Cái đẹp trong văn Thạch Lam

Với nhà văn Thạch Lam (1910-1942), vẻ đẹp là một cái gì chỉ hiện ra mong manh thấp thoáng nên dễ bị bỏ qua. Ông viết: "Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường...". Cái đẹp trong văn Thạch Lam là cái đẹp cổ điển: đẹp và buồn. 

Không phải nhà văn tiền chiến nào cũng thích nói đến cái đẹp. Đọc các truyện ngắn truyện dài của Nguyễn Công Hoan hay cả loạt phóng sự và tiểu thuyết phóng sự của Vũ Trọng Phụng, người ta thấy cái đẹp hầu như vắng mặt. Có vẻ nó giống như một thứ hàng xa xỉ, không dây dưa gì đến cuộc đời nhếch nhác này, và để được chân thành trong câu chuyện, tác giả ngầm bảo ta rằng, tốt hơn hết là không nên nhắc tới nó làm gì (!?)


Ở một ngòi bút như Thạch Lam (cũng như ở Khái Hưng, Nguyễn Tuân, Hồ Dzếnh, Thanh Tịnh...) thì tình hình hoàn toàn ngược lại. Từ những bài báo nhỏ đến những truyện ngắn cô đọng, viết văn với Thạch Lam đồng nghĩa với việc săn sóc tới cái đẹp, và nhắc nhở về sự có mặt của nó với mọi người. Ông nói tới vẻ đẹp trong thiên nhiên: buổi trưa vắng vẻ ở một làng quê hay ban mai yên ả ở một xóm nhỏ trung du (Dưới bóng hoàng lan, Nắng trong vườn). Ông nói tới vẻ đẹp hồn hậu trong xúc động đơn sơ của một thanh niên lần đầu làm cha, hoặc cái cảm giác lạ lùng của mấy em nhỏ trong một ngày chớm rét (Đứa con đầu lòng, Gió đầu mùa). Đối với những con người khiêm nhường mà cuộc sống bị đè nặng bởi những lo toan hàng ngày, Thạch Lam biết tìm ra những nét tính cách cao quý, nó là nhân tố làm cho người ta tồn tại và nhờ vậy, lại toát lên một vẻ đẹp riêng (Nhà mẹ Lê, Tối ba mươi). Một nét quán xuyến trong cách nhìn đời của Thạch Lam: tác giả luôn luôn mách thầm với chúng ta rằng vẻ đẹp là một cái gì chỉ hiện ra mong manh thấp thoáng nên dễ bị bỏ qua. Ông viết trong Theo dòng: "Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phải hiểu cái đẹp chính ở chỗ mà không ai ngờ, tìm cái đẹp kín đáo bị che lấp trong sự vật, cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức".


Quan niệm cổ điển và một thoáng gặp gỡ Đông - Tây


Năm 1940, khi Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân được in ra lần đầu, Thạch Lam sớm có bài giới thiệu quyển sách trên báo Ngày nay (số ra 15-6-1940). Bài báo đáng được lưu ý, không phải chỉ vì nó đã nói đúng về Nguyễn Tuân mà còn là một dịp để Thạch Lam tự bộc lộ. Chỉ trong khuôn khổ chưa đầy 1.000 chữ, ông đã năm lần nhắc tới cái đẹp và những từ ngữ ông dùng để đi kèm chính là những thuộc tính mà theo ông có liên quan tới cái đẹp chân chính. Đó là vẻ nên thơ, sự cao quý, cái có ý nghĩa, rồi cả sự khoáng đạt và một chút nồng nàn. Cũng có đến mấy lần ông nhắc lại hương vị cũ kỹ và nhẫn nại của một sự hy sinh, hoặc tâm tình yêu mến dĩ vãng, tiếc thương và muốn trở lại những vẻ đẹp đã qua.


Cũng từ đây, người ta đọc ra một quan niệm về cái đẹp mà tác giả Gió đầu mùa theo đuổi. Trưởng thành từ một cốt cách học trò, người viết văn này dễ rung động với những gì thấp thoáng, dịu nhẹ. Ông tỏ ra xa lạ với những vẻ đẹp chói chang, quyến rũ, hoặc là cái lối có gì mang bày hết cả ra ngoài, phô phang lộ liễu. Hình ảnh mà ông thích nhất là bông mai trong trắng. Trong sự kín đáo và ẩn nhẫn biết điều, vẻ đẹp ông hay nói tới thường hàm chứa một sức sống tiềm tàng. Một quan niệm như thế phải nói là có nhiều chất cổ điển. Giữa thế kỷ của văn minh công nghiệp trong cái thời mà máy móc và các mốt thời trang bắt đầu du nhập và ngày càng bành trướng trong xã hội, văn chương Thạch Lam có vẻ là một thứ dòng nước ngược đưa người ta trở lại với quan niệm về cái đẹp của phương Đông hoặc gần gũi hơn, trong cách hiểu về cái đẹp thường thấy ở ông cha ta. Vậy đâu là tác động của yếu tố thời đại đến ngòi bút này? Thực ra ở đây yếu tố thời đại vẫn có, nhưng cách ảnh hưởng của nó tới Thạch Lam lại có những nét đặc trưng riêng. Nên nhớ là giữa nền văn hóa Pháp được du nhập vào Việt Nam lúc ấy và văn hóa phương Đông cổ truyền không phải chỉ có khác biệt mà còn có nhiều nét chung. Văn hóa cổ điển Pháp cũng nổi tiếng vì sự trong sáng, sự tinh tế và tinh thần nhân bản. Thứ nữa khi tiếp nhận nền văn hóa này, lớp người như Khái Hưng, Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu hoặc Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân... đã đứng vững trên mảnh đất quê hương ruột thịt. Trong sách vở mà nhà trường dạy họ cũng như trong những quyển sách họ đọc ở ngoài đời có những lời lẽ khuyên họ phải biết trở về với cội nguồn dân tộc. Về phần mình, trong sáng tác văn chương, Thạch Lam sớm tự xác định cho mình một con đường riêng. Ông cho rằng, có một công việc mà một ngòi bút tự trọng nên đảm nhận, đó là làm sống lại cái đẹp, cái thực vốn là những tính cách cố hữu trong nền văn hóa cổ truyền. Người và cảnh ông miêu tả vì vậy thường có thêm chiều sâu trong thời gian. Cái đẹp được ông chắt chiu gạn lọc. Tuy không nói ra trực tiếp, nhưng từ những gì ông tha thiết, thấy toát lên một lời giáo huấn kín đáo: nếu không được trân trọng giữ gìn, cái đẹp vốn đã mong manh sẽ tan mất đi và chúng ta sẽ mãi mãi sống trong bơ vơ tiếc xót.


Nỗi buồn giấu kín


Nhưng có lẽ đặc tính đáng nhớ nhất của cái đẹp trong văn Thạch Lam ấy là nó thường được miêu tả với một nỗi buồn sâu xa. Cảm giác chính còn lại trong người đọc sau khi đọc nhiều trang sách, từ Gió đầu mùa đến Sợi tóc, là một cuộc đời mờ mờ xám xám. Hãy nhớ lại Cô hàng xén, thiên truyện bao quát gần hết cuộc đời của một con người. Những phiên chợ quê nhiều mầu sắc, thoáng qua rất nhanh, cùng với những năm tháng tuổi trẻ, ấp ủ nhiều hy vọng của người con gái chăm chỉ và giàu tình thương gia đình. Rồi cái khía cạnh người ta nhớ hơn cả khi nghĩ tới Tâm, ấy là con đường từ chợ về nhà vắng vẻ, cùng những lo âu đè nặng tâm hồn cô trong cuộc sống hàng ngày. Ngòi bút Thạch Lam thường tỏ ra có sự nhạy cảm lạ lùng với những gì đã an bài hoặc những nếp sống đã trở thành mòn mỏi. Một buổi tối phố huyện, nhà cửa như thiếp dần đi trong ánh sáng những ngọn đèn dầu leo lét. Những điệu hát xẩm vẳng lên trong một xóm nghèo. Mấy bức tranh dân gian mầu sắc đạm bạc. Cảnh tết sơ sài ở một xóm nhỏ ngoại thành... Thạch Lam bằng lòng chấp nhận cuộc sống như nó đang có, nhưng vẫn không thôi tự nhủ lẽ ra nó phải khác kia, làm sao nó lại chỉ như chúng ta đang thấy! Một cảm giác bao trùm còn lại: Đời đẹp và buồn. Và nhờ gắn với cái buồn, cái thực, mà vẻ đẹp trong văn Thạch Lam lại có được sự sống riêng. Nó trở nên bền chắc. Nó không lẫn đi giữa những vẻ đẹp nhạt nhèo mà những cây bút tầm thường mang ra để an ủi bạn đọc. Cái thuở thanh bình xa vắng tác giả Gió đầu mùa hay nói tới giờ đã qua đi từ lâu, song sống trong tấp nập ồn ào, các thế hệ đến sau vẫn có thể tìm thấy ở cái vẻ đẹp cổ điển mà Thạch Lam hay nói tới một sự đồng cảm. Cổ điển ở đây đồng nghĩa với sống mãi.


(Báo Thể thao và Văn hóa)
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét