Một người đã sống qua ở Nhật cho biết người Nhật trong khi giao thiệp, nhất là trong khi làm kinh tế, cũng có nhiều quái chiêu không thể thương được. Đầu cơ,móc ngoặc, hối lộ, gọi chung là đi đường tắt...trò gì cũng có cả.
`
Nhiều người trong đám dân đi chào mời tiếp thị (gọi là "mizu shobai") là những chuyên gia về lừa lọc. Họ lừa có bài có bản. Nhà người Nhật thường đóng cửa và khóa, trước cửa nhiều nhà thường phải gắn bảng miễn tiếp loại người này.Bởi "mizu shobai" như có bùa mê thuốc lú, làm cho người ta phải xiêu lòng, rồi sau mới biết mình bị lừa.
Bài viết so sánh: “Cái tinh ma thâm độc của họ khác với cách xảo trá ngô nghê hay dối quanh của người Việt, nên lúc đầu rất khó nhận ra.”
Có chút gì đó vừa “vui” vừa buồn khi nghe nhận xét trên đây. “Vui” vì không phải chỉ người Việt thích lừa lọc nhau, thiên hạ cũng xấu chẳng kém gì ta.Mà buồn vì hóa ra người mình rút cục chỉ biết mẹo vặt, chứ không có cái mưu đồ sâu xa, cái thâm trầm như thiên hạ.
Hơn bù kém thấy đáng buồn hơn vui. Người bị lừa vừa bật cười vừa bực mình - đến lừa mà cũng vụng dại hớ hênh,thì còn làm được cái gì nên hồn (!).
Người nước ngoài thường nhận xét nói chung người Việt thông minh lanh lợi. Nhưng họ cũng thấy ngay sự nhạy cảm nhanh nhẹn trong phản ứng này không dựa trên một sự suy nghĩ chắc chắn mà có gì đó nông nổi vội vã. Trong sự chủ động lại như mang sẵn yếu tố thụ động.
Bản thân chúng ta không phải không biết điều đó.
Trong tiếng Việt từ “khôn” không hàm ý sâu sắc trong tư duy và uyên bác trong kiến thức, mà ngả sang một sự tính toán lặt vặt dễ gây phản cảm.
Đó là nghĩa của khôn trong những câu tục ngữ “khôn ăn người dại người ăn “, “khôn văn tế dại văn bia” “khôn chẳng qua lẽ khỏe chẳng qua lời “”khôn sống mống chết” “ khôn nên quan gan nên giàu ‘ “ khôn ngoan chẳng lọ thật thà – lường thưng tráo đấu chẳng qua đong đầy “…
Theo từ điển tiếng Việt Hoàng Phê, “khôn” là khả năng suy xét để một người tìm ra một cách xử sự có lợi nhất, tránh được những gì có hại đến quyền lợi các mặt của anh ta. Khôn lỏi - ranh ma - láu cá … đều là thực dụng và vụ lợi.
Tuy không dùng đến từ khôn, nhưng câu “Ăn cỗ đi trước lội nước đi sau” thật đã thâu tóm đủ cái tài tính toán của người mình và minh họa cho định nghĩa nói trên.
Tồn tại trong suốt lịch sử, công thức này đã thành một thứ “ chân lý mặc định “, người Việt dùng nó để “minh triết bảo thân” và việc truyền dạy trong các gia đình được xem là hoàn toàn tự nhiên. Không ai mang nó ra phê phán bao giờ. Gặp một người hành động theo nguyên tắc đó, chúng ta hoàn toàn thông cảm, trong bụng hiểu rằng ai cũng phải xử sự thế thôi, trông người khôn ta phải học theo để khi khác áp dụng.
Cả trong truyện kể dân gian lẫn trong chính sử, người xưa còn ghi lại nhiều mưu mẹo vặt của người mình trước sứ Tàu. Nguyễn Văn Tố trong Đại nam dật sử (1944) kể khi tiếp Tống Cảo, Lê Hoàn cho xua trâu bò của dân ra để dọa, gọi là quan ngưu, không đầy một nghìn nói khoe là mười vạn. Đấy là khi cần khoa trương thế lực. Còn nói tới việc khoe trí khôn, hẳn ai cũng nhớ sự tích Trạng Quỳnh thi vẽ: Quỳnh chấm cả mười đầu ngón tay vào mực để vẽ giun.
Về khoản khôn ngoan ranh vặt thì Trạng Quỳnh là cả một tượng đài vĩnh viễn.Trong danh sách những điển hình của tính cách Việt,nhân vật này bao giờ cũng đứng đầu sổ.
Thời xã hội mới bước sang giai đoạn hiện đại hóa, Nguyễn Công Hoan được biết tới như một ngòi bút giàu chất An Nam bậc nhất. Người Việt trong tác phẩm của ông đôi khi cũng ngớ ngẩn ngờ nghệch, nhưng phổ biến và được ông diễn tả sinh động hơn cả là loại láu cá và rất giỏi biến báo trong đối xử. Như viên tri châu nọ,trong truyện Sáu mạng người sau khi bắn nhầm mấy người dân địa phương đi hái thuốc, thì vu cho người ta là giặc khách để báo lên quan trên lấy thưởng. Như gã nhà giàu nọ,có ông chú từ quê lên chơi, muốn đuổi ,liền kêu ầm lên mất ví để buộc ông ta phải bỏ về sớm. Và như trường hợp cụ Chánh Bá có đôi giày cũ, nhân đi ăn giỗ, bắt thằng nhỏ vứt béng ra sau vườn, để bắt vạ nhà chủ, buộc người ta mua đền đôi giày mới.
Các nhân vật nông dân của Nguyễn Khải loại như Tuy Kiền cũng nổi tiếng là ranh ma. Trong việc tính toán giành lấy một chút lợi riêng, họ ở vào thế yếu. Luôn luôn họ phải che giấu lẩn tránh và tìm ra mưu mẹo để tự khẳng định. Họ thường hiện ra vừa đáng yêu vừa đáng ghét
So với “khôn lỏi” “ranh vặt” thì “tinh tướng” có nghĩa hơi khác một chút, nó được dùng để chỉ những người không những đã khôn mà còn muốn phô ra để cho người khác biết. Đọc Ngô Tất Tố, hẳn ai cũng nhớ mẩu chuyện Làm no hay là cái ăn trong những ngày nước ngập. Cái việc khoe rằng mình có sáng kiến chế biến đất ra đủ các loại thức ăn chính là có dấu hiệu của một lối xử thế tinh tướng, dù ở đây, người ta thấy ghét thì ít mà tội nghiệp nhiều hơn.
6-10-07 TT-VH
0 nhận xét:
Đăng nhận xét