Trích từ chuyên mục Người xưa cảnh tỉnh
đã in trên Thể thao và văn hóa 2005-2007
vớ được sách nào theo sách ấy
Có kẻ sáng ngày ra vào phủ thờ bà cô, ông mãnh nào, chiều lại vào làm tôi con ông Trần Hưng Đạo là thần hay trị những tà ma, những ông hoàng bà chúa. Đến sáng hôm sau cũng người ấy có thể chay lòng thực dạ mà nghe giảng những lời đạo đức của ông Khổng, ông này không có dạy phải tin thờ ông thần ông thánh nào cả; hoặc là đi lễ Phật là một đạo trái hẳn với mọi ma thiêng thần dữ.
Nói rút lại, thì người An Nam ta tin bậy hình như theo lý tưởng này: Dẫu không có mà tin cũng chẳng hề chi, ngộ có mà không tin, có lẽ hại đến mình. Cho nên cứ tin liều đi.
Người ta theo lý tưởng ấy cho nên sinh ra những đạo không có tôn chỉ, quy tắc lễ pháp (1) ở trong tay mấy anh sư mô, thày cúng, ngày nay làm theo sách này, ngày mai bịa ra sách khác, có ngược nhau cũng chẳng ai bảo sao. Mà người tin, người tộc trưởng, người làm lễ tang lễ hỷ, cũng cứ tuỳ tiện mà theo, vớ được sách nào theo sách ấy, tuỳ cách lịch sự tuỳ gia tư (2) mà theo lễ này hay lễ kia, chớ không theo tôn chỉ nào cả.
Còn như sự đi chùa Hương và các chùa chiền khác, nhiều người cho như một cái tật của các cụ già và của người đàn bà. Cũng có kẻ bảo là việc hay, cũng có người cho là việc dở. Hay là vì các bà các cô đi lễ bái như thế nó cũng thêm được cái dáng đạo đức, cái nếp nhà ra một chút. Dở là vì các bà ganh nhau tốn kém và mấy ông sư vả lại cũng chưa quên hẳn sự đời (3).
(1) nghi thức tiến hành lễ
(2) của cải tài sản trong gia đình
(3) ý muốn nói có những điều chưa hay, hoặc nói như ngày nay, những chuyện tiêu cực ngay trong các chùa
Nguyễn Văn Vĩnh
Hương Sơn hành trình Đông dương tạp chí, 1914
Trí tưởng tượng nghèo nàn ….
Cách tin của người An Nam ta là một cách tin kỳ ngộ quá. Người nước ta tin có bụt có trời, cũng như tin có thần thánh yêu ma, nhưng không phân biệt không nghĩ tách bạch ra xem cái mình tin nó như thế nào. Thường thì cứ cho rằng ngoài cái nhân gian hiển hiện ra trước mắt này, lại có một cảnh tượng khác nữa không nom thấy, nhưng tựa hồ cùng khuôn với thế giới, cũng có hay có dở có chính có tà, có người quân tử có kẻ tiểu nhân, cũng có quan ăn tiền nhận lễ đổi trắng thay đen, cũng có cả đến thằng lính tuần lính lệ bịch ngực (1) lấy tiền, cho vài ba hào biếu cái quà mọn mới vào lọt cửa. Tin thế thì tin chớ cũng không vỡ nhẽ tại làm sao mà có cái cảnh ngoài thế giới ấy, mà có thì cảnh ấy ở ra như thế nào (2) trong vũ trụ. Bởi chưng có trí tín hồ đồ như thế, cho nên nhiều khi trong những việc tin có nhiều điều trái nhau mà không biết, cứ chịu cả là thực.
(1) đấm vào ngực
(2) nói như ngày nay : tồn tại như thế nào, diễn biến như thế nào
Nguyễn Văn Vĩnh
Hương Sơn hành trình, Đông dương tạp chí, 1914
Lòng tin sai lệch
Phật giáo là một tôn giáo riêng, cũng có lý tưởng. Mà lời thiện ác báo ứng cũng đủ khuyên răn người. Nhưng hiềm ta không cứu (1) đến nguyên lý mà chỉ tin những lời trần hủ(2); sùng tín cái vỏ xác ngoài còn, cái lý cao xa của người ta, không mấy người nghĩ đến. Đã không ích gì, mà làm hại của cải cũng chỉ bởi lòng tin sai vậy.
(1) xét đoán tra hỏi ( dùng trong các từ nghiên cứu, kê cứu )
(2)cũ kỹ, không hợp thời
Phan Kế Bính
Việt nam phong tục, 1915
Khổ vì hội hè
Xét cái tục hội hè của ta, rước xách rất phiền phí, ăn uống rất lôi thôi, chơi bời rất chán chê, tiêu pha rất tốn kém, thực là hại của mà lại mua lấy cái khó nhọc vào mình. Đã đành mở hội trước là trọng việc sự thần (1), sau là cầu vui cho dân, nhưng trọng mà rước xách tế bái lắm hoá ra khổ. Hội đến hàng tháng, chịu làm sao cho được?
Vả lại đã gọi là hội, trừ ra việc đóng góp việc ăn mặc cũng đã tốn kém nhiều rồi, còn ngần nào chơi bời, ngần nào cờ bạc, con em bỏ công bỏ việc ở nhà để ở nhà đi hội, chẳng những vô ích mà lại hại thêm cho làng nữa.
…. Xưa nay chỉ mấy người hào trưởng (2) trong làng sính mở hội vì họ có nhiều món lợi riêng, như mở tổ tôm điếm, bài phu điếm (3), hoặc gá bạc để lấy hồ (4) v..v.. Họ mượn tiếng sự thần, kỳ thực là cầu tư lợi. Mà khốn nạn cho dân đàn em lại phần nhiều là ngu xuẩn, nói đến việc sự thần không ai dám gàn trở gì nữa, dẫu khổ cực thế nào cũng phải nhắm mắt chịu. Nếu ai gàn trở thì sợ thần quật chết tươi. Mà thần chẳng quật, bọn hào trưởng cũng quật, tội nghiệp!
(1) sự ở đây là thờ phụng
(2) người có thế lực trong làng
(3) những địa điểm ăn chơi
(4) tiền người đánh bạc nộp cho chủ sòng
Phan Kế Bính
Việt Nam phong tục, 1915
Mê tín gây nhiều lãng phí
Lễ kỳ an (1)chủ ý là trừ khử ma quỷ cho dân xã bình an. Ta lại tin theo Phật thuyết, bày ra vàng mã, nào mũ Ngọc Hoàng, nào tượng Minh Vương, nào âm quan quỷ tốt, chiến khí binh thuyền. Sự quỷ thần huyền viễn (2) chưa biết đâu, mà sự “tiền thật mua đồ giả “ thì đã rõ. Uổng tiền được việc cũng cam, nhưng nào có được việc gì đâu, rút lại chỉ tại ta tin nhảm.
(1) kỳ đây là cầu
(2)xa xôi cách trở
Phan Kế Bính
Việt Nam phong tục,1915
Nhiều điều cổ hủ nên bỏ
Trong cuộc hội hè ở ta, lắm lúc tục rất dã man, nực cười …Thiết tưởng nơi nào có những tục thô bỉ, cuộc nào tỏ những cách đê tiện thì nên bỏ đi. Mà trong cuộc hội hè, chưa có thể cải lương được hết thì cũng nên giảm bớt những sự vô ích, tỉnh (1) bớt những cách phiền phí. Dân đàn em nên biết rằng phàm sự gì quan hệ đến mình phải suy xét, điều gì nên nghe hãy nghe, điều gì không nên thì đừng, chớ có cúi đầu ai bảo xôi ừ xôi, ai bảo thịt ừ thịt thì là hèn hạ quá.
(1) lược bỏ
Phan Kế Bính
Việt Nam phong tục 1915
Dễ tin nhảm
Dân ta tin rằng: Đất có thổ công, sông có Hà Bá, cảnh thổ (1) nào phải có Thần Hoàng ấy, vậy phải thờ phụng để ủng hộ cho dân, vì thế mỗi ngày việc sự thần (2) một thịnh.
Muôn sự ở đời, do ở sức người làm ra mới gọi là tài trí, nếu cứ cậy về quỷ thần thì sức người chẳng hoá ra hèn đốn lắm ru?
Xem như ở các nước Âu châu, trừ ra thờ Giáo tổ (3) là để tỏ lòng kỷ niệm, còn không có đền thờ thánh nào, không nhờ đến sức âm phù mặc hộ (4) bao giờ, vậy sao mà nước nào cũng thịnh vượng. Mà Á Đông này thờ thần thành kính là thế, sao thần lại chẳng phù hộ cho giàu mạnh bằng các nước đi? Một lẽ ấy đủ làm chứng cho sự ta tin nhảm.
Thiết tưởng chỉ những miếu trung thần nghĩa sĩ và miếu những bậc đại anh hùng hào kiệt thì mới đáng nên thờ. Mà thờ thì là để để tỏ cái lòng kỷ niệm, chớ không phải thờ mà cầu phúc. Ta nên coi cái miếu đó như một tượng đồng của người châu Âu.
(1) nơi chốn, đất ở.
(2) thờ thần.
(3) chỉ Jesus Christ
(4) sự trợ giúp âm thầm
Phan Kế Bính
Việt Nam phong tục, 1915
Tang ma tốn kém
chỉ cốt lấy tiếng
Có người nhân việc cha mẹ chết, muốn lấy tiếng là có hiếu mà giết bò giết dê thổi kèn đánh trống ầm ỹ suốt ngày lấy việc buồn làm việc vui. Bạn bè thân thích, họ hàng làng xóm đáng lẽ không nỡ nhìn cảnh xa xỉ phí phao ấy, như thế mới đúng. Nay lại đòi hỏi rượu tiền, sắm sanh lễ vật, thử hỏi đạo làm người có nên như thế không? Cốt cho no say, vô ích đối với người sống, vô ích đối với người chết, những việc hao tiền tốn của kể không biết bao nhiêu ức vạn triệu.
Phan Bội Châu
Việt Nam quốc sử khảo, 1908
Quá tin ở những điều viển vông
Mê tín sinh ra những việc nực cười. Ngày giờ nào cũng là trời bày định mà bảo rằng có ngày dữ ngày lành; núi sông nào cũng là đất tự nhiên mà bảo rằng có đất tốt đất xấu; vì nấu ăn mới có bếp mà bảo rằng có ông thần táo; vì che mưa gió mới có nhà mà bảo rằng có ông thần nhà; cho đến thần cửa thần đường, thần cầu tài, thần cầu tử, trăm việc gì cũng trông mong vào thần; kết qủa thần chẳng thấy đâu, chỉ thấy mhững cửa nát nhà tan, của mòn người hết, tin thần bao nhiêu thì tai hoạ bấy nhiêu …
Phan Bội Châu
Cao đẳng quốc dân 1928
Nạn “thần mãn“
An Nam vốn là một nước nhiều thần nhất thế giới. Cái vạ thần mãn (1) kéo dài mấy trăm mấy ngàn năm nay làm hại bao nhiêu trâu bò gà lợn... của chúng ta. Đành rằng cũng có nhiều ông thần có công với dân, đáng để cho dân kỷ niệm, song cũng vô số thần cực kỳ bẩn thỉu dơ dáy, thí dụ như ông thần Cường Bạo đại vương chẳng hạn, nếu còn sống chắc phải đầy đi Côn Lôn. Thế mà chúng ta cứ thờ bừa đi, lễ bừa đi, há chẳng oan cho cái đầu cái cổ.
(1) quá nhiều thần, thừa thần; cũng như nạn nhân mãn là quá nhiều người, thừa người
Ngô Tất Tố
Phải hỏi ngôi đền ấy thờ ông thần nào đã, Thời vụ,1938
Không biết tôn trọng quá khứ
Những chốn ăn chơi của Hà Nội là nhất Bắc kỳ, cái đó rành rành không ai chối cãi. Nhưng chúng ta phải buồn phiền mà nhận ra rằng những hiệu cao lâu (1) có danh và bền vững đều là của người Tàu. Về cách tổ chức một chốn ăn, về danh vọng của một ngôi hàng cơm, thật quả chúng ta không có nền nếp,tục lệ và quy củ. Hồi Hà Nội còn là kinh đô của vua Lê chúa Trịnh chắc cũng còn nhiều quán rượu tươm tất do người mình chủ trương. Nhưng bây giờ vết tích còn đâu ? Cái quán rượu mà cụ Nguyễn Du lúc còn trẻ tuổi đã dắt ba bốn người bạn vào uống và bàn chuyện về lũ kiêu binh, cái quán ấy chẳng hạn mà còn đến bây giờ, còn cả bộ trường kỷ Nguyễn Du đã ngồi thì hẳn là một chốn đáng cho chúng ta trọng vọng dường nào.
(1) cửa hàng ăn loại sang trọng
Thạch Lam
Hà Nội băm sáu phố phường, 1940
Phá hoại rồi bịa ra
những thứ không đâu mà thờ
Ký vãng là ký vãng. Ngậm ngùi hay nhớ tiếc cũng đều là vô ích, nhưng đọc lại lịch sử Việt Nam, người ta không khỏi lấy làm lạ về cái tài phá hoại của người Việt Nam ta, một dân tộc vốn có tính thích duy trì cả những cái không đáng coi là quốc hồn, quốc tuý.
Vũ Ngọc Phan
Chuyện Hà Nội, 1944
Một cách hối lộ cổ nhân
Kỷ niệm cổ nhân, nói cho đúng sự thực không vì cổ nhân đâu, chỉ vì cái xã hội của người kỷ niệm vậy. Nước mình từ xưa, cõi tư tưởng vẫn bị thần quyền cai trị. Đối với những đấng anh hùng hào kiệt qua đời, mình cho là sống khôn chết thiêng nếu không cúng vái, các đấng ấy sẽ làm cho hại cho tàn, vật chết người chết.Vì thế phải cúng vái để trước là tránh, và sau là cầu phúc. Đấy là một cách đem hối lộ mà đút cho cổ nhân. Kỷ niệm bằng cách ấy nên hiện nay ở nước ta, các nơi thờ anh hùng hào kiệt phần nhiều đã thành nơi tụ họp của một bọn tin thần sợ quỷ...
Ngô Tất Tố
Đông Pháp, 1931
Mê tín cốt để cầu lợi
Dân quê rất tin phong thủy. Tín ngưỡng quỷ thần, phụng sự tổ tiên đều có hàm một tính cách ỷ lại vào sức màu nhiệm vô hình của khoa phong thủy mà cầu lợi . Họ yên trí rằng cái số phận dân làng may rủi hay hèn đều theo hướng đình , con cháu cường thịnh hay suy vong đều trông vào ngôi mộ tổ. Chỗ đình chùa trong dân thôn còn bị chi nọ chi kia ràng buộc, không mỗi chốc di đi dịch lại được, chớ như trong một nhà thì nắm xương kẻ chết bị họ đào lên chôn xuống luôn luôn, hòng nhờ sự kết phát để cầu đinh tài(1), quyền chức. Bảo họ dùng nắm xương cha mẹ làm mồi cầu phú quý, thực không oan .
(1) đinh : con trai ,tài : tiền của
Ngô Tất Tố
Họ lại kiếm ăn vào nắm xương khô Thời vụ , 1938
Tín ngưỡng xen lẫn hoài nghi
Tín ngưỡng của người Việt không có tính cách đơn thuần. Họ nhận thức rằng trong vũ trụ có những lực lượng có thể nguy hại tới họ, nên họ tìm cách ngăn ngừa. Không rõ các lực lượng âm thầm tác động ra sao nên họ tế lễ để cầu yên. Đối với họ, ông thánh nào cũng thiêng, ông thần nào cũng mạnh, Phật tổ Lão tổ đều là bậc thánh thần cả, bởi vậy họ phải kiêng sợ mà lễ bái để cầu lợi lộc. Thực ra trong trí họ vẫn lởn vởn ít nhiều hoài nghi. Đem chứng nghiệm với cuộc đời thực, họ thấy uy quyền của Thần Phật có mà cũng lại không. Thái độ lưng chừng và thiết thực làm họ dung hoà được các tôn giáo. Họ không có một tín ngưỡng vững chắc nào cả.
Lương Đức Thiệp
Xã hội Việt nam, 1944
Đời sống tôn giáo hời hợt
Mặc dầu sự có mặt của vô số ma quỷ và thần linh, người Việt vẫn có một đời sống tôn giáo không lấy gì làm sâu sắc cho lắm. Người ta chỉ có những niềm tin mơ hồ về linh hồn về sự sống ở thế giới bên kia về các thần. Một số lớn thần được định tính không rõ ràng và thường thường là phi nhân cách. Không có sự giáo dục tôn giáo cụ thể, cũng như không có sự tuyên truyền tôn giáo có tổ chức.
Mọi người chỉ cầu tới tôn giáo do nhu cầu vật chất. Ở một số trường hợp, người ta tìm kiếm một kết quả trước mắt như khỏi bệnh, có con, có tiền tài. Người ta cũng cầu thần để cho đời sống một người đã khuất ở thế giới bên kia được dễ dàng, để thi đỗ, để nhanh chóng trong một việc, để đi xa một chuyến được bình yên v.v.. Thường thường trong ý thức dân gian, tôn giáo được quy lại chỉ còn là một lô thực hành thờ cúng đã trở thành bắt buộc. Lễ nghi là tất cả, nó đôi khi bao gồm những nghi thức rắc rối hoặc núp dưới một hình thức long trọng có tính cách bề ngoài
Nguyễn Văn Huyên
Văn minh Việt nam, 1944
Con người thiên về u buồn sầu não
Sự đơn điệu tẻ nhạt của cảnh sắc thiên nhiên, tính chất chu kỳ của thiên tai, sự cách biệt của các nhóm người, sự phân chia nam nữ, nền giáo dục khắc nghiệt và khô khan khiến người Việt thiên về u buồn và sầu não.
Cá nhân bị giam hãm một cách chặt chẽ và giả tạo trong những khuôn khổ cứng nhắc như gia đình và làng mạc đến nỗi họ không quan niệm nổi họ có khả năng hành động một mình.
Vì thế khi môi trường chung quanh không còn giữ họ lại bằng những mối ràng buộc thông thường mà lễ giáo quy định, người ta dễ đắm mình vào những bài hát buồn bã u sầu, khiến mọi nỗ lực trí tuệ tiêu tán.
Nền văn hoá vốn thấm nhuần lòng từ bi Phật giáo cũng góp thêm phần dồn nén các dục vọng cá nhân. Rồi quan niệm siêu hình của đạo Lão khiến nhiều tác giả thiên về một cái nhìn bi quan sâu sắc và một sự mỉa mai chua chát. Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, Thu dạ lữ hoài ngâm cũng như tác phẩm của Trần Tế Xương, Trần Tuấn Khải, Nguyễn Khắc Hiếu chỉ là những tiếng vọng của nỗi đau nhân loại.
Trong nhiều tác phẩm khác, ta luôn luôn thấy cùng những đề tài giống nhau về nỗi đau khổ, ước mong và hối tiếc, phản ánh tất cả sự dồn nén tinh thần của cá nhân, hoặc gần như vậy, sự sợ hãi muôn thuở của một kiếp người bấp bênh, một cuốc sống chật hẹp.
Nguyễn Văn Huyên
Văn minh Việt Nam 1944
Niềm tin thực dụng
Chúng ta không có những nhà tư tưởng xây dựng được những công trình huy hoàng phong phú. Chúng ta chỉ cốt sống được, và trong địa hạt sinh hoạt vật chất cũng như trong địa hạt tư tưởng nghệ thuật, chỉ nghĩ đến cái gì có thể giúp cho mình thích ứng với hoàn cảnh ác liệt, để theo đuổi một cuộc sống tầm thường kín đáo mà thôi. Bởi thế nếu thỉnh thoảng có một người nào có khí độ phóng khoáng, không chịu ép mình làm nô lệ thánh hiền mà vượt ra ngoài vòng lề lối – mới vượt ra ngoài chứ chưa chắc đã xây dựng được cái gì mới -- thì xã hội đã xem là quái vật mà không dung. Hoặc giả khi có nhà nghệ thuật thực hiện được một cái gì to lớn phi thường như pho tượng thánh Trấn Vũ ở Hà Nội (1) chẳng hạn thì cái mái nặng nề của ngôi đền lại đè bẹp nó xuống ở trong bóng tối mò của gian chính tẩm (2). Những cái thái độ và quan niệm xuất kỳ (3) ấy thường bị cái tính thiết thực của dân tộc kìm hãm hay bài xích ngay.
(1) pho tượng này cao 3, 95m, đặt ở chùa Quan Thánh
(2)gian nhà to rộng ở giữa
(3)Bày ra kế lạ, có những tư tưởng mới mẻ
Đào Duy Anh
Việt Nam văn hoá sử đại cương,1950
0 nhận xét:
Đăng nhận xét