CÓ PHẢI LÀ THẤT ĐỨC?
Xã hội hiện đại là cả một guồng máy khổng lồ nó cuốn người ta đi và
sự thực là nhiều khi chưa biết rõ việc làm của mình có ý nghĩa gì, nhiều
người đã phải lao vào hành động để đáp lại sự đòi hỏi của hoàn cảnh
cũng như để tạo nên những bước đi thích ứng với các đồng loại.
Đến khi có dịp nhìn lại những lần "nhắm mắt đưa chân" kiểu ấy, người ta
không khỏi bỡ ngỡ, như là ai khác chứ không phải mình đã làm việc này
việc nọ.
Song thì giờ dành cho phản tỉnh đâu có nhiều?
Thế là các kịch bản cũ lại được tiếp diễn, kể cả các bi kịch.
Và tôi ngờ rằng dù đã tỉnh táo đến đâu, nhiều khi chúng ta vẫn không
hình dung hết quy mô của tấn bi kịch mà chúng ta đã thể nghiệm.
Từ đây, lại dễ sinh ra thói xuê xoa, lấp liếm, thái độ lảng tránh sự
thực, tức là cái bi kịch về sau thường đá thêm một chút sắc thái hài
kịch.
Dưới đây, tôi thử nêu lên một bi kịch nhỏ, mà một số người quen
của tôi đã và đang trải qua.Tôi thành thật tin rằng các nhân vật của bi
kịch không phải không nhìn thấy tình thế của mình.
Có điều, nói như A.Camus, khi đã xuống thuyền rồi người ta không thể quay trở lại được nữa.
Ấy là câu chuyện về một công việc đáng lẽ rất sang trọng. Việc một
số giáo sư tham gia đào tạo lớp người kế tục, các phó tiến sĩ (nay đã
đổi là tiến sĩ).
Từ nhiều năm nay, anh Ng. tôi quen thường xuyên phải làm việc đó,
bởi trong chuyên ngành nghiên cứu văn học, anh thuộc loại đầu đàn. Thời
gian đầu, mỗi khi gặp nhau anh rất hay đả động tới chuyện này. Luôn luôn
anh nhăn nhó và kể với tôi là các ông bà phó tiến sĩ tương lai ấy buồn
cười lắm. Việc học ở ta, từ lớp dưới, vốn đã rất yếu nên sau mười mấy
năm mài đũng quần trên ghế nhà trường, mang tiếng là đã xong đại học mà
nhiều khi các học giả tương lai đó "chẳng hiểu nếp tẻ gì cả" (trong
ngôn ngữ hàng ngày, Ng. thường thích lối nói thậm xưng một chút như
vậy).
Nhưng có lẽ do sự nhạy cảm đặc biệt trước nhu cầu thời đại, phần lớn họ
lại rất sính bằng cấp, có thể nói là muốn đạt tới bằng cấp bằng mọi
giá.
Thế là hình thành nên một nhu cầu mà những người như Ng. phải lấp đầy.
Song làm mà vẫn ngại, vừa làm vừa chán chường.
"Nhiều khi phải tự nhủ là mình đang làm những việc chả dây dưa gì đến
văn chương thì mới dám tiếp tục" - anh Ng. có lần tâm sự.
Nhiều năm đã trôi qua, mọi chuyện hầu như không có gì thay đổi nếu
không muốn nói cứ đuối dần đi nữa. Tôi hiểu như vậy, khi thấy dạo này
Ng. ít nói tới chuyện đào tạo.
Trong hoàn cảnh của một người đã đến tuổi về hưu sắp lo làm sổ, anh chỉ
còn mải miết tính nốt những việc đang dở dang và đáng lẽ nên để cho anh
yên thì phải hơn.
Thế nhưng trong cuộc đời này, ai dám bảo đảm là đã vắt kiệt cái máu Đông Ki-sốt trong người?
Không hiểu ma đưa lối, quỷ đưa đường thế nào, chính tôi lại có lần máy mồm trở lại hỏi han về cái chuyện đào tạo của Ng:
- Thế sao anh vẫn tiếp tục nhận hướng dẫn?
- Đây là việc nhà trường giao cho, từ chối sao tiện? Hàng năm từ trên bộ đã có chỉ tiêu là phải đào tạo từng này từng kia người.
- ...
- Với lại không mình hướng dẫn thì người khác hướng dẫn. Guồng máy chung
nó chạy theo hướng của nó, mình có đi ngược lại cũng vô ích.
Đến chỗ này thì tôi hiểu. Và tôi chợt nhớ ra những lời đồn đại của mọi người chung quanh về khía cạnh chính của vấn đề.
Là không vất vả như luyện thi, nhưng công tác đào tạo trên đại học bây giờ cũng vớ bẫm lắm, càng học trò ở các tỉnh xa hoặc loại kém cỏi không biết gì càng nộp những phong bì nặng cho thầy.
Không ai công bố con số cụ thể bao nhiêu, song người ta vẫn nói giăng
giăng với nhau cả chỗ riêng tư lẫn chỗ đông người như vậy.
Chẳng cần tinh ý gì lắm cũng có thể nhận ra sự thay đổi rõ rệt của Ng.
Từ chỗ chê ỉ chê eo, anh đã hồn nhiên nhập cuộc.
Bao nhiêu tài năng và nghị lực vốn có được anh đem dồn tất cả cho cái mục đích cụ thể mà người ta đã cột anh vào.
Anh mang lại cho nó những ý nghĩa bất ngờ. Anh say sưa. Anh mê mải.
Giờ đây có ai đó trong đám bạn bè tâm huyết lảng vảng định nói tới
những bất cập trong công tác hướng dẫn luận án, anh không bắt lời nữa.
Khi nói xa khi nói gần, anh gợi cho người ta cảm tưởng đây là chuyện mâm
cơm nhà anh, và thiên hạ sẽ bất lịch sự, nếu cứ nhìn vào đó một cách
soi mói.
Không phải chỉ riêng anh Ng. của tôi rơi vào tình thế nói trên. Mà ở
ngành nào, người ta cũng nghe những lời than thở và cách xử lý tương
tự. Bởi vậy, tôi muốn được phép bàn rộng ra một chút.
Các cụ xưa có hai tiếng "thất đức" để chỉ những việc làm để lại di hại cho nhiều đời sau.
Giá bây giờ tôi bảo với những người như anh Ng. rằng công việc các anh
làm có thể phải gọi là thất đức, lập tức sẽ có nhiều lý lẽ phản đối.
Các anh là những giáo sư giỏi. Các anh chỉ đi dạy học, lo truyền thụ
kiến thức cho người khác. Xưa nay, ở xứ ta, nghề dạy học cũng như nghề
làm thuốc bao giờ cũng được trọng vì người làm nghề chỉ lo trồng cây đức cho thêm tốt tươi, chứ sao gọi là thất đức được?
Nhưng thử nghĩ, dưới tay anh Ng. - "mang nhãn hiệu của anh Ng." - bên
cạnh những cán bộ khoa học tạm được, cũng đã có bao nhiêu tiến sĩ rởm.
Mà càng những người kém chuyên môn càng giỏi xoay xỏa, leo trèo. Sau khi
có bằng cấp, một số trong họ sẽ đóng những vai trò trọng yếu trong
nghiên cứu khoa học và đào tạo các lớp người sau. Nói cách khác, lớp
người có bằng cấp rởm sẽ đông lên theo cấp số nhân.
Mà truy tìm cú hích đầu tiên, vẫn phải gọi tên của Ng. và những đồng sự
của anh. Tôi chưa hẳn yên tâm khi dùng chữ thất đức, nhưng chưa tìm ra
chữ khác đích đáng hơn.
Đã in trong Nhân nào quả ấy, 2004
ĐƯƠNG NHÂN BẤT NHƯỢNG Ư SƯ !
Luận ngữ là cuốn sách số một, sách cái của đạo Nho. Trong đoạn 35 của chương Vệ Linh Công, học trò từng ghi lại một lời dạy của Khổng Tử: Đương nhân bất nhượng ư sư ( làm điều nhân thì dẫu thầy mình, mình cũng không nhường.)
Đạo Nho thường được miêu tả là hay đưa ra những lễ nghi nghiêm khắc,
những ràng buộc tuyệt đối. Sư ( thầy học) là một trong ba ngôi bề trên
(quân sư phụ) mà người ta phải phục tùng vô điều kiện.
Vậy mà ở đây, Khổng Tử lại giả định cho người ta một khả năng “nổi
loạn” với nghĩa có những việc không nhường thầy. Tại sao vậy ?
Để trả lời câu hỏi này, trước tiên cần nói qua về khái niệm nhân. Đây
không phải chữ nhân là người. Mà chữ nhân này trong ký tự gồm chữ nhân
đứng và chữ nhị, để chỉ quan hệ hai người, và mở rộng là quan hệ người
với người nói chung.
Thông thường ở ta, các bậc trí giả chỉ xem nhân như nhân từ nhân ái,
tức yêu người thương người. Còn theo cách giải thích của các nhà nghiên
cứu Nho giáo Trung quốc hiện nay, thì nhân trong câu trên nghĩa là “cái
đạo lý khiến cho con người trở thành người”.
( Nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê khi dịch Luận ngữ
đã chú thích “nhân là điều ai cũng nên làm, hết sức mà làm“, tức những
việc lớn ở đời, cũng đã khá gần với cách hiểu hiện đại nói trên).
Nhưng hãy trở lại với cái ý tổng quát trong câu Đương nhân bất nhượng ư sư.
Ở đây có ẩn một quan niệm về giáo dục cũng như về lễ nghĩa. Tự nó giáo
dục không phải là mục đích. Sở dĩ việc học quan trọng vì nhờ nó người ta
có thể hoàn thiện mình để mang mình ra giúp đời.
Và quan hệ thầy trò không phải là những quy định xã hội ép chặt từng cá
nhân vào một chỗ cố định, càng không phải là những giới hạn ràng buộc
người ta trong hành động.
Quay trở lại với tình hình giáo dục Việt Nam.
Khi bàn về giáo dục và ông thầy, câu đầu tiên mà người ta nhắc nhau là Nhất tự vi sư bán tự vi sư.
Đằng
sau lối nói số học “nửa chữ cũng là thầy “, người nói ngầm đe người
nghe rằng ở đây có những giới hạn, và giới hạn này là tuyệt đối.
Tôi đã là thầy anh một lần thì mãi mãi là thầy anh, không bao giờ anh vượt được tôi cả.
Rộng ra mà nói, lớp hậu sinh phải biết yên phận trong những gì quá khứ
đã vất vả chiếm lĩnh. Và sẽ vĩnh viễn là cái trật tự đã hình thành,
người đi sau cứ phải theo đó mà đi, đừng tính chuyện làm khác.
Từ góc độ của một người từng đi học và khi ra đời sống với những người
làm nghề chữ nghĩa, tôi đọc được ở đây cái lời cảnh cáo ngầm như vậy.
Có thể Nhất tự vi sư bán tự vi sư
cần thiết cho những học trò lười biếng ngỗ ngược. Thế nhưng đối với
lớp hậu sinh có chí khí có tài năng và nghị lực thì là cả một bước ngăn
trở.
Khổ một nỗi là cái tinh thần nệ cổ này, từ ngành giáo dục đang trở
thành một kiểu tư duy của người mình, một nguyên lý chi phối cả xã hội.
Nhân danh lễ nghĩa, người ta hạn chế khao khát sáng tạo của lớp trẻ.
Đáng lẽ phải lo đào tạo cho được một lớp trẻ ngày một khá hơn—con hơn
cha là nhà có phúc -- thì người ta lấy lớp già ra làm cái trần, làm giới
hạn, làm chân trời của họ.
Đáng lẽ phải lo trung thành với tương lai thì người ta chỉ biết kêu gọi trung thành thụ động với quá khứ.
Tại sao lại thịnh hành một lối nghĩ như vậy? Chỉ có thể hiểu được điều
này nếu nhìn thẳng vào thực trạng non kém của nghề thầy giáo suốt thời
trung đại và còn kéo đến tận ngày nay.
Phan Kế Bính trong Việt nam phong tục
(1915) đã nói tới cái tình trạng “mấy ông đồ quèn học hành chưa hiểu vỡ
mạch sách, văn chương chưa thuộc đủ lề lối, mà đã đi về các vùng quê
tìm nơi thiết trường, gõ đầu năm ba đứa trẻ để hồ khẩu“( hồở đây vốn có nghĩ là keo dính; từ cổ hồ khẩu có nghĩa kiếm sống).
Đám thầy này rất hay vòi vĩnh “nào khi nhà thầy có giỗ nào khi thầy lấy
vợ” việc gì cũng lôi đồng môn ( tức đám học trò và kéo theo là phụ
huynh gia đình họ) ra bắt gánh vác.
Đã có tình trạng ăn bám (được Phan Kế Bính gọi là cái mọt của thiên hạ),
thì tự nhiên có sự huyênh hoang lên mặt. Người ta thích nhắc đi nhắc
lại rằng mình là khuôn vàng thước ngọc. Chữ lễ theo nghĩa tốt đẹp của
đạo Nho bị tầm thường hóa, biến thành sợi dây ràng buộc và che giấu cho
sự trì trệ.
Tình trạng này đến nay vẫn đang được tiếp tục và có lúc trở nên kỳ quặc quá quắt nữa.
Một nền giáo dục tốt đẹp thường có những ông thầy lớn, niềm tự hào chủ
yếu của họ là đào tạo được những học trò tài giỏi hơn mình. Chính là ở
chỗ vượt thầy mà người đi sau thể hiện sự tôn trọng cao nhất đối với
thầy, và tiến bộ xã hội nhờ đó mà được đẩy tới.
Nhưng ở ta, khi vào dịp thân tình, tôi hỏi một vài giáo sư đầu ngành
khoa học xã hội rằng ông có đào tạo được người học trò nào hơn mình
không thì các ông đều lúng túng. Thông thường các ông cho rằng đòi hỏi
như thế là quá cao, trước mắt phải chấp nhận hoàn cảnh Việt Nam đã.
Câu chuyện khi tới chỗ ấy tôi đành lảng và lạy trời tha lỗi, mạo muội
đoán thêm rằng trong thâm tâm, hình như vấn đề này không có trong đầu óc
các vị nữa.
Cũng như trong đầu óc các vị không hề có chuyện đương nhân bất nhượng ư sư!
Đã in TBKTSG 11-2009
0 nhận xét:
Đăng nhận xét