Cuộc sống là gồm cả hoa và rác

Nhiều năm lại đây, sau những ngày lễ ngày Tết,báo chí đã kêu ầm lên là đường phố Hà Nội đầy rác. Chẳng hạn năm nào cũng vậy, khoảng từ rằm tháng giêng trở đi, một trong những dấu hiệu cho thấy những ngày tết nguyên đán chỉ vừa mới qua, là nhìn vào nhiều góc phố thường thấy chồng chất những cành đào tàn héo, và trước nhiều số nhà, dễ dàng bắt gặp những cây quất bị nhấc lên khỏi chậu đất bắt đầu vỡ tung ra, được ném ngay cạnh dòng nước chảy bên đường, chờ xe rác đến hốt.






Sinh thời đạo diễn Nguyễn Đình Nghi (qua đời đầu năm 2001) từng khái quát hai hình ảnh sâu đậm mà Hà Nội để lại trong ông là hoa và rác. Theo nghĩa này, tết nhất chính là một trong những thời điểm chính hoa trở thành rác, và cái sự kiện rác của hoa nó nói với chúng ta một vài điều mà lâu nay ta không để ý.

Rác -- chất thải nói chung --- là một cái gì rất phiền phức với nghiã vốn nó là một bộ phận của cuộc sống, nay đã thoái hóa đi. Song việc đời là thế, cái gì cũng có niên có hạn của nó, cái gì rồi cũng có thể trở thành rác cả. Thuốc quá đát dùng còn có hại, một số loại hoa đến kỳ héo còn bốc mùi khó chịu và gợi bực mình, ai giữ trong nhà mãi được ?



Nay là thời các thứ bao bì được làm rất đẹp, một hộp bánh mua về ăn hết rồi, nhiều người già cỡ tuổi tôi trở lên thường vẫn nhìn cái hộp với sự nuối tiếc, cố nghĩ ra lý do để giữ nó lại. Nhưng cái gì cũng giữ -- lọ đựng mấy viên thuốc cũng giữ, vỏ chai ruợu cũng giữ, hộp xốp đựng cái nồi cơm điện cái quạt cũng giữ --, thì nhà thành cái kho rồi còn gì, mà kho nào đựng hết ?

Phải tự lên dây cót một lúc như thế rồi mới cả quyết quăng mấy thứ chai hộp ấy ra rác.

Hoặc các loại báo tết, tờ nào giấy cũng trắng bìa cũng đẹp nhiều bài vở công phu nhiều nơi anh em biên tập mai phục cả năm chuẩn bị bài, nay đem bán cân cứ thấy dùng dằng.

Hoặc những quyển từ điển nó là vật tuỳ thân của mình, mua được những cuốn mới biên soạn tốt hơn mà đứng trước quyển cũ cũng phải nhấc lên bỏ xuống dăm bảy lần mới dám thay thế.

Rồi cả những con người nữa, người hôm qua rất được việc, nhưng hôm nay quá lứa nhỡ thì, vậy xử lý sao đây cho được cả tình lẫn lý.

Cứ vẩn vơ mãi với khúc Người ơi người ở đừng về.

Thay thì thấy áy náy, mà để nguyên thì hỏng việc. Ác một nỗi, người lại không ghi thời gian sử dụng như thuốc và không phải bao giờ cũng héo hon trông thấy như hoa, sự tình nghĩa khiến cả họ cả làng sống chung với loại di luỵ này hàng ngày mà không biết làm thế nào cho phải.

Người ta hình như không hay nghĩ nhiều về rác. Có cái gì thừa vứt ra đường cho xong. Khi riêng mình phải chịu đựng thì nó là rác, vứt ra đường thiên hạ chịu chung thì nó không là gì cả.

Vậy đó, trong thái độ của một con người đối với rác bộc lộ đủ thứ:

-- quan niệm của anh về sự vận động, sự đào thải của cuộc sống;

-- mức độ trưởng thành của anh về mặt ý thức (anh đã biết nghĩ về cả xã hội, đã hiểu rằng đang sống chung với xã hội chưa, hay là mới chỉ biết lo cho bản thân mình và gia đình mình?) ;

--thái độ của anh với cuộc sống ( anh vốn thực sự chi chút nâng niu nó và đòi hỏi cao về nó, hay thế nào cũng xong kiểu gì cũng được ? ).

...

Nói tóm lại thái độ một con người đối với rác biểu lộ một phần trình độ sống của người đó.

Lúc rỗi ngồi nghĩ viển vông -- giá như có dịp được đi nước ngoài một cách nhẩn nha, sẽ để công nghiên cứu cái cách của mỗi nước đối với rác thải.

Cuối 2003 nghe tin là ở Nhật có loại máy gọn nhỏ chuyên chế biến rác cho từng gia đình. Giá kể không đắt quá, có lẽ nên khuyến khích để mỗi gia đình mua một cái.

Thôi lan man kiểu này thì không biết đến đâu là cùng.

Chỉ biết trước mắt chúng ta nhiều rác quá.

Ai đó từng nói đùa về rác ở một lễ hội “nếu dồn tất cả rác đã xả ra, người ta có thể chôn cái di tích ấy như chơi “. Câu nói pha chút thậm xưng nhưng không phải là không có một chút hạt nhân hợp lý, cần nhắc lại ở đây như một lời nhắn gửi với cả người kiếm sống ở hội lẫn người thích đi các loại hội hè.

Về mặt nhận thức, hãy tự nhủ “Khi anh say sưa chọn lấy ít bông hoa đẹp và sung sướng đặt nó vào lọ thì cũng phải nhớ tới cái lúc nhấc nó ra khỏi lọ, và ném nó ra khỏi nhà ! “. Cuộc sống đòi hỏi chúng ta ghi nhớ cái điều có vẻ khinh bạc đó, nhất là cuộc sống hiện đại.



Đã in Nhân nào quả ấy, 2003
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét