Cần có một thứ sử học khác

































     Từ đầu thế kỷ 20, một quan chức mà cũng là một trí thức
nổi tiếng là Hoàng Cao Khải trong cuốn Việt sử yếu (viết năm 1914)
đã nhận xét rằng bao đời nay, người Việt mình thường tỏ ra thạo sử Trung
Quốc hơn sử Việt. Từ các sĩ phu và quan lại, tình hình này lan ra đến đông
đảo dân chúng.




      Có thể giải thích hiện tượng này bằng
chế độ thi cử ngày xưa. Người ta chỉ cho thi Bắc sử. Và các trường học - dù
là chốn Quốc tử giám của triều đình hay lớp học tự phát của một ông đồ
nghèo ở một làng quê hoang vắng - đâu đâu người Việt cũng hình dung cuộc
đời này qua các trang sử từ đời Trụ Kiệt đến đời Đường Tống...


       Trong khi đó thì bên phần Nam sử, một vài
bộ như Toàn thư, Cương mục, Việt sử
tiêu án, Lịch triều tạp kỷ...
mà ngày nay ta tự hào, thật ra là quá ít
ỏi và chưa bao giờ được mang lưu hành rộng rãi và đưa ra giảng dạy.


       Đến thời chúng ta, tình hình lại đi
theo một hướng khác, nhưng kết cục vẫn như xưa.


        Những bộ sử thời nay do Nhà nước
chỉ đạo biên soạn. Sự định hướng về dân tộc tỏ ra  quá mạnh, thậm chí tôi còn muốn nói thẳng
là lâu nay chúng ta chẳng biết gì đến lịch sử các dân tộc khác, và đó là
một nhược điểm, nó hạn chế ngay sự hiểu biết của chúng ta khi muốn quay về
nhận diện chính mình.


         Thế nhưng tại sao thanh thiếu niên
cũng như nhiều người lớn tuổi vẫn thuộc, và qua phim ảnh, thấy thích sử Tàu
hơn sử ta?


        Nhiều người cho rằng sở dĩ như vậy
là vì người Trung Quốc có nhiều tiền hơn, làm ra những thước phim mùi mẫn
hơn.


        Không, không phải vậy, hoặc lý do
chủ yếu không phải vậy.


        Cái lỗi trước hết là ở chính những
cuốn sử đã viết, trong đó hạt nhân là khái niệm sử mà chúng ta đang sử
dụng.


       Ở những trang sử Trung Quốc, không
chỉ có những ông vua, khi là minh quân khi là bạo chúa chuyên chế, như Càn
Long, như Tần Thủy Hoàng, mà còn có Tào Tháo gian hùng, Bao Công hiểu rõ
tình đời đen trắng, Kỷ Hiểu Lam chăm chỉ học hành, Bạch Cư Dị sau khi đổi
việc quan được dân chúng lưu luyến đưa tiễn...


       Đủ loại sắc thái nhân văn khác nhau
nối tiếp hiện ra trong bộ mặt con người Trung Hoa, được vẽ trong những
trang sử ấy.


     Và đằng sau đó là hình ảnh của cả xã hội
trong suốt chiều dài thời gian mà mặc dù chúng ta khi thì căm ghét, khi thì
ghê rợn, song bao giờ cũng thấy hấp dẫn, đã biết rồi còn muốn biết nữa.


      Quay trở lại với những gì được viết
trong các bộ sử Việt Nam, mà khuôn mặt tiêu biểu thì thấy rõ nhất trong các
sách lịch sử đang dùng ở các trường phổ thông và đại học. Đây tôi không nói
về những gì đã xảy ra trong đời sống lịch sử ngàn năm của dân tộc, tôi chỉ
muốn nói cái nó còn được ghi trong sách vở và truyền tụng giữa các đời.


      Ở những trang sử ta viết cho ta, trên
cái nền là một ít sự kiện nghèo nàn, không có những con người mà chỉ có
những hình nhân với một vài lời lẽ, hành động đôi khi cũng ấn tượng, nhưng
quá  đơn sơ, thô thiển.


      Đọc những trang viết khô khan cằn cỗi
đó, thật không hình dung ra trong hàng chục thế kỷ qua, cộng đồng chúng ta
đã ăn ở, sinh hoạt ra sao, quan hệ với nhau thế nào.


      Lại càng không thể từ đó rút ra những
gợi ý về kiếp làm người của mình hôm nay.


       Bởi những bài học mà người viết sử
gửi kèm chỉ là những kiến thức chính trị nông cạn, hời hợt, đến với người
ta theo lối áp đặt gượng gạo.


       Sức phản cảm mà nó gây ra trong lớp
trẻ thật ra là điều nhiều người đã thấy từ lâu rồi, chẳng qua tất cả cố
tình làm ngơ vì biết rằng vô phương cứu vãn.


      Cái lỗi không phải chỉ là do mấy
người soạn sách giáo khoa. Cái lỗi ở đây là của những người làm sử và những
người đã buộc các nhà sử học phải viết vậy.


        Và suy đến cùng là sự hạn chế, nếu
không muốn nói là nghèo nàn, kém cỏi trong ý thức lịch sử của cả xã hội.


      Vấn đề là ở tư duy lịch sử của người
Việt.


      Chúng ta là một cộng đồng mải chinh
chiến hơn là xây dựng. Trong quá khứ, chúng ta dành quá ít thời gian và tâm
trí để suy nghĩ về chính mình, tìm sự thật về chính mình...


      Đó không chỉ là tình hình có thật
trong cuộc sống của người Việt từ lúc khởi nguyên và kéo dài suốt vài trăm
năm gần đây, mà cũng là của thời đương đại.


     Thời nay, trong hoàn cảnh nước sôi lửa
bỏng của chiến tranh và cách mạng, nền sử học vốn rất còi cọc yếu đuối chỉ
dồn sức vào làm cho được nhiệm vụ trước mắt là giáo dục mọi người sẵn sàng
ra trận, chứ sức đâu mà đáp ứng nổi cái nhu cầu tự nhận thức, cũng tức là
nhu cầu soi lại quá khứ để xác định tương lai.


      Ngay trong cái phần tốt đẹp nhất của
nó, nền sử học mà chúng ta có cho đến hôm nay là một thứ sử học của tồn
tại
mà không phải là một thứ sử học dành cho một cộng đồng muốn phát
triển.
Tóm lại là vậy.


      Cái việc lớp trẻ hiện nay từ chối sử
học thật ra có một tác dụng tích cực. Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ tới một
thứ sử khác, sinh động hơn, có hình ảnh con người nhiều hơn. Nghịch lý cuối
cùng chỉ là trong khi những đòi hỏi đã cấp bách lắm rồi, thì những điều
kiện cần thiết không biết bao giờ mới hội tụ đủ.






      


        Đã in TBKTSG  20/10/2011








     Viết thêm 13-5-2013:





     Không riêng gì sử
học, mà toàn bộ học thuật nước ta, cần phải làm khác, nếu nền học thuật ấy còn
muốn vươn tới trình độ hiện đại,  từ đó
có ích cho đời sống.


      “Cần
có một thứ sử học sinh động hơn, gần với 
hình ảnh con người nhiều hơn" – Hai năm trước tôi mới biết đến vậy, nay
thấy nói thế thực là không đủ.


     Trình độ của tôi lúc này không cho phép tôi
phác họa ra một thứ sử học mà chúng ta cần. Tuy nhiên  tôi muốn đề nghị một tiêu chuẩn chủ yếu.


       Trong khi nói về quá khứ, một nền sử học phải
giúp cho con người ngày nay giải thích được khung cảnh trước mắt. Phải thấy được
sự liên tục của tình hình.


      Sự bế tắc hôm
nay là tiếp nối  tình trạng trì trệ triền miên trong quá khứ.


     Những người chèo lái xã hội hôm nay mang trong mình chỗ hay chỗ dở của bộ phận mà ta hay gọi là
giai cấp thống trị quản lý đất nước các thế kỷ trước – thực ra chính họ đã là
tinh hoa của xã hội lúc ấy dù là họ chỉ có thế.


       Cho tới tự nhận
thức của chúng ta về cộng đồng mình, mối quan hệ của chúng ta  như một quốc gia với các quốc gia lân cận…
trên nét lớn vẫn thế.


       Tám mươi năm
thuộc Pháp ta có học được ít nhiều, nhưng rồi mấy chục năm nay, một sự “lại gạo’
lại diễn ra dần dần và chúng ta đang trở nên giống ông cha ta thời trung đại
hơn bao giờ hết.


       Trên đường tìm tới một thứ sử học khác đi—khác
về căn bản  so với những gì sử học hôm nay
đã và đang làm, ngoài việc học hỏi sử học nước ngoài, việc trở lại với sử học của ông
cha cũng đang là việc cấp bách.


         Sử học thời
trung đại ở ta bao gồm hai loại. Có những bộ sử nhà nước như  Đại Việt
sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục... 
Có những bộ
sử do cá  nhân đứng tên  như Việt
sử lược, An Nam chí lươc,, Lịch triều tạp kỷ,  Đại Việt thông sử, Việt sử cương mục tiết
yếu…


      Cả về mặt bao quát  sự kiện chi tiết lẫn trách nhiệm của ngòi bút
và tư cách nhà viết sử nói chung  … các bộ sử xưa  thuộc cả hai loại đó xét ra còn khá hơn sử ngày
nay rất nhiều.

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét