NHỮNG CON ĐƯỜNG BÙN LÉP NHÉP
& MỘT NỀN TIỂU THUYẾT KHÔNG CHẾT
Phát biểu tổng kết và trao giải thưởng cho một cuộc thi, một nhà quản lý văn nghệ vốn nổi tiếng về biến báo bảo rằng tiểu thuyết VN không chết.
Đằng sau một khẳng định bao giờ cũng có chứa rất nhiểu phủ định; người ta có thể đọc từ nhận định trên một lời thú nhận của người trong cuộc: có lúc chính ông đã ngán ngẩm đã mệt mỏi lắm rồi.
Nhưng xin dừng ngay lại ở chỗ ấy!
Sức sống mãnh liệt của một người quen chèo lái tình hình khiến ông tìm ra ngay được một cách khẳng định không ai cãi lại nổi. Tiểu thuyết không chết. Ơ-rê-ca. Tìm thấy rồi! Dễ dàng dự đoán người nói không khỏi sung sướng muốn thưởng cho mình một nụ cười kiêu hãnh.
Suốt hai tuần đầu tháng giêng 2011, một đợt gió mùa đông bắc kéo về nhấn chìm Hà Nội trong giá lạnh. Ngày nào khô ráo còn đỡ. Có hôm mưa phùn rả rích, sự sống của người nghèo trong thành phố rút lại là trải rộng trên những con đường lép nhép bùn. Cảnh tượng như cũng có phần liên hệ đến tình hình văn chương hôm nay, tôi nghĩ. Cũng như nền văn nghệ ấy, toàn bộ cuộc sống của chúng ta làm sao mà chết được. Nó chỉ kéo lê mình đi. Nó chỉ áp sát xuống mặt đất. Nó chỉ ngắc ngoải. Trong khi cái lành mạnh cái sáng sủa lép vế co cụm thì những cái làng nhàng tầm thường vơ vẩn và cả những cái thấp hèn lại được dịp nẩy nở và nếu cần khái quát người ta vẫn có quyền nói là nó hoàn toàn sống động, và còn miên man kéo dài trong những ngày tới.
12-1
MỘT CÁCH CẢM NHẬN HÀ NỘI
Hà Nội một thành phố trong nghệ thuật là tên một tập sách do Viện Goethe ở Hà Nội tổ chức biên tập, qua việc chọn lọc tác phẩm của nhiều thế hệ họa sĩ VN đương đại trong một triển lãm, mà thử gọi ra cái tinh thần chính của cuộc sống thành phố.
Gặp lại ở đây cái cảm giác mà nhiều người Hà Nội như tôi đã cảm nhận hàng ngày -- một thực thể đẹp ngay trong cái vẻ tạp nham rối rắm của nó!
Theo những người biên soạn là Natalia Kraevskaia và Lisa Drummond, trong khi đóng vai trò một vũ đài để con người kiếm sống, một đấu trường của cạnh tranh giằng xé hung bạo, không gian đô thị ở đây vẫn còn có cái vẻ của một hoang đảo, vì tạo nên bởi những bộ phận tách biệt và ốm yếu.
Trên cái nền chung đó, ấn tượng mà Bùi Xuân Phái tạo ra có vai trò của một sự đối tỷ. Người ta tìm thấy ở ông một cảm giác thanh sạch, bởi lẽ, như những người biên soạn đã viết, Hà Nội trong Phái là “một thành phố đến từ quá khứ vĩnh viễn khóa chặt vào quá khứ, mãi mãi hoang đường và huyền thoại “ .
Tôi cũng đọc được ở đây những nhận xét thuộc loại hay nhất về Bùi Xuân Phái “Cái mộc mạc trong các bức tranh của ông thật ra chỉ ngụy trang cho một cách tiếp cận đầy phức tạp, ở đó, thành phố không chỉ là một chủ thể để khắc họa chân dung mà còn là phương tiện lãng mạn hóa nỗi cô độc “
VỀ SỰ TRÌ TRỆ TRONG GIỚI TRÍ THỨC
1/ Đọc Văn minh làm giàu & nguồn gốc của cải , một cuốn sách về kinh tế, thấy tác giả Vương Quân Hoàng – có lẽ là một người trưởng thành từ hải ngoại-- nhận xét nhiều giảng viên các trường đại học ở VN dạy về kinh doanh vận hành kinh tế, tư duy kỹ năng... mà chưa bao giờ thực sự kinh doanh một mặt hàng nào cả. Chỉ đơn giản là đọc vài cuốn sách dở xoàng xĩnh rồi nhắc lại , như cái máy.
2/ Nguyễn Thị Từ Huy kể là ở các trường đại học nước ngoài, mỗi năm các giảng viên đều phải soạn lại bài giảng, và cuối năm họ sẽ cho nộp cho nhà trường để, nếu có thể thì xuất bản các công trình đó. Năm sau, họ sẽ bắt tay vào soạn một giáo trình mới, dạy đến đâu soạn đến đấy.
Khi tôi ngỏ ý muốn đi hỏi ở VN có áp dụng yêu cầu đó không thì được một anh bạn cười mỉm trả lời, thôi ông cứ mang cái tình hình đó mà đảo ngược lại sẽ ra VN ngay , việc gì mà phải hỏi.
14-1
NHÌN ĐÂU CŨNG THẤY ...BÓNG DÁNG NGƯỜI HÀNG XÓM
Tiếp sau bộ phim Đường tới Thăng Long, giờ lại tới tháp chuông Đồng Lộc mới khánh thành cũng bị phát hiện mang dấu ấn Tầu quá nặng.
Có thể giả thíết theo hai cách
1/ Người làm cái tháp này hình như quá thích lầu Hoàng hạc của Vũ Hán nên cố tình mang vào
2/ Ông ta không hề có ý thức trong việc này, nhưng cái chất Tầu kia đã ngám vào tận trong tâm thức nên không cố tình gì cả, mà tự nhiên cứ thành. Xem ra như thế lại còn nguy hơn nữa.
1/ Người làm cái tháp này hình như quá thích lầu Hoàng hạc của Vũ Hán nên cố tình mang vào
2/ Ông ta không hề có ý thức trong việc này, nhưng cái chất Tầu kia đã ngám vào tận trong tâm thức nên không cố tình gì cả, mà tự nhiên cứ thành. Xem ra như thế lại còn nguy hơn nữa.
Lưu ý thêm đây là công trình do hàng loạt cơ quan văn hóa bảo trợ! Hoặc là họ chỉ chi tiền chứ chẳng xem xét, hoặc đã xem mà không ai phát hiện ra. Đã đến nước này thì không biết chừng có thể khái quát rằng cái sự lai căng nó đã hóa thành môi trường sống của chúng ta, một phần suy nghĩ và vốn liếng nghệ thuật của ta mất rồi.
Chợt nhớ tới một chuyện xảy ra hồi 7-2010 khi người ta bàn chuyện gọi là đưa Vovinam vào dạy trong trường học.
Trên báo TT& VH một huấn luyện viên môn võ phái Tây Sơn ở Hà Nội nêu nhận xét “Những kỹ thuật đặc dị, mang tính riêng và có nguyên gốc đã làm nên một Thiếu Lâm Tự của Trung Quốc, một Taekwondo của Hàn Quốc, một Karate do của Nhật Bản. Ở nước ta, tiếng là võ Việt, nhưng quan sát kỹ hình thái chiêu thức, đòn thế, kỹ chiến thuật…của một số môn phái, thấy ngay bóng dáng của quyền thuật Trung Hoa...Nhiều võ sư không phủ nhận đó là “võ Tầu”, nhưng đã được “Việt hóa”. Cách tư duy “cá vào ao ta là của ta” cũng không vấn đề gì, nhưng đó không thể là sản phẩm “nội” thứ thiệt, vì vậy không thể có tiếng nói đại diện…”.
Đến tháng 12, đọc bài nói về Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2010 trên SGTT lại thấy nói có quá nhiều tranh mô phỏng một tác giả TQ là Phương Lực Quân. “
Đó là những tranh khuôn mặt người biểu hiện sự trì trệ, ngờ nghệch, khiến người xem “tức mắt”, tự thấy mình cần phải vùng lên, cần phải thay đổi.”
Thế là đã rõ, nhìn vào bộ phận nào của văn hóa VN hôm nay, cũng thấy bóng dáng của ... ông hàng xóm.
Nói như dân gian, đang thịnh hành lối ghét người yêu của.
Theo dõi thêm thì thấy, một lý do khác đã được nêu ra, nó khiến người ta buộc phải tính lại việc đưa võ Việt Nam vào nhà trường: đó là các bài bản của nó còn rất rời rạc, mỗi địa phương sáng chế ra một kiểu. Đại khái có thể liên tưởng tới tình trạng manh mún tùy tiện của chữ nôm mà đây đó các nhà nghiên cứu đã miêu tả.
Tôi đang băn khoăn không biết có thể dùng cả hai đặc điểm này của võ VN, của chữ nôm – tùy tiện rời rạc và lai ghép nhiều yếu tố ngoại lai—để khái quát những đặc điểm chung của văn hóa VN ?!
16-1
TÌM HỌC NHỮNG CÁCH NGHIÊN CỨU VĂN HÓA
Khi bí, hãy nhảy đại vào những khu vực anh chưa bao giờ ghé thăm và hãy nín thở chờ đợi – biết đâu ta chẳng tìm ra ở cái nơi tưởng xa lạ đó những gì quen thuộc, thậm chí những gì cần thiết.
Không biết ai đó có lần đã nói với tôi điều đó và hôm nay tôi thử đi theo lối đó.
Lâu nay khi loay hoay với các chủ đế văn hóa VN, tôi chỉ mới tìm cách mở sang văn hóa Trung Hoa và văn hóa Đông Nam Á. Hôm nay tôi thử ngó sang ... văn hóa Hồi giáo -- Ả rập.
Lang thang thử đọc cuốn sách mang tên Lịch sử Trung Đông 2000 năm trở lại đây của Bernard Lewis, Nguyễn Thọ Nhân dịch. Ghi nhận được vài điều, chẳng hạn cái ý về vai trò của các nhà thơ trong các nền hành chính ở vùng này:
“ Một vị vua chúa tầm thường nhất cũng nuôi ít nhất một nhà thơ để ca tụng mình bằng những vần thơ dễ nhớ và dễ quảng bá. Các vị đại vương thì có trong triều cả một tập thể thi gia chẳng khác gì một bộ tuyên truyền của chính phủ”
” Nếu việc của nhà thơ là tô điểm cho hình ành hiện thời của hoàng đế thì các nhà viết sử lại lo cho hình ảnh nhà vua truyền cho hậu thế “ ( tr 221)
Còn nhiều điều khác có trong văn hóa vùng Trung Đông tôi thấy nó như là những biến thể của văn hóa mình.
Tuy nhiên, bài học giá trị nhât là về cách nghiên cứu một nền văn hóa. Phần dẫn nhập giới thiệu hình ảnh một người đàn ông ngồi trong một quán cà phê, từ đó phân tích những ảnh hưởng của văn hóa phương Tây đối với con người Trung Đông.
Dường như nghiên cứu một nền văn hóa hiện nay, là nghiên cứu mối quan hệ giữa nền văn hóa đó với các nền văn hóa mà nó tiếp xúc – tôi tự xác định.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét