Nhật ký 2012 ( III )

2-3
 HÃY TRỞ LẠI CHÍNH MÌNH
    Joe Ruelle là một người Canada đã thành thổ công trên đất Việt. Trong cuốn sách Ngược chiều vun vút được in tới lần thứ tư (2012),  tác giả viết rằng anh ta hơi buồn cười khi nghe dân ta già trẻ lớn bé chào họ lúc nào cũng hello.  Giá nói xin chào thì người nghe sẽ thú vị hơn so với lối “nhại” tiếng của họ đang thịnh hành.


    Tại sao Joe nói vậy? Tôi muốn cắt nghĩa bằng một chuyện cũ.
    Hồi còn chiến tranh Xuân Quỳnh có lần kể với tôi, trên cứ bảo cố làm thơ về bộ đội rồi đến các trận địa cao xạ bên mâm pháo đọc cho họ nghe; nhưng theo chị, chính ra bộ đội lại thích nhất là được nghe thơ tình và thơ về mẹ con vợ chồng bà cháu … Chứ họ chán ngấy thứ thơ mà các nhà thơ vẽ xanh vẽ đỏ về cuộc chiến đấu của họ -- đó là những bài thơ làm cho cấp trên chứ có phải cho họ đâu.
    Ta có thể hiểu ý muốn của người tự xưng là Dâu( từng nhận Tên tớ là Dâu ) là một cái gì rất tự nhiên.
     Thế còn phần người Việt. Có thể thấy gì qua việc dân mình thích Hello ?
    Chuyện này ai ở miền bắc trước 1975 mới rõ, hồi ấy chúng tôi không bao giờ được phép tiếp xúc với người nước ngoài, nhất là người châu Âu. Chỉ tỏ ra rằng mình có biết một vài tiếng Tây thôi cũng đã là một cách chuốc lấy tai vạ.
   Dĩ nhiên là chúng tôi ấm ức.
   Vì thế con người nơi đây hôm nay mới có cái sướng là tỏ ra mình cũng chịu chơi, cũng thạo cái của cấm kỵ đó.


3-3
BỆNH SỢ SỰ THẬT
     Báo SGTT 29-2-12 có bài viết ngắn cho biết việc xét lại lịch sử, hay gọi một cách ôn hoà hơn là nhìn lại lịch sử đang trở thành một hướng đi mới, đầy lôi cuốn với không ít nhà nghiên cứu. Nhưng nhà báo cũng nói ngay, không ít người đang băn khoăn: ứng xử ra sao trước xu hướng đang gây tranh cãi này?
     Kết hợp với một số tin khác, tôi thầm hiểu lâu nay đang có một tình trạng đóng băng chết cứng trong ngành sử. Nhiều kết luận đưa ra hôm qua nay đã biết là sai, nhưng các thế lực bám lấy cái sai đó mạnh quá, những người có thiện chí cảm thấy nắm tay mình bất lực trước những cửa lim khép kín, đành chỉ  thầm thì vụng trộm với nhau, vừa làm vừa sợ.
     Thả nào bài báo được đặt tên một cách lấp lửng bằng cách đưa ra câu hỏi Đọc lại lịch sử vượt qua nỗi sợ?
      Dẫu sao điều đáng ghi nhận nhất trong bài viết trên là cái nhận xét cho rằng ao ước xét lại đang trở thành một xu hướng đầy sức lôi cuốn nó làm nên một nét mới trong đời sống khoa học hiện nay.
     Nhân đây phải nói rằng cái cũ mạnh lắm, nó đã vào trong ta sâu sắc lắm, mọi nỗ lực thay đổi hẳn còn là trầy trật, cái cũ cứ đến với ta một cách tự nhiên theo đủ mọi nẻo lối.
       Ví dụ như  trên TTVH 19-2-12 , giày dép người Việt được Phan Cẩm Thượng mang ra khảo sát. Sau khi kể ra toàn những guốc gỗ và dép mo cau bài viết  kết lại như sau:
    “Thực chất thì trước thế kỷ 20, kiểu thức guốc dép và giày Việt Nam tương đối đơn giản, không so sánh được với thời hiện đại, nhưng chúng luôn là những tác phẩm thủ công tinh xảo.“ ( VTN gạch dưới ) 
   Giày dép không vô can, giày dép cũng là một phần của văn minh vật chất của văn hóa cộng đồng. Nên nhà nghiên cứu phải kết một câu mà tôi đoán là anh viết rất tự nhiên, đúng giọng của chúng ta những năm chẳng tiếp xúc với ai và luôn luôn nghĩ mình cái gì cũng tài cũng giỏi cỡ nhất thế giới!


 TIÊN ĐẺ RA TIỀN. TIỀN ĐẺ RA SỰ NGHIỆP
    Nhiều công việc nặng nhọc ở Hà Nội hiện nay được làm theo lối thay thế. Giả sử tôi đang có biên chế nhà nước chuyên quét rác, tôi bán lại công việc cho một người ngoài tỉnh nào đó, còn bản thân chạy chợ, lại chẳng hay hơn bao nhiêu.
     Có tiền tôi mua lấy cái bằng đại học, nộp cho cơ quan để được tăng lương. Thế là tiền đẻ ra tiền có đi đâu mà thiệt.


    Trong văn học nghệ thuật nghe đồn có chuyện vui vui như sau. Khi nhiều Hội văn nghệ địa phương thành lập không tìm được người quản lý xứng đáng,  phải lấy cán bộ đảng sang phụ trách. Mấy ông này không có chuyên môn, sợ anh em coi thường đành nghĩ ra một mẹo là thuê người viết cho mình một cuốn tiểu thuyết. Rồi lấy tiền cơ quan cho in. Rồi tự cho mình giải thưởng. Rồi lấy đó làm lý do xin làm thành viên của các Hội TW.
   
      Nhân đây thử bác lại cái câu Cái gì ít tiền không mua được, nhiều tiền không mua được thì rất nhiều tiền sẽ mua được : Một là con cái học hành ngoan ngoãn tử tế hai là vợ chồng hiểu biết và thương yêu nhau, ba là sự phát triển liên tục của nhiều thế hệ, của cả dòng họ -- cái đó thì không tiền nào mua nổi.




GHI VẶT   
   Nhiều ngõ nhỏ ở các làng cũ mới lên thành phố nay mọc san sát các ngôi nhà 4-5 tầng xây trên nền đất những ngôi nhà cấp 4 cũ. Cái cũ được tôn cao được bôi trát hiện đại nhưng vẫn luôn luôn gợi cho người ta nhớ cái hồn cốt nhếch nhác thảm hại.


    Ngoài sách phong thủy các cửa hàng sách dạo này thấy bày bán nhiều cuốn nói về cách đặt tên con xào xáo từ các loại hàng chợ TQ. Đến xứ mình, chúng còn thảm hại hơn một bậc,  ví dụ chỉ viết chữ Hán theo kiểu quốc ngữ, chứ không hề ghi chữ vuông bên cạnh. Lại là một ví dụ về một lối nông nổi học theo nước ngoài chỉ cốt để úm nhau, hơn là một nét văn hóa vốn có trong truyền thống như người ta tự nhận.
  
5-3
 NHẸ KIẾP NHÂN SINH   
      Dưới mắt người nước ngoài giao thông đi lại ở Hà Nội hiện ra khá thú vị.
      Nhà văn Carol Howland đã viết trong cuốn sách Những con rồng trên mái nhà - một năm ở Việt Nam: “Đi bộ ở Hà Nội 36 phố phường giống như len lỏi tìm đường đi trong một bát mì.’      


   Chris Anderson, một cựu phóng viên của CNNGO cảm nhận: Ồn ào, đông đúc và dễ lạc là điểm nổi bật dễ nhận thấy nhất của phố cổ Hà Nội. Vì thế, để khám phá, nên đi lang thang không mục đích. Không điểm đến, không lộ trình được vạch sẵn. Chỉ đơn giản rẽ trái, rẽ phải hay đi thẳng.


     Vẫn theo Chris Anderson, “không có con đường nào được gọi là “ít được đi lại” ở đây. Tất cả các tuyến phố đều tràn ngập xe máy, ô tô, xe đạp và người đi bộ. Đừng chỉ tập trung vào bước chân, hãy nhìn sang hai phía và tận hưởng khoảnh khắc bạn đứng ở giữa phố với hàng tá xe cộ vây quanh.”




    Từ chuyện giao thông thấy gợi ý về cả một triết lý sống. Đừng đặt cho mình mục đích gì hết. Hãy sống nhẹ nhõm, bằng lòng với mọi tình huống xảy ra, lấy sự quan sát sự đời làm vui, kết quả thế nào cũng chấp nhận. Tôi đóan nhiều người trong bụng cũng đồng tình với Chris Anderson và trong sự bươn bả hàng ngày thực ra vẫn sống bằng triết lý đó. Nếu không thì chịu sao nổi hở trời!




LÝ DO ĐỂ CẢ NHỮNG NGƯỜI TỬ TẾ
CŨNG TÁN THÀNH XÂM LƯỢC
     Lý do nào khiến cho người Pháp xâm lược VN cuối thế kỷ XIX? Lâu nay ta chỉ nghe nói đó là do  nhu cầu phát triển của chủ nghĩa tư bản Pháp. Nhà sử học  Philippe Devilles cũng đồng ý vậy, nhưng trong Lời nói đầu cuốn Người Pháp và người Annam bạn hay thù? ( bản dịch tiếng Việt của Ngô Văn Quỹ, NXB Tổng hợp TP HCM  2006) ông bảo rằng ở đây còn một lý do nữa.
     Đó là  người Pháp thấy quan lại Việt Nam đang bóc lột một cách bỉ ổi dân chúng của họ.
   “Dập tắt những cuộc truy bức tôn giáo, giải phóng một dân tộc khỏi những quan lại của họ , những điều này đủ để có thể  đốt cháy lên được sự phẫn nộ, huy động lên được những người có thiện chí ở Pháp “ (sđd tr 7)




6-3
 BƯỚC ĐI GIỮA BÓNG TỐI
   Tiểu thuyết Chú nhóc đen, tác giả Richard Wright,  Vũ Văn Kha tức Trần Dần dịch, bắt đầu bằng một câu đề từ lấy từ sách Job trong Kinh Thánh.
    Họ thấy bóng tối giữa ban ngày, và họ bước giữa ngọ, tựa hồ đấy là đêm
     Tôi nhớ tới câu nói ấy khi đọc các tin tức về những  tình hình làm ăn bê bối mọi mặt hiện nay.
     Cắt nghĩa các vụ vỡ nợ, lừa đảo, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, cho rằng chúng “ điển hình cho sự thiếu minh bạch về đối tác làm ăn trong xã hội “.
       Ta đang bàn nhiều về tình trạng hư hỏng trong mối quan hệ nhà nước với người dân. Nhưng cả mối quan hệ giữa người dân với nhau, cái đó cũng đang bị tha hóa. Câu nói của nhà kinh tế gợi người ta nghĩ  tới một thứ bóng tối trong các mối quan hệ dân sự.
      Trong một mức độ nào đó,  có thể nói nay là lúc nhiều người chúng ta sống như lên đồng, như đánh bạc, sống mỏ mẫm, sống nặng về cầu may. Dám làm mọi việc nếu nó hứa hẹn ra tiền. Nhưng chẳng hiểu mọi chuyện đi đến đâu và trước mắt chẳng hiểu đối tác của mình là ai, có đáng tin cậy không.  
   Thế giới nửa người nửa ma. Ma dại đầy đường. Người lẫn với ma. Cái chữ ma này được Tô Hoài láy đi láy lại từ bài viết về Nguyễn Bính. Ông dùng để tả đám người làm văn chương thất tha thất thểu hồi tiền chiến. Nay thì chúng ta có thể mở rộng ra các lĩnh vực khác và cả không gian xã hội.
    Ca dao cũ: Đi đâu lả cả là cà—Như chim lạc tổ như ma lạc mồ.
    Thơ Nguyễn Duy: Người đi như xác chết trôi giữa đường.
    Thơ Văn Cao viết 1945: Kiếp người  tang tóc—Loạn lạc đòi nơi xương chất lên xương--Một nửa lang thang ma đói sa trường—Còn một nửa lang thang tìm khóai lạc
     Cần nói thêm là nếu ngày xưa, ma đói ma dại ma như những cái bóng nhợt nhạt thì ngày nay ma trở nên năng động, ma đầy dục vọng, những hồn ma  đang biến thành quỷ.


11-3
 GHI VẶT
     Một đại diện hãng Mercedes nói rằng sang VN tự nhiên ông ta thích tính chuyện làm riêng.
    
   Một phóng viên phương tây ca ngợi thay đổi ở Myanma – các thành phố rất sạch sẽ và con người thì  khá vui vẻ , mặc dù giá sinh hoạt có xu hướng tăng cao.
     Tôi khi xem TV, chỉ thích nhất là cảnh  đường phố Myanma không thấy một bóng xe máy nào mà chỉ toàn ô tô và người đi bộ.


TRÍ THỨC & PHẢN BIỆN
     Nhiều người cả quyết sứ mệnh của trí thức phải là phản biện. Tôi muốn vân vi nói rõ thêm một chút, ở đây phải có phân biệt. Đối với giới trí thức nói chung, đặt ra yêu cầu đó là hợp lý. Nhưng đối với từng người một thì chưa chắc.
     Cần nhớ trí thức là một tầng lớp xã hội, bao gồm nhiều người làm nhiều công việc khác nhau. Một số chuyên suy nghĩ về những vấn đề lâu dài trừu tượng, một số khác trên cơ sở những tìm tòi tổng quát của cả giới, tìm cách vận dụng các tri thức đó vào thực tế, tham gia hình thành quyết  sách cho xã hội, bao gồm  giáo dục hướng dẫn nhân dân và đối thoại về từng vấn đề cụ thể với nhà cầm quyền.
    Nếu hạng thứ nhất không có mặt thường trực thì ta cũng không nên trách họ.
     Phản biện là cần, nhưng đã đến lúc đòi hỏi nhau không chỉ à à lên tiếng đồng loạt là đủ. Mà phải tính kỹ chiến lược sách lược cụ thể, để ngày càng nâng cao chất lượng các phản biện đó. Việc này không thể tách rời tiềm năng sâu xa của giới trí thức nói chung.
       Khốn khổ một nỗi, xã hội Việt nam không chỉ thiếu người tham gia phản biện mà càng thiếu người chuẩn bị cho các phản biện đó hiệu quả. Suốt trường kỳ lịch sử-- cả lịch sử trung đại lẫn lịch sử hiện đại— sự phát triển cộng đồng chưa bao giờ cho phép hình thành một đội ngũ trí thức tầng tầng lớp lớp hùng hậu và đạt chuẩn mực như thấy ở mọi cộng đồng phát triển bình thường khác. Thiếu lớp trí thức đó, xã hội không nhận thức được chính mình, và nhân dân nữa  ,nhân dân không bao giờ trở thành nhân dân như chúng ta thường ca ngợi.
   
DUYÊN NỢ NGÀN ĐỜI
 Trên T/c Đông Nam Á, một nhà nghiên cứu viết rằng một số sứ quân của thời Đinh Bộ Lĩnh là dân Tầu tràn sang từ thời bắc thuộc. Trong số các đạo quân tham gia vào việc đánh quân Nguyên có những đội quân của người Tầu, mang lá cờ Tống.
       Đọc kỹ sử cũ, sẽ thấy nhiều chi tiết cho biết đầu thế kỷ XV, cùng với các đạo quân của tướng nhả Minh Hoàng Phúc, nhiều người  dân chủ yếu là các vùng Hoa Nam cũng tràn sang; khi quân Minh rút về, họ vẫn ở lại.


    Năm ngoái, cuốn Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ  của Đào Trinh Nhất đã được in ra, trong tuyển bài của tác giả, mạng Văn hóa Nghệ An đưa nhiều kỳ, vậy mà chả thấy dư luận nhắc nhở gi cả. Riêng tôi còn nhớ hồi in lần đầu, cuốn sách khiến những người Hoa Kiều cảm thấy việc làm ăn bị đe dọa. Họ bảo nhau góp tiền mua cho bằng hết và bằng cách đó vô hiệu hóa nó.
    Chuyện này do nhà văn Nguyễn Công Hoan kể trong Nhớ và ghi .
   
     Mấy câu mở đầu  cho một bài hát lúc nhỏ tôi thường nghe người trong gia đình hát
    Ngộ bên Tầu là ngộ mới sang
   Sang Nam Việt bán buôn làm giàu
    Một trong những bài văn của Nguyên Hồng học ở văn tuyển lớp 7 – cuối cấp II -- là bài Một người mẹ Trung Quốc. Nguyên văn nó có cái tên Người đàn bà Tầu. Trong truyện có đoạn Nguyên Hồng cho người đàn bà chạy lọa hô khẩu hiệu
    Đả đảo khủng pu Đả đảo khủng puCung giần xiungti thóan che lai chiu xu xâu tao tơ thủng trư pa
    Đả đảo khủng bố -- Anh em công nhân đoàn kết lại cứu lấy đồng chí bị bắt


14-3
  SAI LẠC NGAY TỪ QUAN NIỆM
     Ở Hà Nội trước 1954, báo chí thường có mục gọi là Điều tra tiện và bất tiện. Ví dụ tôi muốn mở một cửa hàng, phải xin phép; chính quyền thông báo cho mọi người xem cửa hàng tôi mở có ảnh hưởng đến việc làm ăn của người khác hay không. Nghe nói bên Pháp người ta còn tính số lượng quán cà phê được mở tùy thuộc vào mật độ ở cái khu dân cư sở tại.   
      Ở Hà Nội trước 1965, việc nhập tịch rất khó khăn, nhiểu thanh niên Hà Nội lấy vợ nông thôn chết dở ở chỗ không được đưa về HN. Con đẻ ra cũng phải theo mẹ, làm khai sinh cho chúng nó xin mời về quê vợ mà làm.
     Chợt nhớ điều này khi thấy trên báo mọi người bàn từ chuyện kiểu nhà  chuyện mua ô tô chuyện nhập cư…Và người ta viện ra cái lý do tuyệt vời quyền được tự do của con người. Tự do mua bán. Tự do giao thông. Tự do cư trú
     Rồi tôi lại nhớ cái câu tục ngữ hơi thô: Thứ nhất quận công thứ nhi ỉa đồng.
     Anh K. bạn tôi bảo , một xã hội còn gán cho hai chữ tự do một nghĩa bát nháo như thế thì là sao tránh được hỗn loạn.
Dẫn từ  mạng Đông A
     Tiến trình dân chủ và tự do trong một nước tùy thuộc rất nhiều yếu tố xã hội, chứ không thể nhập cảng từ ngoài vào. Yếu tố chính là trình độ dân trí. Trong cuốn Bàn Về Tự Do (On Liberty, 1859), John Stuart Mill có viết: “Giáo dục phổ quát phải đi trước quyền công dân, đặc biệt là quyền bỏ phiếu phổ quát” và “Tự do chỉ có thể trở thành hiện thực trong một cộng đồng văn minh [sic]”…




MỘT GIAI ĐOẠN ĐOẠN VĂN HỌC KÉO DÀI ĐÃ BA MƯƠI NĂM
  Sau  khi đăng lại bài Dương Thu Hương, tôi muốn viết thêm về những nhà văn có đóng góp vào việc nhận thức xã hội VN hậu chiến. Ví dụ như Nguyễn Minh Châu. Các truyện ngắn Chợ tết, truyện vừa Cỏ lau…Rộng hơn một chút, tôi muốn nói về văn học Việt Nam 25 cuối thế kỷ XX với nghĩa, nó tiếp tục văn học những năm chiến tranh ra sao.
    Tiếp tục với nghĩa vừa vừa theo quán tính làm ăn kiểu cũ, vừa muốn thay đổi theo yêu cầu của hoàn cảnh.
     Nhưng rồi những cố gắng đó cứ lọt thỏm đi, chưa hiểu hiện đại thế nào mà đi đâu cũng thấy nói loạn cả lên về hậu hiện đại. Không khí sáng tác vừa chưa bao giờ thoát khỏi tình trạng hoang dại dân gian, vừa nhanh chóng úa héo thóai hóa.


KHỦNG BỐ TINH THẦN
    Trong những bài viết về Triều Tiên , một vài năm gần đây không chỉ sự đau khổ vật chất ăn đói mặc rách mà cả thói ngu dân bắt đầu bị tố cáo.
     Và tiến một bước nữa là sự khủng bố. Trả lời RFI , người phụ nữ trốn thoát khỏi Bắc Triều Tiên kể lại câu chuyện của cô trong cuốn tự truyện in ở Pháp: N.Korean Defector Tells Her Story in French Autobiography(Chosun). Cô Kim nói: “Ở Bắc Triều Tiên, ngay cả trẻ em ở trường tiểu học bị buộc phải xem hành quyết công cộng để họ truyền cảm giác sợ hãi trong các em”
  “ Bạn không thể có hy vọng hay ước mơ ở miền Bắc”. Cô Kim Eun-sun kết luận


17-3
     Đọc Rễ bèo chân sóng hồi ký của Vũ Bão. Viết kỹ. nhiều chi tiết giá trị. Nhưng theo tôi vẫn chưa ra hồi ký của một nhà văn, vì chưa thấy các vấn đề của đời sống văn nghệ qua số phận một người trong cuộc.


    Giải thưởng Phan Chu Trinh nhấn lại tầm quan trọng của nghề dịch, nhất là dịch tác phẩm nghiên cứu triết học chính trị văn hóa  của các tác giả cổ điển.
     Lâu nay, ở Hà Nội chỉ thấy tôn vinh các nhà dịch thơ văn, tiểu thuyết. Và cũng chỉ tôn vinh vừa vừa thôi vì xã hội ta có coi đó là nghề sáng tạo đâu.
     Anh Vũ Đình Bình kể với tôi, ở mấy nước như Litva, Latvia , người ta quan niệm nước người ta chỉ có một nền văn học vừa phải, rất chú trọng việc dịch.
     Xã hội luôn nói thẳng với các ngòi bút định đi sang tác rằng có viết được cái gì hay đến mức thế giới người ta cũng phải nể thì các anh hãy viết. Bằng không, hãy học thật giỏi ngoại ngữ và đi dịch cho chúng tôi nhờ. Kết quả là Hội nhà văn các nước ấy , hội viên dịch đông hơn hẳn so với Hội viên các bộ môn sang tác.


19-3
 Bài của bà Phạm Chi Lan—không được chỉ đạo kinh tế theo lối đánh du kích
 Một gợi ýđể tiếp tục cái điều tôi hằng nghĩ—chúng ta làm kinh tế theo kiểu chiến tranh, do tư duy chiến tranh chỉ đạo.
 
 Hôm nay ngày khai mạc Hội sách TP HCM
Một lần, tôi thấy giới thiệu sách VN tặng Unesco mà xấu hổ. Toàn những cuốn sách mỏng mảnh èo uột và tôi đoán bên trong nội dung chẳng ra gì.


  Nhớ có lần thấy Olimpic London quảng cáo loại khách sạn một người tiện cho dân du lịch, trong khách sạn đó không quện bố trí có một thư viện mini đủ những sách đang được đọc nhiều.


  Năm ngoái có một hội sách ở Văn Miếu. Tôi đến muộn, chỉ thấy nói trước đó có phát không một số sách. Nhiều người xô nhau vào cướp.
   Tôi đoán họ cướp sách chả phải để đọc đâu. Mà chỉ để thỏa mãn cái ao ước được chiếm lấy một thứ gì đó bằng bạo lực.


 21-3
    Rất nhiều quảng cáo trên TV đưa ra hình ảnh con người cả già cả trẻ sung sướng hể hả mát lòng mát ruột khi được hưởng miếng ăn ngon hoặc mua được thứ đồ hàng hiệu đồ xịn.


 25-3
  NHÌN SÂU VÀO NƯỚC NGA
     Lý giải chế độ tân phong kiến ở Nga là tên bài viết của một nhà khoa học Nga viết trên báo Mỹ. Có mấy ý rất sâu:
-- Chế độ hôm nay sẽ chẳng phát triển giống nước nào. Nó chỉ là nó. Gọi nó là chế độ tân phong kiến vì nguyên tắc của nó rất đơn giản, dưới lo cống nạp và trên chấp nhận.
--  Hy vọng vào sự thay đổi của chế độ hôm nay là một điều hão huyền. Vì nó được sự đồng thuận của nhiều người, kể cả những người bị thua thiệt nhưng đã quá mệt mỏi trong quá khứ.
    Tham nhũng không phải là một lỗi hệ thống mà chỉ là nguyên tắc cơ bản của các hoạt động bình thường.
-- Bộ máy quan chức được tổ chức theo lối phi chuyên nghiệp hóa. Nó yếu kém một cách đột biến so với thời xô - viết.
   Nhưng do đó, nó lại đánh thức cái phần kém cỏi non nớt hoang dại vô văn hóa và rất tàn bạo vốn đầy rẫy trong mọi xó xỉnh của nước Nga. Nó thu hút được rất nhiều người trẻ tuổi đang khao khát một chỗ đứng dưới ánh mặt trời.
    Đám người hạ lưu đó dám làm tất cả những gì mà những người có tiền và có quyền đòi hỏi.  Họ lấp đầy bộ máy hành chính và bộ máy sức  mạnh.
    Ngày càng thắng thế và tự tin , họ tự trang bị cho mình đủ thứ danh hiệu giáo sư viện sĩ. Họ khiến cho những tầng lớp ưu tú ngày càng trở nên thiểu số ngày càng teo tóp bất lực. Mỗi năm có khoảng 40.000—45.000 chuyên gia trẻ tuổi có tài đổ ra nước ngoài. Hiện có khoảng 3.000.000 công dân Nga  sống ở các nước thuộc Liên minh châu Âu.


31-3
  Mạng Viet-studies có bài của Nguyễn Đình Chú viết về không khí đấu tố ở Đại học 1956-57 , trong đó tôi cảm thấy tin cậy hẳn lên khi ông Chú nhận là mình cũng bị cuốn theo cái loạn hồi ấy. Vốn là trợ lý của GS Thảo , vậy mà về sau có lần gặp TĐT trên cầu thang,  NĐC đã cúi mặt không chào.
     Mấy ai dám nhắc lại chuyện cũ với thái độ chân thành và sòng phẳng như vậy. Cái chữ mà NĐC dùng ở đây – một sự thật khốn nạn.
     
    Điều đáng nói khi nhớ lại những sự kiện như Cải cách ruộng đất, không chỉ là việc bao nhiêu người tốt có công lao bị giết; mà là bao nhiêu người còn sống -vốn rất tốt - sau sự kiện này cũng trở nên hư hỏng hèn mạt, tóm lại là lưu manh hóa. Còn sau chiến tranh, bao người có công tự cho phép mình bất chấp luật pháp chỉ lấy việc lo kiếm chác xoay xở cho bản thân và gia đình làm lẽ sống.






Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét