Nhạt hội bởi chưng ...hội nhạt


Nguyễn Đình Chiểu từng viết trong
Lục Vân Tiên: “Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương”.


 Tôi cũng đang ở trong
tình trạng dở dang vậy,.


 Vì quá yêu các lễ hội mà gần đây cứ nghĩ đến hội là
ngại. 


Trình độ tổ chức các lễ hội hiện nay không theo kịp nhận thức của cộng
đồng, nhìn chung toàn lặp đi lặp lại, xô bồ, hỗn tạp, làm chỗ cho người ta trục lợi.
     



     Chùa
chiền được sang sửa nhiều. Nhưng đáng lẽ phải nghiêm túc nghiên cứu để trùng tu
cho ra không khí cổ kính thì người ta lại chỉ lo tô lại một ít chữ nho làm dáng
và thường là tô sai.


       Các bức tường bị bôi xanh bôi đỏ khiến
công trình sặc sỡ một cách khó coi.


       Phần hội mà các ban tổ chức buộc khách
thập phương phải xem cũng không khá hơn.


      Một hai chiếc thuyền rồng đặt trong cái
ao cạn không sao gợi được vẻ trữ tình cần thiết.


      Các điệu múa ở các địa phương khác nhau
mà quá giống nhau, hình như quanh quẩn học của nhau cả.




       Với tư cách một người có nghiên cứu
văn hóa chút ít, tôi thường băn khoăn về tính chính xác của các chi tiết liên
quan đến lễ hội cũng như chùa chiền. Theo tôi, chính nó là cơ sở tạo nên sự
thiêng liêng có thực. Còn cái kiểu trùng tu theo tinh thần “có gia giảm thêm
dấm ớt” phổ biến hiện nay chỉ làm cho người tới hội thêm thất vọng vì lộ rõ tính
phàm tục của nó.

     


       Những phản cảm trong khung cảnh
càng bị tô đậm bởi sự có mặt của con người. Đã quá biết rằng cái gì ở mình mà
chẳng luộm thuộm, đã đám đông là xô bồ, nhếch nhác – mà sao vẫn thấy khó chịu,
bao niềm háo hức xẹp dần.


       Một lần đi hội Bà Chúa Kho, tôi hãi hùng
mãi về cảnh xếp hàng chờ đặt mâm cúng lên bàn thờ, người sau phải nhấc mâm cúng
lên đầu người trước, mỏi đến gẫy tay.


        Còn nghĩ tới những lần đi hội Chùa
Hương là sợ tắc đường, sợ chờ đò, sợ phải tranh nhau cáp treo. Trong cảnh chen
lấn, lòng người trở nên nguội lạnh, chỉ thấy ngán ngẩm về tình trạng đất nước
lạc hậu và ghê sợ cho sự học đòi đua đả của con người, đến mức không còn can
đảm nghĩ chuyện lần sau đi tiếp.

      Đang thiếu một tâm thế văn hóa chân chính trong tâm lý
người đi hội ngày nay. Nhiều khi đơn giản không biết làm gì thì người ta đi,
đua nhau mà đi, đi để cầu cúng vụ lợi.


      Và sự vụ lợi này lan tới người tổ chức
hội cũng như những người tự nhận là phục vụ hội.


      Lần tôi theo bà xã  đi lễ Bà Chúa Kho, vừa xuống xe đã có người
bám theo, miệng thao thao những là để em sửa lễ cho bác, để em dẫn bác đi viết
sớ.


      Lẽo đẽo theo mãi đến lúc vào đến cổng đền
mà chúng tôi không nhận đặt hàng, họ quay lại chửi.


     --Tưởng là con cá quả, hóa là con tép
ranh!. Họ khái quát về chúng tôi như vậy.

     


      Nếu phần lễ không tạo được cảm giác
thiêng liêng thì phần hội lại thường là tẻ nhạt .


      Trong
một bài tạp văn in trong tập Giấc mộng ông thợ dìu mới in ra đầu 2007,
Tô Hoài đã phải dùng đến câu thành ngữ “nhạt như nước ốc”. Các trò chơi hoặc cổ
lỗ khiến không ai muốn tham gia, hoặc toàn ngả sang màu sắc hiện đại, môtô bay,
xiếc giả cầy, chẳng hợp gì với khung cảnh. 


     Đến cả việc cho chữ nữa. 

     Mới đây,
một tờ báo đã tả lại cảnh tại một ngôi chùa thuộc loại lớn nhất, đẹp nhất Hà
Nội, thầy trụ trì cho chữ đúng kiểu bán hàng bao cấp. Cứ ai nộp tiền thì thầy
viết, viết như cái máy. Và chính thầy cũng mù mờ không cắt nghĩa được mấy chữ Xuân
phong hòa hợp
đã viết đến mỏi tay đó.

      Nghĩ về các lần tham dự lễ hội, không khỏi
thấy lòng trống trải, bởi đặt quá nhiều hy vọng mà tính lại, các lễ hội ấy
không được như mình mong đợi.


     Cái chính có lẽ là chúng ta phải thêm chất
tri thức, chất lý tính

cho các lễ hội, chứ không thể thả nó trong vòng tay của cảm hứng tầm thường dung tục tùy tiện như
hiện thời.

      Lại nhớ có lần  thấy trên TV cảnh mấy
người khách phương xa tới hỏi thăm mấy cụ già trong làng về một ngôi đền gần
đấy. Chính đền thờ ai các cụ không biết. Các cụ chỉ nhắc đi nhắc lại là đền
thiêng lắm, có cần cầu cúng gì các cụ nói giúp.

      Tôi không muốn mình rơi vào cái cảnh như
thế. Tôi định tạm nghỉ đi hội một vài năm.


     Thay vào đấy, tôi tìm về lịch sử - văn hóa
cổ truyền dân tộc qua các cuốn sách như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định
Việt sử thông giám cương mục, Lịch triều hiến chương loại chí,
các sách Thiên
nam ngữ lục, Lĩnh nam chích quái…
hoặc
bộ Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính một nhà nho mà có tư tưởng phê phán
rất gần tinh thần của văn hóa hiện đại.


   Đọc các sách trên, chỉ cần vượt qua sự sốt
ruột và bình tĩnh tra cứu các chữ Hán cổ là thế nào cũng gặp được nhiều kiến
thức hấp dẫn, sẽ có ích khi nay mai trở lại với các lễ hội.





Đã in báo Người đại biểu nhân dân 16/04/2007


In lại trong Những chấn thương tâm lý hiện đại 2009

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét