Ghi chép hàng ngày(3 )

20-5

      Tự nhiên nhớ  một chi tiết trong Số Đỏ. Cô Tuyết thiếu nữ tân thời  muốn từ chối một đám nhà quê mà mình không thích, cô chỉ mong được liệt vào hạng hư hỏng để tự do hành động.



      Nghe mà thấy thương. Tuyết thật thà quá!  Nhiều người chúng ta hôm nay ở một trình độ hơn hẳn. Vừa thích tiếng vừa thích miếng. Cứ sưng sưng làm chuyện bậy song lại đòi giữ bằng được cái danh hão là sự đứng đắn của mình. Cho mỗi chúng ta khỏi nỗi lo của các nhân vật thời Vũ Trọng Phụng, đó chẳng phải là tinh thần giải phóng mà thời đại mang lại ?

27-5

     Giới thiệu triển lãm Expo Thượng Hải, một mạng nước ngoài nói rằng gian hàng của Việt Nam bày biện rất  đơn sơ và một số khách Trung Quốc nói họ  vào gian này vì không phải xếp hàng. Nhưng xem xong, họ thú nhận là không hiểu Việt Nam muốn đưa ra thông điệp gì qua triển lãm.

      Sao mà họ bắt vở mình tinh thế ! Quả  thật là  nhiều  người ở ta hôm nay không biết mình là gì và mình muốn gì nữa,  ngoài sự khẳng định mình vẫn tồn tại và mình không kém mọi người .

1-6

     Thói quen một người làm báo khiến tôi không thể bỏ  qua mà không suy nghĩ về cái ngày được gọi là ngày thiếu nhi quốc tế này. Tôi muốn nghĩ về trẻ và mối quan hệ người lớn và trẻ thời nay .

     Nhiều bạn bè và người trong họ đi làm ăn ở nước ngoài về thường chung một nhận xét là trẻ ở VN hôm nay hư quá và người lớn thì không biết dạy trẻ.

      Tôi nhớ là thuở nhỏ ở trong gia đình, bọn trẻ chúng tôi nhìn người lớn với một sự  kính trọng sâu sắc. Thường cả ngày bố tôi mới nói với tôi vài lời, nhưng chính vì vậy những gì ông già dặn dò làm tôi không thể quên. Chỉ thỉnh thoảng ông mới tỏ ý thân tình tỏ ý săn sóc tôi và những lần ấy tôi xem như một đặc ân.

     Còn người lớn chúng tôi bây giờ suốt ngày để  ý đến trẻ đến mức làm chúng mệt nhoài.  Khá phổ biến là tình trạng đang nghe bố mẹ răn dạy thì chúng bỏ đi. Khi cần xin xỏ cái gì đấy chúng mới “ chiếu cố “ đứng nghe bố mẹ nói.

    Một người tôi quen đã ngoài bẩy mươi khái quát: Lúc nhỏ tức là dưới mười tám bọn trẻ bây giờ nó như bố mẹ mình. Đến lúc trên dưới ba mươi ra đời làm ăn  nó như  là bạn mình.

    Về già tức là trên dưới năm mươi nó  mới biết thương bố mẹ và lúc ấy mới thật là con mình.

     Xin hẹn một dịp khác sẽ cắt nghĩa tại sao mối quan hệ người lớn trẻ con hôm nay lại biến tướng kỳ lạ như vậy. 

5-6

     Trên VNN hôm nay có một bài nói rằng ở TP HCM hiện nay có một số sinh viên thường lên chùa để tìm thấy nơi yên tĩnh về tâm hồn. Họ nói rằng tới đó để giải thoát cho mình khỏi những khó chịu bực bội hàng ngày. Sau khi ngày đêm sống trong cảnh  thiền thanh vắng và trò chuyện với các nhà sư có hiểu biết, trở về với đời sống bình thường, họ yêu  thương mọi người hơn và ham sống hơn.

      Đọc thấy thú quá. Lâu nay tôi vẫn nghĩ  trước khi “ bước những bước đầu trong cảnh trần gian “’— thơ của Thế Lữ hồi Thơ  mới-- các bạn trẻ cần có thời gian lùi lại tự mình đối diện với mình suy nghĩ chiêm nghiệm về cuộc đời nói chung. Nghe nói ở bên Lào bên Thái Lan có phong tục thanh niên trước khi bước vào đời buộc phải lên chùa sống vài năm. Không biết bây giờ còn phong tục đó không?

     Cứ ngỡ ở VN bây giờ chả ai tính tới chuyện đó. Hóa ra tự nó đời sống đã tìm được những thể nghiệm cần thiết.

-- Xã  hội trước kia trì trệ chậm chạp thì người ta mới có thời gian bình tâm đứng tách ra mà  nghĩ về đời như vậy . Chứ thời  đại tên lửa hiện nay bắt chúng tôi hy sinh vài năm  để chết chúng tôi à? --- Chắc hẳn sẽ có  người phản đối .

   Trong phạm vi những chuyện bàn phiếm với nhau,  tôi tạm có một ý để cãi lại:

-   Chính vì cuộc sống lôi ta đi nhanh quá mà ta lại càng cần có thời gian tách ra để nghĩ về nó. Mọi dự tính vượt lên trên sự thông thường phải đến với người ta từ trẻ. Còn như lúc nào trở lại với đám đông chả kịp.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét