chỉ có cái lạ,
như ông Hữu Mai bây giờ vẫn phấn khởi ngồi viết Vùng trời tập 2 trong đó
cũng toàn là những công thức công nhân thì đơn giản, trí thức thì phức tạp --
toàn những chuyện ông ấy muốn, với lại trên muốn, chứ chẳng có đâu như thế.


Lại như cái câu văn học nói về con người. 

Ông Hoài Thanh nói ở Viện Văn học bảo con
người ở mình đẹp kì lạ.


Nhưng chính lão ta đã phải nói với
ông Thi: “Thôi bây giờ anh cho tôi về làm Tổng thư ký hội - rồi Đảng Đoàn bảo
gì, anh bảo gì, tôi cũng xin nghe “.


Hay là như loại Nông Quốc Chấn, có 5
rúp gửi ông Tô Hoài sang Liên Xô, dặn 3 rúp mua cái mũ bê rê, còn 2 rúp ký
quỹ tiết kiệm, để có gì lại sang. Thế
thì đẹp đẽ cái nỗi gì không biết.


... Ông Hữu Mai, ông ấy cứ viết về
những chuyện ấy, tức là toàn những chuyện ông ấy ước mong, chứ không phải là
chuyện ông ấy sống với chung quanh.
 





Nhà văn và chiến tranh


Các nhà phê bình thường chỉ kêu tôi
không làm cái gì điển hình. Nhưng tôi thì cũng chưa hiểu thế nào là cái điển
hình.


Ví dụ cái điển hình nhất mà mình
biết, thì chỉ là cái ngược đời. Tốt ra xấu, đơn giản ra phức tạp.


- Thế hoá ra anh tin rằng cuộc sống
không tiến hoá, mà lại chỉ thụt lùi à ?


- Không, mình không nghĩ thế. Nhưng
đấy là do cách tổ chức của mình. Cách tổ chức của mình như vậy, thì người ta
sinh ra như thế thôi. Tất cả là do chiến tranh... Chính tôi đã viết những câu
mà các nhà phê bình không lôi ra. Tôi đã viết rằng trong chiến tranh, người ta
không sao lường trước được các sự kiện. Bao giờ trong chiến tranh cũng có những
chỗ giành cho sự bất ngờ.


....


-- Sau này, khi hòa bình rồi, chắc
là các nhà văn tha hồ làm ăn.


-- Nhà văn mình nó như là cái loại
gia cầm nuôi trong nhà rồi, bây giờ có thả ra ngoài thì cũng chẳng làm ăn nên
trò gì. Ra với rừng, nó phải có thế thế nào mới bay nhẩy được.








Bùi Bình Thi trong thư gửi Ng Khải
viết rằng Đỗ Chu rất khen Chiến sĩ của anh. Bây giờ thì nó gọi anh là maitre
(bậc thầy) rồi.


Khải:


-- Thế là tôi có một ông học trò
thật là vĩ đại.





.. Nói thế chứ, chính lúc viết, mình
cũng phải có một cái gì phiêu lưu một tí mới thích được. Cũng không hoàn toàn
tính được những cái sắp viết là như thế nào.


 Cái chính đối với tôi trong quyển Chiến sĩ
này, là tôi nghiệm thấy rằng mình còn yêu quý những người bạn trẻ, mình còn
muốn trên thấy ở họ  một cái gì đó. Có
nhiều người ít tuổi hơn mình nhưng mình kính phục thật.




 Tầm suy nghĩ của nhân vật


-- Như tôi đã nói với ông một lần,
những nhân vật của tôi phần lớn là những nhân vật của sự thức tỉnh, của lý trí.
Con người bây giờ, con người Việt Nam mình phải thêm cái đó, mang cái đó vào
trong nếp suy nghĩ thì mới được.


-- Đến những năm này nhân vật của anh
suy nghĩ đã trầm tĩnh hơn đấy chứ. Nhưng tôi tưởng anh không nên tả như
Ra đảo
nên viết các vấn đề chung.


  -- Đúng thế, tôi tả không bằng các ông
khác được. Chính tôi mạnh phần đối thoại.


Tôi vẫn thích những nhân vật nghĩ
nhiều. Ngay khi đọc nước ngoài, mình cũng không đọc phần tiểu thuyết của họ, mà
cũng thích đọc lý luận, hoặc sổ tay, hoặc thư từ....





4/11. 


Sự
cựa quậy của lớp trẻ 


Kỳ về HN họp lần này, tôi được đến
mấy người quan trọng nói vào mặt là cánh trẻ lại có chuyện đây. Bạn thân của
ông với VP lại thành một cặp rồi. Người có tài năng, người có quyền thế. Chính
tôi cũng không ngờ tay ấy lại choàng vào mụ kia đấy nhớ.


- Chuyện riêng thì không nói, nhưng
sao lại có chuyện chính trị vào đây.


- Không, bao giờ những chuyện ấy
cũng gắn với nhau, nó mới hoá thiêng liêng. Nó cứ lẫn lộn (Vũ Cao: y như đọc
thơ, phải thắp nến lên, mới thích!).  Bây
giờ bà Quỳnh không bị ràng buộc vào gia đình, bà ấy vừa ly dị chồng xong. Cũng
không bị ràng buộc vào tổ chức . Chả ông Chế Lan Viên với các ông kia vừa làm cho bà
ấy một vố trên báo! Thế thì bà ấy tự do quá rồi. Trong lúc người ta đang cô
đơn, người ta cần phải bấu víu vào một cái gì đó.


- Tôi công nhận là bây giờ bà ấy
đang cô đơn... Nhưng bây giờ thì có thể làm được việc gì ? Cùng lắm thì nói
bậy, đọc thơ.


- Và đồn thổi truyện triều đình. Tay
kia biết nhiều chuyện lắm (ông Như Phong đã khái quát một điều này: Xưa nay làm
loạn, toàn là bí thư của các ông to).


-- Nhưng về viết lách thì phận ai
nấy chịu?


-- Không đúng. Biết đâu rằng lại
thêm cái cớ cho người ta ghét. Trên chỉ nhíu lông mày một cái, là không ai dám
in cho bà ấy nữa. Như bà Trang, từ giờ thì Tác Phẩm Mới với báo Văn
nghệ
... đố còn dám in. Người ta còn tích cực hơn cả Quân Đội mình nữa.


- Tôi vẫn không hiểu là chuyện trai
gái quan trọng đến mức nào. Những chuyện ấy xưa nay vẫn có. Xưa nay bọn trẻ đến
như Lưu Quang Vũ là cùng. Lưu Quang Vũ thì người ta cho là đứa trẻ hư rồi,
không tính nữa.


- Sao lại không tính? Lập luận phổ
biến là người hư về đạo đức  thường cũng
hỏng luôn về chính trị. Càng hư lại càng lèn cho đau. 


Một ông ấy ấy nói thế
này, tôi thấy có lý này. Là bây giờ vấn đề trẻ, già là vấn đề lớn trên thế
giới. Ở các nước tư bản, các nước xã hội chủ nghĩa đều có chuyện ấy. Ở ta, thì
thanh niên sinh viên miền Nam, lại một số miền Nam nó ra đây. Nó có ảnh hưởng
của nó chứ.


- Cái đó thì ai có đọc báo nước
ngoài ít chút đều biết. Ở nước mình bây giờ cũng có. Tôi cảm thấy những yếu tố
một vụ NV - GP bây giờ đã le lói. Ở tất cả các ngành bọn trẻ đều oán các ông
già, chẳng qua thời buổi chiến tranh, không ai dám hé miệng. Như tôi đây thì
lắm lúc cũng nhắm mắt hay tính việc gì cho nó xong đi, chứ ngồi nghĩ mãi cũng
chả có lối thoát.


- Cấp trên người ta không buông xuôi
thế được. Bây giờ các ông còn rời rạc thì người ta thít, thít từng chỗ một.


- Nhưng tôi vẫn nghi ngờ lúc này
không có người cầm đầu, đủ sức tập hợp.


- Thì lá cờ là cái ông kia còn gì
nữa.


- Tôi không chấp nhận. Ông ta chưa
đủ uy tín.


- Không phải là một phong trào, ngay
từ đầu đã có lãnh tụ tương xứng của nó. Cũng không phải các ông ấy là đã gặp
nhau lắp sẵn kế hoạch với nhau. Không, lúc đầu là anh A, khi anh A hỏng là B,
rồi anh C, rồi anh D, có thể là các anh đều không biết nhau, và người quan
trọng là anh E. ở đâu nhảy tới.


...


- Tóm lại, kỳ này các ông có làm gì thì
làm đi. Tôi lại được một dịp xem.




--Nhưng mà nói thế thôi, chứ làm được
gì. Vừa mới nho nhoe, thế là người ta đã biết.





Chuyện Nhân văn


- Anh nhớ lại xem, bây giờ so với
thời kỳ NV-GP, có khác nhau nhiều không?


- Khác nhiều chứ. Trước kia, bọn họ
có lý luận hơn. Bây giờ các ông chẳng nói gì nên hồn, đọc sách thì toàn đọc trên
ngọn, nghe hóng nghe hớt.


- Bây giờ không khí chung là bất mãn
hơn, người ta phức tạp hơn. Nhưng thời thế thì lại không có. Anh bảo nho nhoe
người ta đã biết. Bởi vì những người nghe cũng đã có sẵn những ý nghĩ người nói
kia nói ra. Nhưng người gọi là phản loạn kia, cũng chẳng có được ý kiến gì mới,
làm cho những người khác ngạc nhiên và phải đặc biệt chú ý. Người ta không cần
nghiên cứu. Sự đời nói ở đây hoàn toàn chỉ ở chỗ một bên nói ra, và một bên
không nói ra.


-- Ấy đấy, người ta chỉ cần có thế.


--Anh thử nhớ lại xem, hồi NV GP,
anh sở dĩ không tham gia vào đấy, là vì nguyên nhân gì ? Anh biết trước, nên
không nhảy vào. Kệ cho nó nói, mình ở ngoài mình biết, mình tránh ?


- Không phải. Hồi ấy tôi vẫn còn
quen biết ít thôi. Cái chính là vì nhân cách, mình thấy những người này trong
nhóm ấy nhân cách kém quá, ba hoa phét lác, mà không làm được việc gì... Cái
người mà tôi còn quý, may có Phùng Quán, với mấy tác phẩm.


Ở đây, mình mới thấy phục những ông
như ông Thi.


 Ông Tưởng, ông Tô Hoài hồi ấy đều lơ mơ.


 Ông Tuân thì ông ấy biết, nhưng ông ấy bỏ mặc.
Mình ông ấy thành một thứ nhà văn đứng riêng ra. Ông ấy khích cho bọn ấy làm.
Trong bọn, hoạ chăng ông quý có Văn Cao, và mấy họa sĩ, còn Hoàng Cầm cũng coi
thường. Trần Dần ông cho là một thằng mất dạy, chưa bao giờ ông cho là có tài
năng. Trương Tửu thì cơ hội. Thuỵ An là người ông ấy ghét, ai theo địch là ông
đều ghét, ông có một ranh giới rất rõ.


Thế đấy, ông Tuân biết, nhưng mặc
kệ. Đúng sai cũng im. Nhưng sau này ông lại là người chơi với cánh đó sớm nhất.


Còn như ông Thi, ông này tính từ rất
sớm. Ông Tố Hữu chỉ đạo chung, ông Thi thì tách riêng các đầu mối về mặt văn
học nghệ thuật, kéo những vấn đề lên đến đúng mức của nó.


 Có một điều tôi thấy hồi ấy người ta nói quá
nhiều đến nhân cách, mà không có lý lẽ gì, không giải thích được các hiện tượng
một cách rạch ròi.


Họ nói nhiều về nhân cách là để bù
chỗ trống, thiếu của lý luận. Các bài của tôi rất ít nói đến nhân cách. (Các
bài phát biểu được viết rành rọt này, chủ yếu nói trong hội nghị thôi đăng báo
có mấy đâu).


 Tôi là cái loại hăng hái tích cực đến nỗi sau
này Hữu Mai kể chúng nó bảo phải truyền tên Nguyễn Khải cho con cái để chửi bới
cơ mà. Nhưng được cái sau này, đối với các ông ấy, tôi vẫn hỉ hả ngay được.


 Từ đó về sau, tôi thấy những cánh Châu Diên,
Xuân Khánh... chả tay nào ghê như cánh NV GP cả.


 Nói chung, hồi ấy những tay kia nó có cái rõ
của nó. Nó không có quần chúng. Ta đúng. Chính vì thế, về sau, mới có một hồi
sáng tác tốt, như những năm 58 - 63.





Vào một dịp khác.

 Hồi ấy chúng tôi
viết được, là vì hiểu biết của mình vừa khít với cái mà trên mở ra. Mình cũng
chỉ hiểu biết đến thế. Bây giờ, hiểu biết của mình thì đâm phức tạp, mà cửa cấp
trên mở lại hẹp hơn. Vậy thì phải liệu mà làm, nói được một mặt nào đó thì nói. 


Các nhà phê bình hay bảo tôi không dựng được những điển hình toàn diện. Làm sao
mà nói ra nhận xét toàn diện của mình được !





13/11



Trở lại câu chuyện giới trẻ


- Tôi thấy các ông bây giờ nó không
định hình thế nào ấy. Định hình như lứa chúng tôi, ví như mấy tay Đào Vũ, Huy
Phương, cũng toàn những người có khuôn mặt rất rõ.


Các ông cũng chẳng ra thế.


   Lớp trẻ hôm nay hiện ra với quá nhiều
lời nói cạnh khoé, mà quá ít phát biểu cho người ta trọng. Thiếu những khuôn
mặt lầm lì... Một phần quan trọng: các ông rất thiếu mẫn cảm chính trị, thiếu
sự hiểu biết về thời cơ của mình - đúng, có cái này đấy.


  Tôi mà như thằng Chu thì tôi không bạ đâu cũng  nói vớ nói vẩn, đến nỗi phí phạm đi. Cái chính không phải là mình nói
khác mọi người, thời thế nào cho phép thế. Cái chính là mình cũng nói giống mọi
người thôi, nhưng người ta cũng vẫn phân biệt được mình chút ít.


- So với các anh, tôi thấy thanh niên
bây giờ nhiều yêu cầu, mà lại hèn hạ hết sức. Tôi thấy ở trong Nam nó đào tạo
được nhiều thanh niên dám chết vì lý tưởng hơn. Ví dụ như HT Mẫm.


- HT Mẫm là cộng sản đấy. Người cộng
sản trong ấy trong sáng hơn.


- Tại sao tôi nhìn về miền Nam, thấy
mọi điều rất rõ ràng. Còn nhìn về xã hội mình cứ thấy hơi rối, chẳng biết bấu
ví vào đâu cả. Tóm lại, văn nghệ chẳng làm được trò gì đâu, may ra trông chờ ở
những tay khoa học tự nhiên.


- Bọn ấy biết gì ? Đệ nhất ngu. Nó
chỉ biết nó với lại những công trình của nó. Nó không thể tính như cánh văn
nghệ được.


Nhưng mà thôi, các ông lo liệu lấy
thôi.


 Đấy văn nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa, tiêu biểu là ông Hồ Phương. Mà bây giờ
lứa các ông thì có ông Bùi Bình Thi. 


Thằng ấy bây giờ đang lên như gió. Ngồi ở
cái ghế bành Hội nhà văn, đọc một quyển trinh thám... Thằng Hân bảo nó nằm đườn
ra trên đài với những bài viết về Quảng Trị. Lại còn truyện ở báo Văn Nghệ.
Bây giờ nó khinh thằng Chu ra mặt.


- Công nhận. Công nhận ông Bùi Bình
Thi là cái thứ văn chương cần cho đài báo bây giờ thật.





Từ chối không làm chính trị trực
tiếp


- Anh cho là từ nay về sau, anh có
thể bị kéo vào một cuộc gì đó không.


- Không, tôi thấy hồi NV -- GP tôi
cũng không thể tham gia mà sau này cũng không. Căn bản một người như tôi là máu
lạnh, tôi không thể làm theo ai. Những phong trào phản đối, đúng nó là những
động lực của lịch sử, nhưng ở nước mình, không làm gì được đâu. Tôi sẽ đứng
ngoài. Có thể là những biến động vẫn vang ứng vào tác phẩm của tôi, tôi sẽ cám
ơn. Thế thôi.


Ngay như bên này dùng, tôi cũng
chuội cơ mà. Năm 1965, bảo tôi ra làm Thường vụ TW Đoàn, một bước lên cán bộ
cao cấp tôi không ra. 


Bảo làm Phó Tổng Thư ký, tôi cũng không làm.

 Tôi chỉ viết
thôi, bảo tôi viết gì tôi viết cũng được. 


Như làm Phó Tổng thư ký, nhất định là
tôi phải trị các ông. Khi tôi trị thì cũng ác đấy. Không trị thì không được,
không thể đứng ở giữa, rồi lại mất lòng cả hai.


 Giá tôi ra làm TW Đoàn, thì tôi
mất vị trí nhà văn như không. 


Các ông ấy giờ đang chú ý đến tôi. Đang làm cho
tôi một tuyển tập.Trong các tác giả
sau Cách mạng, chỉ có tôi với ông Thông. Tôi tự nhận là từng
quyển,  có chỗ nọ chỗ kia, nhưng toàn bộ,
đúng là tôi có một cái gì đó. 


Trong bản danh sách của ông Bùi Hiển, tôi khai 11
quyển, ông gạch đít những 7 quyển, gạch là chấm những quyển được đấy. Nên tôi
càng yên chí chỉ có cái sách là viết.



Nghĩa là đời vẫn công bằng.



Tất nhiên, đời vẫn đáng cho chúng ta tin lắm.




22/11


Về Nguyên
Ngọc và Nguyễn Tuân


Ông Nguyên Ngọc nổi tiếng sớm, và từ
đó, quả cũng có những thói quen đáng sợ, thói quen được người ta nâng đỡ. Nên
có lần, nhìn thấy Tố Hữu, mà ông ấy không gọi, là đã buồn rồi cơ mà. Cái năm
viết Mạch nước ngầm, nghe Tố Hữu phán mà cứ run lên.  Đểu cáng - không nói đồ đểu, chỉ mới văn
chương đểu cáng. Rồi từ đó đám chung quanh mình những tay vốn ghét mình nó hùa
vào. Hoặc khi đang lên, phía nghịch có những thằng len lỏi lợi dụng. Nguyên Ngọc đủ thông
minh để không thích những cái đó. Bọn kia cũng chửi.


Bây giờ ông Nguyên Ngọc vào trong
kia, lại sống bằng những cái khác. Bằng cách làm gương cho mọi người. Bằng sự
cao thượng. Nhưng cũng lại rất nhạy bén để luôn luôn đau khổ về sự cao thượng
ấy.


Tôi muốn sống khác, tôi muốn sống
mình thật là mình.





Nguyễn Khải rất có ý thức phân ngành
phân ngọn. Đi Liên Xô về, ông nhớ cái chuyện thuốc lá thơm đầu lọc chỉ bán cho
thường vụ. Về nhà ông hay nói chuyện ông Tuân:


- Cái ông Tuân là ông ấy có ý thức
về cái xấu cái tốt lắm đấy. Những khi ông ấy nói ngang nói ngược mà ông nào đi
đứng cạnh nói quá lên, ông ấy độp vào mặt. Hôm nọ ông ấy vừa nói đây. Ông ấy
bảo, rồi mà xem nay mai tình hình nó xoay chuyển, thì ai là cứng ai là mềm, ai
vững vàng ai dao động.


 Thế này thì ông ấy thách thức các ông bên Hội Nhà văn
thật. Tức là ông ấy đi uống rượu, ở đại sứ quán Hungari, đại sứ quán Pháp. Ở chỗ Pháp uống xong tiệc chính, lại xuống uống với cánh hầu bàn. Ở chỗ Angéri
thì uống xong, ngủ lại ở đấy với nó.




25/11

 Học nghề qua sách báo phương Tây 


Đọc một số tạp chí Châu Âu về tiểu thuyết.


- Từ một câu quen thuộc của truyện
cổ tích ngày xửa ngày xưa,  nó khái quát được cái ý nhà văn là người nói
lại những chuyện đã qua. Một định nghĩa về nhà thơ - Nhà thơ là người đi tìm
những giá trị đã mất.


- Những tay lớn nó đều nói thế này,
chính những cái biết nhất, là cái mà nó không viết được. Những cái mà nó không
biết, thì lại viết rất hay. Ví dụ có một nhà văn nữ, gốc người Hungari, sang
Pháp - Tay ấy sang từ năm 1958 viết rất nổi tiếng. Một quyển sách nhan đề:
nhân là Hồng y giáo chủ
. Bà ta kể tôi chỉ nghe tin, rồi tôi viết. Tôi không
hề biết ông Hồng y giáo chủ đó là người thế nào ?


Có một tay nó nêu cái này cũng đáng
sợ. Trong chiến tranh thứ hai, nhiều nhà văn phải vào trại tập trung. Sau chiến
tranh, họ ra, viết hàng loạt sách.Thế nhưng kiểm điểm lại, bây giờ, những sách
ấy đều mất biến cả. Không phải là vì thời gian chiến tranh họ không chứng kiến chuyện trong các trại. Cũng
không phải là vì không có tư tưởng triết học. Cái loại như Cái chết là nghề của
tôi,
Trần trụi giữa bầy sói ghê chứ.


Thế nhưng số đứng được vẫn ít lắm.
Tức là vẫn có một khoảng cách giữa cái anh biết và cái anh viết.


 Sau chiến tranh chỉ có một quyển nổi lên hơn
cả - quyển sách mà nó khái quát cao hơn một chút: Dịch Hạch.





- Có một tay nói thế này thì mới ghê
chứ. Tôi không thích thuyết cách quãng, khoảng cách. Người viết viết về một
hiện thực đã được tổng kết, hay đã được phơi bày ra ánh sáng rồi, thì còn thú
vị gì nữa. Tôi muốn nhập ngay vào nó, từ lúc mà chưa ai biết nó hết.




- Cũng với số Europe này, tôi học thêm được một điều, thế nào là chủ nghĩa hiện
thực hư ảo.


- Có phải nó là cái făng tát tích?


- Gần đúng thôi. Nếu thuần tuý făng tát tích, nó lại ra Edgar Poe. Đây
phải có cả cái pô ê tích, pô ê tich
nâng lên, făng tát tích hạ xuống một
tí. Nhưng nó không phải là li rích rồi.
Tóm lại nó là hiện thực ở cái phần cốt tuỷ của nó.




Thử nhìn lại đời mình 


- Làm tuyển tập Nguyễn Khải. 

Ông kể với tôi mới kê
ra, đại khái:


Tiểu thuyết: Xung đột 1 Tập
IV (chương Nhàn +Môn)


                                 2 Chương mấy
cha đạo


Đường trong mây: chương VI về trả ba lô


Ra đảo  : chương cuối


Chủ tịch huyện: chương Hiệp về xã.


Truyện


- Chuyện người tổ trưởng lái máy
kéo.


- Đứa con nuôi


- Một cặp vợ
chồng


- Người trở về




- Họ sống và
chiến đấu
Chương Biên


                                       Đinh
Kính


- Hoà Vang:
Chương lính Mỹ


 Không có gì quý
hơn độc lập tự do.


Phụ lục


- Vị trí
tình cảm trong sáng tạo nghệ thuật


- Con đường dẫn
tôi đến văn học


        


 Khải nói thêm:


- Đường
trong mây
lấy chương Vị về cho gọn


- Không lấy lý
luận nhiều bài đọc hò hét quá. 
Ông Tế Hanh bảo
về lý luận để cho những ông như ông Chế Lan Viên. Có ít trang mình lấy sáng tác
là chính. Với lại lý luận, ngay CN HT XHCN mình còn phân vân nữa là.






Nhàn: Truyện
ngắn, tôi thích cái Mùa lạc. Mùa lạc  thay vào chuyện Người tổ trưởng lái máy
kéo
được. Nên lấy Gia đình lớn hơn Người trở về. Lý luận tôi
không thích bài Vị trí tình cảm một chút nào cả...


Nguyễn Khải có
vẻ nghe.


Nhưng đến Xuân
Sách thì mới ghê.


- Ông nên bỏ
tiểu thuyết đi cũng được .Bỏ Đường trong mây đi. Có khi ông lại ăn ở
truyện ngắn và truyện vừa không biết chừng. Với lại bỏ cái Hòa Vang đi.
Đang đọc truyện, lại thêm cái Hòa Vang vào, buồn cười lắm. Chọn thế
nào  để trong kia, nó còn in lại nữa chứ.





Đi ra ngoài
hành lang, Kh ải bảo:


-- Xem thế mới
biết, mình viết mất cũng nhiều, mấy năm chống Mỹ lại càng mất nhiều thật.





Buổi chiều.


--Tay Sách nó
nói thế này mình cũng sợ. Thơ chỉ còn lại 3 nhà thơ: Xuân Diệu, Huy Cận, Chế
Lan Viên. Một người yêu đời, một người trầm tư, một người suy nghĩ.


Văn chương cũng
thế: Nguyễn Minh Châu khéo lại còn cái Cửa sông, hơn là cái Dấu chân
người lính
. Bây giờ cứ tính thế này. Dấu chân người lính nói cái gì
trong tâm lý thằng lính đi đánh nhau trong Nam bây giờ. Suy cho cùng Nguyễn
Minh Châu vẫn là xuất hiện không hợp thời, tức là xuất hiện vào lúc khó khăn
này.


- Mấy chương
hành quân cũng được.


- Tài mà chưa
được.


...Vì căn bản là
như thế này, anh gắn với một sự thực không thực


- Tức là anh đi
ngụy biện cho một sự nghiệp không chính nghĩa?


- Cũng như bây
giờ ông ấy đi viết về những người lính giải tán rồi lại tự nguyện trở lại chiến
đấu. Đâu có chuyện như vậy.




30/11

Văn chương và thời đại 


 --Tôi không biết
thế nào, nhưng đọc những quyển sách như Dấu binh lửa vẫn cứ thấy hiểu về xã hội nó, hơn là muốn
hiểu xã hội mìền Bắc mà lại đi đọc tác phẩm của mình. Cái thời gian  này thì cũng tương tự như thời gian Hoàng Lê nhất thống chí chứ gì?


-- Những điều
mình nói, có lẽ vào độ hai trang Hoàng Lê
nhất thống chí
 là hết.


- Còn nhìn về
đời sống chung, không hiểu sao, lắm lúc cứ thấy khổ. Làm thế nào mà dân mình cứ
hèn mãi đi, mỗi người cứ hèn mãi đi, y như là một bọn hết hơi cả một lượt. Đời
sống khó giải thích quá.


- Nghĩ cũng
ghê... Thế mới biết lắm ông bên Hội nhà văn ông ấy chuồn rất giỏi.


- Hôm nọ Ng M Châu bảo các ông ấy có
viết gì về chống Mỹ với CNXH đâu.


- Không... CNXH
thì phải viết chứ, CNXH thì mình không biết gì thật, nhưng viết về việc khôi
phục giá trị con người sau chiến tranh, viết về sự tôn trọng con người.





3/12.


 Đi họp Hội nhà văn. Sau khi nói về các giải
thưởng, tự nhủ:


- Lần này, tôi
cũng chỉ rửa cái tôi được tiếng là tham quyền cố vị, hoặc là hay thắc mắc.


- Nhưng mà tại
sao anh lại làm cho người ta có ấn tượng ấy về anh chứ?


- Có, có lý do
của nó . Không hiểu sao mấy năm 57-58 ấy tôi đáo để lắm cơ. Chả biết sợ là gì
cả. Hay phát biểu, chuyện gì cũng dúng mồm vào.


Chất cốt cán hồi Nhân văn


Hôi học ở ấp
Thái Hà.. Tôi làm tổ trưởng cả mấy khóa. Tổ trưởng của cả những ông Trần Thanh
Mại cơ mà.


Hôm nào ai lên
phát biểu trên hội trường, là có ghi tên trước. 


Hôm nào đến lượt tôi, người đi
nghe rất đông. Tôi lại được tiếng là người có lý luận nữa. Ông Trần Quang Huy
xuống cũng khen. 


Tôi nhớ hôm ấy có ý kiến rằng giai cấp tư sản Việt Nam nhỏ bé,
chưa thể tác động vào hoạt động VHNT chống Đảng, chống nhân dân. 


Tôi mới nói
rằng: Ông Giêsu chết từ 2000 năm trước, ông ấy còn chống gậy đến những làng xóm
xa xôi nhất, ông ấy giành quần chúng với Đảng. 
Nữa là bây giờ một giai cấp tư sản cũng có hoạt động như thế này. Người
vỗ tay rầm rầm lên.


 Hồi ấy tôi năng nổ lắm. Cả ngày cả đêm chỉ ngủ vài tiếng.
Tối còn đi họp với ông Tố Hữu đến khuya. Sáng lại chuẩn bị bài vở thảo luận.
Đầu óc căng thẳng. 


Y như một chiến dịch. Đúng, là một anh tử vì đạo, một tay
Quảng[
nhân vật thanh
niên công giáo trong Xung đột
] đi bắt cán bộ. Chả biết sợ là gì cả.


- Có lẽ vì anh
cũng không ý thức được việc mình làm


- Có thể. Nhưng
mà lại rất say.
Làm ngày làm đêm Chả ai làm mà các
ông trên lại bày cho mình làm. Hồi ấy ông Trần Văn Cẩn còn làm giám đốc trường
Mỹ thuật. Ông ấy mời tôi đến nói chuyện với trường. Hôm nay Đảng đoàn giới thiệu đồng chí Nguyễn Khải đến... Thế là tôi
hoa chân mua tay.


Trên ông Tố Lành ông ấy cũng chiều
tôi lắm cơ. Ai lại ông ấy bảo này, mai anh Thế Lữ lên phát biểu. Cụ ấy trình độ
có hạn. Vậy anh đến anh xem lại, góp ý kiến với bản phát biểu ấy. Thôi, tôi
không phải xem lại nữa đâu, anh Khải nhớ. Thế là đến. Câu đầu tiên, nhưng mà
bác phải viết ra cơ, chứ để đề cương thế này khó góp ý kiến lắm. Sau này mới
nghĩ nói như thế là nói mỉa. Mình đã đáng tuổi con người ta đâu.


- Trước đó, hồi 1945-57 thảo luận về
vấn đề tô hồng bôi, đen, tôi còn dám nói rằng theo tôi, không có tác phẩm tô
hồng, tác phẩm bôi đen, chỉ có tác phẩm viết tồi thôi.


- Có lần chỉ tôi với ông Tuân cãi
nhau cả buổi. Mấy lần nói xong ông Tuân định bỏ về, tôi với tư cách tổ trưởng
lại bảo anh không thể bỏ về được. Thế cơ mà.


- Cho đến năm 1965, tôi vẫn còn lắm
điều. Lần ấy, nhân ông Hoài Thanh ông ấy tranh luận về hư cấu, tôi sang tôi nói
cả một buổi. Các đồng chí bảo không có hư cấu. Ngay trong một bản báo cáo thành
tích đã có hư cấu. Một lời tự nhận xét, đã tước đi những phần mà tác giả cho là
không quan trọng, như thế  là hư cấu chứ
gì. Tôi nói xong một lượt, hỏi còn ai hỏi gì nữa không, rồi lại nói tiếp.


Có lúc tôi bảo:


-- Có phải các đồng chí bảo Họ sống 
và chiến đấu
là… là lính tẩy, xan-da
-tét
. (Chính ông Hoài Thanh bảo vậy). Tôi cho rằng..


Đến nhà người ta mà nói như thế, thì
còn ra cái gì nữa! Mãi đến mấy năm gần đây, tôi mới bỏ đi được đấy. Thấy chán.
Thấy cũng chả được việc gì.





Nhưng mà như gần đây, cái bài phê
bình Chủ tịch huyện  của tôi trên Văn Nghệ có ra cái gì. Hôm nọ ông Khái
Vinh ông ấy trông thấy tôi, ông ấy cứ gườm gườm. Tôi cũng mặc kệ. Tôi đã phải
nhắn qua Nguyễn Thành Long để đến tai mấy ông phụ trách. Sau này, tôi có sách
gì ra thì mặc xác thôi. Nhà tôi con đàn, chứ chẳng phải con một gì mà tôi phải
nuông (Cái ý con đàn là chính một ông khác ông ấy nói, chứ không phải mình. Ông
ấy bảo, thằng Khải nó cần gì, nó đương còn viết khối đấy).




 Chưa thấy người viết vượt mình 


- Người ta bảo tôi không say mê.
Nhưng ở tình trạng xã hội Việt Nam thế này, say mê thế nào được? Làm sao nói
được hết cái ghét của mình, cái yêu của mình bây giờ?


- Với lại thế nào là say mê? Tôi say
mê sự phân tích, say mê sự phẫn nộ, thế cũng là say mê chứ còn gì?


- Tôi viết mỗi trang không có lấy 2
dòng không phải sửa chữa. Viết rất khổ sở. Chỉ nghĩ rằng viết được những điều
mình nghĩ là thích nhất... Có bao giờ tôi viết vì những lời khen.


- Bao giờ tôi cũng nôn nóng nói ra
những điều mình nghĩ được, và mong sao điều đó đến thẳng với mọi người đọc. Tôi
không tin rằng phải nói qua hành động, qua cử chỉ của nhân vật. Tôi muốn nói
cái đó càng trục tiếp càng tốt, nói từ phía mình.


- Có bao giờ anh cảm thấy viết tắc.


- Không, nhưng trong những năm qua,
tôi chỉ dự tính có những lúc, mình sẽ bí, viết không được thứ gì cả, cho nên
tôi cứ phải cố, phải dấn lên.


- Anh có cảm thấy ai viết vượt mặt
mình.


- Cũng không có, chỉ thấy loáng
thoáng từng chỗ, rồi lại thôi


Không bao giờ nên viết vì lời khen,
vì người sự nổi tiếng. Hãy tự mình suy xét về mình cho kỹ...


Ví dụ Đỗ Chu, hồi ấy tôi hy vọng là
vì Đỗ Chu viết được những cái sao chín đến như thế. Tôi xem Đỗ Chu như một dấu
hiệu, dấu hiệu về sự trưởng thành của mình.


Nhưng những ngày gần đây, thấy
Đỗ Chu sao mà chán thế.


Hôm nọ đang đi trong sân, tự nhiên cảm thấy nó ở phía
trước mình, thế là chạy bạt đi sang phía khác. Dạo này nó vừa không viết nhớ,
lại vừa lăng nhăng, bát nháo nhớ.





Quang Thọ: Tôi đi Cồn Cỏ, tôi phục
Nguyễn Khải  cái này... Đó là một nhà văn
đó là người làm ra những tác phẩm nghệ thuật. Tức là thế nào? Tức là anh phải
là tấm gương. Cuộc sống soi vào anh, lại bật ra một thứ hình ảnh khác, không
phải thực tế nguyên xi, nhưng mà là do thực tế gợi ý. Về mặt ấy, Nguyễn Khải là
một tấm gương sáng.





 Người ích kỷ và tầm ảnh hưởng 


  Xuân Thiều nói với tôi:


--Trong tổ sáng tác ông Hồ Phương cứ
như con rối.  Ng Khải mới là người có ảnh
hưởng lớn trong cách sống của anh em.


 Tôi đã phải bảo Hồ Phương muốn làm tốt
công việc, thì phải đẩy ông Khải đi, rồi có làm gì thì mới hòng làm được. Là vì
thế này. Khải nó hết  lòng với sáng tác.
Trong khi các ông kia còn có những cách xoay xở thì Khải nó sống bằng lao động
của mình. 


Nhưng nó ích kỷ quá. Ngoài chuyện sáng tác, và chuyện vợ con ra, nó
không biết một cái gì khác nữa. Đấy như vợ tôi cũng phải tị. Xem anh Khải xem.
Anh ấy có phải đi đâu, đằng này anh thì... Tôi phải bảo vợ thôi, cái số tôi như thế.


 -- Có lẽ ở Tổ sáng tác, cũng mỗi người
một góc, cô độc lắm?


-- 
Làm thằng nhà văn của nước Việt Nam lúc này, mà lúc nào anh càng nói
đến dại đến khôn, như thế không được.
Nhân vật của ông Khải lúc nào cũng tính toán dại, khôn.


... Nhưng cái chính là một thằng như
thằng Chu bây giờ cũng học ông Khải, cũng kỳ. Tôi bảo Châu, chính anh kêu
thằng Khải, rồi anh lại học nó. Thế còn ra sao nữa. Bây giờ anh cũng chỉ biết
đến sáng tác của anh, anh không lo chuyện gì khác. Anh ích kỷ một cách rất buồn
cười. Thế là anh giống ai?





Tôi không thể cãi lại Xuân Thiều.
Nhưng tôi thử giải thích chuyện dại khôn thế này. Chúng ta 
sống trong một hoàn cảnh chật hẹp quá. 
Mỗi người loay hoay trong cảnh phá ra, chỉ lo phá ra cho mỗi riêng mình. Một cá
nhân có thể làm thế nhưng một dân tộc không thể làm thế. Nhiều lúc, tôi có cảm
tưởng chúng ta chưa biết chung sống với nhau.




Mời đọc tiếp Nguyễn Khải 1973






Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét