Thế nào là một cành đào đẹp?



 Phiếm luận  9/2/2010

Mấy câu hỏi nhỏ

Các điệu hát văn, các bài quan họ... xưa nay vẫn
thường được xem như những tinh hoa của nền âm nhạc truyền thống ở Việt
Nam. Và vào những ngày Tết thế nào cũng chiếm trọn vài ba chương trình
truyền hình. Theo dõi các chương trình này trong một số năm, tôi nhận
thấy có một nơi thích được người ta dùng làm nền cho các buổi diễn dân
ca ấy là khu văn Văn Miếu Hà Nội, ở đấy, ngay trước đền thờ Đức Khổng
Tử, có một cái sân khá rộng, có thể trải chiếu rồi bày biện đủ thứ.



Kể
ra làm thế cũng nhất cử lưỡng tiện, vừa giới thiệu thêm được Văn Miếu,
vừa tạo không khí cho nơi biểu diễn ca nhạc cổ - tôi hiểu ý của những
người bố trí chương trình là vậy. Quá lên một chút, có thể coi đây là
một sáng tạo trong dàn dựng.
 


Song
cũng đã đôi lúc, trong tôi nảy ra một vài câu hỏi nhỏ: Liệu có thể coi
sân Văn Miếu tương tự như bất cứ sân đình nào để rồi lấy làm nền cho các
chương trình biểu diễn dân ca, bất chấp nội dung âm nhạc ở đó ra sao?
Nếu đây là những bài dân ca ngả sang giọng tình tứ lơi lả, và người biểu
diễn phải vận khăn xanh váy tím để tạo không khí, thì có hợp cách? Mang
hai cái đẹp khác dòng khác mạch nhau (một bên tôn nghiêm kính cẩn, bên
kia khoáng đạt buông thả) để cạnh nhau như vậy, liệu đã ổn về mặt mỹ
cảm, nhất là lại làm cái đó trong những ngày tết truyền thống của dân
tộc.
 


Một trường hợp trôi nổi
Nếu với tình trạng vừa nêu ở trên
trong bụng còn đang phấp phỏng, chưa biết thế nào là phải, thì với câu
chuyện sau đây, không còn nghi ngờ gì nữa, sự "phạm quy" theo tôi là rõ
rệt: ý tôi muốn nói tới mấy cây đào mang bán khắp phố phường Hà Nội
trong dịp Tết.
Những ai Tết đến vẫn đi mua đào hẳn nhận ra hai vẻ đẹp
được coi là phổ biến đôi mươi năm nay.
Một là những cành đào tròn,
nhiều nụ và hoa, lúc nở hết phải nói cứ trạt những hoa là hoa.
Hai là
những cành và cây tự nhận là đào thế, cành không thẳng mà từ gốc lên
uốn cong một hai vòng, người bán khéo tán bảo đó là thế rồng.
Thời
gian gần đây, hai vẻ đẹp này dường như được số đông người mua hàng công
nhận, nó là một nhân tố phải tính tới để người ta định giá và mặc cả với
nhau.
Trong khi ấy, theo chỗ tôi nhớ mấy chục năm trước (tạm tính từ
1960 trở về trước) cách chọn đào của người Hà Nội có khác.
Loại cành
đào nở đều tròn xoe, có người nói nôm na là hình cái nơm, hồi ấy đã bán
khá nhiều nhưng chính do cái sự quá hoàn mỹ của nó, người kỹ tính không
chuộng lắm, cho là chỉ thích hợp với hạng giàu xổi.
Còn đào thế lúc
ấy được hiểu là những cành có dáng lạ, bất ngờ, gợi cảm tưởng vững chãi
trong giá rét, và chắc chắn là một sự tự nhiên bột phát chứ không do một
bàn tay khéo léo nào uốn mãi mà thành. Trong khi có vẻ phớt lờ vẻ cân
xứng hòa hợp theo con mắt thường, thực tế là những cành đào thế ấy lại
có vẻ cân xứng riêng, độc đáo. Và hoa cũng không cần nhiều, chỉ lưa thưa
ít bông thôi, nhưng bông nào ra bông ấy, tươi, bền. Loại đào có thế đẹp
như vậy khá hiếm, có khi đi cả chợ mới gặp một cành. Nhưng thà không
mua thì thôi, chứ không ai chấp nhận cành đào uốn theo kiểu con giun là
đào thế, và người trồng đào có nghề cũng không uốn đào theo kiểu ấy để
bán.
Nhân khi cùng bàn bạc về đào bây giờ, một người bạn tôi vốn dân
bạo mồm nói rằng có vẻ như người thời nay dễ dãi xô bồ trong việc chơi
cây cảnh. Vẻ đẹp cổ điển, vẻ đẹp chân chính mất đi, thay vào đấy là
những vẻ đẹp giả tạo cố ý uốn éo chiều nịnh con người.
Nếu cho rằng
nói thế là quá cực đoan thì qua đây, ít ra cũng phải công nhận rằng, đối
với nhiều phong tục xưa, chúng ta mới hiểu một cách đại khái. Nghĩa là
chỉ mang máng biết là hình như ông cha làm vậy, rồi mỗi người trong mỗi
gia đình tùy theo trí nhớ mà làm. Từ mấy bài khấn trong đêm giao thừa,
những đôi câu đối bày bên bàn thờ gia tiên, cho tới chúc tụng mừng tuổi,
treo một vài bức tranh có giá trị trên tường, chọn nơi biểu diễn ca
nhạc... hầu như rất nhiều việc đang trong tình trạng tự phát, giống như
chuyện mấy cành đào uốn theo hình con giun được gọi là đào thế. Tình
trạng này rồi sẽ trôi nổi đến đâu thật khó đoán trước.
 


Sự cần thiết
của chuẩn mực.

Là những thói quen chi phối cách cư xử của cả cộng
đồng, các tập tục (bao gồm cả các nghi thức trang trọng) bao giờ cũng
được xếp vào lĩnh vực văn hóa và mỗi khi có dịp thực hiện một tập tục
nào đó, mỗi chúng ta thường tự cảm thấy mình đã làm được một việc tử tế
là trở lại với cội nguồn của dân tộc.
Thật ra, mỗi tập tục chỉ có ý
nghĩa văn hóa, khi nó làm toát ra cái xu thế riêng mà nền văn hóa theo
đuổi. Nói như O. Spengler "Văn hóa là khuynh hướng tinh thần của một dân
tộc đã hoàn tất một ý tưởng riêng nào đó về thế giới, và cái khuynh
hướng tinh thần xét như một ý niệm nhất trí ấy đã xâm nhập vào tất cả
hoạt động của họ, như nghệ thuật, tôn giáo, chính trị".
Vậy nên, điều
quan trọng là chúng ta phải cố để hiểu đúng ý nghĩa tập tục, và trong
chừng mực có thể, tái hiện các tập tục ấy với cái tâm thế cũng như độ
thuần thục mà người xưa yêu cầu. Ngược lại, một tấn bi hài kịch sẽ xảy
ra khi người ta quá tin vào thiện chí và quyết tâm, rồi ồn ào đi vào văn
hóa cổ theo cách tùy nghi của con người hiện đại.
Lâu nay, dư luận
đã nói nhiều tới những bất cập trong việc tổ chức một số hội hè và người
tham dự hội hè.
Song ngay cả với Tết Nguyên đán, cũng có trình trạng
tương tự.
Để bắt kịp tâm lý thích trở về nguồn, mấy năm gần đây đã
có nhiều sách vở nghiên cứu và kể chuyện Tết được in ra.
Chỉ đáng
tiếc là những tài liệu kỹ lưỡng và chính xác, nhất là những tài liệu gọi
đúng được cái tinh thần chính của Tết Việt Nam thì vẫn chưa thấy.
Lại
có một điều ai cũng biết là bước sang thời hiện đại, không phải tất cả
những nghi thức cũ đều thích hợp. Có những cái mê tín lạc hậu, cần lược
bỏ. Có những cái rườm rà, ngày nay không thể thực hiện. Ở đây có thể
quan sát thấy cả hai hướng phát triển quá đà: có một hồi, ở một số người
nảy sinh những ý tưởng cải cách Tết, làm cho Tết trở nên thật giản
tiện, và họ đã đi đến chỗ tước bỏ cả một số tập tục tốt đẹp vốn được coi
là thiêng liêng. Nhưng rồi sang thời kinh tế thị trường giống như một
sự "ăn trả bữa", các tập tục cũ lại trở về một cách ồ ạt, kể cả những
tập tục không hợp thời (kiêng kỵ, bói toán, đốt vàng mã). Rút cục, tình
trạng tùy tiện đã có, lại thêm trầm trọng.
 


Cái đẹp khó nắm bắt
Nhưng
hãy trở lại với mấy cành đào ngày Tết.
Trong một nền văn hóa dân
tộc, ý niệm về vẻ đẹp bao giờ cũng là một bộ phận hữu cơ, lại là một cái
gì tinh tế, không rõ mày mặt mà toát ra ở bất cứ chỗ nào có thể. Trong
trường kỳ lịch sử, ông cha ta đã hình thành cho mình một mỹ cảm riêng.
Cái mỹ cảm ấy có mặt qua những tác phẩm nghệ thuật, khi người ta xây một
ngôi chùa, soạn một tập thơ, nhấn nhá một nốt nhạc. Nhưng cái mỹ cảm ấy
cũng bộc lộ ngay trong đời sống bình thường từ cách ăn mặc, chọn chỗ ở
chọn kiểu nhà, cho tới bày một mâm thức ăn và cắm một bình hoa, và nói
chung là trong mọi công việc hàng ngày chúng ta vẫn làm. Do vậy, ngày
nay trong khi trở lại với những tập tục của cha ông, một sự nhắc nhở
nhau rằng phải cẩn trọng là không bao giờ thừa. Nếu như theo mỹ cảm của
phương Đông, cái đẹp bao giờ cũng gần với tự nhiên, con người muốn làm
toát ra cái hài hòa thầm kín của sự vật, và lo bộc lộ cho được cái vô
hình đang khoe mình trong cái hữu hình v.v... thì cách làm của chúng ta
trong những dịp Tết không thể thô thiển, nhất là không thể tô vẽ giả tạo
và để mọi thứ phô bày quá lộ liễu như đang thấy.






 Đã
in Nhân nào quả ấy, 2003
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét