Một cách nhìn nhận lễ hội

Một số bài phiếm luận về các lễ hội đã in trong Nhân nào quả ấy ( 2003)  và Những chấn thương tâm lý hiện đại ( 2009)
 -- Sự lên ngôi của thói vụ lợi
-- Sự hỗn độn  kéo dài
-- Nhạt hội bởi chưng hội nhạt
--Tự hiểu mình hơn
-- Cái dung tục vốn có  từ …  truyền thống
-- Mô hình thu nhỏ của đời sống.








                        Sự lên ngôi ca thói v li

 Không gì xa lạ với văn hoá bằng tinh thần thực dụng. Song đáng tiếc là tinh thần thực dụng ấy lại đang có mặt và chi phối cách tổ chức của một hoạt động văn hoá có quy mô lớn như lễ hội.
        Thật khó hình dung đời sống văn hóa những năm gần đây, mà lại bỏ qua câu chuyện lễ hội. Trong khi các rạp chiếu bóng trở nên vắng vẻ, và nhiều rạp hát chỉ sống thoi thóp, thậm chí cả đến những trận bóng đá trong nước cũng để trống cả khoảng lớn trên khán đài, thì nhiều lễ hội lại hiện ra như một cảnh diễn sôi động và cùng lúc có sức thu hút tâm trí của hàng triệu người. Sau những ngày lễ hoặc chủ nhật, trong những phút kể cả bên quán nước, hoặc trước khi bàn việc làm ăn, trên cửa miệng nhiều người là câu chuyện rôm rả, hào hứng chung quanh lễ hội vừa được tham dự. Một phương diện khác, có thể quan sát để không cần đi đến lễ hội, mà vẫn có thể bảo nó đang bùng nổ, là những lời mời mọc hàng ngày kêu gọi người ta đến với lễ hội... Vào dịp đầu xuân, ở mục thông tin quảng cáo của truyền hình, nơi lâu nay là đất tung hoành của các loại bia, dầu nhờn và xa xỉ phẩm, bỗng xuất hiện những dòng chữ khiêm tốn, nhã nhặn: Chùa X...làng (xã) Y... mới được trùng tu, mời bà con cô bác về dự. Nếu như kể đến cách thức tuyên truyền quảng cáo sang trọng hơn, chẳng hạn nhân ngày xuân, có cả những trang báo miêu tả kỹ lưỡng hội này lễ nọ, thì phải nhận hoạt động văn hoá này đã tìm ra được những cách thức tốt nhất để... không ai yên được với nó.
Có vẻ như nay là lúc mà các hoạt động lễ hội ở vào thời điểm “trăm hoa đua nở” và trong khi nhiều người vẫn rủ rê nhau đi tiếp, lác đác bắt đầu thấy có tiếng phàn nàn, mà lời phàn nàn đầu tiên đáng để ý là: Sao nhiều lễ hội thế? Theo trí nhớ của một nguời nổi tiếng là “cường ký” (nói nôm na là giỏi nhớ ) như nhà văn Tô Hoài, những năm từ 1945 về trước, ở vùng Bưởi quê ông, đây không phải là việc làm dàn đều: Cúng bái thì làng nào cũng có cúng bái. Nhưng hội thì không chắc. Chỉ có một số làng như thế nào đó mới có hội và hội ở đấy mở ra, không chỉ cho dân làng ấy (dân sở tại) mà còn cho dân làng khác đến xem. Quay nhìn cảnh đua đả mở lễ hội hiện nay, người ta không khỏi tự nhủ: hình như lễ hội đang trở thành món thời thượng, thành mốt, cả mốt tham dự, lẫn mốt đứng ra làm chủ lễ chủ hội?! Nếu giả thiết này đúng, thì tức là một hiện tượng, tưởng như hoàn toàn có sắc thái truyền thống lại đang tồn tại theo quy luật của thị trường - điều oái oăm khó giải thích mà cũng khó rành mạch với nhau trong thái độ, chính là ở chỗ này.


Xét trên lý thuyết về lễ hội, tức thử nhìn lễ hội dưới góc độ văn hóa, có thể nhận thấy từ xưa, con người đã đến với lễ hội với hai định hướng.
Một là, tìm về sự thiêng liêng, để tinh thần có dịp thăng hoa cộng cảm với đời sống linh diệu mà đôi khi trong sinh hoạt hàng ngày, nó bị đánh mất.
Hai là, tìm về cộng đồng, đám đông, để củng cố thêm sự tự tin, lòng ham sống. Đi hội tức là trong một khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng thú vị, người ta cảm thấy như được vượt ra khỏi sự thống khổ của đời sống thường nhật, để tha hồ sống thoả thích, sống theo ý muốn.
Từ xưa tới nay, hai hướng này đã là động cơ thúc đẩy người ta lo dọn bãi, dựng rạp, trình diễn các trò vui trong dịp hội làng, hoặc kiên nhẫn lần theo những vệt đường mòn, tìm tới những lễ hội lớn, quy tụ cư dân một vùng đất. Có cảm tưởng là hình thức lễ hội xưa thích hợp một cách tuyệt vời với trạng thái tâm lý của con người lúc ấy. Còn giờ đây thì sao? Ý niệm thăng hoa suy cho cùng vẫn chìm sâu trong mỗi cá nhân, song chắc chắn, sức tác động của nó không còn như cũ. Đốt đuốc đi tìm cũng không sao tìm thấy người đi hội để mong ướm thử hài tiên và trở thành vợ vua, như cô Tấm ngày nào. Trong ngưỡng vọng về nguồn lờ mờ ám ảnh cả cộng đồng, người ta chỉ cảm thấy phải tiếp xúc với những đền đài di tích, phải biết chút ít về lịch sử như mọi người thì mới phải đạo. Lại như chuyện sống buông thả, giờ đây,khi mà hàng quán vidéo, karaoke mọc lên như nấm ở các phố phường và các loại bia ôm, cơm ôm nhan nhản khắp nơi đến độ báo chí phải lên tiếng thì còn ai phải chờ đến lễ hội mới thực hiện cuộc sống ngoài vòng cấm đoán như con người trung thế kỷ. Vậy mà người ta vẫn đi hội, tại sao? Đi để “xả hơi:” du ngoạn, ngắm cảnh. Và nhất là đi để được sống trong hội, khổ sở về hội, và trở về, nhìn vào mắt những người hàng xóm với chút tự hào nho nhỏ là mình đã đi hội. Tóm lại, đi để cảm thấy, mình đã sống giống như tất cả mọi người, để khỏi cảm thấy lạc lõng, cái ý sâu xa là thế. Đây là nói về khách thập phương, bao gồm viên chức tư nhân có  nhà nước có, và các loại dân đô thị, đang tạo nên không khí nô nức của các lễ hội. Đám dân đô thị này còn đi, thì người các địa phương có hội còn tích cực phục vụ. Đôi bên hợp cả lại, làm nên những lễ hội tấp nập hơn bao giờ hết và cũng xa lạ với lễ hội ban đầu hơn bao giờ hết... Mặc! Lễ hội cũng phải thích ứng với hoàn cảnh chứ! Giá có ai bài bác, người ta đã có đủ lý lẽ để đáp lại.


Trong một tham luận đọc tại một cuộc hội thảo quốc tế về lễ hội truyền thống tổ chức ở Hà Nội 2-1993, một giáo sư tiến sĩ chuyên về văn hoá dân gian đã nhận xét “Con người tổ chức và tiến hành lễ hội chính là vì quyền lợi của họ. Về thực chất, mối quan hệ giữa con người với những đối tượng được tin là mang tính vụ lợi hay ít nhất cũng là sự trao đổi. Con người dâng lên đối tượng được tin những vật hiến tế, vật dâng cúng. ít hay nhiều tuỳ theo từng trường hợp. Để đổi lại, họ yêu cầu đối tượng được tin trả lại cho họ, phù hộ giúp đỡ họ cái cần” (Niềm tin và lễ hội --Tô Ngọc Thanh,  in trong Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại, NXB Khoa học xã hội, 1994, trang 268-269). Không rõ nhận xét này có đúng với lễ hội trên thế giới nói chung (kể cả những xứ, ở đó, người dân có niềm tin tôn giáo sâu sắc), song đối chiếu với xã hội Việt Nam thì thật chí lý, càng hôm nay càng có lý. Với đà trưởng thành của nhận thức, niềm tin vào cái thiêng liêng ở nhiều ngưòi có thể xói mòn. Song niềm tin vào khả năng giao cảm với thần thánh (trước tiên là cái quy ước ngầm “có đi có lại”) không bao giờ mất.
Với những người này, đến với lễ hội giờ đây thực sự là chuyện đi lễ, nói nôm na là đi cầu tài, là tìm sự hỗ trợ của thần thánh trong những mưu đồ hốt bạc. Chả thế mà người ta tranh nhau bộc lộ lòng chân thành và trên nét mặt người có lễ vật hậu hĩ hơn cứ thấy lồ lộ một niềm tin như đinh đóng cột, tin rằng đấng thiêng liêng thế nào cũng phù hộ mình đầy đặn hơn những kẻ sửa lễ sơ sài. Chừng đoán ra rằng sau những chuyến lễ bái như thế này, đám dân đô thị sẽ hái ra của, nên người địa phương nơi lễ hội cũng tìm mọi cách để kiếm chác. Hàng bán được đưa lên ngay bên những nơi linh thiêng nhất để quát với giá thật đắt và nếu trước khi ra về, có dúi vội cho đám khách thập phương ấy một số thứ hàng kỷ niệm loại rổm, thì không bao giờ người ta lại hối hận cả. Thôi thì lạy trời lạy phật, mỗi bên một tí, cho hợp với lẽ công bằng! Lại đã thấy có những trường hợp, sự vụ lợi tiến sát đến điều giả dối, chẳng hạn biến một ngôi đền vốn thuộc dâm từ thành đền thờ anh hùng dân tộc, hoặc sửa sang tô điểm một điểm du lịch vừa phát hiện thành một nơi có ý nghĩa lịch sử. Trong cơn say lễ hội sự đắp điếm còn đương quá lộ liễu ấy bắt đầu bị nghi ngờ. Nhưng chưa ai buồn lên án. Và nó vẫn tồn tại. Biết đâu, chả có lúc, thời gian sẽ mang lại cho thứ di tích mới được kiến tạo ấy một vẻ rêu phong và các nhà khoa học lại đổ xô vào mà phát hiện, nghiên cứu. Lúc bấy giờ, sự vụ lợi mới thật đắc ý về khả năng bách chiến bách thắng của nó.




                                  Sự hỗn độn  kéo dài

Cái cảm giác bao trùm trong tâm trí nhiều người sau khi tham dự một số sinh hoạt văn hoá hiện thời không phải bao giờ cũng một chiều tốt đẹp. Ngược lại, trong nhiều trường hợp, người ta cảm thấy vừa phải đối diện với một thực thể hỗn độn. Giống như khi phải nghe quá nhiều tiếng ồn. Hoặc giống như khi đứng trước một mảnh vườn đủ các loại cây mọc lên mà không ra hàng ra lối gì hết. Mọi thứ đều có song trật tự lại thiếu, và có những sự pha tạp tuỳ tiện, không dễ chấp nhận.
Cái cảm giác ấy trở nên nặng nề hơn khi đến một số lễ hội. Ở hội này, nhìn quanh chỗ nào cũng thấy biển quảng cáo, hết Cô-ca hoặc Pep-si, lại đến Tai-gơ (trong một số trường hợp họ là nhà tài trợ chính nên mặc sức tung hoành). Và, ở hội kia, trong khi thiếu vắng những trích đoạn văn hoá dân gian cổ truyền có khả năng dựng tạo không khí huyền thoại thì ngược lại nhan nhản những trò chơi “hiện đại” chỗ này đu quay (hoặc xiếc mô tô bay) chỗ kia ném vòng ăn tiền. Thành thử người đến tham dự được sống với quá khứ thiêng liêng thì ít, mà phần nhiều toàn phải nhét vào tai những tiếng hò, tiếng quát thét, tiếng mời chào mua hàng “mua cái này đi ông anh”, “thử một chuyến may đi bà chị”. Ấn tượng còn lại sau một ngày dự hội do vậy là một cái gì nhoè nhoẹt, cái nọ lẫn vào cái kia, và người quẩn vào nhau, chen chúc hỗn hào, và bụi bay mù mịt. Giá mệt nhoài mà hào hứng không sao, đằng này mệt nhoài lại kèm theo bực bội.
Nói cho cùng, quy luật của lễ hội là quy luật của đám đông. Quanh năm làm ăn vất vả, được ít ngày rỗi rãi, chẳng lẽ lại bắt mọi thứ vào khuôn khổ như trong một buổi họp? Hoặc với khách thập phương, phóng xe mấy chục cây số về đây để xả hơi, chẳng lẽ không được phép cười đùa ngả ngốn? Vâng, tôi biết có tới hàng trăm lý do để mỗi người về dự hội cho phép mình bừa bãi một chút, để rồi góp lại làm nên cái ồn ào lộn xộn của đám đông, và người ta bảo rằng rút cục chỉ có người xem người chứ có ai xem hay nghe được cái gì cho rõ ràng. Nhưng trong một chuyến đi theo đoàn du lịch bình dân sang Trung Quốc thời gian gần đây, khi vào thăm các danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở xứ người, tôi đã được chứng kiến những đám đông khác. Người cũng bạt ngàn, chen chân nhau mà đi, có những chỗ người đi sau chỉ thấy lưng của người đi trước, nhưng người ta vẫn giữ được trật tự, từ tốn, yên lặng và các ban tổ chức ở đó không cần giăng loa ra nhắc nhở kêu gọi! Hỗn độn không phải là định mệnh của mọi đám đông, càng không phải nhược điểm không thể sửa chữa của mọi lễ hội, chẳng qua do chúng ta không biết bảo nhau mà thôi.


Có một khía cạnh tâm lý, nó là nguồn gốc gây nên cảnh hỗn độn ở một số lễ hội, ấy là sự thiếu thành kính ở một số người đến dự, và trong nhiều trường hợp, của người đứng ra tổ chức.
“Có yêu mến di tích thắng cảnh và muốn sống lại không khí thiêng liêng của lễ hội, tôi mới bỏ công tới đây, sao anh lại bảo tôi không thành kính?”, người ta có thể cãi lại như thế và bằng lý lẽ, thì có ai chịu ai bao giờ! Nhưng con người ta bộc lộ không phải qua tài cãi lý mà qua cử chỉ hành động; nhiều khi chỉ một nụ cười, một ánh mắt đã nói lên tất cả và cái này, thì người đến hội làm sao giấu nổi! Khi người ta đi hội không phải do người ta ham muốn “tìm về dân tộc” thực sự, mà chỉ mang máng cảm thấy một việc làm hay hay nên làm, rồi do vui bạn vui bè, do đua đả mà làm, khi sự thành kính bay đến chốc lát cũng bay biến đi rất nhanh. ý thức không đủ mạnh để chi phối hành động. Đôi khi nó chỉ còn là một thứ chiêu bài, và chiêu bài càng đẹp, thì người thiếu ý thức càng dễ làm bậy. Chuyện này lại càng khó sửa, vì xem ra, có từ đã lâu, báo chí từ trước 1945 đã kêu nhiều lắm. Trong một số báo Ngày nay ra năm 1938, tôi đã đọc một bài viết của Tứ Ly mang tên Hội Lim... Hội liếc, trong đó kể chuyện bọn công tử Hà thành về Hội Lim thường dở trò cợt nhả. Và một người như nhà văn Tô Hoài cũng thú thực với bọn tôi là thuở ông 18-20, thanh niên đi hội chủ yếu là đi... trêu gái. Giờ đây, báo chí không thấy nói tới chuyện đó, thôi cũng cho qua, song trật tự công cộng và niềm thành kính thiêng liêng có phải bỗng chốc mà tạo dựng được đâu.


Một biểu hiện của sự thiếu thành kính thấy rõ rành rành nên không ai biện hộ nổi - và còn cộm lên hơn, so với ngày xưa - đấy là tâm lý vụ lợi. Nếu được “gọi sự vật bằng cái tên của nó”, hoặc nói theo cách nói dân gian “đi guốc trong bụng nhau”, người ta phải nhận rằng, nhiều nam thanh nữ tú đến hội xem là phụ, cái chính là đi cầu tài cầu lộc cho bản thân và gia đình, và chắc hôm sau, về nhà chỉ khoe chuyện cúng bái, chứ khung cảnh lễ hội như thế nào chẳng thể nhớ nổi. Mà có riêng khách thập phương đâu, cả dân sở tại với ban tổ chức địa phương cũng theo tinh thần ấy mà làm việc. Dân làng lo bán hàng, hàng giăng ra từ xa đến gần (đến mức một bài báo viết về lễ hội nọ đã trương lên cái đầu đề khái quát: Chùa hay chợ?) Còn ban tổ chức thì sao? Việc quản lý một đám đông hàng trăm hàng vạn người là cả một chuyện phức tạp. Song không ai nhận là mình không biết, mà chỉ bảo nhau cứ để tự nhiên, thế nào cũng xong(!) Năm nào cũng rút kinh nghiệm mà chẳng năm nào thấy trật tự vệ sinh nhúc nhích. Thành công của một lễ hội, sau hết hình như trông vào mức “công đức” thu được nhiều hay ít, và sự thực người ta đã nghĩ về nó nhiều hơn mọi chuyện khác.


Thường thường, đến khoảng 3-4 giờ chiều các lễ hội đã vãn hẳn người và cho đến sẩm tối thì chẳng còn ai. Không khí lặng lẽ bao trùm tưởng như chưa có đám đông nào tụ họp ở đây cả.
Nhưng đến lúc này, vẫn chưa thể nói rằng sự bình thường đã trở lại. Không có tiếng ồn, song bóng dáng của sự hỗn độn vừa đi qua còn rõ rành rành. Mặt đất là nơi mọi thứ rác thải tự do trình diện. Vỏ chai vỏ đồ hộp hiện ra la liệt. Túi ni lông to có nhỏ có, cái bên trong đầy rác, cái rỗng không để cùng với những mảnh giấy báo giấy lót bay phất phơ khắp nơi. Có những bãi rộng tới mấy ngày sau, người ta vẫn ngại đi qua, vì sợ ruồi nhặng, phải chờ cho nắng gió làm cho chúng khô xác đi và biến mất, rồi người ta mới bình tâm nhớ lại lễ hội. Và bởi lẽ ai cũng chỉ ưa nhớ lại những điều tốt đẹp, nên sự hỗn độn ở đây mới cứ thế kéo dài từ năm này qua năm khác.


                             Nhạt hội bởi chưng hội nhạt                      
           
        Nguyễn Đình Chiểu từng viết trong Lục Vân Tiên: “Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương “.
      Tôi cũng đang ở trong tình trạng dở dang vậy, vì quá yêu các lễ hội mà gần đây cứ nghĩ đến hội là ngại. Trình độ tổ chức các lễ hội hiện nay không theo kịp nhận thức của cộng đồng, toàn lặp đi lặp lại, hỗn tạp, tầm thường.
         Chùa chiền được sang sửa nhiều. Nhưng đáng lẽ phải nghiêm túc nghiên cứu để trùng tu cho ra không khí cổ kính thì người ta lại chỉ lo tô lại một ít chữ nho làm dáng, và thường là tô sai. Các bức tường bị bôi xanh bôi đỏ khiến công trình sặc sỡ một cách khó coi.
        Phần hội mà các ban tổ chức buộc khách thập phương phải xem cũng không khá hơn. Một hai chiếc thuyền rồng đặt trong cái ao cạn không sao gợi được vẻ trữ tình cần thiết. Các điệu múa ở các địa phương khác nhau mà quá giống nhau, hình như quanh quẩn học của nhau cả.
        Với tư cách một người nghiên cứu văn hóa, tôi thường băn khoăn về tính chính xác của các chi tiết liên quan đến lễ hội cũng như chùa chiền. Theo tôi, chính  nó là cơ sở tạo nên sự thiêng liêng có thực. Còn cái kiểu trùng tu theo tinh thần “ có gia giảm thêm dấm ớt “ phổ biến hiện nay chỉ làm cho người tới hội thêm thất vọng vì lộ rõ tính phàm tục của nó.
       Những phản cảm trong khung cảnh càng bị tô đậm bởi sự có mặt của con người. Đã quá biết rằng cái gì ở mình mà chẳng luộm thuộm, đã đám đông là xô bồ, nhếch nhác – mà sao vẫn thấy khó chịu, bao niềm háo hức xẹp dần.
        Một lần đi Hội bà chúa Kho, tôi hãi hùng mãi về cảnh xếp hàng chờ đặt mâm cúng lên bàn thờ, người sau phải nhấc mâm cúng lên đầu người trước, mỏi đến gẫy tay. Còn nghĩ tới những lần đi hội chùa Hương là sợ tắc đường, sợ chờ đò, sợ phải tranh nhau cáp treo. Trong cảnh chen lấn, lòng  người trở nên nguội lạnh, chỉ thấy ngán ngẩm về tình trạng đất nước lạc hậu, và ghê sợ cho sự học đòi đua đả của con người, đến mức không còn can đảm nghĩ chuyện lần sau đi tiếp.    
       Đang thiếu một tâm thế văn hóa trong tâm lý người đi hội ngày nay. Nhiều khi đơn giản không biết làm gì thì người ta đi,  đua nhau mà đi, đi để cầu cúng vụ lợi. 
      Và sự vụ lợi này lan tới người tổ chức hội cũng như những người tự nhận là phục vụ hội.
      Lần ấy tôi theo bà xã đi lễ Bà chúa Kho. Vừa xuống xe đã có người bám theo, miệng thao thao những là để em sửa lễ cho bác, để em dẫn bác đi viết sớ. Lẽo đẽo theo mãi đến lúc vào đến cổng đền mà chúng tôi không nhận đặt hàng, họ quay lại chửi, những là đồ ngu với lại phí cả lời chào của họ. “ Tưởng là con cá quả, hóa là con tép ranh !”. Họ khái quát về chúng tôi như vậy.
      Nếu phần lễ không tạo được cảm giác thiêng liêng thì phần hội lại thường là tẻ nhạt  -- trong một bài tạp văn in trong tập Giấc mộng ông thợ dìu mới in ra đầu 2007, Tô Hoài đã phải dùng đến câu thành ngữ “nhạt như nước ốc”. Các trò chơi hoặc cổ lỗ khiến không ai muốn tham gia, hoặc toàn ngả sang màu sắc hiện đại, mô tô bay, xiếc giả cầy, chẳng hợp gì với khung cảnh. Không thiếu cờ bạc ăn may, nó là di lụy từ các làng quê tha hóa.
    Đến cả việc cho chữ nữa. Mới đây thôi, một tờ báo đã tả lại cảnh tại một ngôi chùa thuộc loại lớn nhất đẹp nhất Hà Nội, thầy trụ trì cho chữ đúng kiểu bán hàng bao cấp. Cứ ai nộp tiền thì thầy viết, viết như cái máy. Và chính thầy cũng mù mờ không cắt nghĩa được mấy chữ “ Xuân phong hòa hợp “ đã viết đến mỏi tay đó.
        Nghĩ về các lần tham dự lễ hội, không khỏi thấy lòng trống trải, bởi đặt quá nhiều hy vọng mà tính lại, các lễ hội ấy không được như  mình mong đợi.
       Cái chính có lẽ là chúng ta phải thêm chất tri thức, chất lý tính cho các lễ hội, chứ không thể thả nó trong vòng tay của cảm hứng tùy tiện như hiện thời.
        Lại nhớ có lần  thấy trên TV cảnh mấy người khách phương xa tới hỏi thăm mấy cụ già trong làng về một ngôi đền gần đấy. Chính đền thờ ai các cụ không biết. Các cụ chỉ nhắc đi nhắc lại là đền thiêng lắm, có cần cầu cúng gì các cụ nói giúp.
       Tôi không muốn mình rơi vào cái cảnh như thế. Tôi định tạm nghỉ đi hội một hai năm. Thay vào đấy, tôi tìm về lịch sử -- văn hóa cổ truyền dân tộc qua các cuốn sách như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Lịch triều hiến chương loại chí, các sách Thiên nam ngữ lục, Lĩnh nam chích quái … Chỉ cần vượt qua sự sốt ruột và bình tĩnh tra cứu các chữ Hán cổ là thả nào cũng gặp được nhiều kiến thức hấp dẫn, sẽ có ích khi nay mai trở lại với các lễ hội.                   


          
                                           Tự hiểu mình hơn                                                                                                               


       Ai đọc cổ tích Tấm Cám hẳn nhớ chi tiết mẹ con Cám ghét Tấm, ghen tị với Tấm, muốn hành hạ Tấm. Biết Tấm thích đi hội làng, mẹ Cám trộn thóc lẫn với gạo bắt Tấm chọn xong mới được đi.
        Chi tiết đã quá quen thuộc nhưng chỉ hôm nay tôi mới hiểu. Sức lôi cuốn của lễ hội thật dai dẳng. Có một ma lực nào đó cứ lôi cuốn tôi mặc dù lý trí đã bảo tôi rằng không nên đi tìm ảo ảnh. Mỗi năm mỗi có thêm những lễ hội tổ chức kém, luộm thuộm cẩu thả, nó là tình trạng chung của các hoạt động công cộng hiện nay. Và quan trọng hơn, trong một hoạt động được xem là thiêng liêng như thế, ở cả người tham dự lẫn người tổ chức laị thấy bộc lộ --khi len lỏi kín đáo, khi trắng trợn công khai -- cả một quan niệm quá ư trần tục nếu không muốn nói rằng tầm thường xa lạ với văn hóa.
      Vào cái “ Tháng giêng là tháng ăn chơi này”, đây là câu chuyện đầu miệng  giữa mọi người và đã được báo chí  khai thác dưới nhiều góc độ … cười ra nước mắt.
       Vấn đề tôi muốn đề nghị mọi người cùng suy nghĩ hôm nay là tại sao lễ hội lại diễn biến theo kiểu đó, tại sao dần dà chúng ta đã làm hỏng lễ hội đi trong khi vẫn bị cuốn theo nó và có vẻ như không thể thoát khỏi nó.
    Trong một công trình nghiên cứu được sự bảo trợ của Viện Harvard Yenching mang tên Sự biến đổi của tôn giáo và tín ngưỡng ở VN hiện nay (in 2006), ngay trong phần dẫn luận, người ta đã đọc được một nhận xét đại ý nói trong xã hội hiện đại, sự hồi sinh của tôn giáo kể cả hình thức sơ khai như các lễ hội các cuộc hành hương cầu cúng…  chính là một cách phản ứng của con người trước những thay đổi lớn lao mà nền kinh tế thị trường mang lại.
     “ Có cung nên mới có cầu”. Như một phóng viên PLTP đã nêu trong bài phỏng vấn, chính những người đang đảm nhiệm thứ dịch vụ niềm tin --tức là các ban tổ chức-- đã biện bạch cho công việc của mình như vậy.
      Nhu cầu nói ở đây trước tiên là trên phương diện tinh thần. Vào những ngày xuân trong mỗi con người chúng ta  thức dậy cả một định hướng tâm linh. Muốn tìm tới phần sâu kín trong chính mình và chung quanh. Muốn hiểu. Muốn tự cắt nghĩa.
     Trở về cội nguồn …Cố kết với cộng đồng thông qua các biểu hiện thờ cúng… Cân bằng đời sống tâm linh… Vừa sáng tạo vừa hưởng thụ văn hóa… Những luận điểm ca tụng lễ hội đã được các nhà nghiên cứu văn hóa ở ta nêu  khá đầy đủ và nhiều người chia sẻ. Nhưng đó mới chỉ là một phần sự thực.
     Nguyễn Văn Huyên từng viết trong Văn minh Việt Nam (1944) “ Người Việt chỉ có những niềm tin mơ hồ”.” Đời sống tôn giáo của con người ở đây không lấy gì  làm sâu sắc cho lắm “. “ Ở người Việt có  sự lười biếng về trí óc, có xu hướng chấp nhận hết thẩy và bắt chước hết thảy”.
      Ngày nay chúng ta vẫn chưa tiến được xa bao nhiêu so với con người mà Nguyễn Văn Huyên miêu tả.
      Gần như trong lòng mọi người đi hội, một mục đích kép đã được đặt ra-- đồng thời với việc hành hương văn hóa, ta đặt vào đấy khá nặng những nguyện vọng cá nhân như là cầu may và cầu lợi.
      Tâm lý cầu may vốn là bạn đường của những con người bối rối. Thế giới luôn luôn hàm chứa những bất trắc. Cuộc sống còn nhiều bóng tối, người ta đánh mất cả niềm tự tin, thường xuyên họ cảm thấy họ chỉ  là vật hy sinh của số phận. Cuộc truy đuổi vận may không biết có hứa hẹn kết quả gì không, nhưng  có làm vẫn hơn. Những lực lượng siêu nhiên và cả những ngẫu nhiên bất chợt  thành chỗ bấu víu cho những ảo tưởng.
       Bởi sự bất trắc cũng đang bao trùm trong việc làm ăn, nên khía cạnh cầu may cũng đã có mặt trong việc cầu tài cầu lợi. Thực tế là bao người tử tế vì không biết trơ tráo liều lĩnh làm càn vẫn thất bát, ngược lại làm bậy vẫn được, giỏi mưu mô xảo quyệt  tự khắc giàu lên đùng đùng.
     Trong những lúc lắng lại đối diện với mình, những kẻ thành đạt bằng con đường gian dối không khỏi hoảng sợ. Cùng một lúc nẩy sinh hai tâm trạng. Một mặt lo bị trừng phạt, phải đi tìm thần thánh để hối lộ. Mặt khác tiếp tục phiêu lưu vào con đường tội lỗi, mong rằng cái vận may hôm qua nay lại gặp lại. Cầu cúng chính là một dịp nuôi dưỡng những tham vọng ngầu đục muốn tìm vào chỗ tăm tối của lễ hội để được nuôi dưỡng và an tâm sống tiếp.
     Tâm lý cầu lợi đang chi phối cả những người làm lễ hội đón khách cầu cúng. Bởi họ cũng chỉ như chúng ta. Ban đầu họ cũng say người vì những mục đich cao cả. Nhưng rồi cuộc sống hàng ngày chi phối, họ cũng sa đà vào cảnh buôn thần bán thánh, nhân danh sự thiêng liêng của lễ hội để làm chuyện lừa lọc.
    Phan Kế Bính viết trong Việt nam phong tục ”Xét cái tục hội hè của ta  rước xách rất phiền phí, ăn uống rất lôi thôi, chơi bời rất chán chê, thực là hại của  mà lại mua lấy cái khó nhọc vào mình”. Ông cũng nói thêm hội hè là dịp người ta chơi bời, cờ bạc, thanh niên bỏ cả công việc ở nhà đi hội, vậy thì “chẳng những vô ích mà lại hại cho làng xóm”.
    Để thoát ra khỏi tình trạng mà Phan Kế Bính cảnh báo, cần có sự nỗ lực của cả xã hội. Cần nghiên cứu những biến động mới trong tâm lý xã hội. Cần tìm ra những cách tổ chức mới cho nhu cầu vừa là giải trí vừa là hướng thượng cho con người. Mọi thứ mệnh lệnh không đủ, đến cả luật pháp nếu có chắc cũng bó tay. Cái mà chúng ta đang thiếu là văn hóa, không phải thứ văn hóa nặng về khoe mẽ và chiều nịnh nhau, mà là thứ văn hóa của trí tuệ.
   Có điều là trong khi chờ đợi những chuyển mình của cả xã hội thì mỗi chúng ta vẫn như cô Tấm ngày nào, ngóng về lễ hội với nỗi bồn chồn không yên. Như tôi đã nói từ đầu, mặc dầu biết lễ hội đang bị biến tướng, nhưng tại sao mỗi người chúng ta vẫn vô cùng quyến luyến và nếu chưa được thả mình trong nó thì vẫn phải nghĩ về nó. Tại sao ? Là bởi chúng ta vốn yếu lòng. Ta sợ xa cách với mọi người. Bước vào cuộc sống hiện đại nhiều người vẫn lúng túng như gà mắc tóc mà không sao tìm được định hướng tâm linh đúng đắn. Một sự hốt hoảng trước tương lai đang bộc lộ mà không có cách gì che dấu.
                               
                          Cái  dung tục vốn có  từ … truyền thống
 
        Phan Bội Châu trong thời gian mười lăm năm cuối đời, sống ở Huế (1925-1940), có để lại một cuốn Tạp ký. Lúc này ông không còn tâm thế của người đứng ra vận động cứu nước mà thiên về cái nhìn của một trí thức từng trái, đau lòng trước tình trạng lạc hậu của đất nước.
     Dưới đây là một đoạn ông nhận xét về không khí xô bồ nhếch nhác thường thấy phổ biến ở lễ hội của người Việt – miếng ăn quá to, người ta chỉ nghĩ đến ăn, tranh giành ngôi thứ cũng chỉ vì ăn :

    Tế có nghĩa là giao tế vì nó ở trong phạm vi nghi lễ. Quá lắm thì xa xỉ, không đúng mức thì bủn xỉn, đều chưa hợp lễ Dân gian tế tự, nghi thức không đủ, mà còn đùa bỡn vật mọn, cả nước như cuồng. Trước lúc chưa tế thì mồm nói cấm kỵ mà đòi uống tìm ăn. Nghe xướng hai tiếng “ lễ tất “, ai nấy đều nhao nhao. Bưng mâm thì ăn ngay trước cửa thần, rót rượu thì uống ngay trước mặt thánh. Đến khi dọn cỗ, trên các quan viên, dưới đến bình dân, ngồi đứng lung tung. Sau khi uống một hai chén rồi, Giáp thì đánh Ất, Ất thì đánh Bính, chửi mắng rầm rầm. Thậm chí chia thịt chưa đều thì đua sức đua hơi ngay ở đấy, để chia tôn ti, phân biệt thứ bậc đi lại thù tạc mời đãi nhau

    Theo Trương Hữu Quýnh trong bài Tìm hiểu những mặt hạn chế và tiêu cực trong di sản truyền thống của dân tộc ta đầu thời Nguyễn, Gia Long từng có một đạo dụ liên quan đến tình trạng tế lễ ở các làng :

Vào đám hát xướng nhiều thì vài mươi ngày đêm, ít thì tám chín ngày. Chèo thuyền hát hỏng ăn uống xa hoa, tiêu không tiếc của, rồi lại đua thuyền múa rối, đủ mọi thứ trò. Lại kén lấy trai tơ gái trẻ đánh cờ đánh bài. Tưởng là thờ thần, thực là để thỏa lòng dục. Ngân quỹ hết thì sinh ra đóng góp, cầm bán ruộng công.



Trong các tiểu thuyết của các nhà văn tiền chiến, lễ hội cũng thường hiện ra như một khung cảnh ồn ào luộm thuộm và mang nhiều tính cách tầm thường. Trong tiểu thuyết Lan và Hữu, Nhượng Tống sau khi miêu tả cảnh đi hội chen chúc hỗn độn, lại đặc biệt than phiền về tình trạng bẩn thỉu mất vệ sinh ở các chùa:


Nếu tôi có tội phải người ta bắt đi đầy thì đầy tôi ra Côn Đảo ba năm tôi không sợ bằng đầy tôi nơi cửa chùa Thiên Trù suốt ba tháng hội.
                          
                          Mô hình thu nhỏ của đời sống                                                                                         
                                                                                                  


      Ở  số báo Người đưa tin Unesco số ra tháng hai 1989, với tiêu đề Lễ hội nơi nơi, tôi đọc được một nhận xét tổng quát : Từ đông sang Tây, gần như ở tất cả các xã hội đã và vẫn đang còn hội hè đình đám. Tại sao? Bởi thế giới này hỗn độn đến cùng nên nhất thiết cần trật tự, -- một lễ hội được coi như có lý do tồn tại khi để lại trong con người tham gia cái dư vị có sức ám ảnh đó.
     Thế còn ở ta, ở người Việt ta hôm nay, thì sao?
     Báo Tuổi trẻ 18-2-2011 chạy trên trang nhất cái tít: Thảm hại lễ hội. Những chữ được dùng trong các phản hồi: vô văn hóa, cuồng tín, lố bịch, nhảm nhí, mê muội.
     Tại sao lại có tình trạng như vậy?
    Câu trả lời chung nhất trong trường hợp này chỉ có thể là sự giống nhau giữa nó và đời sống .
    Lễ hội là một thứ mô hình đời sống thu nhỏ. Chúng ta đến với nó trong cái bối rối của những người đang đứng trước một tương lai vô định.Trong lúc cuống cuồng vượt lên để theo đuổi cái ảo ảnh phía trước, ta sẵn sàng chen chúc nhau giẫm đạp lên nhau, lừa lọc nhau, miễn cảm giác là mình được sống.
   Với những đám đông hỗn độn, lễ hội là điển hình của tình trạng tự phát bản năng của đời sống người Việt.
   Lễ hội hôm nay đang mất thiêng vì bao nhiêu phương diện khác nhau của đời sống đang bị hả hơi và nhiều khi người ta phải tự dối lòng để khỏi kêu thật to khi mỗi ngày một chút, âm thầm nhận ra sự mất mát lớn lao đó.
   Tại sao, hết hội này đến hội khác, chúng ta đua đả nhau để đi bằng được? Vì biết bao việc hàng ngày ta làm đâu có hiểu vì sao mà làm,  đúng ra là chỉ nhắm mắt đưa chân theo nhau mà sống, yên tâm làm vì có bao nhiêu người đang làm như mình. 
   Tại sao đi hội cứ phải kèm theo mua bán ăn uống hưởng thụ chơi bời hưởng lạc?
   Trong số  báo Người đưa tin Unesco nói trên, một nhà nghiên cứu văn hóa đã lý giải Lễ hội vừa hoan lạc vừa có tính chất lễ nghi. Lễ hội hòa giải những điều trái ngược. Lễ hội liên kết những gì mà dòng ngày tháng có xu hướng muốn tách rời— nghiêm trang và lêu lổng, tôn giáo và phàm tục, tàn phá và phục hồi. Trong khi đi tìm cái thiêng liêng, nhiều khi lễ hội chẳng khác gì một cuộc truy hoan phóng đãng.
    Kinh doanh và lễ hội. Tại sao trên mảnh đất muôn đời nghèo khổ là đồng bằng Bắc bộ này, một không khí mua bán xoay xỏa kiếm chác cứ len vào làm nên một phần hồn cốt và cái vẻ hấp dẫn riêng của lễ hội? Không khó khăn gì để trả lời câu hỏi này cả. Khi đó đã là một thứ khí hậu của đời sống chúng ta thì tránh đâu cho thoát?
     Cái sự buôn thần bán thánh ở đây chỉ là tiếp tục các vụ mua quan bán chức mua bằng bán học vị ngoài đời.  Đến các buổi tập thể dục buổi sáng ở các công viên cũng có chợ nữa là ở đây. Một tờ báo đã khái quát nay là thời toàn dân vào cầu cả nước đánh quả. Làm sao lễ hội có thể  nằm ngoài cái xu hướng nói chung đó?
     Nhiều khi chúng ta sống bằng cách khai thác những lầm lạc mê muội của người khác. Với một bộ phận cư dân các làng nghề, mỗi mùa lễ hội là một vụ làm ăn. Nhiều địa phương sở dĩ tha thiết với việc xin được cấp trên công nhận di tích địa phương mình vì có thể vất vả một hai tháng mà sống cả năm.
   Người ta giẫm đạp lên đồng tiền. Người ta nhét tiền vào bất cứ chỗ nào được cho là thiêng liêng. Trong thái độ tự khinh rẻ thành quả lao động của mình, người ta đang chứng tỏ rằng với tư cách là điểm tận cùng của phàm tục, sự hư vô đã bắt đầu xuất hiện.  
     Những điệu múa đơn sơ và giống nhau. Những điệu nhạc pha tạp. Những chi tiết trang trí lô lăng và cẩu thả, những ngôi chùa tối tăm, xấu xí … Lễ hội tố cáo chúng ta có một cuộc sống nghèo nàn và để che giấu cái sự nghèo đó nhiều người sẵn sàng nhắc đi nhắc lại đến ngàn lần không chán rằng chúng ta rất giầu có rất hạnh phúc.
     Tại sao chỗ nào cũng thấy kêu về những ban tổ chức chỉ có trình độ làng xã, nhưng lại nhất quyết đứng ra tổ chức cho hàng chục ngàn người trong khi chỉ lo tổ chức một ít bãi giữ xe và giữ trật tự cũng không xong ? Có gì lạ đâu, có bao nhiêu việc hàng ngày nhỏ thì như tổ chức giao thông an toàn cấm hút thuốc lá …, lớn lao hơn thì như kéo con người vào sự học hành tử tế, sản xuất làm ăn hơn là buôn gian bán lận… các nhà quản lý cần làm mà đâu có làm nổi?
    8000 là con số lễ hội diễn ra cùng lúc trên toàn quốc. Tính trung bình mỗi ngày có 20 lễ hội. Người đưa ra con số ấy bắt đầu gợi ý chúng một  sự bùng nổ  trên phạm vi số lượng giống như sự phát phì, sự làm hàng giả tràn lan trong cái hoạt động tâm linh này.
      Lại nhớ từ xưa, mà nhất là thời chiến tranh liên miên như thuở Trịnh Nguyễn phân tranh Đàng Trong Đàng Ngoài, rất nhiều đền chùa mọc lên đến mức sau khi lên ngôi, Quang Trung đã có lệnh là phải soát xét lại để xóa bỏ các dâm từ.
    Hoặc ngay từ thời đánh xong quân Minh, Lê Lợi cũng cho kiểm tra lại các chùa nếu chùa nào sư mô không đủ trình độ thì bắt phải hoàn tục.
    Xô bồ và hỗn loạn đã bành trướng đến mức là phải gạn lọc, nhiều người gặp nhau trong ý nghĩ đó. Nhưng lễ hội làm sao có thể thực hiện cái việc mọi lĩnh vực khác bất lực.
    Đã bắt đầu có ý kiến rằng phải hạn chế lễ hội.
    Nhưng mùa xuân sang năm tôi đoán là sẽ gặp lại tất cả không khí lễ hội của mùa xuân này với những lời kêu ca phàn nàn những sự phiền trách và xấu hổ. Cuộc sống đang trên cái mạch của nó, chưa thấy dấu hiệu gì là nó có thể khác. Thì làm sao lễ hội có thể khác?


Đã in trong TBKTSG số ra 24-2-11


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét