Nguyễn Tuân huyền thoại một thời


Theo kiểu Hemingway


Cùng với sự phát triển của các phương tiện thông tin đại
chúng, sự tiếp nhận văn chương của con người thời nay so với người xưa có thêm
những phương tiện mới: nếu muốn, họ có thể đồng thời vừa đọc sách một nhà văn,
vừa biết rất rõ về nhà văn ấy. Con người tác giả không còn là một yếu tố trung
tính và càng không được thông tin càng tốt. Ngược lại, con người tác giả cũng
phải tham gia vào quá trình chinh phục bạn đọc.




 Ví như nhà văn Mỹ E. Hemingway
chẳng hạn. 


Sinh thời, ông là một cá nhân được gần như cả xã hội để ý theo dõi.
Những cá tính kỳ lạ của ông, khả năng cô độc, khả năng dai dẳng ngồi xem đấu
bò, đi săn, đi câu giữa đại dương v.v… những cái đó được người ta săn tìm
truyền tụng đồn thổi bàn tán, không kém gì tác phẩm của ông.


 Có người bảo rằng
Hemingway không vô tư trong việc này. Dường như ông cố ý trình ra trước xã hội
một con người nhà văn như ông muốn. Ông hiểu rằng những giai thoại kia giúp cho
ông đến với độc giả thêm nhanh chóng, thuận lợi.




Khỏi phải nói, ai cũng biết việc tự giới thiệu như thế
không phù hợp với thói quen của các nhà văn lẫn bạn đọc ở Việt Nam.


 Chúng ta thường bảo nhau rằng phương tiện tốt nhất và gần như duy nhất để nhà
văn đến với bạn đọc là tác phẩm. 


Trong khi cuốn truyện, bài thơ làm việc, con
người nhà văn càng không dây dưa vào đấy càng tốt.


Ấy thế nhưng trong Văn học Việt Nam hiện đại cũng đã có một nhà văn
dựng tạo sự nghiệp của mình theo kiểu Hemingway nói trên. Trong khoảng gần năm
chục năm cầm bút, ông đã tạo nên quanh mình cả núi giai thoại, chính những giai
thoại nửa thật nửa bịa đó là một chất dẫn truyền rất tốt để tác phẩm của ông có
thêm cái lung linh mà người đọc phải cố tìm biết.


Nhà văn đó là
Nguyễn Tuân.


Thích ứng theo hoàn cảnh


Theo một số nhà văn đương thời kể lại thì trước Cách
mạng, ngay từ khi chưa viết Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân đã nổi tiếng
trong giới làm văn làm báo như một người chơi ngông, tiêu tiền như rác, hết sức
khinh bạc nói chung là  có những cách ứng
xử vượt lên mọi quy cách  thông  thường.


Không có gì lạ khi thấy trong các sáng tác mang đậm chất tự truyện, những khía cạnh
đó của con người chàng Nguyễn vẫn được giữ nguyên, thậm chí được tô đậm lên ít
chút.


 Nhà văn công khai lấy chuyện riêng của mình ra để viết.

 Đôi khi ông có
đội cho nhân vật một cái tên họ khác đi thì cũng chỉ là một sự thay hình đổi
lốt sơ sài, lộ liễu. 


Sự tò mò không bớt đi mà chỉ càng được khơi thêm mạnh mẽ. 

Đọc ông, trong tâm trí bạn đọc luôn luôn dậy lên những thắc mắc, không biết
giữa ông với những Bạch, Nguyễn, những kẻ xưng tôi trong các tùy bút, có mối quan
hệ như thế nào. 


Vậy là sự tiếp xúc của ông với bạn đọc đã hình thành. Nó làm
cho người ta cứ phải nấn ná giữa các trang sách để từ đó, khi đã đọc Nguyễn
Tuân một cách kỹ lưỡng, sẽ bắt gặp một con người nữa, con người tha thiết với
đời mà cũng là con người nhân hậu, tự trọng, hết lòng cùng nghề nghiệp, biết
gắn bó với vẻ đẹp trong truyền thống nghệ thuật của ông cha bằng một óc thẩm mỹ
độc đáo. 


Cái tầng  thứ hai này, cố nhiên,
sẽ là lý do để người ta yêu thích ông lâu dài. Nhưng nếu không có cái tầng thứ
nhất với cả những trò chơi trội độc đáo của chàng Nguyễn thì không chắc ngay từ
đầu tác phẩm của ông có được sức cuốn hút như nó đã có. Xét về tác dụng, huyền
thoại mà ông góp phần tạo ra không thừa, mà như nghề y cổ truyền, nó là một thứ
thang để “dẫn” thuốc cho con người.


So với quãng đời trước Cách mạng, thì từ sau 1945, cuộc
sống riêng của tác giả diễn ra theo một phương hướng khác hẳn. 


Cũng như tất cả
các đồng nghiệp khác, nhà văn Nguyễn Tuân từ đó có thêm một tư cách mới: tư
cách chiến sĩ. 


Con đường để ông đến với bạn đọc thường khi là con đường thẳng,
không khuất khúc như xưa.


 Nhưng đó là trên đại thể. Nhìn kỹ thì thấy, cách tồn
tại của Nguyễn Tuân trong văn học vẫn có chút gì khác thường và trong việc đưa
tác phẩm của ông đến với bạn đọc, con người ông vẫn có một vai trò như không hề
thấy ở các nhà văn cùng thời. 


Hãy chỉ nói tới một thời điểm rõ nhất: 20 năm
cuối đời ông. Lúc này, tên tuổi Nguyễn Tuân vẫn được nhiều người truyền tụng.
Đại khái, người ta hay rỉ tai nhau rằng đấy là một ngòi bút ngang bướng, sẵn
sàng nói ra những câu chướng tai, thích tự do cá nhân, và giữa thời chiến mà
còn khư khư giữ lấy nhiều nếp sinh hoạt cầu kỳ, xa lạ. 


Không chỉ những người
trong giới văn chương mà cả những người thuộc các tầng lớp xã hội khác không
liên quan lắm với văn chương, cũng biết về ông như vậy. Và người ta lại tìm đọc
ông để vừa thưởng thức văn tài, vừa cảnh giác dò tìm những chỗ ngang ngạnh của
ngòi bút. Thế là một lần nữa, Nguyễn Tuân lại “ghi điểm”.


 Xét trên một phương
diện nào đó thì sự tò mò mà ông gợi ra (trong đó  cái sai xen lẫn cái đúng) đã giúp rất nhiều
vào việc phổ biến những bài ký viết về phi công Mỹ và nhiều loại đề tài khác mà
Nguyễn Tuân cho in những năm cuối đời. Nhờ vậy, điều ông viết ra (tội ác và sự
kém cỏi của địch, thế mạnh, thế tất thắng của ta) – những điều khá đơn giản đó lại đến với
người đọc thấm thía hơn. 


Nếu không ngại dùng chữ huyền thoại thì có thể bảo là
cho đến lúc nhắm mắt, Nguyễn Tuân luôn luôn tạo được huyền thoại về mình, huyền
thoại ấy lần này giúp ông làm tròn sứ mệnh một chiến sĩ, một cán bộ viết văn mà
ông đã tự nguyện mang tất cả tài năng và tâm huyết để thực hiện. 


Từ chỗ là một
ngòi bút cô độc (như hai câu thơ cổ ông dùng làm đề từ cho bài ký Sông Đà:
Chúng thủy giai đông tẩu - Đà giang độc bắc lưu
– mọi con sông đều chảy ra
biển đông, chỉ riêng sông Đà chảy ngược lên phía bắc), ông đã trở thành một nhà
văn của mọi người
như những câu được viết trong sổ tang ông ngày ông nằm
xuống (1987).


Một thời và vĩnh viễn 


Tìm hiểu cuộc đời Nguyễn Tuân chắc nhiều người không thể
quên một chi tiết: ngay từ khi chưa đầy 30 tuổi, người tài tử ấy đã mấy phen
ngồi uống rượu ngang ngửa với ông thần ngông Tản Đà. Vậy là sự già dặn đến với
ông ngay từ lúc trẻ. Chắc chắn, sự già dặn ấy đã giúp ông có được cái định
hướng độc đáo trong việc tổ chức đời sống của mình mà việc tạo huyền thoại,
sống trong huyền thoại
nói trên, là một ví dụ.


Nay thì cùng với Nguyễn, tất cả đã trở thành quá khứ.
Trong khi những đứa con tinh thần thật sự của tác giả, những Một chuyến đi,
Chiếc lư đồng mắt cua, Chùa đàn, Sông Đà, Chuyện nghề v.v…
dần dần trở lại
đúng các vị trí mà chúng phải có, thì những huyền thoại không còn giữ được vẻ
thiêng liêng kỳ thú ngày nào. 


Đến với hiện tượng Nguyễn Tuân giờ đây, trong
lòng không khỏi thoáng qua cảm tưởng thanh vắng y như đến chùa nhưng ngày hội
đã hết, chỉ còn gác chuông, mái ngói và những pho tượng trầm tư. 


Ai người mau
xúc động thấy thế lại còn muốn ngả sang vẻ ngậm ngùi nữa! 


Họ quên mất rằng khi
đặt tên cho tác phẩm đầu tay của mình là Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân
đã tự chứng tỏ ông là người có một quan niệm chắc chắn về thời gian:
 thời gian
làm nên những giới hạn cho mỗi đời người, 
song những ai sống hết lòng với cái
thời của mình, người đó  coi như đã tìm
được cách để đến với vĩnh viễn.


In lần đầu trên Thể
thao&văn hóa
 7-1990. 


In lại trong Những kiếp hoa dại 1993







Viết thêm 10-2-2014

Trong bài báo trên, tôi mới chỉ nói qua tới việc chính Nguyễn Tuân tạo ra huyền thoại về mình -- nhất là huyền thoại ngông nghênh ngang ngạnh, thích tự do cá nhân, không ra chất một người chiến sĩ dễ bảo dễ chỉ huy...

 Dần dà rồi mới hiểu thêm một điều quan trọng nữa: cái huyền thoại ấy còn được cả xã hội nâng đỡ và bồi đắp thêm.

Người lãnh đạo cao nhất trong văn nghệ là Tố Hữu dường như đã có một chương trình quản lý và sử dụng Nguyễn Tuân bao gồm mấy bước: 

1/ đưa nhà văn này lên vị trí loại cao nhất trong giới 

2/ cho báo chí phê phán nhà văn không thương tiếc khi có biểu hiện chệch hướng 

3/ vẫn yêu cầu cấp dưới dành cho ông Nguyễn một sự ưu ái đặc biệt coi như một thứ của quý của xã hội, niềm tự hào của văn học dân tộc.

 Tôi được các nhà văn lớp trước, từ Vũ Tú Nam, Nguyễn Thành Long tới Nguyễn Khải Nguyễn Kiên... cho biết là sau vụ Nhân văn, trong những chuyến gọi là đi thực tế, Nguyễn Tuân được các tỉnh ủy huyện ủy tiếp rước hết sức cung kính. Ai cũng lấy việc được chiêm ngưỡng ông chiều chuộng ông là niềm tự hào. 

Quay trở lại với phần trách nhiệm chủ thể: Nguyễn Tuân thừa biết điều đó. 

Ông khai thác đúng mức những gì được phép và dừng lại ở chỗ cần thiết. 

Ông chỉ "sục sặc" "chọc ngoáy" vào những điểm phụ, những vấn đề không quan trọng. Khi bị phê phán ông không bao giờ cãi lại. Với báo chí, ông có một số bài ký thuộc loại hồi ấy gọi là phục vụ kịp thời, bản thân ông chỉ coi trả nợ cho xong chuyện. 

Quan hệ giữa ông và cách mạng rút lại có thể diễn tả bằng cái công thức phổ biến trong giao tiếp "hai bên lợi dụng lẫn nhau"(nó là một dạng biến tướng của mối quan hệ giữa chính trị và chuyên môn mà Phan Khôi đã đúc kết trong truyện ngắn Ông Năm Chuột, tuy là biến tướng xoàng xĩnh bậc nhất).

Cách sống ấy hẳn đã làm nghèo ông đi. Chắc chắn là ông đã mang theo xuống mồ rất nhiều ý tưởng mà nếu viết ra có thể mang vạ, nhưng lại có lợi cho nhân dân đất nước về lâu dài. 

Nhưng sự tha thiết với chính niềm tin của bản thân ở ông cứ leo lét dần. 

Ông không dám chỉ viết cho mình, viết cho đời sau, như cách sáng tác của cánh họa sĩ Nghiêm Liên Sáng Phái mà ông rất hiểu. 

Ông chấp nhận làm theo đơn đặt hàng, và khi không thích làm thì nghỉ, chơi. 

Trong thâm tâm, ông tự nghĩ cái tạng của mình là thế, mình cần làm thế để sống. 

Nếu theo dõi cả thời trai trẻ, người ta sẽ thấy cách sống cách tồn tại dưới dạng thích ứng một cách thụ động như thế thật ra là hợp với tính cách "sống bằng bề nổi" của ông. 

 Nhìn ra chung quanh lại thấy đây là cái mạch sống chung của tuyệt đại đa số nhà văn cùng lứa cùng thời cùng cảnh ngộ với Nguyễn.

Trong đám đông, ông vẫn bảo đảm được tính độc đáo của mình. Thế là đủ.

 Trong tập chân dung văn học Cây bút đời người,  khi viết về ông, tôi đã đặt tên bài viết là Nguyễn Tuân, người nhập vai, là với ý ấy. Song lúc đó nội dung này mới được khai thác hời hợt và dừng lại ở một gợi ý xa xôi. Nay xin bổ sung vài điều sơ lược như trên để tiếp tục nghĩ thêm. 





















Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét