Cách gọi tên các tháng trong tiếng Việt cổ nói chung bình thường, nếu không kể tới mấy trường hợp đặc biệt: tháng mười một gọi là tháng một, tháng mười hai gọi là tháng chạp, và tháng đầu năm gọi là tháng giêng.
Đối với tháng mười một, cách gọi này hơi bất tiện, nên nó đã tự động bị loại bỏ: riêng cách gọi tháng chạp, tháng giêng thì không vướng cái nhược điểm ấy.
Có lẽ bởi vậy, nên nhiều cuốn từ điển loại như Việt- Hán, Việt- Nga, Việt- Anh vẫn ghi các từ này, để người ngoại quốc được biết. Cũng như một số nhà dịch thuật vẫn dùng các từ này để dịch xuôi.
Như cách hôm nay chúng ta hay nói, đúng là nếu được dùng, nó có làm tăng thêm bản sắc Việt của văn bản.
Song trên các phương tiện thông tin đại chúng của ta một hai chục năm gần đây, hầu như cả hai từ ấy lại có ít cơ may được sử dụng. Vào những ngày đầu năm, nếu xem các chương trình ti-vi, luôn luôn người ta được nghe nói ngày bốn tháng một (4-1), ngày năm tháng một (5-1) v.v...
Và nếu đó trở thành xu thế chủ đạo thì tức là những từ vốn sống dai dẳng, từ mấy trăm năm qua -- bằng chứng là chúng, cả tháng giêng và tháng chạp đã được ghi trong Từ điển Việt-Bồ-La của A. de Rhodes (1651) -- đến nay có nguy cơ trở thành tiếng Việt chết, một thứ tử ngữ.
*
Lý do người ta có thể nêu ra khi nói tháng một mà không nói tháng giêng.
- Sợ có bạn đọc, bạn xem truyền hình không hiểu.
- Muốn cho mọi chuyện trở nên đơn giản “đã có từ tháng một rồi, thì việc gì còn phải dùng tháng giêng nữa, cho rách việc”.
Nhưng liệu có thể nhân danh sự đơn giản (và cả sự trong sáng nữa!) để khai tử những từ đã có sức sống lâu bền?
Tôi ngờ ở đây, mọi chuyện được làm theo một thói quen tự phát, hơn là có suy nghĩ cẩn trọng, và đó là điều nên được tính lại.
*
Bên cạnh những từ, những cách nói mất đi (hoặc có khả năng mất đi) lại có những từ mới, những cách nói mới ngày một sinh sôi nảy nở. Một cháu nhỏ bốn tuổi khoe với tôi món đồ chơi mới được mẹ mua:
- Cái ô tô này hơi bị đẹp đấy bác ạ.
Rồi sợ tôi hiểu lầm, cháu giảng giải thêm:
- Hơi bị đẹp là đẹp, chứ không phải là xấu đâu!
Cháu nhỏ quả có sự nhạy cảm cần thiết. Trong tiếng ta, từ bị thường đi kèm với ý kém, dở, đáng bỏ đi (“bức tường đã bị ngả màu”, “bộ cánh đã bị loại sớm”...), nhưng ở đây, nó lại được dùng để lưu ý tới một trạng thái tốt, có chất lượng. Thì đúng là một cách nói lạ rồi còn gì! Có điều, tuy chỉ mới gia nhập vào kho tàng tiếng Việt độ mươi năm nay song nó, cũng như một vài cách nói khác (rách việc, ti tỉ lần..) đang trở nên phổ biến, và từ chỗ chỉ dùng để đùa bỡn, đi dần sang các lĩnh vực nghiêm chỉnh.
Sau chuyến thăm Mỹ cuối 1995, nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến kể với tôi là khi nói chuyện với Việt kiều, ông đã lưu ý tới những hiện tượng mới trong tiếng Việt như hơi bị đẹp, và người nghe tỏ ra khá hào hứng.
Liệu những cách nói này có quyền tồn tại lâu dài?
Tôi đoán ở đây không mấy ai biểu quyết phản đối.
*
Do việc tiếp xúc với các thứ tiếng nước ngoài được mở rộng, nên nhìn chung, không chỉ vốn từ mà cả kiểu câu của ta cũng đang trở nên phong phú hơn. Chẳng hạn, đây là một kiểu câu mới.
- Tại cuộc họp, đã thảo luận các dự án xây dựng một khu chế xuất.
Loại câu này ban đầu được sử dụng để dịch các câu vô nhân xưng trong tiếng nước ngoài. Sở dĩ nó được chấp nhận, bởi nó gợi lại một cách đặt câu vốn có:
- Trong thôn, đang lan truyền một bệnh dịch.
- Trên đỉnh đồi, hiện ra một lùm cây.
- Sau lưng theo một vài thằng con con
(Truyện Kiều)
Thế nhưng việc gì cũng phải có giới hạn của nó. Từ kiểu câu nói trên, người ta đang đi đến chỗ dùng giới từ ở đầu câu một cách quá ư hào phóng đến mức... làm câu không còn ra câu nữa. Ví dụ:
- Với sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô đã làm cho các em ngày một tiến bộ.
Tôi cho rằng đây là cách nói sai, chứ chẳng phải sáng tạo gì cả. Nó không làm giàu thêm, mà chỉ làm tiếng Việt thêm tạp nhạp, luộm thuộm.
Chữa như thế nào? Ta hãy bỏ bớt một hai chữ thừa để có một trong hai câu sau:
1/ Sự giúp đỡ tận tình của các thày các cô đã làm cho các em ngày một tiến bộ.
2/ Với sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô, các em ngày một tiến bộ.
*
Vai trò sàng lọc và cố định ngôn ngữ dân tộc trước tiên thuộc về các nhà văn, nhà giáo. (Lâu lắm không nghe thấy có nhà văn nào mới xuất hiện, mà được người trong giới khen là có văn, văn hay, văn đẹp!).
Song trong thời buổi bùng nổ của các phương tiện thông tin đại chúng như hiện nay, thì cái sự làm giàu, làm sạch tiếng Việt còn phải trông chờ ở các nhà báo (cả báo viết lẫn báo nói) và nói chung bất cứ ai có sử dụng đến chữ nghĩa để phát ngôn trong xã hội.
BỔ SUNG 5-2011
1-- Không chỉ chữ tháng giêng mất đi mà nhiều chữ khác cũng đang mất trong đó có chữ chết. Nếu xem TV hàng ngày, sau một tai nạn giao thông, bao giờ cũng chỉ thấy nói số người tử vong chứ không thấy nói chết bao giờ.
Mở rộng ra mà xét, tôi có cảm tưởng so với thời tiếng Việt chín đẹp nhất là thời tiền chiến ( 1930—1945 ) thì tiếng Việt từ sau 1945 đang có sự phát triển tự phát. Có mặt giàu lên nhưng nhiều mặt khác nghèo đi, khô cứng hơn.
Chiến tranh ở nước nào cũng vậy làm cho ngôn ngữ mang màu sắc quân sự hóa.
Công cuộc phát triển và quá trình hội nhập làm cho ngôn ngữ bề bộn, pha tạp mà vẫn không đủ khả năng chuyển giao cho con người các vấn đề của xã hội hiện đại.
2-- Ở các nước, người ta có làm một loại từ điển, đếm xem tần số xuất hiện của từng từ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đó là thống kê giúp cho xã hội quản lý vốn từ của mình. Ở ta chưa biết bao giờ mới có loại từ điển này.
-- Năm 2002, Viện ngôn ngữ học đã cho in một cuốn Từ điển từ mới tiếng Việt. Chữ mới ở đây là tính theo mốc thời gian từ 1985 tới 2000.
Đáng lẽ còn phải làm thêm những từ điển khác
Từ điển những từ cũ có nghĩa mới
Từ điển những kiểu câu mới cách nói mới trong tiếng Việt
Và nhất là cần Từ điển những từ Việt gốc nước ngoài
Đây chỉ mới nói về những việc cần làm. Chứ xem cách làm các loại từ điển hiện nay, thì có học theo thiên hạ làm gì đi nữa, rồi ta cũng chỉ bắt chước được phần bề ngoài mà không sao biến nó thành việc nghiêm túc đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội.
Bài II
Cửa hàng sách ấy là chỗ tôi thường lui tới. Người bán hàng đã quen giọng tôi từ lâu. Tôi nhớ là lúc đó, tôi cũng không có việc gì vội, nên nói khá từ tốn. Ấy vậy mà người bán hàng cứ ngớ ra không hiểu mấy tiếng tôi vừa nói và mãi đến lúc tôi lục ra cuốn sách, anh ta mới mỉm cười, ngỏ ý xin lỗi.
Quyển sách gì mà có cái tên khó nghe, khó nhớ đến thế?
Xin thưa, đó là cuốn Tuỳ tưởng lục của nhà văn Ba Kim, do Trương Chính và Ông Văn Tùng dịch, NXB Văn hoá Thông tin, 1998.
Ở trang 3, sau cái tên Tuỳ tưởng lục, cũng không có chua thêm mấy chữ này nên hiểu là gì. Tôi đành vận dụng hiểu biết của mình để cắt nghĩa. Tuỳ đây hẳn là tuỳ ý, tuỳ tiện. Tưởng đại khái là nghĩ ngợi. Còn lục, chắc không phải là sáu mà là ký lục, biên chép. (Truyện Kiều: Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh).
May quá, lúc giở đến trang 8, ta cũng thấy những người dịch nói tạt ngang, đại ý bảo rằng mỗi bài (trong tập) đều có tên riêng, nghĩ đến chuyện gì, viết chuyện đó đúng như cái tên chung “tuỳ tưởng”.
“Một thứ nhớ gì ghi nấy, nghĩ gì ghi nấy” - tôi luôn tiện trình bày quá trình “giải mã” của mình với người bán sách, để giá có ai hỏi, anh ta còn bật mí cho họ hiểu một cách sơ lược. Cắt nghĩa xong, thấy hú vía, giá quyển sách nào tên tuổi cũng phải mò mẫm mãi mới đoán ra nổi thế này, thì cũng sợ luôn, không dám đến với các quầy sách nữa. Hoặc có đến thì phải mang theo từ điển.
*
Đông Chu liệt quốc và Thuỷ hử, Hồng lâu mộng và Tây du, Vũ trung tuỳ bút và Truyền kỳ mạn lục, rồi Ngọc lê hồn, Tuyết hồng lệ sử, rồi Lôi Vũ, Nhật xuất, A. Q chính truyện... Kể ra, từ xưa tới nay đã bao nhiêu tác phẩm, hoặc của người Trung Quốc, hoặc của tổ tiên ta, viết bằng chữ Hán khi dịch ra tiếng Việt, cứ để nguyên cái đầu đề sẵn có, và người đọc mặc nhiên hiểu. Vậy Tuỳ tưởng lục nói ở đây cũng là chuyện thường tình, có việc gì mà phải ồn lên?
Trước một lời phản bác như thế, xin phép được trả lời vắn tắt:
- Một là cái gì người trước đã làm, hay thì ta nên theo, dở thì ta nên tránh, chứ sao lại nhắm mắt làm theo để đánh đố bạn đọc?
- Hai là trong thực tiễn dịch thuật từ Hán sang Việt, cũng đã có nhiều kỳ công sáng tạo. Trong phạm vi các đầu đề thôi, cũng đã có thể tạm kể, như lấy Chuyện làng nho để dịch Nho lâm ngoại sử, lấy Rừng thẳm tuyết dày để dịch Lâm hải tuyết nguyên, lấy Chuyện cũ viết lại để dịch Cố sự tân biên. Thế thì một bản dịch của năm 1998, có nên bệ nguyên xi cách đọc theo âm Hán-Việt ra ngoài bìa sách, như Tuỳ tưởng lục?
Lại như e rằng dịch ra không diễn đạt được hết ngụ ý tác giả? Thì sao không dùng cái cách một số người khôn ngoan đã dùng, là sau nghĩ gì ghi nấy, chua thêm ba chữ Tuỳ tưởng lục, để cả người thạo chữ Hán lẫn người “chữ nhất bẻ làm đôi không biết”, đều được thoả mãn?
*
Cái sự ép buộc, bắt bạn đọc phải ăn tươi nuốt sống những từ Hán-Việt mà họ chỉ hiểu lờ mờ, không chỉ thấy trong việc xử lý đầu đề, mà ngay trên văn bản tác phẩm.
Đại khái, nếu tra từ điển, tôi cũng biết tản nghĩa là thong thả, không kiềm thúc, còn đạm nghĩa là nhạt. Song quả thật là tôi hoang mang không hiểu hai chữ ấy, khi ghép lại nghĩa là gì. Không may cho tôi là nó lại vừa xuất hiện trên một tạp chí chuyên ngành văn chương, tờ Văn học nước ngoài. Trên số 5 của năm 1997, tờ tạp chí này có in một loạt tản văn của Giả Bình Ao với lời giới thiệu trang trọng. Khi cắt nghĩa những đặc trưng của tản văn và nêu mấy yêu cầu đặt ra với nhà văn sử dụng thể tài này, người giới thiệu đâu tới vài ba lần dùng chữ tản đạm. Theo chỗ tôi tra cứu, chẳng những các từ điển tiếng Việt chưa ghi nhận từ này bao giờ, mà trong các văn bản thông thường hoặc truyện ngắn, tiểu thuyết đã in, nó cũng chưa hề một lần xuất hiện.
Khi nghe tôi than vãn về một vài từ thuần Hán khác như tiễn thủ, dã sinh, hân thưởng... cùng với tản đạm, được sử dụng có phần tuỳ tiện, có người tỏ ý bênh: làm thế để giúp cho tiếng Việt ngày thêm phong phú.
Tiếng nước nào cũng có chuyện bổ sung thêm từ mới. Song theo tôi nghĩ, đó là một việc cần được làm có tính toán, cân nhắc, lại có sự chuẩn bị chu đáo, giúp cho bạn đọc tiếp nhận được chính xác nghĩa của từ mới. Chắc chắn, đó không thể là một việc làm bột phát, chẳng hạn trong lúc mải dịch, không tìm thấy từ tương đương, thì cứ theo âm Hán Việt mà chép, rồi ai muốn hiểu thế nào thì hiểu.
*
Xung quanh câu chuyện “nhập lậu” cách dùng từ đặt câu của tiếng Hán vào tiếng Việt, còn một hiện tượng nghiêm trọng hơn và cũng đang có cơ phổ biến!
Một trong những nguyên tắc chủ đạo của ngữ pháp tiếng Việt là từ được cọi là quan trọng để trước, từ phụ thuộc để sau, ví dụ ở ta ai cũng nói cái đồng hồ của tôi, người tình cũ, làng Hồ Khẩu, trong khi ở tiếng Hán người ta nói ngược lại: ngã đích thủ biểu, cựu tình nhân, Hồ Khẩu thôn.
Thế thì giải thích và xử lý ra sao những cụm từ Hán Việt sử dụng cú pháp tiếng Hán, ví dụ câu lạc bộ, giáo khoa thư, hàng không mẫu hạm?
Như các nhà ngôn ngữ học đã xác định, đó là những hiện tượng tồn tại trong lịch sử, nên coi chúng là những ngoại lệ, tức những hiện tượng không bình thường và bất đắc dĩ mới dể cho các cụm từ tương tự xuất hiện. Vả chăng, khi cực chẳng đã phải làm công việc lắp ghép từ mới, thì có một nguyên tắc cần tôn trọng: chỉ sử dụng cú pháp Hán để ghép các từ cùng có gốc Hán, còn với các từ thuần nôm, thì hoàn toàn nghiêm cấm.
Tiếc thay, nhìn vào sách báo hiện nay, ngươi ta thấy nhan nhản những lối lắp ghép bừa bãi. Nào là cố nhà văn, cựu nhà viết kịch, nào là đệ nhất nhà hàng, Thanh Tú quán, cựu ngôi sao bóng rổ và cả thơ tuyển (với nghĩa tập hợp nhiều bài thơ được chọn).
Thử phân tích một trường hợp cụ thể: để chỉ một cây bút viết văn đã qua đời, có thể dùng cố tác gia hoặc nhà văn quá cố. Dùng cố tác gia thì sang trọng, nhưng cái chữ tác gia (với nghĩa người viết văn) không ai biết. Dùng nhà văn quá cố thì hơi dài. Để vừa sang trọng, vừa ngắn gọn, người ta liền sáng chế ra chữ cố nhà văn. Có biết đâu như thế là làm hỏng tiếng Việt!
*
Thằng con nhỏ của tôi mới đến tuổi đi học, rất thích thú với cái cặp đề rõ Bao Thanh Thiên bằng chữ Hán hẳn hoi. Học theo chúng bạn, nó hát:
Trên trời cao chim hót
Triển Chiêu đi với người yêu
Bao Đại Nhân không thích
Triển Chiêu đi ra công đường
Tôi giật mình chợt nghĩ: Khi cần hình dung lại mấy bộ phim còn in hằn lên trong đời sống tinh thần mình và bạn bè mấy năm nay, loanh quanh chỉ thấy toàn những Tây du với Khát vọng, Hồng lâu mộng với Tình Châu Giang, Tể tướng Lưu gù với Người Bắc Kinh ở Nữu ước.
Câu chuyện Tuỳ tưởng lục với lại cố nhà văn vừa nói ở trên hình như cũng nằm trong cái mạch ấy chăng? Trước khi tìm ra đối sách phải cùng nhau ghi nhận xem có phải đang có một điều gì đó cần được tính kỹ để giải quyết. Tức là trước khi bốc thuốc, hãy trả lời cho câu hỏi: có phải đang có một căn bệnh?
Cả hai bài I & II đã in trong Buồn vui đời viết, 1999
BỔ SUNG 5-2011
Ngày 26-4 -11 tôi được tham dự một cuộc trao đổi với chủ đề có nên đưa ngôn ngữ chat vào từ điển. Tôi đã nêu ý kiến của mình, vấn đề ngôn ngữ chat giống như một thứ tiếng lóng, không có khả năng phát triển
Đáng nghiên cứu ngay là những hiện tượng bao quát hơn. Ví dụ các nhà nghiên cứu phải sớm trả lời cho câu hỏi trong quá trình hội nhập, tiếng Việt đã có những biến đổi rõ rệt và theo hướng bị làm hỏng trên nhiều phương diện như thế nào.
Bài trên đây được viết từ 1998, nên chưa thể đặt ra hết tầm vóc của tai họa đang đe dọa tiếng Việt.
Gần đây, nhiều người đã nói tới việc đưa tiếng Anh vào cả văn viết lẫn văn nói, nhất là ở lớp trẻ. Loại bài này cần phải viết nhiều nữa.
Về phần mình, tôi thấy điều đáng ngại không kém là sự xâm nhập không được kiểm soát của tiếng Hán và cách nói của người Trung Hoa -- cả thời cổ lẫn thời hiện đại-- nó cũng đang làm hỏng tiếng ta một cách âm thầm đáng sợ.
Do chỗ tiếng Hán được đọc theo âm Việt nên ta có cảm tưởng đó là tiếng Việt và ai cũng biêt nghĩa của nó rồi. Đó là chiêu tự đánh lừa, nó thường xảy ra với người cẩu thả, thích trộ đời ( = nhiều ”tham vọng” ), ưa của lạ .
Nên biết rằng tiếng Hán lâu nay không được nghiên cứu, sự có mặt của nó trong quá trình lịch sử VN lại bị phớt lờ.
Tức chúng ta – cả xã hội -- đang sử dụng tràn lan một công cụ giao tiếp không được dạy và học nghiêm túc.
Hậu quả dẫn đến đã rõ. Một mặt chúng ta làm hỏng tiếng Việt của ông cha. Mặt khác, không những ngôn ngữ không có khả năng phục vụ cho sự nghiệp phát triển mà còn làm chậm nó, cản trở nó.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét