Cái vội của người mình











 Năm 1982, Larry Dossey, một bác sĩ người Mỹ đã đặt ra thuật
ngữ “căn bệnh thời gian” để mô tả một tín điều đang ám ảnh nhiều người. Những
người này thường tự nhủ: “Thời gian đang trôi đi, không còn đủ thời gian, và
bạn phải nhanh hơn, nhanh hơn nữa mới bắt kịp nó”.




Sau khi dẫn lại một nhận
xét tổng quát như thế, Carl Honoré (tác giả cuốn Ngợi ca sống chậm - bản dịch
của Nhà xuất bản Phụ nữ ) tự đặt cho mình một loạt câu hỏi: Vì sao chúng ta
luôn vội vã như vậy? Đâu là nguyên nhân tâm lý? Liệu có thể - và có nên ao ước
- sống chậm lại?



Những căn bệnh được tác giả miêu tả đủ loại, ăn nhanh, đi vội, sống gấp, làm việc đến kiệt sức, hưởng thụ ngoài sức tưởng tượng.

 Bởi ở mọi nơi mọi chỗ, chúng ta khao khát tốc độ, nên đã tự làm hỏng cuộc đời đi, ông bảo vậy. “Thời đại của sự rồ dại”, - tinh thần của khái quát đó trở đi trở lại nhiều lần trong tác phẩm.


Từ đó, ông giới thiệu một giải pháp ngược lại, đã tự phát hình thành trong thực tế và ngày càng được tin theo, đó là sẵn sàng sống chậm, cốt tìm tới sự hài hòa.

 Những biện pháp nêu ra, như bớt thời giờ xem ti vi, để thêm thời gian đọc sách và làm vườn hoặc đan lát... chỉ là gợi ý.

 Trước tiên người ta phải nhận thức được rằng cố sao cho nhanh thường đồng nghĩa với vội vàng, hời hợt nôn nóng, đặt số lượng lên trên chất lượng. Đó là thứ tư duy đã lỗi thời. Còn chậm nghĩa là thư thái cẩn trọng, suy nghĩ thấu đáo. Nhanh và chậm chỉ là tương đối. Cái chính là mỗi người tìm cho mình một nhịp sống hợp lý.







Từ chuyện
bên Tây quay về Việt Nam, thấy chúng ta cũng đang bị cái vội cuốn đi
thật. Một nhịp sống gấp gáp lôi cuốn. Gấp gáp đến liều lĩnh. Và vội vàng
đến bất cẩn. Đường sá quay cuồng. Công việc cứ rối tung cả lên mà vẫn
chẳng việc gì ra việc gì.


Một người bạn tôi mới đây dẫn ra nhận xét của một người dân Singapore có dịp sống ở vài thành phố lớn của ta:


-
Người Việt các anh đã mất hết tính kiên nhẫn rồi hay sao? Nên biết là
ngay ở Singapore, việc chờ taxi mất nửa tiếng với chúng tôi cũng là
chuyện thường.


Vấn đề bây giờ chỉ còn là giải
thích tại sao chúng ta lại sống vội như vậy và xem xem có phải là cái
vội bộc lộ một cái gì to lớn hơn, cần phải gạt bỏ.




Tôi
sống trong nghề viết văn, viết báo liên tục đã bốn chục năm nay và có
dịp chứng kiến hai giai đoạn nghề nghiệp.

Từ 1986 trở về trước, ở Hà Nội
báo lom đom dăm bảy tờ, sách viết xong không chắc đã có giấy để in. Thế
là không ai bảo ai, viết cái gì cũng đận đà chậm chạp, không thiếu nhà
thơ để cả tuần tính một hai chữ trong thơ.

 Còn nay thì làm ăn như ăn
cướp, vừa nghĩ ra cái đầu đề đã ngồi ngay vào bàn, bản thảo chưa hoàn
thành (nói như ngày xưa chữ chưa ráo mực) đã giục nhà xuất bản xin phép
cho in.

 Lúc đầu tưởng phải viết cho nhanh mới giải phóng hết được sức
sáng tạo. Sau nhìn lại cái đống viết ra hổ lốn hỗn tạp - bằng chứng là
bạn đọc ngày càng xa lánh - mới hiểu rằng mình đã rơi vào vòng tay của
sự làm liều làm ẩu lúc nào không biết. Chậm mới hợp với trình độ của
mình. Nhanh là ảo tượng giả tạo, bỏ mồi bắt bóng.


Khốn khổ có riêng nghề của bọn tôi đâu, nghề nào bây giờ chẳng vậy!




Xưa
nay dân ta ít ai để ý tới chuyện cười cợt của người mình. Tới những
thập niên đầu thế kỷ hai mươi, Nguyễn Văn Vĩnh mới đọc ra trong đó cả
một triết lý sống. Trong bài Gì cũng cười, viết trên Đông dương tạp chí,
nhà văn này giả định, “Trong cái cười của ta nhiều khi có cái vô tình
độc ác: có cách láo xược khinh người; có câu chửi người ta; có nghĩa yên
trí không phải nghe hết lời người ta mà đã gièm trước ý tưởng người ta,
không phải nhìn kỹ việc người ta làm mà đã chê sẵn công cuộc người ta”.


Học
theo Nguyễn Văn Vĩnh, tôi cũng muốn nói rằng trong sự nóng vội người
đời bây giờ có cái hạn hẹp trong tầm nghĩ, chỉ thấy đời sống trước mắt
mà không thấy đời sống thâm nghiêm lâu dài; có cái tự ti, biết rằng mình
đã quá lạc hậu với thế giới nên phải lo truy đuổi trong tuyệt vọng; có
cái hỗn loạn trong cảm giác về giá trị, từ đó tạo nên ám ảnh lấy thịt đè
người, chỉ có nhanh mới hốt được của thiên hạ.




Với
một số người, vẻ vội vàng mà họ biểu hiện như vậy là cả một lời tố cáo.

 Rằng đời sống tinh thần họ tầm thường.

Rằng họ không biết mình là ai
trong thế giới này.

Thậm chí ở một số trường hợp vội vàng đồng nghĩa với
gian manh, cố tình tạo ra tình trạng hỗn loạn để đẩy đi thứ hàng kém
cỏi mình làm, cái cuộc sống vớ vẩn mình muốn áp đặt cho kẻ khác. Vội
trong trường hợp này là để lấp đi cái trống rỗng, mà cũng là cái bế tắc
của tình thế.





Hồi còn bao cấp, tôi thường
hình dung cái vội của dân mình như người có cái xe đạp đã tàng đã cũ, cứ
phải rướn cổ cò mà đạp trên con đường quê gồ ghề. Còn ngày nay thường
đến với tôi là hình ảnh những người chạy xe gắn máy rồ ga bóp còi inh
ỏi, đưa xe lên cả vỉa hè, nhưng chẳng để làm gì ngoài việc lăn từ đám
tắc đường này sang đám tắc đường khác. Mà cả thành phố thì trì trệ ì
ạch, dấu hiệu còn lại của thời buổi kinh tế thị trường chỉ là một sự
nhốn nháo.




In lần đầu trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn , 28/12/2008.


 In lại trong Những chấn thương tâm lý hiện đại ,nxb Trẻ 2009
















Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét