truyện ngắn Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Chim ưng
Cây sồi
(Cho Charlie P., trong tiếc thương vô bờ)
1.
Hết đồi lại đến đồi. Khu Danville tràn đầy những ngọn đồi. Căn nhà của Chú và Dì cũng ở gần đỉnh một ngọn đồi. Thơ mộng lắm. Những cây sồi đặc trưng của vùng này, ai đó đã trồng từ bao lâu không biết, điểm lác đác như những ông thần bảo vệ cho các ngôi nhà. Vườn tược xanh tươi, hoa cỏ óng mượt. Các loại hoa như thể chẳng ai trồng, cứ sau một cơn gió hay một trận mưa là được “cắm” xuống đất. Tự nhiên là vậy!
À, đừng quên nơi đây, khu “xóm” này, cũng là nơi từng có viên phi công tài ba hướng chiếc máy bay chở cả mấy trăm hành khách đáp nhẹ nhàng xuống dòng sông Hudson ở New York. Nhớ năm nào sau sự kiện “Hudson River” ấy, cả khu “xóm” nhộn nhịp hẳn lên và hầu như ai cũng thấy hãnh diện lây bởi người anh hùng đó. Chú và Dì thường vui khi nói về kỷ niệm này.
Thế mà đã mấy năm rồi. Thời gian đưa đẩy nhiều thứ trong đời đến và đi.
Chú nắm tay Dì. Trời! Đã quá quen từ mấy chục năm nay, sao mà vẫn nghe như còn mới?
“Ngồi xuống đây, để nói về những nắm tro.”
Ngày đầu tiên khi nghe về những nắm tro, Dì rất sợ hãi. Sao ông lại nói điều chi ghê gớm vậy? Lâu nay Chú vẫn chiều chuộng Dì. Nhưng bây giờ thì Chú xin Dì chiều Chú một chuyện. Nghe về những nắm tro. Có nghĩa là Chú đang tập cho Dì nghe, đối diện, và không hãi sợ cái chết. Dì không sợ nữa, nhưng nghe điếng cả lòng.
Mà không những thế, Chú còn tập cho Dì ngồi ăn một mình, xem TV một mình, đi phố một mình, làm mọi việc giấy tờ trong nhà một mình. “Một mình”, nhưng có Chú ở đàng xa nhìn lại. Hai người như chơi trò chơi “đồ hàng” của trẻ nhỏ. Đâm ra Dì cũng quen dần, hết phản đối.
“Mình nhớ không, cách nay hai năm, chúng ta đã theo tiễn bà Michelle ra biển. Tro của bà theo chiếc bình trong suốt đã chìm xuống, biến mất. Mình nói cảnh đó trông thật buồn.”
“Nhớ chứ! Thật là buồn mình ạ! Mình nè, ở quê tôi, người ta rải tro trên mặt sông hoặc biển. Tro sẽ hòa trong dòng nước và cũng biến mất theo một cách nào đó.”
“Có người muốn gửi hũ tro của mình trong nhà chùa, hoặc nhà thờ. Cũng hay há mình!”
“Phải. Cách nào cũng hay cả.”
“Còn tôi…”
Dì toan bụm miệng Chú lại nhưng đang có tiếng chuông điện vang lên. Dì đứng lên đi ra mở cửa. Mấy bạn nhỏ đến thăm. Nói là “bạn nhỏ” nhưng có nghĩa là chỉ nhỏ hơn Chú và Dì thôi.
“Các bạn không quên hôm nay hát với chúng tôi chứ?”
“Dĩ nhiên là không quên. Dì cho tụi cháu mượn cây đàn guitar nghen!”
Thế là cây đàn được mang ra. Chú bảo đưa cây đàn cho Chú. Chú ngắm nghía và thở dài. Mọi người nhìn nhau. Chẳng là Chú đã chọn thật kỹ cây đàn này lúc Chú muốn “dợt” đàn trở lại. Bao nhiêu năm tháng bận bịu với công việc Chú đã không đàn. Trong thời gian làm bạn với các “bạn nhỏ” này Chú muốn học đàn lại, và đã sắm cây đàn này. Rồi Chú lại làm việc, lại bỏ quên nó. Bây giờ thì Chú lại không thể đàn. Thôi thì đứa nào đàn và hát cho Chú nghe bản “El Condor Pasa” đi, bản này Chú thích từ lâu lắm rồi.
“Thích làm chim sẻ hơn làm ốc sên, thích làm cây búa hơn làm cây đinh, thích làm rừng vắng hơn làm phố thị… Tôi nghe mặt đất ngay dưới chân mình…”
Bầu trời tự do, không khí tự do đang vây lấy Chú…
2.
Tôi đã mất tự do. Hoàn toàn như thế. Tôi không được tự do làm những việc tôi muốn nữa rồi!
Trời xanh, đất rộng. Nhưng tôi lại không còn tự do. Mỗi ngày là một ngày tù ngục. Tôi phải uống vô số loại thuốc. Mỗi nửa tháng tôi phải đi cho thuốc vào người. Người ta nói thuốc mới không gây nhiều hiệu ứng phụ. Chao ôi, cái chữ “hiệu ứng phụ” này trước đây tôi từng cười khi nghe nói tới. Vì tôi nghĩ đó là do người ta tưởng tượng thêm ra mà thôi. Chịu khó một chút thì xong. “Không gây nhiều hiệu ứng phụ”, tôi tự tạo ấn tượng cho mình như thế. Và cũng để cho cô ấy yên tâm.
Tôi ngồi ăn cùng bàn với cô ấy, như xưa nay vẫn thế. Tôi đưa thức ăn vào miệng. Như là răng tôi đang chạm vào kim loại. Không mùi vị. Tôi cố nuốt, và mỉm cười với cô ấy. À, mình hãy chơi trò chơi “đồ hàng” với cô ấy, “giả bộ” không có tôi, cho cô ấy ăn một mình. Tôi bảo cô ấy quay lưng lại, đừng nhìn tôi, như vậy dễ “đóng tuồng” hơn. Và như thế là cô ấy ăn, tôi thì cố nuốt. Cô ấy không thấy gương mặt khổ sở của tôi. Một bữa ăn qua đi.
3.
Những trò chơi “đồ hàng” cuối cùng hết tác dụng với Dì. Dì đã nhận ra sự gắng gượng của Chú. Dì van nài:
“Mình ơi, đừng vậy nữa! Tôi phải đối diện với sự thật, tôi chịu nổi. Mình không thể chịu đựng lặng lẽ như thế. Tôi cùng gánh với mình.”
Dì và Chú bước ra ngoài sân. Kìa, ngọn cây sồi! Đã bao nhiêu năm nay ngọn cây vẫn thế. Cây sồi không lớn thêm, hay đã lớn từ lâu. Chú nói:
“Mình coi nhé, cây sồi to lớn thế mà thua hoa hồng. Hoa hồng bé nhỏ mọc được trên ngọn cây sồi.”
Dì tưởng Chú nói sảng. Dì hoảng hốt sờ trán Chú. Không, Chú rất bình thường. Chú kéo Dì lại gần, hướng Dì nhìn theo một đường thẳng hàng với cây hoa hồng và cây sồi. Thì ra là thật. Hoa hồng nở trên ngọn cây sồi.
“Mình hãy hứa với tôi…”
“Hứa sao cơ?”
“Mình hãy hứa rằng mình đừng bỏ ca hát.”
“Tôi có phải ca sĩ đâu mà mình bảo thế? Hát hay không hát đâu phải là chuyện lớn, tôi chỉ hát cho vui với bạn bè.”
“Bởi vậy tôi mới nói. Mình rất thích hát mà! Chẳng là mình kể cho tôi nghe hồi mình còn bé mỗi lần đi hát về là mình bị đánh đòn, nhưng mình chấp nhận ăn đòn mà không thể bỏ hát.”
“Mình nhớ dai dữ!”
“Chuyện gì của mình tôi cũng nhớ dai.”
“Người ta gọi là “thù dai” đó! Mình nè, mình đau ốm, tôi chỉ muốn ở bên mình, không hát ca gì hết.”
“Nhưng cuộc đời không hát ca sẽ buồn chán lắm. Bây giờ đâu còn các cụ để đánh đòn mình. Tôi thì luôn ủng hộ mình. Tôi chẳng đã từng mặc áo dài, đội khăn đóng để diễn nhạc cổ với mình và các bạn đó sao? Đi đến các bạn Việt đi! Hát nhạc tình, nhạc hùng, ca Huế, ca cải lương…”
Hai người cùng cười vui vẻ. Ngọn cây sồi có hoa hồng nở. Dì đưa mắt nhìn Chú, cái nhìn biết ơn.
4.
Chú té quỵ trên nền nhà. Dì đỡ Chú không nổi. Dì toan gọi 911, Chú không cho. Chú nói Chú còn gắng được, Chú phải gắng đứng lên.
Chú đã thôi vào thuốc, bác sĩ quyết định như vậy. Bác sĩ bảo Chú muốn ăn gì cứ ăn, không còn phải kiêng cữ nữa. Chú còn cười nói tếu với bác sĩ:
“Tôi ăn… tới bến luôn ha bác sĩ!”
Thôi vào thuốc, muốn ăn gì thì ăn. Thế là quá rõ.
Nhưng rồi Chú không thể ăn gì hơn những bữa xúp.
Chú gắng đứng lên. Và Chú lại té quỵ. Dì cãi Chú, gọi 911.
Bác sĩ khám cho Chú, quyết định cho Chú hưởng “hospice tại gia.”
5.
“Mình làm gì thế?”
“Tôi muốn mình ra thăm cây sồi và hoa hồng với tôi.”
“Được thôi.”
Dì loay hoay sửa soạn chiếc xe lăn. Cô Rice giành lấy, nói:
“Bà để tôi giúp. Bà ốm yếu bé nhỏ thế không làm nổi đâu.”
“Cám ơn cô.”
“Không có chi. Là nhiệm vụ của tôi thôi.”
“Không đơn giản là nhiệm vụ đâu cô! Chúng tôi thấy cô là một thiên thần.”
Cô Rice chỉ mỉm cười và cám ơn. Cô là một thiên thần thật đấy! Hàng ngày cô phải săn sóc, nói chuyện, an ủi, tắm rửa, giúp đỡ người bệnh, những người bệnh đặc biệt đang “hưởng chế độ hospice”, mà không chút biểu lộ sự mệt nhọc hay khó chịu. Nụ cười thiên thần, ánh mắt thiên thần! Cô Rice khéo léo đưa Chú vào xe lăn. Dì xin để Dì tự mình đưa Chú ra vườn. Chú nói:
“Tôi muốn đàn cho mình hát.”
Dì nhìn cô Rice. Cô khẽ gật đầu, và lấy cây đàn đưa cho Dì.
Vườn đồi xanh ngát. Cây sồi. Hoa hồng. Chú run run khi gảy lên dây đàn guitar. Chú nhìn ra xa, nói:
“Mình à! Đám cây sồi “xóm” này, cứ như là đã có từ lâu, do ông trời “cắm” xuống ha mình!”
“Phải. Ai cũng có cảm giác như vậy.”
“Cảm giác thôi! Thiên nhiên tự nó có, nhưng cũng phải có bàn tay con người. Như những cây sồi kia, chúng không phải tự nhiên mà có mặt trong vườn nhà Sullenberger, ở một vị trí đúng ý muốn như vậy. Phải có con người trồng nó. Nếu trồng từ hột lại càng công phu hơn và chờ đợi lâu hơn. Cao lớn như thế dễ phải trải qua hàng mấy chục hay trăm năm. Còn hoa hồng trong vườn mình cũng vậy, chẳng là chúng ta đã trồng những cây hoa hồng này sao? Nhưng vì chúng dễ trồng quá, cho nên chúng ta có cảm giác trời “cắm” chúng xuống giùm.”
Chú nói một hơi như người khỏe mạnh, dù giọng nói yếu ớt. Dì cười thật vui. Chú đàn cho Dì hát bản “El Condor Pasa”. Như thể Chú đang lấy hết sức lực để đàn. Dì chiều Chú, Dì cũng cố nhớ lời để hát. Dì không thường hát nhạc Mỹ. Dì chỉ quen hát những bài nhạc Việt Nam. Chú gật gù:
“Mình à, mình biết vì sao mà… “El Condor Pasa” không?
“Tôi chỉ biết đó là một bản nhạc hay, mình giải thích cho tôi nghe đi!”
Chú cười nhẹ:
“Giải thích thì cũng chỉ là giải thích theo cảm nhận của chính mình mà thôi. Tác giả đâu có bao giờ giải thích. Chà, có mấy ông nhạc sĩ cứ hay giải thích ý nghĩa bản nhạc của mình, thất bại quá hở! Bản nhạc tự nó đã nói lên ý nghĩa. Tôi hiểu vì sao cánh chim ưng bay qua. Đó là sự tự do cuối cùng. Tự do thoát khỏi kiếp làm ốc sên hay chim sẻ, thoát khỏi thân phận cây đinh hay cây búa, thoát khỏi kiếp rừng hoang hay phố xá. Tự do… thoát khỏi tấm thân đau đớn…”
Dì bật khóc. Chú nói, giọng nhẹ như sương:
“Tự do tuyệt đối. Tự do cuối cùng.”
6.
Dì trao chiếc hộp trong có đựng khẩu súng của Chú cho người nhân viên được ủy quyền. Khẩu súng này gắn bó với Chú nửa đời. Dì hay nói với Chú một cách rất công thức: đó là khẩu súng “trừ gian diệt bạo”. Chú đã sống rất xứng đáng.
Cô Rice bước đến ôm lấy vai Dì. Rồi trong một cử chỉ đầy trân trọng và yêu thương, cô ôm siết Dì. Vòng tay cô ấm, chắc, như thể cô muốn truyền thật nhiều nghị lực cho người đàn bà yếu ớt này. Dì không khóc. Dì muốn cô Rice thấy Dì cũng sẽ mạnh mẽ như cô.
7.
Vườn đồi xanh ngát. Cây sồi và hoa hồng.
Cây sồi là của nhà Sullenberger. Hoa hồng là do Chú và Dì trồng. Bây giờ Dì ngồi đúng vào vị trí hôm trước ngồi với Chú trong vườn. Dì thấy hoa hồng nở trên ngọn cây sồi. Thì ra đơn giản là vậy. Cây sồi cao lớn nhưng mọc trên đất của nhà bên kia là nơi sườn đồi thấp, còn hoa hồng bé nhỏ thế này nhưng mọc ở nơi đất cao. Miễn là mình ngồi đúng vị trí này, tầm mắt như thế này, là được.
Ào một cái. Dì nghe như tiếng phát ra từ đôi cánh của một con chim rất lớn. Dì ngơ ngác. Không có gì xung quanh cả. Chỉ có Dì và tiếng của thời gian, im lặng…
“Mình à, nhớ nhé, hãy cám ơn và từ chối mọi vòng hoa. Mình đã sống với thật nhiều hoa rồi. Mình hãy xin những thân hữu muốn mua vòng hoa thì để tiền ấy tặng cho Hospice of the East Bay, để những người như cô Rice có thêm phương tiện làm việc.”
“Vâng.”
“Mình hãy hứa với tôi, hãy tiếp tục bước tới, ngẩng cao đầu, đừng bao giờ bỏ cuộc.”
“Vâng.”
“Riêng tôi đã được tự do.”
Chú bao lấy Dì như một làn sương trắng. Dì đưa hai tay chới với níu giữ làn sương. Được một vài giây, làn sương vút bay lên cao, tiếng của Chú thoang thoảng:
“I love you.”
Và hết. Dì bàng hoàng.
Ngày đưa Chú vào nơi hỏa táng, Dì đã theo lời dặn của Chú, chọn chiếc bình hình con chim ưng. Nắm tro của Chú vào nằm gọn trong đó. Dì không đưa vào nhà thờ, không đưa vào chùa. Dì mang về nhà, đặt vào chiếc tủ kính, thắp đèn lên, thật ấm áp. Chú có đó hàng ngày, nhìn Dì, vui buồn với Dì. Có thể một ngày nào đó Chú cũng sẽ ra biển hay một nơi nào Chú muốn.
Cánh chim ưng đã bay qua. Chú đã được tự do khỏi thân xác. Tự do tuyệt đối. Tự do cuối cùng.
Tháng 9, 2014
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Nguồn: http://vietbao.com/p210528a227766/canh-chim-ung-da-bay-quaCam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét