Ghi chép hàng ngày (4)

9-6

HIỆN TƯỢNG BÍ ẨN NHẤT

Một người nước ngoài kêu lên,ở những nước như Trung quốc, Việt Nam lớp trẻ, nhất là bộ phận tinh hoa, chỉ lo làm giầu, dễ chừng bảo họ làm gì họ cũng làm, miễn thỏa mãn nhu cầu của họ.



Tôi nhớ những năm chiến tranh, một người nước ngoài đã phát biểu cái cảm giác kỳ lạ đến với họ khi sang thăm xứ ta. Sự cuồng nhiệt muốn làm người VN—một người đã không kìm được mà kêu lên như vậy.

Cái đó vẫn còn đến hôm nay và làm nên sự năng động của đời sống chăng?

Cũng dựa vào cách nói có từ những năm chiến tranh, đã xuất hiện một câu tổng kết về xã hội hôm nay : “cả nước vào cầu toàn dân đánh quả “.

Có tin ở Củ Chi, một trại giống cá sấu, một đêm kẻ trộm vào bắt trộm ba trăm con, loại cá từ 0,6m đến 1m

Còn ở Hải phòng 500 trại viên của một trại cai nghiện trốn trại.

Con số thai nhi một năm bị hóa giải là 2 triệu, trong số đó phần lớn là của các bà mẹ vị thành niên. Không có thống kê chính thức, báo chí chỉ ước lượng vậy

Tổng kết Festival Huế, báo SGTT đưa ra con số, có 1000 con diều thì 500 con bị ăn cắp.

Trên một tờ báo mục kiến thức có đăng bài “những hiện tượng bí ẩn trong lịch sử” và kể nhiều chuyện thú vị. Tát nước theo mưa, tôi muốn nói đùa nếu coi hiện tại cũng là lịch sử thì cái bí ẩn nhât của hôm nay, mà các nhà lịch sử về sau sẽ còn vỡ đầu không lý giải nổi, đó là tại sao sau chiến tranh, con người VN – mà một bộ phận lớn ta hay gọi chung là nhân dân – lại hư hỏng nhanh đến vậy.



13-6

NHỮNG MẢNG TRẮNG CỦA LỊCH SỬ



Thấy cần đọc Lịch sử nhà Mạc của Đinh Khắc Thuần ( Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 2001) vì hai lý do, một nó là luận văn tiến sĩ ở Pháp, chứ không phải được công nhận trong nước; và hai, nghe nói nó rất ca ngợi nhà Mạc chứ không phải lên án như phần lớn sách giáo khoa về lịch sử từ thời tôi học cấp II bốn chục năm trước cho tới hôm nay.

Lý do thôi thúc tôi là, ở ta, những ý nghĩ “ ngược chiều gió thổi” ngược với thói quen của đám đông, thường là rất khó xuất hiện. Nay ở sử học nó đã xuất hiện, đã được chính thống công nhận, ắt không phải chuyện vừa.

Đọc xong thì thấy cuốn sách đáng gọi là một công trình khoa học. Nó có luận điểm mới, cách khai thác tài liệu mới.

Cuốn sách cũng soi rọi cho tôi thấy thêm một khía cạnh tính cách Việt.

Đau khổ vì những tệ nạn xã hội mà con người gây ra cho nhau hôm nay, những người như tôi thường bi quan khi nghĩ về những nguyên nhân sâu xa đã khiến nó – cái tình trạng hỗn hào ly loạn trong lòng người-- cắm rễ sâu vào đời sống cộng đồng trong quá khứ.

Lâu nay chúng tôi chỉ được dạy là có nhiều trang quá khứ oai hùng.

Thế còn những thời mà trong đó con người sống tử tế, những thời đó có không và là những thời nào?

Đây là mấy dòng Đại Việt sử ký toàn thư miêu tả nhà Mạc mà cuốn Lịch sử triều Mạc trích lại “ “ trong nhiều năm đường xá không nhặt của rơi, cửa ngoài không đóng, thường được mùa to, trong nước tạm yên. ( Sách Lịch sử triều Mạc tr229).

Lẽ ra phải có nhiều người đi vào nghiên cứu một thời thanh bình như vậy.

Nhân đây nghĩ chung về cách làm sử của người mình hôm nay.

Chỉ nghiên cứu ông cha đánh giặc và khởi nghĩa chống phong kiến mà không nghiên cứu ông cha cày ruộng, khai phá đất đai, mở đường, xây dựng đô thị -- nói như ngày nay là làm kinh tế và ổn định xã hội.

Chỉ nghiên cứu những cuộc kháng chiến mà không nghiên cứu tình hình các xã hội hậu chiến.

Chỉ nghiên cứu phong trào chống ngoại xâm, mà không hề nghiên cứu dân ta, đồng thời với việc chống đối đến cùng đó, đã học hỏi những người từ xa đến để trưởng thành lên như thế nào.

Chỉ thích dạy trẻ về những thời đại hào hùng mà không dạy về những thời con người ta trở nên tử tế .



15-6

DƯ ÂM CHIẾN TRANH

Ở Hà Nội nhiều nơi có Phở Thìn. Đây chắc là hàng phở ngon nhất Hà Nội ? Ông Tô Hoài bảo tôi, không phải thế đâu, chẳng qua trong chiến tranh, nhiều hàng phở HN đi sơ tán về các tỉnh cả, riêng phở Thìn vẫn bám trụ như bộ đội; có khi sau báo động, thậm chí sau một trận bom Mỹ, đèn HN vừa sáng lại thì đã thấy phở Thìn đỏ lửa bán cho anh em dân phòng và khách qua đường.

Nghĩ về một vấn đề của đời sống: chúng ta sống trong một thời khốc liệt đến mức không cần biết chất lượng thế nào, cứ tồn tại được đã là một chiến công rồi. Một em nhỏ tám tuổi đã làm được một bài thơ ư? Thế là, bất kể hay dở thế nào, người ta xúm vào ca ngợi. Chả ai đặt vấn đề đó có thực là thơ không và thứ thơ đó sẽ có được ai nhớ!



19-6

BẮT ĐẦU LÀ TỪ TRÍ TUỆ

Nhân chuyện đường sắt cao tốc một bài viết trên SGTT cho thấy ra một điều: lâu nay mình có biết làm gì đâu, gọi là đi vay vốn ODA của Nhật, nhưng sự thực là chấp nhận cả gói những đề án mà các nhà thầu Nhật họ làm cho mình. Họ không thạo vè giao thông đường thủy ư? Thì mặc dầu là Nam Bộ mình rất cần, nhưng họ mặc kệ. Họ chỉ lo làm đường bộ với cầu đường bộ…

Lâu nay ngành giao thông của mình chỉ đi ký những kế kế hoạch mà họ áp đặt. Việc còn lại là chạy hậu cần, chạy thợ.

Một tư cách làm chủ để đi vay cũng không có nữa.

Bài viết chốt lại bằng cái ý, có trí tuệ thì mới có độc lập về kinh tế, có độc lập về kinh tế mới độc lập về chính trị.

Câu kết nhắc lại kinh Phật “Duy tuệ thị nghiệp” (Chỉ lấy trí tuệ làm “nghiệp” của mình). Cẩu thả ở những quyết định đè lên miếng cơm manh áo của dân tộc thì cái “nghiệp” phải trả không hề nhẹ.

… Tôi đọc bài viết, nhất là câu kết này thấy yên tâm hơn với cái xu thế đề cao trí tuệ mà mình vẫn theo đuổi.



20-6

BÙNG NỔ & KHỦNG HOẢNG

Đó là cách nói khái quát về tình hình làm phim truyền hình giải trí hiện nay. Phim bảo đảm lấp đây chương trình các đài truyền hình TW và địa phương. Chỉ quá kém, quá bôi bác. Và chỉ sợ không có ai xem.



Ngành nào bây giờ chả có tình hình đó. Như ngành giáo dục mấy năm nay có thêm mấy trăm trường đại học mới mở.

Hôm nọ báo NTNN đưa tin học sinh rất thích thi vào các trường kém này. Một người bạn ở ngoài sông kể với tôi, may quá, con ông 13 điểm ba môn cũng đỗ đại học.

Thì ra những gì kém chất lượng là cái duy nhất mà ta có thể sản xuất dư thừa. Và không có nạc thì vạc đến xương, cuối cùng thì xã hội cũng tiêu hóa hết.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét