16-5
GIÓ HOANG CỎ DẠI
GIÓ HOANG CỎ DẠI
Vừa có một cuộc hội thảo về thơ Đồng Đức Bốn. Câu hỏi đặt ra với tôi -- đâu là cốt cách chủ yếu của thơ Bốn? Tôi đã thử trả lời cho mình qua bài viết mang tên Nhà thơ của gió hoang cỏ dại.
Tính chất hoang dã, theo tôi hiểu là thói quen dựa vào bản năng chứ không phải trí tuệ, trong sáng tạo nó có thể mang lại rất nhiều cái hay cái lạ, nhưng vẫn dừng lại ở tình trạng thô sơ, và không bao giờ hoàn chỉnh. Một đặc điểm của các giống hoang là có khi mùa này được mà mùa sau hỏng, không có tính cách ổn định, không được kế thừa. Từ trường hợp Bốn, lúc nào đó, tôi muốn đi sâu thêm, khái quát lên thành một đặc điểm của thơ ta hôm nay. Nó có nhiều biểu hiện khác nhau. Và nó xâm nhập vào cả những giọng thơ đã được thuần hóa.17-5
NÊN HIỂU THẾ NÀO VỀ VĂN HÓA ?
Có vẻ như chúng ta đã quá bằng lòng với quan niệm văn hóa của mình, vấn đề bây giờ chỉ còn là có tiền của để ”đẩy mạnh các hoạt động văn hóa đó cho có thêm nhiều thành tích”.
Nhưng trong mắt các nhà quan sát quốc tế không phải vậy.
Tháng tư 2011 vừa một cuộc hội thảo mang tên “Xây dựng chính sách cấp bách trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình”. Trong hội thảo bà Katherine Muller - trưởng đại diện UNESCO tại VN –cho rằng, ở VN hiện nay, văn hóa chỉ được nhìn nhận chủ yếu ở góc độ âm nhạc, biểu diễn nghệ thuật, bảo tồn di sản và chỉ có tác dụng làm đẹp thêm cho đời sống tinh thần của nhân dân.
Trong khi đó, theo bà, văn hóa còn phải được coi như động lực phát triển kinh tế và là yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững của cộng đồng và quốc gia.
Rút cục sự khủng hoảng hiện nay về văn hóa là sự khủng hoảng về quan niệm cũng như phương hướng.
Chừng nào việc xây dựng và ban hành một chính sách tổng thể về văn hóa và phát triển – một chính sách đúng đắn, phù hợp với quan niệm của cộng đồng các dân tộc khác trên thế giới , cố nhiên - được hoàn thành, từ đó chúng ta mới có cơ may làm những việc có ý nghĩa thực sự.
Khốn nỗi bảo rằng ta không biết làm kinh tế thì người ta chịu, chứ bảo rằng ta không biết gì về văn hóa thậm chí còn làm nhiều việc vô văn hóa hủy hoại văn hóa thì từ quan chức đến người dân thường, phần lớn có ai lại chịu?!
Mỹ từ ”nét đẹp văn hóa” đang được người ta dùng để tô son vẽ phấn cho nhiều việc làm hủ lậu, hư hỏng.
21-5
CUỘC SỐNG Ở TRONG NGÔN NGỮ
Trên một khu đất hoang, tôi đọc được một biển đề Cấm đổ rác ở đây. Xin cảm ơn.
Cái đáng chú ý của hàng chữ này là ở chỗ tâm thế lạ lùng của người viết ra nó, khi hướng về người qua đường.
Nửa đầu là kiểu ra lệnh, chữ to nghiêm chỉnh, cạnh đó còn đoạn gạch chéo, như muốn răn đe dọa nạt.
Nửa cuối là sự vớt vát, muốn đi tới cách giao tiếp đặc trưng một xã hội văn minh, đằng sau đó là sự biết điều, là kêu gọi thông cảm.
Nhưng dòng chữ Xin cảm ơn lại được viết rất cẩu thả, như sau khi viết xong nửa trên, mới nhớ ra phải viết thêm. Cho thức thời. Cho phải đạo.
Hình như mọi mối quan hệ công dân ở ta bây giờ là vậy, ỡm ờ, nửa nạc nửa mỡ.
Hồi còn nhiều lễ hội đầu năm, tôi còn đọc được trên một bảng thông tin ở một phố cổ: Thông báo mời.
Chắc cũng có thể dùng những lời bình luận tương tự.
23-5
NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA
MỘT XÃ HỘI HẬU CHIẾN
Có lần tôi đã dẫn ra câu chuyện nhà Trần sau chiến thắng quân Nguyên tăng thuế ra sao. Hôm nay đọc sang thời Lê sơ sau chiến thắng giặc Minh.
Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Kế ( trong bài mở đầu cho sách Quốc triều hình luật—Lịch sử hình thành nội dung và giá trị NXB Khoa học xã hội 2004 ), thì vấn đề chính của sự phát triển xã hội hậu chiến là bộ máy quan lại.
Tài năng, đạo đức, chất lượng làm việc của đám người quản lý đất nước này rất tệ hại. Lê Thái Tổ từng khái quát là nhiều công thần chung quanh ông ” không có ai chịu hết lòng với nước, chỉ ham nghĩ phú quý mà thôi”.
Lê Thái Tổ làm vua từ 1423 đến 1433. Tiếp đó là Lê Thái Tông 1433-1442, rồi Lê Nhân Tông 1442 -1459. Cả hai vị nối tiếp Lê Lợi đều lên ngôi lúc còn trẻ, người mới 11 tuổi, người mới 2 tuổi, nên quyền hành đều ở trong tay các quan. Chính Lê Thánh Tông, người làm vua từ 1460, đã nhận xét trong khoảng thời gian hai vua nói trên trị vì, ” trên thì tể tướng dưới thì trăm quan bừa bãi hối lộ ( Sách QTHL, tr.14)
Tiếng là các quan đầu triều nhưng các loại đại thần thời đó may lắm chỉ thạo việc binh đao, còn quản lý đất nước thì không rành việc. Yếu kém sinh ra hư đốn. Nguyễn Hải Kế có dẫn lại từ bài Trung Hưng ký:
” Tể thần Lê Khuyến, Lê Sát thì dốt đặc. Chưởng binh như Lê Duyên Lê Luyện thì mù tịt”
” Phường dốt đặc như ong nổi dậy, kẻ xiểm nịnh được nghe theo”
Nói thêm về Lê Sát. Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim ghi ông từng theo vua lập được công to, làm quan đến Đại tư đồ. Nhưng ” Lê Sát là người ít học... lúc làm Phụ chính thường hay cậy quyền trái phép, làm nhiều điều kiêu hãnh, hễ triều thần ai là người không tòng phục thì tìm cách làm hại ” ( VNSL bản Tân Việt 1951, tr 238)
24-5
MỘT MẨU TIN VỀ MÔI TRƯỜNG
Chỉ 30% những phản hồi bức xúc của người dân với cơ quan quản lý về vấn đề suy thoái sông ngòi được phản hồi, trên 30% cộng đồng dân cư không biết làm gì để bảo vệ sông ngòi… Với những số liệu được trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) công bố ngày 24.5 tại Hà Nội, dường như những vấn đề ô nhiễm sông, chất lượng nước hay suy giảm về nguồn lợi thuỷ sản không đáng báo động bằng vấn đề nhận thức trách nhiệm.
“Việt Nam có 2.360 sông và 26 phân lưu, hơn 7.000km đê sông và đê biển. Rất nhiều các sông đều có đập dâng, hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện… Nhưng bây giờ nếu hỏi sắt đâu, vàng đâu, thì phải hỏi thổ phỉ!” Các thác đẹp đều bị ngập chìm dưới các hồ chứa! GS.TS Ngô Đình Tuấn, chủ tịch hội đồng khoa học viện Tài nguyên nước và môi trường Đông Nam Á đã bắt đầu tại buổi hội thảo “Sông ngòi Việt Nam dưới góc nhìn của báo chí và cộng đồng” ngày 24.5 như vậy.
25-5
NGƯỜI VIỆT QUA QUẢNG CÁO TRÊN TV
Năm ngoái năm kia, tôi nhớ có một quảng cáo như sau. Mấy đứa trẻ đi học về. Chúng chạy sầm sầm vào nhà mở tủ lạnh lục ra mấy vỉ sữa, vừa ăn vừa thè lưỡi ra ngay trước ống kính truyền hình. Tôi nói với người trong gia đình, giá con cháu nhà mình mà hiện ra trước mặt mọi người như thế thì không dám vác mặt đi đâu nữa.
Năm nay lại cảnh mấy cô gái mặt bừng lên khi được nhận những món quà biếu, hoặc ông trí thức kéo cả nhà cổ động cho một kiểu ti-vi đời mới.
Chẳng phải chúng ta đang hồn nhiên tự bộc lộ đó sao? Tất cả vui sướng làm người của ta rút lại là ở những sự hưởng thụ ngang tầm thế giới như thế này chăng ?
Tôi thầm cảm ơn cả người tổ chức quảng cáo lẫn người tham gia quảng cáo vì giúp tôi thêm bằng chứng để khái quát về con người đương thời, mặc dù không khỏi ái ngại cho bao nhiêu bạn trẻ, các bạn suốt ngày sống trong những quảng cáo thế này thì còn chí khí đâu để học hành cùng là tu thân cho nên người nữa.
Nhớ tới Hà Nội trước sau 1954, tôi nhớ trên trên xe điện lúc ấy có một loại trẻ bán kem và mấy người lớn hơn bán các loại hàng lặt vặt, họ thường rao rất vần vèo ” kim băng khâu một đồng một tá – đá lửa hào ba viên”. Chúng tôi thường gọi chung giọng họ là giọng ” lơ tẩy hồng”.
Liên hệ tới quảng cáo ngày nay trên TV. Để chuyện hình ảnh sang một bên, chỉ xét về cách nói -- bao gồm cách lên giọng xuống giọng để gây chú ý, cái vui sướng đằng sau những lời ngon ngọt mang tính cách dụ dỗ mọi người – sao tôi thấy dù đã cách xa đến gần sáu chục năm mà cũ mới xưa nay giống nhau đến vậy.
28--5
NỖI LO THẤT NGHIỆP
Tuy không có những bai điều tra cặn kẽ, nhưng từ nhiều tin khác nhau, đã có thể suy ra làn sóng thất nghiệp đang ngấp nghé. Đại loại như Ô tô Việt Nam – từ lắp ráp sang buôn xe hoặc thu nhập thấp, điều kiện lao động khó khăn... đã khiến gần 1.000 CNLĐ ngành đường sắt đơn phương xin chấm dứt hợp đồng làm việc. Tôi nghĩ tới những người thất nghiệp. Người mình hôm nay làm gì cũng nghiệp dư, nay chút nghiệp dư ấy cũng biến mất. Thay vào đó, là cuộc vật lộn tay bo. Là sự cuồng nhiệt của những kẻ dám làm mọi việc để kiếm sống.
” Sau cái thời của không biết đến hy vọng sẽ đến cái thời không biết sợ hãi” .Cách khái quát này chắc không chỉ đúng với bên Tây bên Tầu mà cũng đúng với VN nữa.
HỘI NHẬP NGÀY NAY
Chuyện buôn ngà voi ở châu Phi, chuyện trồng cần sa ở Anh, chuyện mò san hô ở Úc... Qua cả báo chí lẫn những lời đồn đại ngoài đường, thấy nhiều tin về người Việt ở nước ngoài tham gia vào những hoạt động bất hợp pháp. Tháng nay lại thấy rõ hơn, chẳng hạn qua chuyện có nghi vấn là các nhân viên ngoại giao VN ở Ấn Độ tham gia vào buôn lậu ô tô. Báo chí đã phải lên tiếng.
Về cái khoản này, chắc khả năng xuất khẩu của mình hùng hậu lắm!
29-5
NHƯ VĂN TIỀN CHIẾN
Sen mau tàn!
Sen có cành nhỏ, thân xốp, bông lại lớn. Với thân xốp khỏe hút nước, hầu hết hoa sen chỉ để cắm lọ . Chúng tôi ít dùng sen để cắm lẵng, vì khi cắm như thế, hoa sen nhanh “đi” lắm.
Nhìn chung, hoa sen mau tàn. Đã vậy, mùa sen lại ngắn. Nhu cầu mua hoa sen trang trí và làm quà tặng không nhiều. Rất ít khách hàng đặt hoa yêu cầu phải có hoa sen. Nếu có, thường rơi vào khách nước ngoài. Họ muốn có chút gì Việt Nam nên đặt hoa mang ra sân bay tặng khách. Hoa sen đi máy lạnh, nhưng cũng chỉ đến sân bay, rồi về khách sạn là oặt ra. Cũng có thể do họ không phải người cắm và bán hàng hoa nên không biết cách giữ gìn. Song lý do quan trọng nhất là do hoa thiếu nước.
Giờ đang mùa sen, người bán hoa sen đi lại nhiều. Nhưng ai thì cũng phải cắm hoa sen vào xô ngập nước. Háo nước như thế nên rất ít khi hoa sen được cắm bàn tiệc. Nếu có, cũng chỉ cắm xen, để những loài hoa khác “đỡ” cho. Sen hồng yếu hơn, nên phải “gia cố” nhiều hơn sen trắng. Nhìn chung, cắm hoa sen kiểu gì, ở đâu cũng phải chăm sóc liên tục. Tôi có nghe loáng thoáng về giống hoa sen Thái Lan trồng ở Việt Nam ra hoa to, bền nhưng mới chỉ có ở TP.HCM, còn chưa ra đến ngoài Bắc.
Đấy là chưa kể phân biệt đâu là sen, đâu là quỳ rất khó. Sen nở hồng. Quỳ cánh thâm dần, không nở mà lụi, thâm quắt đi. Có cửa hàng hoa lâu năm cũng không thể “ú tim” mà mua sen được. Nếu muốn đích thực sen, phải mua ở đầm, hồ trực tiếp.
Trên đây là một bài viết ngắn trên TT&VH cuối tuần. Nhân có việc bình chọn quốc hoa, báo phải có bài bàn về hoa sen và một phóng viên đã ghi lại mấy ý của bà Nguyễn Thị Hải, chủ cửa hàng hoa và bánh Jammy 37 Hàng Lược (Hà Nội).
Tôi đọc và cảm thấy lâu lắm mới được nghe tiếng nói của một người yêu hoa và thực là hiểu biết cặn kẽ về hoa, lại biết cách chia sẻ để mọi người cũng yêu hoa như mình. Y như một nhân vật của Thạch Lam, của Nguyễn Huy Tưởng còn đang sống. Ở đây không chỉ cách cảm cách nghĩ mà cả cách nói của con người thời tiền chiến .
Nhất là khi đối chiếu với thú vui người Hà Nội hôm nay mà chúng ta thấy và báo chí vẫn mô tả -- chẳng hạn qua mẩu tin sau:
Hà Nội ngày càng đông đúc với nhịp sống hối hả hơn. Thế nhưng, ẩn đằng sau sự tất bật ấy, người Hà Nội trẻ lại có những thú vui đằm hơn, ẩn hơn. Uống cafe ngắm thằn lằn châu Mỹ, kỳ đà bông... đang thưởng thức lũ sâu, giun, dế bò lổm ngổm trong bát ăn hay ôm ấp chú mèo lông trắng như tuyết đang là cách xả "xì trét" mà họ chọn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét