Tính tự phát vốn là đặc điểm của nhiều
hoạt động tinh thần ở ta mấy chục năm nay trong đó bên cạnh việc sáng tác thì có cả phê bình văn học.
Tôi xin phép lấy trường hợp bản thân tôi
mà suy. Sau gần bốn chục năm kẽo kẹt
hành nghề, nay nhìn lại tôi chỉ có thể
nói công việc mà mình đã đặt nhiều tâm
huyết thật ra đã được làm theo kiểu gặp đâu hay đấy, trông trước trông sau, trông mọi người mà làm, chứ đâu có bài bản gì cho đàng hoàng.
Thoạt đầu, đọc mẫu của các bậc đàn anh.
Khoảng đầu những năm 60 trên báo chí văn nghệ ở Hà Nội thấy nổi lên một lối viết
phê bình mà trong tầm mắt của một cậu học trò trường cấp III Chu Văn An
như tôi, nghe có vẻ rất mới, khiến tôi
mải miết học theo, tất nhiên theo lối học lỏm. Người tôi mê nhất lúc
ấy là Lê Đình Kỵ. Từ cách nói giọng điệu, chữ nghĩa, thứ văn phê bình
này đã được tôi mô phỏng, bắt chước. Rồi từ 1965, tôi bắt đầu viết bài gửi đăng
báo Văn Nghệ, một trong những tờ báo được xem là biết làm phê bình đúng
với cái chuẩn được công nhận lúc ấy. Thấy đại khái viết như thế được đăng thì
lại thừa thắng xông lên viết tiếp, cả năm
được in một bài độ một trang trên báo Văn Nghệ cũng đã
thấy là danh giá lắm.
Mấy năm sau, được chuyển về tạp chí Văn
nghệ quân đội, làm việc dưới sự hướng dẫn của anh Nhị Ca, thường đi họp và bàn việc với anh Đông Hoài, anh
Khái Vinh, chị Thiếu Mai bên báo Văn Nghệ … tôi cũng nghe các anh các chị tâm sự đại khái như vậy. Tự đào tạo là chính. Làm
như mọi người. Mà cái kiểu làm được cả
mọi người công nhận ấy chẳng qua cũng ngẫu nhiên hình thành, chẳng ai nói ra rõ ràng, mặc
dù ai cũng cảm thấy và tìm cách thích
ứng. Nó như một vệt mòn trên núi. Như một thứ con đường quê của Tế Hanh “ kéo
nỗi buồn không dạo khắp làng “, cong
queo, xẹo xọ, mà rồi vẫn là phương tiện duy nhất dẫn người ta đi tới.
Đã có lúc bọn tôi thử quay lại với người
xưa, với truyền thống, như ngày nay hay nói. Nhưng các cụ nhà nho búi tó ở ta
trước đây đâu đã biết đến phê bình, lục lọi lắm cũng chỉ được vài câu các cụ
vui miệng nói những khi thù tạc. Còn
cái truyền thống gần hơn, là phê
bình nửa đầu thế kỷ XX, thì, không kể
Trương Tửu, Trần Thanh Mại mà ngay
cả Vũ Ngọc Phan lẫn Hoài Thanh, mọi
người còn đang muốn từ chối, chứ có ai
công nhận ?! ( Từ 1954 tới 1985-86, ở Hà
Nội, cả Nhà văn hiện đại lẫn Thi nhân Việt nam 1932-41 không được
in lại. Mãi sau 1986, quá trình tái bản mới diễn ra ồ ạt. Trước đó, các Thư
viện chỉ có bản in cũ, mà không phải cán bộ nghiên cứu nào cũng có quyền
mượn.).
Quay sang kinh nghiệm nước ngoài. Cái mẫu
hồi ấy để theo là những Timofeev, Abramovich..
ở Nga, với lại Chu Dương, Lâm Mặc Hàm
ở Trung quốc. Nhưng họ nói những chuyện xa xôi, nên chỉ học để dắt lưng
làm vốn thôi, chứ hàng ngày, mỗi người vẫn phải lo viết bằng cách trông
vào những cái các đồng nghiệp đang làm
trước mắt. Vừa học theo vừa chán. Mà về
sau ngẫm lại, không khỏi thấy lạ. Điều
hay của người ta thì không học được. Điều dở lại
cứ ám vào mình, như một thứ duyên nợ có
từ kiếp trước.
Trong cái vẻ như là chẳng có bài bản gì
cả, rồi một cái nếp riêng đặc trưng cho phê bình cũng đã hình thành. Có một hồi
nhớ đến phê bình là nhớ tới những bài viết đậm chất đấu tranh phê phán. Một
loạt cây bút nổi lên trong những đợt đấu tranh đó, sau này bị gọi đích danh là xã hội học dung tục, nhưng ai
nói kệ họ, các nhà ấy vẫn là những nhân vật chính ngự trị trên diễn đàn, trở
thành định nghĩa cho phê bình một thời. Rất nhiều buổi trò chuyện tôi tham gia,
nhiều lời tâm sự tôi nghe được, rút lại đều dẫn tới một kết luận không lấy gì
làm thú vị lắm: thứ phê bình khô cứng
ấy, chẳng qua giới nhà văn lép vế phải bấm bụng công nhận, chứ thực tình không
phục, và lại càng không thích. Nguyễn Minh Châu có lần nửa đùa nửa thật nói với
tôi:
-- Các nhà văn
như con gà say tiếng gáy, còn mấy ông phê bình thì như con cáo đứng bên
cạnh xui dại: “Bác gáy hay lắm nhưng giá nhắm mắt lại thì còn hay hơn nữa !“.
Điều gì xảy ra khi anh nhà văn nhắm mắt lại, thì các ông đọc truyện ngụ ngôn
hẳn nhớ.
Như để phản ứng lại cách viết phê bình đứng
ngoài áp đặt, dạy đời --, ngay hồi ấy đã
có thứ phê bình đi vào bình tán, khen câu thơ này có thần hoặc chê chữ nghĩa
người kia dùng không được khéo. Nó có nhiều liên quan đến việc giảng văn. Nói
chung là nó thu hẹp việc bàn luận
về sáng tác vào các vấn đề kỹ
thuật cụ thể, thực chất chỉ muốn giúp
cho người ta hiểu kỹ hơn về từng tác phẩm văn học đã được viết ra, còn như cái
việc mang chính cái đời sống văn học ra
xem xét lại, để rồi giả thiết rằng tất cả có thể làm khác – một điều mà tôi
thấy ở những nền phê bình ở các nước
khác, khi tôi có dịp tiếp xúc -- thì hoàn toàn vắng bóng.
Khoảng mươi mười lăm năm gần đây, thứ phê
bình thứ hai này lan ra chiếm gần hết
các trang phê bình trên báo chí. Để thích hợp với vai trò giải trí, nó được bổ
sung thêm những“mồi nhậu” mới: những lời vuốt ve nhau ca tụng nhau, xếp chỗ
nhau trên văn đàn; hoặc những lời đồn thổi, những thứ giai thoại về các nhân
vật nổi tiếng, nghe cho sướng tai. Trong cái vẻ mềm nhũn ra như vậy, nó được
đám bạn đọc lười biếng xuýt xoa tán thưởng, và trở thành một định nghĩa mới về phê bình, thay cho thứ định
nghĩa đã cũ nói trên.
Tôi không dám liều mạng tự nhận là trong
một ít công việc cụ thể bản thân từng làm, đã thoát ra được khỏi hai thứ phê
bình trên đây vừa miêu tả. Nhưng có Trời Phật chứng giám, quả thật trong ý thức,
tôi có thấy chán cả hai lối phê bình đó, và thử
tìm cách thay đổi. Thử trong tuyệt vọng. Nghĩa là một mặt chạy đôn chạy
đáo vùng vẫy cựa quậy; mặt khác, khi quay về
đối diện với chính mình, vẫn
không dứt khỏi cái dự cảm đau đớn, rằng làm được khác đi khó lắm, cái nếp sống
chung kia nó đã thành một thứ bản mệnh chung cho bao nhiêu đồng nghiệp, mình sẽ chỉ có cách
nhung nhăng mà tồn tại như một phần lớn các “ chúng sinh “ khác.
Hoạt động nào của con người cũng bị chi
phối bởi những ràng buộc sâu xa của xã hội. Tuy nhiên, xét trên bề mặt và xét
một cách tương đối, vẫn có thể nói:
nếu sáng tác thơ truyện thu hẹp trong công việc cụ thể của từng cá nhân thì phê bình được hình thành từ những liên hệ
giữa các cá nhân ấy ; khi nói phê bình có nghĩa là nói tới cọ xát, giao đãi,
đối mặt, đối thoại. Bởi vậy để hiểu phê bình, phải nói tới những đặc điểm chi
phối mối liên hệ tinh thần giữa người với người được hình thành
trong môi trường chung, và tồn tại như một thứ khí hậu vô hình mà tác động vào
tất cả mọi người. Chung quanh chuyện này, có thể tạm nêu ra
một số nét đáng chú ý trong hoàn
cảnh hiện nay :
-- Xã hội trọng tình hơn trọng lý. Người nói lọt tai, nói vừa lòng người khác,
hoặc để người khác cho là “ nghe được
“, được trọng hơn người nói đúng.
-- Ai cũng tỏ ra thích làm hơn ngồi suy nghĩ
bàn bạc về công việc đã làm. Sách vở
tổng kết thường bị xem thường. Việc đọc sách
bị coi là vô bổ, người ta chỉ sợ mình mang tiếng là xa thực tế và rơi
vào sách vở, tuy nói thẳng ra thì số
người biết làm việc với sách vở, đọc cho ra đọc, chẳng có bao nhiêu.
--- Trong việc tìm hiểu nhau, xem xét đánh
giá về nhau, có xu thế nhấn mạnh thế
đứng trong, còn thế đứng ngoài thường bị xem là không được việc gì. Câu tục ngữ
“ Có nằm trong chăn mới biết chăn có rận “ mặc nhiên được xem như một chân lý
tuyệt đối ( trong khi thực ra nó chỉ có ý nghĩa tương đối, trong phạm vi hẹp !
).
-- Các
giá trị dùng làm chuẩn mực không ổn định, còn các phát biểu lại thường thích có
cái vẻ lung linh nhiều nghĩa “ nói zậy
mà không phải zậy “, hơn là chặt chẽ chính xác. Hệ thống định giá hoạt
động tuỳ tiện. Chín bỏ làm mười
đã đành, mà có khi sáu bảy thậm chí ba bốn cũng thành mười luôn. Và đã
một lần mười rồi thì không bao giờ trở lại ba bốn nữa.
-- Xu thế bình quân trong xem xét đánh giá
được củng cố bởi quan niệm nhấn mạnh tính phong trào hơn tính chuyên nghiệp.
Trong một phong trào, các cá nhân hỗn độn chen chúc bên nhau làm nên một tập mờ,
và không ai muốn ai nổi lên hơn mình. Còn việc phân loại thường bị chi phối bởi những cơn nóng lạnh
thất thường, cũng như cái sự gọi là “trông trước trông sau” lằng nhằng phiền
phức (mà hoạt động của các giải
thưởng hàng năm ở tất cả các ngành là
một ví dụ ).
Bằng những cách thức khác nhau, những
đặc điểm trên in dấu vào mọi mối quan hệ
giữa người nọ với người kia trong xã hội, song đến phê bình thì thấy rõ nhất. Xét
phê bình theo nghĩa hẹp, tức những lời bàn luận về những tác phẩm đang
in ra hàng ngày-- một thứ động tác giống như bắt cá giữa dòng –, dễ thấy
có những nhược điểm đã trở thành bệnh
mãn tính không thể lảng tránh :
-- Yếu ớt èo uột, ngoại trừ những cuộc đánh
đấm hỗn hào, thì sinh hoạt hàng ngày đơn điệu tẻ nhạt, thiếu sinh khí.
-- Không thuyết phục được xã hội về sự cần
thiết của mình. Không hẳn là báo chí, nhưng cơ hội trở thành văn chương thực
thụ bị coi là rất thấp. Chưa làm gì nhiều để cải chính được những cách nghĩ
sai, rằng mình là bám càng là ăn theo, là bánh xe thứ năm ngón tay thứ sáu.
--
Dễ bị biến dạng thành mối quan hệ tay đôi giữa người viết phê bình và người
được phê bình ---, trong khi phê bình lẽ ra phải là hướng về tất cả những ai quan tâm tới văn
học và nêu ra những vấn đề thiết yếu cho cả xã hội.
--
Dường như quá dễ, ai thích thì làm, ai rỗi rãi chưa biết làm gì nhảy vào nói
vài câu cũng được, lúc chán thì đánh bài chuồn. Ít người nghĩ rằng đây là công
việc của những nhà chuyên môn trải qua đào tạo chắc chắn ; trái lại, xu thế
nghiệp dư có nguy cơ bành trướng và được công khai khuyến khích.
Còn xét phê bình theo nghĩa rộng nhất, tức
bao hàm cả công việc nghiên cứu, khảo sát, đánh giá những tác phẩm trong quá
khứ, rồi nâng lên thành lý luận, người ta sẽ
thấy cái yếu về lý tính mà trên kia
đã nói có dịp bộc lộ. Nhiều người làm
nghề này mà không có khả năng đọc ra từ quá khứ những vấn đề có liên
quan tới hiện tại. Vì vậy, họ không đủ sức tác động tới tình hình chung, chính
họ sớm cảm thấy những cái mình làm chẳng cần cho ai. Nên chính họ cũng thấy ngán, ngồi đứng không yên,
rồi ham vui, ham nổi tiếng, lại nóng máy
bỏ sang bàn về những cái trước mắt.
Thời gian gần đây, thấy nổi lên hiện tượng
thích nói đến những lý thuyết mới ở nước ngoài. Sau một thời gian dài làm nghề
theo lối thủ công, kinh nghiệm chủ
nghĩa, nay một số người có ý thức
muốn tìm một sự đổi khác, và đây là một phương hướng đúng. Song ám ảnh truyền kiếp không thể bỗng chốc rũ bỏ, trong
phần lớn trường hợp các thứ lý thuyết ấy chỉ được nghiên cứu qua loa, chưa kịp tiêu hoá đã mang ra dùng, như một
thứ chiêu bài để doạ nhau. Một số người khác lại thích nhấn mạnh tinh thần tự
chủ và ý thức phê phán khi tiếp thu lý luận nước ngoài, trong khi quên mất một
điều đơn giản: Chính người ta nói gì mình nghe chưa thủng, chưa tìm được cách
dịch đích đáng --, thì tìm đâu ra cơ sở để phê phán ?
Những nhược điểm trên đây càng khiến cho lý
do tồn tại của phê bình bị đặt thành vấn đề. Trong suốt cuộc đời làm nghề, tôi
luôn luôn cảm thấy rằng với nhiều người, cả người trong cuộc lẫn người đứng
ngoài, công việc này chỉ là một thứ lao động hạng hai hạng ba gì đó; và một
người làm phê bình thuần tuý thường gợi cảm giác một người đi xin việc khi đắt
khi ế, một thứ trang trí có thể cần cho người ta một lúc một nhát nào đó rồi
thôi. Thân phận người viết phê bình bởi vậy giống thân phận đám dân ngụ cư.Trên
chuyến xe văn nghệ, họ chỉ được xếp ngồi ghế phụ.
Đây không phải là ý muốn của riêng ai, đây
là xu thế tự phát toát ra từ trong cách làm cách sống của nhiều người, cả người
quản lý lẫn bạn đọc, cả người sáng tác lẫn chính người viết phê bình, trở thành
một thứ vô thức tập thể, cái đó mới thật khó sửa.
Nhiều người thường chỉ lo bàn về phương
hướng phát triển của phê bình.
Việc đó đã đành là cần, nhưng theo tôi, khi
nhìn vào cái ngành còn rất non trẻ này, cần kíp hơn là đánh giá thực lực của nó, cái cách nó tồn tại;
và nói chung là xét xem nó đang ở
vào trình độ nào trong sự phát triển của
một nền phê bình tự nhiên đúng đắn.
Theo hướng đó mà suy nghĩ, từ những yêu
cầu cao về nghề nghiệp, tôi muốn mạnh dạn nói: Cũng giống như đô thị ở ta chưa
ra đô thị, kinh tế thị trường chưa ra
kinh tế thị trường, sử học chưa phải là
sử, tiểu thuyết chưa phải là tiểu thuyết... ---, phê bình cũng chưa phải là phê
bình. Hoặc cố mà nói lấy được, thì đó là một nền phê bình thấp lè tè, kéo lê
hàng ngày, vất va vất vưởng. Và tất cả lẽ ra có thể làm khác, nhất định mai đây
cần phải viết khác đi ( tuy phải nói ngay có làm được như thế hay không còn là
chuyện phi phỏng, tức chẳng có gì chắc chắn cả. ).
Để khẳng định (hay bác bỏ) nhận định này,
rồi bảo nhau tìm ra một phương hướng phát triển hợp lý, có hai việc có thể và cần phải làm ngay :
Một là trở lại quá khứ, tìm cách phác hoạ lại lịch sử phê bình dân tộc, hoặc nói đúng hơn là làm rõ những
mối quan hệ văn học theo kiểu phê bình đã tồn tại ở đời sống văn học nước nhà cả thời trung đại lẫn thời hiện đại. Trong
việc này, tốt hơn hết là nhìn phê bình như một hoạt động văn hoá, và sử dụng các công cụ của
văn hoá học để xem xét và lý giải nó.
Hai là tìm hiểu một cách tường tận
sự phát triển phê bình trong thế giới hiện nay, bao gồm cả những nước có nền
phê bình thuộc loại phát triển hơn cả như Mỹ, Pháp, lẫn những nước mà nền văn học của họ có nhiều ảnh hưởng tới
văn học ta, như phê bình ở Nga, ở Trung quốc.
Qua người hiểu ta, tìm hiểu để tự
biết mình đang ở chỗ nào trong sự vận động của thế giới, từ đó tìm ra những gợi ý cho sự đổi khác trong thời
gian tới. Trong tất cả các hình thức có thể có của nó, trước sau phê bình cũng
phải được nhìn nhận bằng những tiêu chuẩn chung, áp dụng cho mọi nền phê bình
văn học đang có ở trên đời này, chứ không có những tiêu chuẩn dành riêng cho
phê bình ở Việt
2003
Đã in trong Phê bình và tiểu luận,2009
với nhan đề Đó chưa phải là phê bình...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét