Tôi quen chị Bùi Thị Kim Thư trong buổi tọa đàm văn học nho nhỏ; nơi giới thiệu cuốn sách văn học mạng có tên là “Tình Blog”. Quan sát dung mạo người đàn bà ở độ tuổi trên 60, dáng đi điệu đứng đã có vẻ chậm chạp, tôi nghĩ, hẳn chị cũng giống như nhiều viên chức nghỉ hưu, có chút hẫng hụt nào đó trong nếp sinh hoạt nên mới tìm đến chốn hội hè, thơ phú cho khuây khỏa, đỡ bị mất thăng bằng! Nhưng khi tôi đọc cuốn “Tình Blog”, trong đó in bài thơ “Vợ ơi, anh yêu em” của tác giả Hồ Minh Quang viết tặng vợ là Bùi Thị Kim Thư, tôi mới hiểu ra rằng chị đến đây còn vì người chồng quá cố của chị có thơ trong tập sách.Thế rồi ít ngày sau, tình cờ tôi gặp Kim Thư trên đường Trần Cung, mới biết nhà chị cách nhà tôi chỉ khoảng hai cây số. Từ đó, thỉnh thoảng chúng tôi ghé qua nhà thăm nhau hoặc gọi điện trao đổi mấy câu xã giao. Cho đến một hôm, Kim Thư bảo chị đang viết một cuốn hồi kí, sắp xong, muốn nhờ tôi đọc để cho góp ý. Ít ngày sau, tôi nhận được bản thảo chị đưa, có tựa đề là “Nước mắt và nụ cười”. Thoạt đầu tôi hơi ngần ngại vì thấy tập bản thảo dày quá mà mình thì luôn thiếu thời gian. Nhưng khi đọc được khoảng mười trang là tôi bị cuốn hút. Bùi Thị Kim Thư kể về cuộc đời mình, nhưng xoay quanh con người chị là bao nhiêu cuộc đời khác, bao nhiêu trạng huống, cảnh vật đan xen với nhau; cảnh huống nào cũng đặc sắc, cảnh vật nào cũng ấn tượng, mà người đọc không thể bỏ qua. Cuốn sách như một cuốn phim tư liệu, có nhiều đoạn như phim truyện, tái hiện một thời không dễ quên của đất nước. Bom đạn giặc Mỹ đánh phá Hà Nội thế nào. Sinh viên học ở nơi sơ tán ra sao. Rồi cuộc sống của những trí thức làm việc ở thủ đô trong những năm tháng chế độ bao cấp thế nào. Có những cảnh đời khiến người ta không khỏi bùi ngùi khi chế độ bao cấp đã phơi lộ hết cái mặt trái của nó, làm cho cuộc sống vô cùng khó khăn, không hiếm khi dở khóc dở cười.Chỉ riêng gia đình chị đã có bao nhiêu chuyện. Có chuyện trữ tình đằm thắm.Có chuyện đầy kịch tính, dư thừa chất tiểu thuyết. Bùi Thị Kim Thư cứ thật thà kể. Mang cái nhãn quan của một người phụ nữ trí thức, vừa có học vấn vừa có những trải nghiệm nên chuyện nào chị kể cũng hay, cũng hấp dẫn, nếu không mang một ý nghĩa xã hội thì cũng mang một giá trị nhân văn. Không ít những chuyện gây ấn tượng mạnh, đến độ ám ảnh khó quên. Có chuyện Bùi Thị Kim Thư kể rất bình thản mà vẫn khiến tôi cười ra nước mắt. Chẳng hạn như chuyện về cái lý lịch của chị đeo đẳng ngáng trở suốt tuổi thanh xuân, nhưng chị không tự ái, càng không bao giờ có một chút biểu hiện chán nản hay bất mãn. Càng bị định kiến, chị càng làm việc thật tốt, cống hiến thật nhiều, giữ gìn phẩm chất và nhân cách cao thượng. Chị có thể từ chối cái chức trưởng phòng, sự từ chối thành thật, phù hợp với tâm lý không ham hố quyền lực ở chị, nhưng công việc chuyên môn được giao thì không bao giờ chị từ nan. Những cảnh cứ bước lên xe ô tô là say vật vã, nôn thốc tháo, nhưng chị luôn biết kìm nén mọi mệt nhọc để hoàn thành mọi nhiệm vụ, rồi không ít ngày đêm chị nén cơn đau đầu hành hạ, làm việc quên mình để có những thành quả hữu ích, chiếm được niềm tin yêu của lãnh đạo cùng bạn bè đồng nghiệp. Chuyện về tình yêu, tình vợ chồng của Bùi Thị Kim Thư cũng thật xúc động. Kim Thư và Minh Quang đến với nhau, yêu nhau từ thuở còn là sinh viên cùng lớp. Đó là cuộc tình duy nhất được họ duy trì, vun đắp và tôn vinh trong suốt cuộc đời vợ chồng nên vẻ đẹp của nó lấp lánh đến tận lúc họ đã có với nhau ba mặt con, và cả khi Minh Quang không còn nữa…Và chừng như nó rất ứng nghiệm với quy luật âm dương, bù trừ trong Kinh Dịch: hạnh phúc lớn thường đi kèm với đau khổ lớn! Cặp vợ chồng trí thức này giỏi về khoa học kĩ thuật nhưng lại khá khờ khạo trong chuyện cơm áo gạo tiền! Cứ mải mê làm chuyên môn, cho đến lúc nhìn ra thấy bạn bè nhờ công cuộc đổi mới mà “lên đời” cả, còn mình thì vẫn chưa thoát khỏi cái nếp sống “ngoan đạo”, trông chờ tất cả vào nhà nước, một “quán tính” của gia đình viên chức thời bao cấp; thì ông chủ gia đình - trung tá, tiến sĩ Hồ Minh Quang - tạm gác khoa học, quyết định sang châu Âu làm ăn một chuyến với hi vọng đổi đời. Nhưng thật không may, anh đang làm ăn có triển vọng thì gặp một tai họa, về cõi với tiên tổ. Từ đó, Bùi Thị Kim Thư, một bên vai gánh việc cơ quan, một bên vai gánh cái gia đình với ba mặt con và người mẹ già, cùng những phiền hà trắc trở trong đời, nhiều khi chị muốn gục ngã, nhưng vì thương con, chị lại gắng đứng lên mà đi tiếp. Hẳn biết Kim Thư là người hiền hậu chân thành nên tạo hóa không nỡ lấy hết của chị mọi thứ. Ba đứa con của chị học giỏi, có ý chí, sau này đều nối gót cha mẹ, trở thành những trí thức trẻ hữu ích cho xã hội. Họ rất yêu thương mẹ, luôn tìm mọi cách để làm cho cái gánh trên vai mẹ mình đỡ nặng. Nhiều trường đoạn trong hồi kí “Nước mắt và nụ cười”, là cuộc đời thật nhưng nhiều kịch tính, đậm tính điển hình như tiểu thuyết. Nếu Bùi Thị Kim Thư có “máu sáng tác”, cuốn hồi kí này có thể trở thành một tiểu thuyết hay. Đấy là tôi giả dụ thế, chứ để nguyên là thể loại hồi kí vẫn đắc địa hơn, bởi thể loại này cho phép tác giả ghi chép lại tất cả những gì mình tâm đắc mà không cần quá câu nệ về nghệ thuật dựng chuyện và tính cấu trúc của văn phong như thể loại tiểu thuyết. Và những điều Kim Thư ghi chép, theo thiển ý của tôi, nhiều năm sau người đọc vẫn còn thấy rất hữu ích.Tôi thành thực chúc mừng Bùi Thị Kim Thư về cuốn hồi kí rất có sức nặng sắp ra mắt bạn đọc vào đầu xuân 2012 này.
Hà Nội, mùa đông năm 2011
Lê Hoài Nam – Nhà văn
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét