Tội lỗi dồn cả lên đầu những kẻ ưu tú


 Thế kỷ XVII – XVIII, là hai thế kỷ mà người
phương Tây vốn len lỏi trên nhiều miền khác nhau của đất nước ta, cả Đàng Trong lẫn Đàng
Ngoài, trong đó có một số đáng kể là các giáo sĩ. Năm 2010 nhân dịp ngàn năm Thăng Long một số
các tài liệu
  được công bố. Đối với một
người không biết tiếng Pháp như tôi,
 đó
đã là một kho sử liệu quý.


Nay lại có thêm cuốn Thư của các giáo sĩ thừa sai (Trung tâm
nghiên cứu Quốc học và nxb Văn học
2013).


 Trong các lá thư  gửi về quê hương, những người viết -- vốn là
những trí thức trong thời của mình --
cũng đã có những phân tích nhiều mặt về tình hình xã hội trên những miền đất mà
họ đặt chân tới.

Ở một nước mà ngành sử học
quá yếu kém như ở ta, những lá thư này đáng được xem là những sử liệu quý báu.
Nếu có một sự tìm hiểu công phu, thì chắc qua đây có thể hiểu nhiều về lịch sử
xã hội Việt.



Có điều, cũng giống như số
phận các sử liệu mà người Trung quốc trong các thế kỷ trước viết về ta, các tài
liệu có nguồn gốc phương Tây này ít được  giới khoa học ở Hà Nội – và rộng ra là cái dư luận
chính thống ở ta -- hoan nghênh.


Riêng tôi lại thích lần
mò kiếm tìm trong đó những tư tưởng xa lạ và đôi khi tôi đã thấy được cái mà
tôi không hề thấy trong các nguồn tài liệu được đọc từ nhỏ.





Phác
thảo bức tranh tổng quát


Trong lời giới  thiệu cuốn sách trên, người dịch là ông Nguyễn Minh Hoàng đã làm công việc hệ thống
hóa những nội dung mà các bức thư trong
sách đề cập tới. Dưới đây, tôi chỉ trích một đoạn.





Thư của giám mục chánh
tòa Reydellet ,


cai quản giáo phận  xứ Đoài ở Đông Kinh( tức Đàng ngoài),


viết ngày 7-5-1766,


 gửi cho em 
hiệu phó trường Dela Marche ở Paris


Miền
xuôi miền đồng bằng gồm cả xứ Đông Kinh, là một miền rất đông đúc, đời sống người dân nghèo nàn cơ cực vì đất không
nuôi đủ được người. Ngoài ra có nhiều kẻ ăn hại chỉ có độc một nghề là đi cướp phá mùa màng, dùng vũ lực  hay dùng mưu mẹo để trộm cắp ở các nhà, vu
cáo để gây ra chuyện kiện tụng và làm cho người khác  phải tán gia bại sản. 


Ở xứ này, giàu có nhiều
tiền lắm bạc là một tội to. Ai cũng sẵn sàng 
sinh sự và hãm hại người giàu mãi
cho tới lúc họ bị rơi vào cảnh nghèo nàn
quẫn bách thì mới chịu thôi. Ban đêm, những người giàu không ngủ được vì còn thức để canh giữ trong nhà.


Người
Đông Kinh nào cũng ham thích quan tước
và tiền của nên đều thích làm quan và làm giàu. 


Những kẻ có ít chữ nghĩa và
khôn khéo trong việc vu cáo người khác có thể trèo lên tới chức quan. 


Do trong
nước không thiếu gì hạng người như vậy, nên bọn quan lại và bọn tai to mặt lớn sinh sôi nẩy nở vô số ở khắp nơi.


 Những kẻ nghèo khổ và trong phút chốc
được trở thành quan lớn ấy, để giữ vững địa vị, đã làm tình làm tội đám dân đen,
bắt họ phải bò rạp dưới chân mình, cướp
bóc của cả đàn bà góa bụa và trẻ con mồ côi…


Nhìn
tổng quát thì luật lệ ở đây rất đúng đắn,
rất hợp lý, và được quy định rõ ràng. Chỉ hiềm một nỗi là chẳng được kẻ nào tôn trọng cả. 


Chính những
người có phận sự thi hành luật pháp lại là những người phạm luật trước mọi người
khác.


Tiền bạc và những tặng vật đút lót xóa sạch những tội ác. 

Dù có là đại
gian hùng, nhưng nếu biết cách che giấu những hành động bất chính của mình thì vẫn là người lương thiện. Chỉ những
kẻ vụng về, ngờ nghệch, nghèo hèn là bị
trừng phạt thôi.( sách đã dẫn trên, tr. 71-72)





Giầu
là có tội


Những  ghi nhận của tôi qua đoạn thư trên tập trung
vào ba điểm:


1/ Một xã hội  muốn phát triển phải có nhiều người biết làm
giầu. Khổng tử khi được hỏi về công việc của người cai trị nói là giáo dân, phú dân. Mạnh tử cũng bảo có hằng
sản
mới hằng tâm


Mà muốn cả xã hội giầu thì trong xã hội đó phải có những người
đi trước một bước. Họ là những người ưu tú. 


Tại sao? Vì chính họ trước tiên đã
phải lao động nhiều hơn và theo những cách
thông minh hơn người khác thì mới có thể khởi nghiệp. Cho đến khi họ thuê mướn
thêm nhân công đi chăng nữa, thì họ cũng phải lao tâm khổ tứ, tổ chức cho các
người mà họ thuê mướn đó làm việc. Câu ca dao mà tôi học từ hồi lớp sáu đã nói
cái ý ấy


 Mở mắt
chúa gọi đi cày


Be
bờ cuốc góc nửa ngày chưa tha


 Bờ lớn thì phải cuốc ra


Bờ
bé đắp lại  cho bà con ơi




 Chúa trai là chúa hay lo


Đêm
nằm nghĩ việc ra cho mà làm





 Xã hội Việt Nam sau 1945 đã có một định hướng mạnh mẽ là tấn công vào những người giàu,
làm cho những người giàu kiệt quệ.


 Lúc đầu tôi cứ tưởng đó là cái phát kiến
riêng của con người hiện đại.


 Hóa ra, như trong lá thư trên miêu tả, đó là căn
bệnh vốn có trong tâm lý người Việt từ các thế kỷ trước.


 Riêng một câu Ở xứ này giàu có nhiều tiền lắm
bạc là một tội to. Ai cũng sẵn sàng  sinh
sự và hãm hại người giàu  mãi cho tới
lúc họ bị rơi vào cảnh nghèo nàn quẫn
bách thì mới chịu thôi
đã đủ cắt nghĩa sự nghèo hèn kéo dài của xã hội
ta  từ xưa đến nay. 





2/ Một khi  đám đông người nghèo đã  định hướng vào việc căm ghét người giầu, thì thói quen ăn cướp ăn cắp cũng hình thành
một cách tự nhiên. Người ta lấy việc bôi  xấu những người giàu để biện hộ  cho những hành động không lương thiện của
mình. Những người nghèo đã lưu manh hóa. Hiện tượng trộm cướp kéo dài triền
miên trong lịch sử xã hội Việt Nam, và nếu kể cả những trường hợp nó được
khoác cho cái áo sang trọng là nông dân khởi nghĩa,  thì có thể nói đó đã là một động cơ tạo nên sự
vận động của lịch sử với ý nghĩa một cuộc … chạy tại chỗ.





3/ Do tình trạng tự phát
bao trùm, ở cái xã hội tiểu nông manh mún ấy, người ta không thể thỏa thuận được với nhau để tổ chức nên một cơ cấu hợp lý. Từ cấp thấp đến cấp cao, bộ máy quản lý xã hội rơi vào tay những kẻ không có nghề nghiệp và hiểu biết gì hết về thuật cai trị.


 Bộ máy
quan chức càng phình lên thì các thành viên của nó càng ngu dốt thêm.


Thứ luật
pháp sinh ra từ những kẻ nghèo khổ và trong phút chốc được trở thành quan lớn ấy, chỉ là công cụ để bọn quan chức làm
giàu và hành hạ dân chúng, mà trước tiên lại là hành hạ cái đám dân đen vốn là
mảnh đất xuất thân của chúng.


Một xã hội như vậy không
bao giờ có sự vận động để thay đổi được.





Chống nhà giàu đồng thời với chống trí thức


Tôi học tiểu học ở vùng Hà Nội tạm chiếm và sau 1954 mới học
trung học mà hồi đó gọi là cấp II ở hệ mười năm. 


 Ở hệ học sau, có hai mối bức xúc mà tôi cảm thấy khá sớm.


Đến trường kẻ học giỏi bị
làm phiền, gây khó chịu… là một.


Về nhà, sống với gia đình
xóm giềng và ra phố mua bán, tôi thấy những người giỏi giang, biết làm việc,
nhất là biết kiếm tiền, thì bị khinh ghét... là hai.


 Do một niềm tin mơ hồ được gia đình truyền lại, bọn tôi lo đi học
và lớn lên vẫn thích đọc sách. Nhưng học xong thấy dại. Kỹ sư ra trường lương
tháng hồi đó cũng chỉ  lương hơn sáu chục đồng, chẳng hơn công nhân
lao động đơn giản là bao. 


Bao nhiêu nghị lực được dồn hết cả vào khả năng chịu đựng để tồn tại, chúng tôi kéo dài cuộc sống trong mòn mỏi. 

Thỉnh thoảng có dịp nhìn lại bản thân, lại ngớ ra. Sao cái phần ưu tú tốt đẹp trong mình luôn trong tâm thế xấu hổ e thẹn? Còn cái phần hoang dại tầm thường lười biếng hư hỏng... cứ nhăm nhe lôi kéo, và chỉ có một sự vượt hẳn lên về trí tuệ mới phần nào giữ được phần thiên lương vốn có.


Tôi có một đứa em và một đứa cháu, đều học rất
giỏi, nhưng sẵn sàng bỏ học để đi làm các nghề khác, dễ kiếm ăn hơn. Nhiều người chung quanh cũng thế. Thoắt cái mà mấy chục năm, thoắt cái là hơn nửa thế kỷ. Theo những cách khác nhau và ở mức độ khác nhau, song sự suy đồi trong nhân cách dần dà đã đến với những kẻ bỏ đạo - ở đây là cái đạo học - chẳng có ai là ngoại lệ.





 Muốn chứng minh rằng do định hướng vào sự vô học mà cả xã hội hoàn toàn đi xuống là chuyện không dễ.  Nhưng tôi cứ tin một xã hội mà ghét bỏ những
người có học thì không bao giờ phát triển lên được.


Lạ một điều là ngay trong
một nghề cần nhiều đầu óc như nghề văn mà cả đời tôi theo đuổi, ai ít học vẫn
được chiếu cố nhiều hơn và khi chọn vào bộ phận quan chức, vẫn được ưu
tiên hơn hẳn.


 Hỏi sang bên khoa học tự nhiên, tình trạng cũng là tương tự.


Trước tôi cho rằng hai
chuyện trên, ghét bỏ người giàu và ghét bỏ người có học là hai chuyện riêng rẽ.


Sau này mới hiểu đó
là xã hội ta – cái xã hội công nông mà chúng tôi được giảng là  tốt đẹp nhất trên đời -- thường ghét những người
ưu tú.


Với tư cách là sản phẩm  của các xã hội tiểu nông, nhiều truyện cười đã cho thấy thời xưa những người có học bị gán cho đủ tội xấu xa, cũng như cánh nhà giàu toàn
là bọn người tham lam bủn xỉn…


 Sang đến thời nay, có cả một sự diễn biến loanh quanh. Đôi khi lối nghĩ đó  được bộc lộ trắng trợn hơn. Về sau  lại được che đậy khéo léo hơn. Song bên trong vẫn thế.


Người ta chỉ không biết hoặc có biết cũng cố lờ đi không nói với nhau một điều. Rằng không chỉ quy luật tiến hóa nói chung chống lại lối khẳng định đó mà  kinh nghiệm
lịch sử ở ta và ở mọi xã hội khác đều rút ra những kết luận ngược lại.





Thử
hình dung về một xã hội



những phần tử ưu tú bị bài bác


Trình độ tư duy hiện nay
cho phép chúng ta thường chỉ hình dung xã hội như một bộ máy. Trong khi đó, trong một
số sách vở mà tôi đọc được,  tôi thấy người ta lại nhìn xã hội  như một
hiện tượng sinh học.


Mà theo các lý thuyết về sinh học thì sự tiến hóa phải trải qua những đột
biến do những phần tử ưu tú khởi xướng.


 Cũng là áp dụng quan niệm sinh học vào cách
nhìn xã hội, một lần tôi thử tìm cách  phân biệt các xã hội bình thường và cái xã
hội vừa trải qua những biến động long trời
lở đất ở ta, qua một cặp hình ảnh như sau:


-- các xã hội bình thường
khác ấy như những cánh rừng nguyên sinh có cấu trúc phức tạp, ở đó có cây cao
bóng cả lại có những loại dây leo và các loại cỏ ăn lan trên mặt đất, một sự phân công  khoa học.


-- còn xã hội ta hiện nay, sau khi diệt dần diệt mòn các thành phần ưu tú, trên đại thể đang tái sinh như một thứ  rừng có gianh. Tư tưởng bình quân đã thấm vào trong cấu trúc cả xã hội lẫn cấu trúc tinh thần mỗi cá nhân. Từng thành viên hết
sức giỏi giang trong việc thích nghi với đời sống, và chống lại mọi sự thâm nhập
từ bên ngoài. Nhưng một quần thể vốn chỉ giỏi là mình, giỏi tự vệ, sùng bái ổn định (= trì trệ) thì lại xa lạ với một sự sống theo nghĩa bình thường.




 Qua phim ảnh, và với một số người là những thể
nghiệm cá nhân, chúng ta hẳn đã  từng thấy những cánh rừng cỏ gianh ở những
vùng bị bom đạn càn nát trong chiến tranh cũng như bị con người hiện nay -- hung hãn điên
lên trong cơn làm giàu -- tàn phá. Chúng đầy sức sống  và cũng đầy khả năng tự vệ.  Chỉ riêng khả năng hồi phục để trở thành những
cánh rừng tự nhiên, cũng tức là khả năng tiến hóa theo thời gian vĩ mô, sẽ chẳng
bao giờ trở lại với những rừng cỏ gianh đó cả.

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét