PHÓ NGHIỆP DƯ
Những ngày Hà Nội chỉnh trang đường xá. Đám thợ làm đường thường đổ nguyên vật liệu tung toé. Kỹ thuật thì cổ lỗ, đập dập bóp bẹp cho xong. Rất nhiều đoạn có lẽ do xi măng hay nhựa trộn không kỹ, vừa xong đường trông đã vênh váo, chưa mưa đã đọng nước …
Không cần hỏi cũng biết đây là đám thợ từ nông thôn lên, loại đa - di - năng nghĩa là không có nghề nghiệp rõ ràng, mới được gọi đi làm thay cho đám công nhân chính cống. Loại “phu lục lộ “ biên chế của nhà nước bây giờ chỉ giữ chỗ lấy tiền hưu, chứ thực ra nhiều người bỏ việc chạy mánh cả.
Ta hay nói chất nghiệp dư của mọi người làm nghề thời nay. Với đám thợ làm đường đón nghìn năm Thăng Long này, tôi nghĩ phải gọi là phó nghiệp dư mới đúng!
23-8
GỢI Ý TỪ MỘT NHÀ KINH TẾ
Ông Đặng Phong, một nhà lịch sử kinh tế qua đời. Tôi biết ông nhân một lần đọc cuốn Lịch sử kinh tế VN 1945-2000 do ông chủ biên, thấy có nhắc thoáng qua một điều gần như ai cũng nghĩ nhưng ít ai viết: trước 1975, kinh tế miền Nam đã ở trình độ cao hơn kinh tế miền Bắc.
Tự ngẫm nghĩ, thì thấy đúng thế, không thể khác được, không thể nói ngược như chúng tôi vẫn nói, hoặc lảng tránh cho là cấm kỵ, và lấy những chuyện khác nói át đi.
Nhìn rộng ra thấy không chỉ kinh tế tốt hơn mà giáo dục miền Nam lúc đó cũng hơn; không chỉ đường xá tốt, mà tư cách cá nhân của con người trong đó nói chung cũng trưởng thành hơn con người miền Bắc, trình độ hiểu biết và tuân thủ luật pháp tốt, giữa người với người có mối quan hệ tử tế, thanh thiếu niên lúc đó ham học và biết học hơn.
Như vậy dễ dàng công nhận là trình độ sống của bà con trong ấy cao, nhất là dân thành phố. Dấn thêm một bước, trong đầu tôi thấy vụt lên cái ý, liệu có thể nói rằng, xét trên phương diện hiện đại hóa, là con đường tất yếu mà xã hội phải trải qua, nhân dân miền Nam đã đi xa hơn, đạt tới tầm mức văn hóa cao hơn? Như vậy bản thân khái niệm văn hóa mà lâu nay tôi vẫn hiểu cũng phải được xem xét lại chăng ?
Tôi sẽ tự phản bác lại nhiều lần trước khi đi đến kết luận …
Nhưng càng đọc Đặng Phong ý tưởng trên càng không rời khỏi tôi.
Đặng Phong đã được mời đi giảng bài tại một số Đại học lớn bên Anh Mỹ. Các bộ sách về lịch sử kinh tế của ông đã xuất bản đáng quý ở chỗ có nhiều tài liệu ghi chép được từ các cuộc trò chuyện với các nhà chỉ đạo kinh tế quốc dân. Ông có lối làm việc khách quan khoa học, chỗ nào ý của người khác ghi rõ, chỗ nào ý của mình để riêng. Khi biết những chi tiết này, tôi thêm tin ở ông để nghĩ tiếp những điều ông đã nghĩ.
29-8
THÚ XEM TIVI … CÂM
Xem những bản tin thể thao Cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp , điều làm tôi thú vị nhất lại là phong cảnh những miền quê.
Quay về bản tin thời sự ở ta, nhìn cảnh người ta chuẩn bị đón một trận bão, không nhớ hình ảnh mấy ông chính quyền địa phương khoe là đang đi sâu đi sát chỉ đạo, mà chỉ nhớ một rọ đá với mấy sợi dây thừng đơn sơ, bụng nghĩ thế thì chống chọi sao nổi với những cơn bão hung bạo!
Còn một lần xem tin hình kể chuyện một kho vận hoàn thành kế hoạch, hình ảnh tôi nhớ nhất là sân ga, cỏ mọc um tùm.
Có lẽ cũng vì thế mà tôi thích xem ti vi câm, tức là mở TV ra, nhưng tắt tiếng đi, mà chỉ nhìn hình. Làm thế để nhân hình ảnh mà có thể ngẫm nghĩ ít chút, thú hơn là bị một người cứ léo nhéo bên cạnh.
Vả chăng nhiều khi, không cần nghe cũng đoán được là người ta nói gì rồi.
Trong truyện ngắn Phiên chợ Tết, Nguyễn Minh Châu cho một nhân vật về quê, chỗ nào cũng ghé mắt vào quan sát, nghe ngóng, chỉ riêng có cửa hàng sách có bán mấy đôi câu đối thì không, vì với anh ta, ” câu đối tết năm nào chẳng giống năm nào” .
Cái câu này của NMC nhiều lần trở lại trong đầu óc tôi, không cứ là tết.
3-9
MỘT BÀI THƠ
CỦA NHÀ THƠ MỸ FELIK POLLAK (1909-1987)
Tôi thường mang tiếng là chỉ nhìn ra trong đời sống những cái thô lậu xấu xí, chắc là trong suy nghĩ thiếu chất thơ, có người đã nhận xét. Sự thực , tôi vẫn đến với thơ theo cách riêng.
Trong sổ tay của tôi còn ghi được nhiều bài thơ tôi từng thích (và có một số bây giờ đọc lại vẫn thích), tôi định dần dần sẽ chép ra trên blog để chia sẻ với bạn đọc.
Sau đây là một trong những bài đó, tôi chép từ những năm trước 1975, không nhớ bài đã in ở báo nào năm nào.
Người anh hùng nói
Tôi đã không chịu đi
Chúng bắt tôi vào quân dịch
Tôi đã không muốn chết
Chúng gọi tôi là nhát hèn
Tôi đã tìm cách trốn
Chúng mang tôi ra tòa án binh
Tôi đã không nổ súng
Chúng bảo tôi là không có thớ
Chúng mở cuộc xuất kích
Một viên đạn ngấu nát ruột tôi
Tôi đau quá khóc lên
Chúng đưa tôi vào hầm trú ẩn
Trong hầm tôi đã chết
Chúng lặng lẽ chào tôi
Chúng đã gạch tên tôi
Và chôn tôi dưới một cây thánh giá
Chúng đọc điếu văn trong thành phố tôi sinh
Tôi không thể kêu lên là chúng nói dối
Chúng nói tôi đã cống hiến đời mình
Tôi thì cố mà giữ lại
Chúng nói chúng tự hào về tôi
Tôi thì đã xấu xa đi vì chúng
Tôi đã muốn sống còn
Chúng gọi tôi hèn nhát
Tôi đã chết hèn nhát
Chúng gọi tôi anh hùng
Đọc đến đây có thể có bạn đọc thắc mắc thơ lục cục lào cào quá, không hay. Tôi xin cãi lại bằng cách lưu ý rằng chính Xuân Diệu dịch bài này. Sinh thời , trong sáng tác ông là người không thích thơ không vần và trong kháng chiến chống Pháp, đứng ra chê thơ Nguyễn Đình Thi lúc ấy là đầu Ngô mình Sở. Nhưng ông lại dịch N. Hikmet, B Dmitrova bằng thứ thơ không vần hết sức hàm súc. Có lần ông còn thú nhận là dịch cho được loại thơ không vần này còn tướt mồ hôi, so với khi cần bẻ vần cho dễ đọc để đưa đẩy trong một số bản dịch loàng xoàng khác
0 nhận xét:
Đăng nhận xét