Trên FB Nhân Thế Hoàng, hôm nay 30-10-2014, tôi đọc thấy đoạn văn sau đây:
Nhiều bạn bè trong nước cứ chê rằng: Người Việt mình xấu
xí, lười nhác, giỏi làm thầy hơn làm thợ nên đất nước mới không phát triển chứ
không phải do đường lối chính sách, vì đường lối chính sách đưa ra là đúng chỉ do
người thực hiện không làm đúng theo chỉ thị mà thôi.
Cái này là điệp khúc mà mấy bạn trẻ cuồng đảng hay phát ngôn để bảo vệ khi có ý
kiến trái chiều chê trách về các vấn đề xã hội hay tình trạng bê bết của nền
kinh tế hiện nay.
Thế bạn có biết, cũng là người Việt nhưng năng suất lao
động của 3 triệu người Việt ở Mỹ tương đương với năng suất lao động của 90 triệu
người Việt trong nước hay không? Con số 100 tỷ USD tạo ra hằng năm của 3 triệu
người Việt ở Mỹ đã nói lên điều đó, điều này chứng minh người Việt không thua
kém bất cứ dân tộc nào trên thế giới về độ thông minh, cần cù, chịu khó, chỉ là
do bị kèm cặp quá nên 90 triệu người trong nước mới làm việc kém năng suất và
hiệu quả như vậy. Người xưa có câu: "Cây quýt trồng ở đất này thì ngọt mà
mang sang đất khác thì chua", và lạ thay cây quýt Việt thường chua ở xứ
mình nhưng lại ngọt ở xứ người!
Xin ghi nhanh ở đây mấy suy nghĩ của bản thân tôi về chuyện này:
Lịch
sử vấn đề
Nhiều thói hư tật xấu ở
người Việt mà chúng ta mới phát hiện, theo tôi, đã có từ thời trung đại, từ thế
kỷ XIX về trước.
Khi làm chuyên mục những lời cảnh tỉnh của người xưa, đăng
trên TTVH hồi 2005-2007 và sau có đưa vào blog cá nhân, tôi chủ yếu lấy ý kiến
của các nhà trí thức VN đầu thế kỷ XX.
Đối tượng phê phán của
họ là cách sống cách suy nghĩ làm ăn của người Việt trước khi bước sang thời hiện
đại, tức là trước khi chuyển qua thời Pháp thuộc. Bản thân các trí thức này sở
dĩ có cái nhìn sáng suốt đó cũng là sau
khi theo học ở các nhà trường người Pháp mới mở, có được cách nhìn cách nghĩ của
phương Tây.
Từ sau 1945, yếu tố tự
phê phán trong tư duy người Việt ngày càng thui chột, các trí thức được đào tạo
sau cách mạng khi suy nghĩ về người Việt chủ yếu làm nổi bật các mặt tích cực
trong tính cách người Việt. Để làm gì? Để động viên người ta đi đánh giặc.Vì cái mục đích cao cả nhưng lại thiển cận ấy, cho phép mình khen lu bù, "khen cho nó chết", không cần biết hậu quả sẽ tới.
Trong và sau chiến tranh, nhiều thói xấu cũ của
người Việt càng cô kết đậm đà sâu sắc hơn, người ta lại hay giở lý ra để tự biện
hộ. Chỉ đến khi bắt tay vào việc làm ăn sinh sống theo nhịp sống bình thường, gặp
nhiều cú sứt đầu mẻ trán, thì cái nhu cầu tự phê phán kia mới trở lại.
Nhưng dùng lại một câu trong Truyện Kiều -- rằng quen mất nết đi rồi, -- chúng ta thiếu hẳn những nhà nghiên cứu
nhìn sâu vào các quá trình tâm lý xã hội
và xem xét sự phát triển của cộng đồng trong chiểu dài lịch sử, đối chiếu với
những chuẩn mực phổ quát của con người hiện đại, từ đó làm cuộc phân tích toàn
diện để giúp cho cả cộng đồng có được một cuộc tự nhận thức chính xác.
Các lời
bàn cãi hiện nay còn loanh quanh và thiếu sức thuyết phục, nhiều khi lại đi lạc hướng.
Tại
sao lại có hiện tượng ở trong nước thì dở, ra nước ngoài mới tử tế?
Dẫn chứng mà bạn Nhân
Thế Hoàng nêu lên là không thể cãi được.Theo tôi nó chỉ chứng tỏ, cái hay cái tốt
ở người mình không bền chắc. Chỉ khi bị buộc phải làm theo sự chỉ đạo của người
khác, chúng ta mới dứt bỏ được thói quen cố hữu từ ngàn đời ông cha để lại để
có thể sống và làm việc như mọi con người tử tế khác trên thế giới.
Chính trường hợp 3 triệu
người VN ở Mỹ mà bạn Hoàng nêu là nằm trong hoàn cảnh đó.
Trở lại với đầu thế kỷ XX.
Tôi nói điều sau đây với tâm lý rất ngần ngại – nó đi ngược với những điều tôi
cùng với mọi người quen cho là như vậy nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy không tự bác
bỏ được nên buộc phải nói -- đó là,
chính do sự bảo trợ của người Pháp, sống trong một nhà nước do người Pháp quản
lý, mà người Việt có được sự thay đổi trong tính cách và có những bộ phận đạt
được cách sống cách suy nghĩ trình độ làm việc của con người hiện đại.
Kết luận tạm thời của
tôi: chúng ta là một cộng đồng kém về năng lực tự quản lý. Trong những điều mà
chúng ta học được từ văn hóa Trung Hoa, cái chúng ta học được ít nhất là văn hóa
tổ chức xã hội, văn hóa quyền lực. Cai trị học – bên Trung quốc người ta gọi là
trị
quốc chi đạo -- là cả một vấn đề lớn, muốn có kết luận
thuyết phục cần trở lại với các tài liệu lịch sử, phải nhiều người mới làm được, tôi chỉ nêu sơ sơ như vậy.
Dưới đây để chứng minh cho ý kiến trên, tôi lấy thêm một số ví dụ không phải trong khu vực chính trị mà chỉ là trong phạm vi đời
sống thông thường.
Trong thế kỷ XX,
chúng ta bắt đầu có những nhà khoa học tự nhiên đạt chuẩn quốc tế. Nhưng nhìn
vào tiểu sử của họ ta thấy ngay không người nào trong họ là không trải qua việc
một thời gian dài học ở nước ngoài. Thực tế VN, nền giáo dục VN không thể đào tạo
ra họ. Ngô Bảo Châu – cũng như Tôn Thất Tùng, Trần Đức Thảo trước kia -- không chỉ là hiện tượng của văn
hóa VN mà còn là hiện tượng của văn hóa Tây phương, trước tiên là văn hóa Pháp.
Sao ta lại cứ cố quên như vậy?
Trong phạm vi hướng
nghiệp cho con em trong các gia đình bình thường, chị Phương Quỳnh bạn tôi có lần
kể cho tôi chuyện sau.
-- Con mình học khá giỏi, nhưng đi làm cho các ông chủ
trong nước một hồi, thấy đằng nào cũng chết.
Làm cho nhà nước thì gặp toàn những
ông dốt, lại còn cái lối phong kiến cổ lỗ, coi bọn mới ra trường như kẻ ăn
người ở, chuyên sai vặt.
Làm cho tư nhân - nhất là tư nhân xuất thân Hà Nội - cũng phần lớn là bọn trương ra cái biển
thật to để dọa thiên hạ, chưa làm đã lo buôn lậu với lại đi hối lộ cấp trên
cùng là sẵn sàng cạnh tranh với các đồng nghiệp bằng mọi thủ đoạn man rợ.
Và Phương Quỳnh khuyên:
-- Các cậu
có con bây giờ thì phải tính trước đi, cố
hướng con cái kiếm được việc cho các hãng nước ngoài, ở đó cắn răng mà học lấy
nghề thì mới nên người được.
Vài điều tôi tạm rút ra cho mình:
+ Xã hội VN từ nhiều thế kỷ nay chỉ được tổ chức
theo những nguyên tắc quá đơn giản. Việc quản lý con người theo nghĩa đầy đủ nhất của chữ này chưa bao giờ được
coi như một nghiệp vụ mà người ta phải học hỏi mới làm được. Cái khó nhất với nhiều người Việt có năng lực là tìm ra ông chủ xứng đáng với mình.
+ Chính vì chúng ta không có những nhà quản lý giỏi,
những ông chủ giỏi mà mọi nghề nghiệp trong xã hội đều cứ mãi mãi lạc hậu, và
trước mắt chỉ đi làm ăn dưới quyền chỉ đạo của người nước ngoài, ta mới khá lên
được.
+Chỉ lúc đó, ta mới có quyền tự hào. Chỉ lúc đó, dân
ta mới sửa được những tính xấu cố hữu như lười biếng dối trá ăn cắp …và – cho tôi bổ sung thêm một thói xấu nữa -- là chỉ giỏi
cãi bừa cãi sằng, hễ ai động vào tử huyệt của mình là chửi người ta thiếu thiện
chí.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét