Với một
khối lượng chữ nghĩa khiêm tốn - in ra chưa đầy 100 trang khổ sách 13x19, tiểu
thuyết Tố Tâm xuất hiện như một cuốn sách lạ trong đời sống văn chương
những năm đầu thế kỷ XX.
Nhưng
có điều lạ hơn, là sau khi ra đời, cuốn sách ấy được in đi in lại nhiều lần và
sự thực là chỉ riêng nó thôi, đã đủ sức đưa Hoàng Ngọc Phách (1896-1973) vào lịch
sử văn học.
Trong
quá trình tìm hiểu trở lại đời sống văn chương đầu thế kỷ XX, tôi thường nhớ lại
trường hợp Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách để hiểu ra một cách tồn tại khá
sang trọng trong văn học. Ở đây, có mấy điểm, nó là chỗ khác so với cách làm văn chương của chúng ta hôm nay.
Trong khi Hoàng Ngọc Phách viết
xong sách từ 1922 mà để mãi, tính mãi, rồi qua 1925 mới cho in thì nhiều người
viết hôm nay có thói quen mải mốt viết lấy được, mới đặt cái tên đã lo xin giấy
phép, và viết xong một lần, đọc lại
quáng quàng lại gửi gấp cho in.
Điều đáng để ý hơn:
Giá kể như ngày hôm nay,
sau một “chiến tích lẫy lừng” như Tố Tâm, nhà văn liền “thừa thắng xông
lên”, sinh năm đẻ bảy, thì từ 1925 Hoàng Ngọc Phách ngưng ngay lại. Trong khi vẫn
làm cái nghề chính là dạy học, ông tiếp tục viết lách, nhưng ngả hẳn sang việc
khảo chứng văn chương cổ, chứ tịnh không có thêm một cuốn tiểu thuyết nào nữa.
Sự khác
nhau thật đã rõ rệt.Tạm thời
có thể hình dung, trong khi một số nhà văn hiện nay tồn tại như một bóng cây
trông xa lúc lỉu những quả là quả, nhưng đến gần nhìn kỹ sẽ là rất nhiều quả
lép quả hỏng, thì ở Hoàng Ngọc Phách cây có một cành, cành có một quả, song đây
là thứ quả chín mẩy, vỏ căng, sắc vàng đượm và đi qua, nghe được cả mùi thơm dễ
chịu riêng thứ quả chín mới có.
*
Nếu như
bất kỳ ở đâu, sự nóng vội đều đã dẫn tới hỏng việc, thì trong sáng tạo văn
chương, nó càng vô duyên một cách thảm hại. Khi truyền nghề lại cho người mới
nhập cuộc, các nhà văn lớp trước thường không quên lưu ý là ở đây số lượng phải
để ra một bên, so với chất lượng. Trong điều kiện của thời bao cấp, nhiều người
chúng ta đã miệt mài làm việc, trong bụng thành thật nghĩ rằng một đời người để
lại được dăm ba bài thơ, vài truyện ngắn, ít trang phê bình sắc sảo, cũng đã là
danh giá lắm.
Thế
nhưng mươi năm gần đây, lối sống của kinh tế thị trường xâm nhập vào cả xã hội.
So với cái từ tốn chậm chạp hôm qua, việc in ấn xuất bản hôm nay trở nên khởi sắc
như chưa bao giờ có.
Với một
số người, hình như nay là lúc có thể “ăn giả bữa”.
Gấp gáp
năng động được hiểu một cách đơn giản, tức là đồng nghĩa với nóng vội.
Ta quên
rằng mình chưa được chuẩn bị những điều kiện cần thiết, chưa đủ nội lực để thích
ứng. Mải viết, mải in, ta có ngờ đâu mình đang chạy theo số lượng, tức là rơi
vào một cuộc đuổi bắt tuyệt vọng.
Trong khi ấy, thật ra cái chính của kinh tế thị trường là tiền nào của ấy, là mọi người
phải có mặt hàng riêng cùng những phương
cách tốt nhất trong việc khai thác bản thân mình.
Nói
cách khác, những vấn đề của nghề nghiệp phải được đặt lên bàn cân, với tất cả
tính chất khắc nghiệt của nó.
Nhưng
đây, đôi khi lại là điều, với những sốt sáy thường xuyên, ta ngại động chạm tới
nhất.
Người
ta đã nói khá nhiều về sự cần thiết của dư luận xung quanh một quyển sách mới,
nó là cái phương thức hữu hiệu, tác động trở lại nhà văn, giúp anh ta điều chỉnh
lại mình và quyển sau viết ra sẽ khá hơn quyển trước.
Nhưng
còn một điều quan trọng hơn, mỗi người viết muốn nghe ở bạn bè, ở người đọc, ấy
là những vấn đề có liên quan tới cả đời văn của anh ta.
“ Mình sẽ sử dụng tài năng như thế nào đây?”.
“Nên làm cái gì và nên bỏ cái gì?”.
“Đầu tư
công sức vào đâu là chính đáng?”.
Và để
chủ động sáng tạo nên số phận văn chương, cả những câu hỏi: “Ta sẽ hạ cánh ra
sao?” cũng nên được đặt ra khi chưa quá muộn.
Sở dĩ nhiều nhà văn trước kia có chỗ đứng
riêng của họ trong văn học sử - như trường
hợp tác giả Tố Tâm ở trên vừa nói - một phần là vì họ biết cách trả lời
riêng cho những câu hỏi lớn đó, dù không phải bao giờ họ cũng có ý thức đầy đủ.
*
Năm
1943, nhân cuộc phỏng vấn của nhà phê bình Lê Thanh, Hoàng Ngọc Phách tâm sự:
“Tiểu
thuyết Tố Tâm tôi viết trong trường Cao đẳng. Hồi đó, tôi có mục đích viết
một quyển tiểu thuyết khác hẳn những tiểu thuyết đã có cả về hình thức và tinh
thần. Về hình thức chúng tôi xếp đặt theo những tiểu thuyết mới của Pháp, lối kể
chuyện, tả cảnh, theo văn chương Pháp cả. Về tinh thần, chúng tôi đem vào những
tư tưởng mới, tâm lý nhân vật được phân tách theo phương pháp của những nhà tâm
lý tiểu thuyết có tiếng đương thời”.
Đã rõ
là Hoàng Ngọc Phách muốn làm một cuộc cách mạng trong văn chương, để tạo ra một
bước ngoặt. Và ông cũng thừa biết rằng mình được tiếp nhận như thế nào. Đằng
sau câu nói nhũn nhặn “có lẽ nó (tức cuốn Tố Tâm – VTN) ra đời vào lúc
người mình đang chờ một tiểu thuyết như thế” là một khẳng định kín đáo: tác phẩm
của ông đã vượt ra khỏi phạm vi cá nhân để trở thành một hiện tượng có tầm vóc
xã hội.
Ấy vậy
mà khi nghe Lê Thanh hỏi tại sao, sau Tố Tâm, ông không viết nữa, Hoàng
Ngọc Phách đã thực thà thú nhận: “ở trường ra, đi làm ít thì giờ quá” “Vả chăng
sức yếu, làm việc thường đã thấy mệt, nên cũng nản” (tất cả những đoạn vừa dẫn
đều được Lê Thanh ghi lại trong Cuộc phỏng vấn các nhà văn - 1943).
Dưới
con mắt của con người bây giờ thì ở chỗ này, Hoàng Ngọc Phách tỏ ra hơi bệt.
Như là ông có phần cầu an, khiếp nhược (!). Ông không đủ nghị lực để vượt lên
khỏi mọi khó khăn hàng ngày. Mà ông cũng không đủ ý chí để khai thác cái ưu thế
sẵn có (!).
Chỉ có
điều thú vị là chính cái sự không may ấy của Song An lại khiến cho hình ảnh của
ông hiện ra trong tâm trí các thế hệ sau với những nét gãy gọn, không loè nhoè,
lại càng không phải trừ bì bớt xén.
*
Nói
theo ngôn ngữ thể thao, so với các nhà văn bây giờ, lúc xuất phát, Hoàng Ngọc
Phách tự đặt cho mình một mục đích lớn hơn, ông đi xa hơn, mà lúc tiếp đất
(tức trong việc chia tay với nghề văn) ông cũng tỏ ra dứt khoát và gọn ghẽ hơn.
Ở nhiều
nước trên thế giới thỉnh thoảng lại thấy báo chí trịnh trọng đưa tin rằng một số
nghệ sĩ biểu diễn hay một ngôi sao thể thao nào đó vừa tuyên bố giã từ cái nghề
làm họ nổi tiếng.
Chẳng
phải là họ bị ai sa thải hay hất ra đường.
Đây là
việc họ tự nguyện.
Ngay
sau khi lên đến đỉnh cao của tài năng, họ cảm thấy nên dừng lại.
Bởi họ
không muốn hình ảnh của mình trở nên tầm thường thảm hại, ngay trước mắt công
chúng.
Việc
Hoàng Ngọc Phách sớm từ giã nghề viết tiểu thuyết tuy lý do hơi khác, song hiệu
quả cuối cùng thì cũng có gì na ná như thế.
*
Trong một
thiên truyện mang tên Ngôi nhà có căn gác nhỏ, văn hào Nga Tchékhov từng
mượn lời nhân vật để ghi nhận cái cảm giác đáng buồn sau đây:
“Một
cánh đồng cỏ cháy khô chạy dài, đơn điệu và hoang vu như sa mạc, chắc cũng
không làm người ta thấy tẻ nhạt, chán chường, như một người ngồi đó, nói năng uể
oải và không biết bao giờ mới chịu bỏ đi”.
Một ý
nghĩ như vậy, dưới con mắt một số người, có thể bị xem như độc ác, khinh bạc.
Con người bao giờ cũng đáng quý. Sao lại nỡ bảo là sự có mặt của con người, tiếng nói của họ, gợi ra cảm giác tẻ nhạt,
chán chường kinh khủng?
Nhưng
nay là thời mà mọi tiếng nói đã có dịp cất lên, mọi hoạt động được bộc lộ, đến
mức người ta trở nên khao khát sự tĩnh lặng, sự thanh sạch hơn bao giờ hết. Các
nhà sinh học hiện đại đã thử nghiên cứu về tiếng ồn để rồi kết luận rằng tiếng ồn
là có hại cho sự sống, bao gồm từ sự nảy nở của một hạt thóc, tới sự trưởng
thành của một con thú nhỏ.
Trong
hoàn cảnh ấy mà xét, một câu nói như của Tchékhov vừa dẫn là một ý nghĩ thành
thật, có tính tới những tế nhị trong sự giao tiếp giữa người với người, do đó
có thể bảo là một ý nghĩ nhân hậu.
Bởi lẽ,
văn chương cũng là một cách người ta trò chuyện với nhau nên ở đây, nương tựa
vào Tchékhov, chúng tôi mới nhắc lại trường hợp của Hoàng Ngọc Phách, nhất là
cách “tiếp đất” nhẹ nhàng của ông. Làm được như ông ư? Với người đã có một Tố
Tâm của mình cũng khó mà với người chưa có một Tố Tâm của mình lại càng là chuyện khó.
Nhưng
giữa cuộc đời mải miết hiện nay, có lẽ nên thỉnh thoảng nghĩ đến ông, ít ra là
để biết rằng bên cạnh cách sống, cách làm việc, cách nghĩ của chúng ta, trong
văn chương còn có thể có những cách tồn tại khác hẳn.
Bài tiếp:
Tuổi già với các nhà văn thời nay
0 nhận xét:
Đăng nhận xét