Cơ sở phương pháp luận
Muốn phác họa bộ mặt quyền lực ở VN, lẽ ra anh phải đi vào những điển hình như Lê Thánh Tông chứ sao lại dừng lại ở một "nhân vật tiêu cực" như LLĐ? Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn nhắc lại một nguyên tắc của nghiên cứu khoa học hiện đại. Là người ta không dừng lại ở cái trung bình, nhất là cái đa số tức cũng là cái phổ biến. Mà lại lấy cái thiểu số - cái đột biến - cái bên ngoài hình như là ngoại lệ chứ không phải thông lệ -- làm đối tượng.
Như sau đây sẽ thấy, trong Lê Long Đĩnh cũng mang những đặc điểm chủ yếu của tầng lớp thống trị xã hội thời đầu lập quốc. Do đa số xuất thân từ thủ lĩnh quân sự, nên họ chẳng có bài bản gì trong quản lý xã hội, chỉ có lấy bạo lực để cai trị. Về phương diện này thì tính cách điển hình của vị vua độc đáo LLĐ hoàn toàn được bảo đảm.
Giải thích thêm về tính cách LLĐ
a/ Trong bài trước, ta đã thấy LLĐ bộc lộ tính cách tàn bạo trong việc xử tội. Nhưng vì sao có tính cách ấy? Việc này có từ thân sinh ông ta - Lê Hoàn.
Sách Lịch sử Việt Nam thuộc Tủ sách Đại học sư phạm, dẫn lại lời của sứ nhà Tống là Tống Cảo, cho thấy Lê Hoàn xử tội rất tùy tiện “tả hữu có lỗi nhỏ cũng giết đi, hoặc đánh từ 100 roi đến 200 roi. Bọn giúp việc ai hơi có điều gì làm phật ý cũng bị đánh từ 30 đến 50 roi, truất làm tên gác cổng, khi hết giận lại gọi về cho làm chức cũ” ( LSVN của ĐHSP in 1970, nxb Giáo dục, q.I, tập II, tr 89).
Trước đó Đinh Bộ Lĩnh cũng có tính cách tương tự. Sách Lịch sử VN từ nguồn gốc đến thế kỷ XI X của Đào Duy Anh chép có lần một sứ quân đánh ĐBL, ông phải đưa con là Đinh Liễn làm con tin. Bên kia buộc Liễn lên ngọn cây rồi bảo ĐBL nếu không hàng sẽ giết Liễn. ĐBL không chịu, cho thói quyến luyến con cái là tính khí đàn bà. Liền sai mười tay nỏ chờ sẵn, nếu bên kia cứ quyết làm sẽ bắn chết luôn Liễn. Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn thấy Đinh Bộ Lĩnh đã cương quyết và nhẫn tâm như thế, giết Liễn cũng vô ích, thả Liễn và rút quân về.
b/ Bên cạnh chất tàn nhẫn, LLĐ còn bị coi là người hoang dâm vô độ.
Nhưng đọc sử được biết Lê Hoàn cũng sống hoang phí đến mức có tội. Cả Đại Việt sử ký toàn thư lẫn Đại Việt sử ký tiền biên (ĐVSKTB ) đều chép Lê Hoàn cho xây cung điện dát vàng dát bạc.
Và Lê Hoàn cũng ham chơi. Khái quát về Lê Hoàn, sách ĐVSKTB tr 178 chép:
Vua anh minh quả quyết nhiều mưu trí giỏi dụng binh[… ]. Song tính nghiêm khắc tàn nhẫn, ưa người nịnh hót[… ].Quần áo phần nhiều chuộng lụa hồng, mũ thì trang sức bằng châu báu. Dinh thự vua ở xa hoa tráng lệ nhưng cảnh thự của các quan, doanh trại của sáu quân lại chật hẹp mộc mạc. Sứ Tống mỗi lần sang ta thường chê cười về điều đó.
Cũng sách trên ở tr. 173 viết:
Năm 992, vua ngự điện Càn Nguyên xem đèn. … nếu trong cung lợp ngói bạc, thì khi vui chơi, trên thuyền vua cho kết núi tre.
Chắc trong thực tế đây là việc rất xa hoa nên một trong những tác giả sách trên là Nguyễn Nghiễm bình luận Lửa ham muốn bùng lên mà xương tủy dân đã kiệt. Thế mà không tự xét đức hạnh còn có tính trẻ con..
Tóm lại do chỗ gần với Lê Hoàn và cả ĐBL -- nên LLĐ hiện ra như một mẫu người đã hình thành. Các cá tính của ông ta không chỉ tiêu biểu cho một vị vua thời mạt vận mà là một tính cách phổ biến với các người đứng đầu quốc gia trong thời kỳ triều chính mới thành lập.
Một nền cai trị hoang dại
Sự tàn bạo của các vua chúa lúc này mang cả vào trong việc quản lý quốc gia. Văn hóa cai trị của nhà cầm quyền còn thô sơ, đại khái găp đâu làm đấy, chẳng ra thể thống gì cả; nhân danh người có công với nước, tự coi ý mình là ý trời, bắt thiên hạ phải noi theo.
1/ Điều này khởi đầu từ nhà Đinh. Sách LSVN ĐHSP nói trên, phần đời sống chính trị cho biết thời Đinh Lê chưa có luật pháp. Mọi hình phạt đều tùy ý của vua hay các viên tướng đứng đầu các khu vực. Đinh Bộ Lĩnh đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi và quy định: người nào trái phép sẽ bị bỏ vạc dầu hay cho hổ ăn. ( tr 87).
ĐDA giải thích về việc này “Nước mới dựng kỷ cương chưa vững, trật tự chưa ổn định, ĐBL lấy hình phạt ghê gớm để uy hiếp nhân dân.”
Hoàng Xuân Hãn nhìn rộng hơn. Trong cuốn Lý Thường Kiệt nhân viết về thời Lý, nhìn lại thời Đinh Lê, ông giải thích “Các vua vũ biền các đời trước đã đem những thói giết chóc thời loạn ra thi hành ở thời bình. Những cực hình dùng hàng ngày chứng tỏ rằng các vua ấy còn giữ tập tính của người rừng rú”.
2/ Trong việc chinh phạt và ổn định tình hình xứ sở, Lê Hoàn càng tỏ ra tàn ác.
ĐVSKTB mà Ngô Thì Sĩ là một tác giả chính chép: Năm 989, Dương Tiến Lộc làm phản lôi kéo người hai châu Hoan Ái, theo về Chiêm Thành nhưng Chiêm Thành không nhận, người hai châu bị giết không biết bao nhiêu mà kể.
Ngô Thì Sĩ bình luận “người làm phản chỉ là Tiến Lộc thôi dân có tội gì” do đó chê Lê Hoàn là người thất đức.
"Người đã có công chống ngoại xâm, lấy lại đất nước từ tay giặc, sẽ tha hồ muốn làm gì dân thì làm" --người đời sau là chúng ta có quyền ngờ những ý tưởng ấy đã nẩy sinh trong trong tâm trí Lê Hoàn, nó khiến cho ông dám giết người không ghê tay như vậy.
Nền hành chính quá thô sơ
Trên kia đã dẫn đoạn Lê Hoàn đối xử với những người dưới quyền,
Người nêu nhận xét này đầu tiên là Tống Cảo, viên sứ thần TQ. Tống Cảo còn viết thêm về việc tiếp sứ của Lê Hoàn (người đầu tiên dẫn ra sự kiện Tống Cảo là Nguyễn Văn Tố-- xem Đại nam dật sử , in lần đầu trên Tạp chí Tri Tân 1943-44)
Lê Hoàn bỏ giày đi chân không, cầm ngọn tre lội xuống nước để đâm cá; mỗi khi trúng một con cá thì những người chung quanh đều hò reo nhẩy múa. Phàm có người dự ngồi trong tiệc yến đều sai cởi đai đội mũ. Lê Hoàn nhiều áo sặc sỡ và áo đỏ mũ thì dát ngọc chân châu, có khi tự hát để mời. Chẳng ai hiểu là hát bài gì. [...]Quân lính đến ba nghìn người đều chạm ở trán ba chữ “thiên tử quân”.Tính số thóc cấp cho giã lấy mà ăn. Binh khí chỉ có cung nỏ bài gỗ, súng tay, ống lệnh, yếu không thể dùng được. Lê Hoàn là người khinh suất tàn nhẫn, gần gũi bọn tiểu nhân tâm phúc có năm bẩy bọn yêm thu (?) đứng lẫn ở bên cạnh khi uống rượu lấy hiệu làm vui. Phàm quen thuộc người nào khéo nịnh được cất nhắc chỗ thân cận. Dầu người tả hữu có lỗi nhỏ cũng giết, hoặc lấy roi đánh vào lưng từ một trăm đến hai trăm roi. Dầu đến mạc tán ( tôn làm thầy hoặc làm khách ở trong nhà) hoặc tá tiểu ( người kém mình một tí) mà bất như ý cũng đánh ba mươi roi truất làm hôn lại (người canh cửa) khi hết giận lại triệu cho phục chức. (Đại nam dật sử, bản của Hội khoa học lịch sử VN, H. 1977 tr.247)
Các sử gia cổ Trung quốc có lối miêu tả cụ thể ngắn gọn mà khái quát. Như viết về xứ ta hồi ấy, Tư Mã Thiên viết rằng “Tây Âu Lạc là xứ cởi trần mà cũng xưng vương” ( theo LSVN đã dẫn, qI tI. tr.115).
Những chi tiết Tống Cảo nêu lên ở trên cũng có sức khái quát đủ cho ta hình dung ra con người và thực chất công việc làm vua của Lê Hoàn. Nó cũng có gì tương tự như việc LLĐ thiết triều -mọi chuyện đùa bỡn đã nêu ở bài trước,
Bây giờ nói về việc LLĐ cướp ngôi của anh
Ở những xã hội chưa có văn hóa chính trị, việc chuyển giao quyền lực luôn luôn rắc rối, và thường dẫn đến đổ máu.
LLĐ đã lên ngôi không phải do vua cha Lê Đại Hành sắp đặt mà theo con đường bất chính là cướp ngôi.
Tức là giết anh cả và chinh phục sự chống đối của mấy ông anh kế tiếp.
Nhưng hai chữ cướp ngôi cũng là chữ mà ĐVSKTB dùng cho Lê Hoàn ( tr.162). Chẳng những thế, nếu đọc kỹ sự kiện nhà Tiền Lê thay thế nhà Đinh, người ta còn cho thấy ở đây có một âm mưu. Khi tìm hiểu về quan hệ giữa các triều chính Đinh Lê với người phương Bắc, chúng ta sẽ gặp một người Trung Hoa làm đến Thái sư, gọi là Hồng Hiến. Ông này về sau làm tham mưu cho Lê Hoàn nhưng trước đó đã giúp vào việc đưa Lê Hoàn lên ngôi.(Chứ đâu phải đây chỉ là kết quả của cái tấm lòng yêu nước của bà Dương Vân Nga, như sử ngày nay hay nói.)
Nhân đây nói về một cách chép sử xưa. Tức là xét người theo tinh thần dân gian được làm vua thua làm giặc. Ai thắng thì được khoác cho đủ thứ danh nghĩa tốt đẹp và tha bổng cho mọi thói xấu. Vua thế mà dân cũng thế. Làm như để sống được, con người ta chỉ cần có lòng yêu nước thôi, không cần gì khác.
Mà sử ngày nay cũng đi theo vết xe ấy.
Một chính quyền có tính quân sự. Khoảng trống của học vấn
Trở lại với LLĐ. Ông vua 24 tuổi này là minh chứng cho những khái quát về các nhà cầm quyền quân sự mà sử xưa đã miêu tả: Tàn nhẫn dữ tợn kiêu căng. Và nhất là vô học ( chữ của Việt sử thông giám cương mục.)
Ngoài hành động cướp ngôi và đánh giặc ông này cũng có vài hoạt động khác.
Đại Việt Sử ký toàn thư ghi Bọn Ngô đô đốc, Kiểu Hành Hiến dâng biểu xin đào kênh, đắp đường và dựng cột bia ở Ái Châu. Vua xuống chiếu cho lấy quân và dân ở châu ấy đào đắp từ cửa quan Chi Long qua Đỉnh Sơn đến sông Vũ Lung.
Vua đi Ái Châu, đến sông Vũ Lung. Tục truyền người lội qua sông này phần nhiều bị hại, nhân thế vua sai người bơi lội qua lại đến ba lần, không hề gì. Xuống chiếu đóng thuyền để ở các bến sông Vũ Lung, Bạt Cừ, Động Lung bốn chỗ để chở người qua lại.
Nhưng hoạt động quân sự vẫn mạnh hơn cả.
Trên kia đã dẫn câu của Hoàng Xuân Hãn “Các vua vũ biền các đời trước đã đem những thói giết chóc thời loạn ra thi hành ở thời bình. Những cực hình dùng hàng ngày chứng tỏ rằng các vua ấy còn giữ tập tính của người rừng rú“.
Câu này do Nguyễn Hữu Châu Phan dẫn lại trong cuốn Xã hội nhà Lý nhìn dưới khía cạnh pháp luật ( Sùng Chính Tùng thư Huế 1971 tr 22)
Chữ võ biền này từng được nhắc tới trong lịch sử.
ĐVSKTB( tr 165) cho biết ĐBL cũng là loại “vũ lược có thừa mà học vấn không đủ, gần gũi bọn tiểu nhân, say đắm vui chơi yến tiệc”
Từ Lê Long Đĩnh có thể rút ra kết luận
-- Bộ phận nắm giữ quyền lực và kéo cả cộng đồng theo mình lúc này là các đầu lĩnh các võ tướng.
- Ra đời trong thế yếu nên ngay từ đầu chính quyền lập nên cũng chỉ lao vào việc đánh dẹp để tạo ra sự ổn định luôn luôn là tạm thời, các đầu lĩnh trở thành người có quyền sinh quyền sát quá lớn.
- Đất nước chỉ được tổ chức như một đạo quân mà không tính chuyện hình thành một xã hội.
NHCP bảo việc dùng các loại "luật pháp" rừng rú là dấu hiệu của các quốc gia chưa hình thành.
Đặt cách tổ chức chính quyền
theo kiểu quân sự trong văn hóa cai trị
Theo sách Các nền văn minh thế giới-- lịch sử và văn hóa ( bản tiếng Việt 2008) của các tác giả Philip Lee Ralph, Edward McNall Burns, thì đây là một kiểu dựng nước trong thế yếu và tình trạng chung là lạc hậu.
Sách này cho biết kiểu thống nhất xã hội ở Trung Quốc thời cổ đã là nhờ chính quyền. Nhưng chính quyền ở TQ ngay từ thời ấy đã biết nâng việc cai trị lên đến mức thành một văn hóa. Khổng tử Mạnh tử đừng nói Hàn Phi tử đều nói rất nhiều tới việc cai trị
Vẫn theo sách trên quá trình chuyển sự cai trị từ quân sự sang dân sự ở Trung quốc kéo dài nhiều đời.
Thời nhà Thương xã hội nông nghiệp được giai cấp quý tộc là các chiến binh cai trị. Đại sự quốc gia là tế lễ và tổ chức lực lượng quân sự.
Nhưng sang đời Đường, các hoàng đế không cai trị như kẻ chuyên chế quân sự mà duy trì sự khác biệt giữa dân sự và quân sự một khoảng cách đáng kể. Chỉ trong giai đoạn suy yếu các nhà lãnh đạo quân sự mới nắm chính quyền.
Vào đời nhà Đường người Trung Hoa đã tin chắc rằng các chế độ quân sự không hợp với các quốc gia có chuẩn tắc và văn minh. (Sđ d tr 405)
Xã hội đời Đường sắp xếp theo thang bậc năm cấp – sĩ nông công thương binh. Binh ở hạng cuối được gộp chung với kẻ ăn xin trộm cướp. Một câu tục ngữ thường được người đương thời trích dẫn ´sách tốt không dùng làm đinh, người tốt không dùng làm binh” ( như trên tr 407)
Theo các tác giả Các nền văn minh thế giới lịch sử và văn hóa, đánh giá như thế tức là quý trọng trí tuệ, biết dùng trí tuệ khống chế bạo lực, không coi trọng những nghề không sinh lợi.
Trong các công trinh nghiên cứu của một trí thức Trung quốc hiện đại là Lâm Ngữ Đường, người ta thấy ông luôn nhấn mạnh:
-- TQ trải qua chiến tranh nhưng không hướng tất cả nghị lực và sức mạnh cộng đồng vào chiến tranh. Họ chỉ sử dụng võ lực trong trường hợp cần thiết và trong một thời gian ngắn. Giai cấp thống trị hiểu rằng để đưa đất nước phát triển thì cần có văn—văn với ý nghĩa toàn bộ tri thức khoa học xã hội và kiến thức kinh tế
-- Ngay cả trong thời loạn lạc, người dân TQ không cảm thấy thèm một vị tướng tài bằng một người hiền tài có thể hướng dẫn họ ra thoát tình trạng chinh chiến.
Giới cầm quyền ý thức được rằng chỉ có trí tuệ mới có thể thuyết phục được tất cả, bằng trí tuệ mới quản lý được mọi người
Ở ta không phải các nhà làm sử thời nay không biết điều này.
Họ hiểu những chính quyền đầu tiên hình thành ở VN thời cổ đều có tính chất quân sự. Thoát thai ra từ thế lực chống ngoại xâm, bộ phận ưu tú trong xã hội chủ yếu là các đầu lĩnh. Hơn nữa chỉ là những đầu lĩnh nhỏ người nọ diệt người kia mà lớn lên dần.
Và họ hiểu lẽ ra cách quản lý đó phải thay đổi.
Giải thích về việc nhà Tiền Lê mất vào tay nhà Lý, sách LSVN đã dẫn viết “Tập đoàn phong kiến Tiền Lê đại biểu cho thế lực phong kiến quân sự về cơ bản đã làm xong sứ mệnh của mình” ( q.1, t II, tr 98).
Nhưng để làm tròn nhiệm vụ phục vụ tuyên truyền chính trị trước mắt, các nhà lịch sử đương thời vẫn có xu hướng coi việc lấy được đất nước là tiêu chuẩn chính để đánh giá các chính quyền nối tiếp trong lịch sử.
Cách tổ chức chính quyền theo kiểu quân sự là đặc tính kéo dài của xã hội VN suốt gần chục thế kỷ:
- Bằng cách sử dụng những ràng buộc có ý nghĩa tôn giáo, nhà Lý là một sự từ bỏ vai trò của võ tướng thời Đinh - Lê và trong việc ổn định xã hội, dành cho tôn giáo một vai trò lớn hơn.
- Nhưng chính quyền nhà Trần thì đặc sệt quân sự.
-- Đầu nhà Lê, quan võ loại Lê Sát vẫn át quan văn loại Nguyễn Trãi.
Mọi cố gắng của Lê Thánh Tông -- ông vua thuộc loại chăm lo xây dựng xã hội dân sự nhất ở ta - rút cục chỉ dẫn tới tình hình một xã hội rối ren thối nát thời Lê Mạc, tiếp theo là thời Lê Trung hưng mà nội dung chính là nền độc tài quân sự giấu mặt của họ Trịnh.
Do ẩn mình sau cái mặt nạ phù Lê, không làm nhân vật số một mà chỉ đóng vai số hai, nền độc tài đậm chất võ biền này kéo dài tới gần 200 năm. Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh đã rất có lý khi gọi hình thái vua Lê chúa Trịnh là môt sự báng bổ đối với đạo Nho.
--Để hiểu bộ máy cai trị đậm chất quân sự của nhà Nguyễn khi mới lấy lại đất nước, chỉ cần nêu lên một chi tiết: trong khi triều đình đóng đô ở Huế thì Nam Bắc mỗi miền được gộp lại quanh những trung tâm quân sự là Gia Định thành và Bắc thành.
Người đứng đầu các trung tâm này là các Tổng trấn, tức là các vị chỉ huy quân đội. Tổng trấn Bắc thành lúc đầu là Nguyễn Văn Thành và của Gia Định thành là Lê Văn Duyệt.
Lịch sử VN như vậy là đi theo vết xe của các triều Ngô Đinh Tiền Lê thời đầu dựng nước .Và trước khi Pháp sang, nền hành chính VN chỉ mới bước thấp bước cao trên con đường dài dặc là trở thành một bộ phận trong cái xã hội dân sự theo đúng nghĩa.
Home / LICH SU
/ Tính cách người cai trị trong lịch sử Việt Nam : trường hợp bạo chúa Lê Long Đĩnh ( bài tiếp)
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét