18/1
... Trong một
buổi tối bàn luận về thời sự.
Chính Hữu: Chủ đề văn học trong giai đoạn này vẫn không
phải là sự bất lực, mà chính là khả năng mạnh mẽ của con người. Phải công nhận
nước mình ghê chứ. Mấy thằng Đông Nam Á thấy Mỹ rút đang sợ rúm cả lên kia.
Khải:
Những tay nó ủng hộ mình không phải là những tay chống cộng vừa nhớ. Nó hiểu chủ
nghĩa cộng sản hơn mình nữa.Một sự nghiệp phi chính nghĩa không thể được người
ta ủng hộ lâu đến thế.
Rõ ràng
là cuộc đánh nhau của mình nó mang lại một tiền lệ -- Tức là các nước lớn đừng
có gây sự với các nước nhỏ! Không phải là nước lớn muốn gây sự gì cũng được.
(Xem thì biết, trong văn bản hiệp định
đình chiến, có một cái gì đó, như là toát lên tinh thần -- Mỹ là một kẻ xâm lược).
Chính Hữu:
Nó đã gọi mình là một con bò cạp. Đúng là môt con bò cạp nước! Mình đúng là một
siêu cường quốc về ý chí.
Nhàn: Sức mạnh
của mình ở đâu không biết?
Khải:Ở
tổ chức chứ còn ở đâu nữa? Trong những năm vừa qua, không dùng chế độ độc tài,
thì không làm được gì hết. Mà sự lãnh đạo xã hội cần như thế.
Vừa qua, tôi
có đọc quyển sách kể về tay trùm tình báo quân sự Đức. Nó nhìn thấy trước sự vô
lý của chủ nghĩa quốc xã. Nó muốn những thứ như Áo, Hung phải chống lại đi.
Nhưng người ta không chống. Nó rất căm ghét. Vì chủ nghĩa quốc xã có đáp ứng một
cái gì đấy của tình hình lúc bấy giờ. Người ta không thể biết trước được những
thất bại sẽ đến... Ban đầu, chủ nghĩa quốc xã cũng chỉ xuất phát từ việc đánh
vào tính tự ái dân tộc (sau chiến tranh 1918, Đức bị thiệt). Mãi về sau, người
ta mới tính tới những thứ nào đó, như vấn đề dòng giống...
Cho nên, chủ
nghĩa Quốc xã dựa trên hai cái: Tuyên truyền và tổ chức.
Nhàn: Thế có
phải tác giả đó muốn nói chủ nghĩa Cộng sản tương đồng chủ nghĩa quốc xã?
Khải: Đó là
suy luận của ông thôi, chứ không phải của tôi đấy nhé.
20/1
Trong giới văn nghệ, mọi chuyện như là phải nhận
thức lại.
Ông Khải kể,
gần đây nhất, nhân vụ B52, gặp ông Chế Lan Viên. Mới đầu đã nghe ông Chế cho một
câu phủ đầu “dân Hà Nội phấn khởi lắm, anh nào cũng muốn đánh nữa “ Nguyễn Khải
đã định nói thật: “Tôi tưởng thế là mình đành chịu rồi còn gì.” Nhưng chưa kịp
nói, lại nghe Chế Lan Viên chửi Liên xô, Trung quốc.
Khải định” phang “ lại một câu như thế này:
-- Ông phải biết lúc hò hét chiến đấu, tôi cũng
không phải là thằng hò hét xoàng đâu. Nhưng mà cái người, mà hôm qua ca ngợi
Liên xô, Trung quốc rất ghê, hôm nay lại quay ra chửi, thì đó là một thằng xỏ
lá.
Nhưng
nghĩ đi nghĩ lại thấy không cãi lại được với ông này, lảng sang chuyện khác.
Nhàn: Vì các
ông ấy có lúc quá tin ở tình hữu nghị.
Khải: Đúng,
đúng. Tôi cũng đã nghĩ thế. Lúc trước, các ông ấy khen cho lắm vào cơ. Còn
mình, thì lúc nào mình cũng nghĩ chiến tranh là việc của mình. Nước ngoài họ
nói thế chứ trong bụng họ biết thế nào mà lần.
Nhàn: Phần tôi, tôi cũng vậy. Trong những ngày
qua, tôi không trách ai cả. Tôi chỉ nghĩ về dân tộc mình, sao lại đến bước đường
cơ nhỡ như thế này.
23/1
Có thể cả
quyết đến 90% rằng đêm nay là giao thừa của hoà bình.
Bùi Bình
Thi: Tôi xem bản tin nhanh ở chỗ ông Trần Lâm. Ký tắt rồi. Rồi chuyển về cho 4
vị đứng đầu (giai đoạn này gặp nhau chưa tiện). Đâu ngày mai, trên Phủ thủ tướng
có buổi họp quan trọng lắm.
Huy Du: ông
Yên được triệu tập lên trên họp. Về nhà hỉ hả lắm, đến đầu ngõ đã reo lên,
chúng mày đâu, ra cho kẹo. Bây giờ mới thấy rõ bản chất của nhà chính trị.
Khải: Lại
nghe tin một gìờ trước khi ký, ông Trường Chinh gặp các Đảng bạn, Đảng dân chủ,
Đảng xã hội -- để thông báo, xem có đồng ý không. Để không đồng ý thì cắt lương
mà!
Đang nói thì
Văn Thảo Nguyên vào.Tất cả ào ào, có gì mới không.
Nguyên : Các
anh biết rồi còn gì.
Khải: Tin này
thì nghe lại hàng trăm lượt vẫn cứ thích.
Huy Du: Cả
ngày hôm qua, cán bộ cao cấp họp, Tổng Quân ủy họp riêng. Ông Yên về, chê
chương trình phát thanh chưa được sôi nổi lắm.
Thế mà không
hiểu sao thế giới nó vẫn im lặng quá. Nó chán trò này rồi.
Huy Du: Chỉ
có chúng mình là khổ. Vài hôm nữa, thịt gà tha hồ đắt.
Khải: Rồi ông
xem, hai hôm nữa, hàng hóa lại đầy đường.
Huy Du: Tết
này dân Hà Nội đừng hòng cắm hoa thật. Đã có lệnh nhà nước trưng dụng tất cả
hoa. 40 nguyên thủ quốc gia đến... Chỉ có những thằng ở chiến trường sốt rét là
khổ. Với lại những người mất cửa mất nhà. Còn chúng mình, chả làm gì, ngồi nói
láo.
Tôi đã bảo
rồi mà, văn nghệ chỉ là trò du hí. Có ông lại cứ khẳng định lý lẽ của các ông ấy
là chân lý. Tôi dám tin không có chân lý - cái đó là chân lý duy nhất.
Tôi có cảm tưởng rằng có thể là từ đây chấm dứt vai trò của mình.
Khải:
Không. Tôi lại cảm thấy bây giờ ông mới bắt đầu chứ? Tôi cũng thế. Tôi sẵn sàng
từ bỏ những gì hôm qua để làm lại tất cả.
Huy Du:
Thôi các ông ơi, chừng nào còn sống ở cái chế độ... tự do này, thì đừng có ảo
tưởng.
Rồi cả đám
cùng trở lại chuyện chung.
Huy Du: Người
ta lại sắp lo cho chúng mình một đợt chỉnh huấn. Thiệu chuẩn bị 3 vạn đĩ để mua
cán bộ Việt cộng.
Nguyễn Khải:
Rồi mà xem, những cán bộ chính trị sẽ lại bị "mất" với nó đầu tiên,
chứ không phải mấy thằng nhí nhố đâu.
Huy Du: Những gì nữa, có thể là ngay bố Hòa bị chứ gì.
Bùi Bình Thi: Còn vấn đề thống nhất. Ông Lê Duẩn
đã nói phải 15 năm nữa. 15 năm mà đồng bào miền Nam còn tin yêu Đảng thì chúng
ta sẽ có thống nhất.
Huy Du:
Chính các ông Việt cộng giải phóng không muốn thống nhất chứ ai. Xem xem, như
thằng Xuân Hồng Nam Bộ origine, ra
đây nó có chơi được với thằng nào không. Ông Hòa điếc trong Nam còn phải nói,
thôi các ông ạ. Xong thì ta cũng về thôi. Có thằng dân Bắc nào sống được ở
trong này đâu.
Nguyễn Khải:
Tôi thích cái bài báo của một thằng ở Madagasca Đông Phi.
Hai miền
Nam Bắc Việt Nam hồi Pháp thuộc vốn đã sống theo chế độ khác nhau giờ có thống
nhất thì cũng là một sự giả tạo.
Năm 1954
là cơ hội duy nhất để hai miền có thể thống nhất. Sau cuộc kháng chiến chống
Pháp, thì cơ hội đã trôi qua.
Sau 18
năm chia cắt, giờ đây hai bên sống theo những triết lý sống khác nhau.
Một bên
thờ phụng tự do cá nhân. Một bên sùng bái sự hy sinh.
Một bên thích diễn bi hùng kịch lạc quan.Một
bên thích hài kịch yêu đời.
Cũng như
trong một gia đình, một người anh được nuôi dưỡng ở Mạc Tư Khoa, người em được
thả lỏng trên các đường phố Nữu ước
... Ý tưởng
về thống nhất bây giờ chỉ là niềm hoài tưởng trong những người già.
Còn như
ngay cả đám thanh niên di cư 1954, thì họ cũng đã rời quê hương từ nhỏ, ý niệm
của họ về đất nước yêu dấu không có là bao.
Miền Bắc
muốn cho miền Nam cũng thành XHCN như họ, thì -- theo đúng lý luận của chủ
nghĩa Mác -- họ hãy để cho Mỹ đầu tư vào, sản sinh ra giai cấp công nhân mới, rồi
những người cách mạng ấy sẽ làm cách mạng đổi thay.
Nhưng đến
ngày ấy, thì thế giới đã khác đi rất nhiều.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét