Tiền thưởng quan trọng thế nào? Thật bất ngờ, trong một xã hội mà phân công lao động còn đơn giản, các giá trị thường trôi nổi và không được đánh giá chính xác, mà ông cha ta có một câu tổng kết rất hay: Một quan tiền công không bằng một đồng tiền thưởng.
* Khen thưởng cuối năm: Vui là chính!
Công xá là sự đánh giá toàn diện về một con người, giữa người quản lý và người lao động có sự hiểu biết lẫn nhau, người lao động được định công đúng mức để duy trì cuộc sống và yên tâm làm việc. Nhưng một khi công việc đã quen thuộc đến mức trở nên tẻ nhạt, người ta rất dễ buông thả, lười biếng, làm cho xong chuyện. Một mặt khác, ý hướng muốn làm công việc cho tốt lại luôn luôn là cái mầm đẹp trong mỗi cá nhân tự trọng. Nếu được ghi nhận đúng mức, cái mầm tốt ấy ngày một lớn lên. Có thể ở điểm xuất phát, những nỗ lực vượt lên trên định mức chỉ là một sự tự ái hồn nhiên cũng tức là cái cách để mỗi cá nhân tự khẳng định. Nhưng nó có lợi chung cho cả xã hội, do đó cần được khuyến khích.
Có điều con người thời nào cũng có một chỗ yếu. Không ai nỗ lực mãi nếu không được chung quanh, nhất là người quản lý và theo dõi mình có sự ghi nhận đúng mức.
Bởi vậy từ xưa đến nay mới sinh ra bên cạnh công xá thì có thưởng. Chưa cần thưởng một cách khoa học chính xác (= tương xứng với giá trị kinh tế), chỉ cần những người cầm cương nảy mực “biết cho người ta”, ban thưởng chút chút nhưng kịp thời và - đặt trong tương quan chung, gọi là một sự ban thưởng hợp lý - thì cũng là điều động viên người lao động rất nhiều.
Thời xưa một quan to lắm. “Một quan là sáu trăm đồng - Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi” (Nguyễn Bính). Vậy mà ở đây có sự đảo ngược giá trị, một đồng to hơn một quan, lý do là vì như vậy.
Có một xu hướng đang chi phối cách khen thưởng hiện nay: Khen thưởng tràn lan, đánh đồng người chăm chỉ lẫn người lười biếng, giữa người chỉ có những nỗ lực cỏn con với người lao tâm khổ tứ hết lòng vì công việc. Đó không chỉ là một thứ bệnh quan liêu không có sự định mức hợp lý, không có sự đo đếm chính xác kết quả cụ thể. Mà ẩn đằng sau là một lối quản lý hời hợt, không chú ý đến những biến thái nho nhỏ trong tâm lý con người. Người xưa gọi lối ban thưởng quan liêu dễ dãi này là xoa đầu trẻ.
Nếu thưởng đúng là một cách trân trọng con người thì thưởng sai là một cách hạ thấp con người, có hại cho sự phát triển xã hội.
phapluattp 25/01/2010
0 nhận xét:
Đăng nhận xét