Xoay xở trong bất lực

       Ở tuổi sắp sửa về hưu, hè năm ngoái ông T. bạn tôi có đứa con được gọi vào mấy trường đại học, mà không thấy vui. Sau hỏi lại mới biết cả năm qua con ông chỉ học mấy môn linh tinh, học về cứ thở dài sườn sượt, mà lại chơi bời hư thêm.
      Tình cảnh thế này từ lâu ông T. đã đoán ra mà cựa không nổi. Ông giải thích:” Con tôi thế nào tôi biết chứ. Thành thử từ lúc nó học phổ thông, nhìn tôi đã sợ. Vớ vẩn thế mà cũng học sinh giỏi thì còn ra thế nào. Trông đứa con thấy như mua phải thứ hàng giả. Thích ứng với hoàn cảnh hôm nay đấy, nhưng chắc là không có chỗ đứng trong tương lai. Buồn! Nhưng chẳng lẽ cho nó ở nhà ?”
     Chắc không có nước nào có chuyện làm ăn như nước mình thật.Thiếu cán bộ có trình độ đại học ư? Thì cho phép thả cửa mở ra vài trăm trường. Nhưng trường không có thầy, thầy không biết dạy, cơ sở nửa đời nửa đoạn, tiên thiên bất túc. Bây giờ tranh nhau lôi kéo, miễn sao dụ được đám học sinh các trường trung học phổ thông vừa tháo khóan đỗ tốt nghiệp gần 100% mỗi năm vào để thu học phí cao.
       Thế tại sao các trường đó vẫn được mở?
        Cấp trên thì được cái tiếng là chú trọng giáo dục, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu hội nhập. Địa phương thì thấy oai là tỉnh mình cũng có đại học, nay mai quan chức trong tỉnh cũng bằng cấp hết, có khi lại tiến sĩ cả một lượt chứ không tú tài cử nhân loàng xoàng gì!
        Các ông thừa tiền thì tìm thấy chỗ đầu tư và trước hết có lý do xin đất giá rẻ. Ngay các nhà giáo cũng sung sướng bởi thấy mình lên hương, tha hồ đòi thêm cho các giờ giảng và chạy xô ăn tiền.
       Làm kinh tế thì còn khó, chứ văn chương là một, giáo dục là hai, nước mình ai mà chả biết làm? Có lúc ông T. bảo không chừng đây là vụ Vinashin trong giáo dục vì tạo ra một món nợ rất lớn với tương lai đất nước, chẳng qua vì huy động vốn xã hội, ngấm ngầm móc túi người trong nước, nên trong cơn bất lực, người ta đành chịu thế thôi.


Thiếu cái gì thì lại hay nói về cái đó
         Một trong những lý do khiến nhà giáo Trần Quốc Vượng còn sống được anh em trong nghề chúng tôi yêu mến là những khái quát giầu chất trực giác,  đại khái như có lần ông bảo rằng nước mình bây giờ cứ nơi nào đang nói đoàn kết đó chính là nơi đang có lắm phe phái hoặc đang mải đấu đá.
        Trực giác của cụ Vượng linh ứng thật. Tìm đâu cũng thấy minh họa. Ví dụ ai cũng cảm nhận thấy văn hóa VN quá nhiều yếu tố học đòi từ nước ngoài, thế là ra sức đề cao bản sắc, dù thực chất vẫn chẳng hiểu bản sắc là gì.Trong lúc  ngành nào cũng kêu làm ăn tự phát không kiểm sóat nổi, thì có những bệnh viện đưa ra chỉ tiêu một năm phải cấp cứu từng này người, chụp chiếu cho từng này người, còn các trường học thì từ lâu đã có chỉ tiêu là bao nhiêu phần trăm khá giỏi.
      Ở cái xứ coi thường trí thức như hiện nay, từ trên xuống dưới lại rất sính bằng cấp.
       Không ai bảo ai, một thứ thói quen chi phối lối ứng xử như thế với yếu kém đã hình thành. Trên đại thể, thứ nhất, các chủ thể rất nhạy cảm với cái gì không có hoặc đang thiếu. Thứ hai, ta hiểu rằng cái đó rất cần cho chúng ta, thiếu là không khá lên được. Thứ ba, cũng rất nhanh, ta tự hiểu không biết bao giờ mới có . Thì lấy hàng giả thay thế. Làm thật to thật ồn. Người hiện đại bảo thiếu cái gì thì lại hay nói về cái đó. Dân gian khái quát: Câm hay nói què hay đi!
    Cái chết của lối ứng xử nói trên là nó tạo ra một hiệu ứng giả tạo, chỉ biết số lượng, còn như không cần biết thực chất sự vật là gì. Như đi đêm. Như buôn lậu. Làm trong tư thế liều lĩnh, đối phó. Tự mình nhắm mắt lừa mình trước khi lừa người khác.     


Bất lực và nháo nhào đi tìm giải thóat
        Câu chuyện của ông T. bạn tôi xem ra không tìm thấy cái kết có hậu. Nhưng ông không chịu.
      Theo mốt, ông tính chuyện cho con du học . Nhưng mấy người trong họ và bạn bè sớm cho ông một bài học, dạo này du học sinh người Việt ở các nứớc mất giá lắm, đám trẻ sang bên đó cứ vón cục lại chơi bời đàn đúm chứ có học hành gì đâu. Mấy đại học nước ngoài được mở tại chỗ nhiều cái cũng chỉ lo  kiếm  tiền nên chiều  mình người mình cho xong. Bí vẫn hoàn bí!
        Chưa hội nhập đã sợ hòa tan, hóa ra người ta nước đường nước suối, sỏi đá như mình hòa tan sao nổi. Đám trẻ được gửi đi một cách bừa bãi nay mai quay về lại du nhập thêm  những thói xấu.
     Còn một giải pháp nữa liên quan đến cách giải quyết sự bất lực bạn tôi đã thử mà chưa thoát là chuyển sang cầu cúng.
     Lướt sóng chứng khóan. Mua bán đất. Con cái đi học đi làm. Những vụ việc kỳ cục giữa tình trường cay đắng ...Những người như ông T. đang mang tất cả chuyện cuộc đời ôi oai và bế tắc đó đặt vào tay thần thánh và gọi nó là nét đẹp văn hóa.
     Khi tính chuyện hội nhập, người ta bắt đầu hiểu lý do bất lực là ở quá khứ. Nhưng cầu cúng thì lại là sự thú nhận rằng một chút tin ở tương lai nay sao khó kiếm quá.


Đã in trên TBKTSG số ra 28-4-11


     






Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét