Từ thiên kiến tùy tiện trong việc tìm hiểu về người đến dễ dãi và vơ vào khi nói về mình


 Bài
viết đã in trên báo Người Hà Nội

số ra 4-4-2005





    Đặc trưng văn hoá Việt Nam; bản sắc văn hoá Việt
Nam trong sự so sánh với các nền văn hoá khác … đó là những chủ đề mà lâu
nay báo chí của ta nhiều lần đề cập tới.


   Gần đây, có bài viết Văn hoá Việt nam thiết tha với
cuộc sống con người của Phan Ngọc, in trên Văn nghệ trẻ số 4 ra ngay
23-1-05, được nhiều người tìm đọc.




  Dưới
đây, từ bài viết ấy, chúng tôi có liên hệ lại cả mấy nhận xét tạt ngang trong
một bài trả lời phỏng vấn của nhà văn Nguyên Ngọc, từng in trên báo
Người Hà Nội từ 2002 -- để tìm
hiểu một cách nghĩ về văn hoá phổ biến ở nhiều người chúng ta hiện nay,
nhân đó
nêu ra một vài ý kiến riêng để các đồng nghiệp và đông đảo bạn đọc cùng thẩm
định.

Về một nhận định chung đối với văn
hoá Trung Hoa


    
Phải nhận là hiếm thấy ai biết kể về văn hoá Trung Hoa hay và lạ như
Phan Ngọc. Tự nó, những sự kiện mà ông kể lại có thể đưa người ta đến những kết
luận lý thú.



  
 Tiếc rằng ông lại tìm cách khuôn
nó vào những khái quát rất khó chấp nhận.


    
Trước hết về một nhận thức tổng thể.


   
Không chỉ trong bài viết trên, mà trong nhiều trường hợp khác ( tập
trung nhất là trong cuốn Bản sắc văn hoá
Việt Nam
mà bài viết Văn hoá Việt nam
thiết tha với cuộc sống con người
chỉ là một chương nhỏ ), Phan Ngọc nói đi
nói lại rằng văn hoá Trung Hoa như một nền văn hoá lạnh lẽo, cực đoan, duy
lý, thậm chí dị hợm, tàn nhẫn, xa lạ với nhân tính thông thường.


   
Trong phạm vi đọc được của mình, tôi cho rằng đây là một khái quát thiên
kiến, tuỳ tiện, nó chống lại ngay chính các dẫn liệu của ông, chứ đừng nói là
xa lạ với nhận thức chung của khoa nghiên cứu về Trung Hoa trên thế giới hiện
nay.


   
Để thái độ cần có sang một bên, hãy chỉ nói về nhận thức, -- với tôi, đặt
trên cái nền rộng lớn của văn hóa nhân loại nói chung, văn hoá Trung Hoa là một
trong những bộ phận có sự phát triển đầy đặn, rực rỡ bậc nhất.


  
 Đây là một trong những trường hợp
điển hình mà từ đó người ta có thể hình dung ra thế nào là văn hoá với nghĩa
cao đẹp nhất của khái niệm.


  
 Đây cũng là một trong những nền
văn hoá đã hiện thực hoá được hầu hết những tiềm năng của con người, do
đó đạt tới tính phổ biến mà mọi con người có thể tới soi mình và tìm thấy bản
thân trong đó ( về các kết luận này, nếu cần, tôi xin được phép chứng minh
trong một bài khác ).


    
Các nhà tâm lý học đưa ra một dẫn chứng khi nhìn người ngoại quốc đi lại
ngoài đường, thoạt đầu trẻ con ( nước nào cũng vậy ) chỉ thấy họ khác mình sau
mới thấy họ giống mình.


   
Nhận thức về Trung Hoa không phải là ngoại lệ.


   
Lược lại quá trình nhận thức của thế giới về Trung Hoa là chuyện quá
lớn. Nhưng theo chỗ tôi biết, lối nhấn mạnh những chỗ khác người của văn
hoá Trung Hoa, xem nó như cực đoan, lập dị là một nhận thức cũ của châu
Âu các thế kỷ đã xa; còn nhìn chung, ngày nay, người ta có xu hướng khác.


   
Một nhà văn nổi tiếng như Pearl Buck sở dĩ được Nobel vì cho người ta
thấy rằng thực ra Trung Hoa chẳng khác gì thế giới, là một biến thể (variant ) của văn hoá thế giới, mà châu
Âu là một biến thể khác, thế thôi.

    Vả chăng bản thân sự kỳ dị hiện nay
không còn có nghĩa xấu. Nhìn kỹ thì cái gì cũng trở thành kỳ dị. Bởi nói như
các nhà vật lý, nay là lúc cái kỳ dị trở thành cái phổ biến.


   
Vậy thì nói một nền văn hoá kỳ dị, cực đoan, là chưa nói gì cả.

   Kể ra đi vào cụ thể, còn nhiều điều có
thể bàn thêm. Ví dụ Phan Ngọc bảo rằng nước Trung Hoa thống nhất bởi chữ viết
chứ không phải vì văn hoá và kinh tế. Tôi muốn hỏi lại, thế ra chữ viết không
phải là bộ phận của văn hoá hay sao? Mà cả kinh tế, sự phát đạt của kinh tế một
nước và cả tư duy con người khi làm kinh tế nữa, chẳng phải cũng là bằng chứng
cho thấy sự phát triển văn hoá của nước đó đấy sao ?



Về kiểu lập luận của Phan Ngọc

     Trong khuôn khổ bằng bằng nhợt nhạt
của đời sống học thuật Hà Nội hai chục năm  nay, nhà nghiên cứu Phan Ngọc nổi lên như một
hiện tượng chói sáng hiếm hoi: riêng việc ông cùng lúc thành thạo cả tiếng Pháp
tiếng Anh lẫn tiếng Hán đã là một thứ bảo đảm bằng vàng.


   
Những kiến thức mà ông trình bày trong các bài viết bắt nguồn từ sức đọc
ghê gớm của ông, bởi vậy trong hoàn cảnh không có các ngoại ngữ phương tây và
ít đọc như đám chúng sinh bọn tôi, quả thật nghe đã thấy sợ.


   
Tuy nhiên nghĩ kỹ thì thấy ở bất cứ ai, sự phong phú của kiến thức chỉ
mới là những điều kiện để có kết luận chính xác chứ không nhất thiết bảo đảm
rằng những điều người ta nói ra là chân lý.


   
Tức một người có thể đọc được rất nhiều, song nếu đi theo những định
hướng lầm lẫn thì vẫn chỉ dẫn tới những kết luận sai lạc.

   Ngoài sách vở, Phan Ngọc còn rất mạnh
ở những kinh nghiệm riêng. Đó là một thứ vũ khí lợi hại mà đám đông chúng tôi
hiện nay, những cây bút èo uột “chân không tới đất cật không đến trời “,
vừa quan liêu hời hợt vừa kinh viện nửa mùa, có nằm mơ cũng không có
nổi.


   
Ông lại tỏ ra hết sức Việt Nam ở chỗ có ý viết thế nào để gợi cho người
ta cảm tưởng hoàn toàn tự do trong phát biểu của mình.


   
Tạm cho là thế đi, nhưng không phải cái gì được viết bằng kinh nghiệm
riêng và bằng sự chân thành của tác giả, thì tất yếu là không ai có quyền cãi
lại.


   
Thậm chí có những khi người viết xuất phát từ động cơ rất chân thành mà
kết luận đưa ra vẫn giả tạo như thường.


   
Nói như Juan Carlos Onetti, một nhà văn Mỹ la tinh hiện đại,“có nhiều
cách nói dối, nhưng cách tởm lợm nhất là cách làm ra vẻ chỉ nói sự thật, thậm
chí dám tuyên bố là nói toàn bộ sự thật về sự vật, song lại che giấu cái hồn cốt
sâu xa của nó”.


   
Tôi không rõ trong các nhận xét của mình về Trung Hoa, đâu là chỗ Phan
Ngọc cố tình che giấu, đâu là chỗ ông chỉ biết đến thế, chỉ có điều cảm thấy sự
thật không phải như ông đã viết.


   
Lâu nay, lối viết kết hợp cả kiến thức lẫn kinh nghiệm theo một cách đầy
ma thuật
( mượn lại chữ của Phan Ngọc ) hoặc mang yếu tố yêu pháp (
chữ của một bạn đọc khác ) ở tác giả Bản sắc văn hoá Việt Nam đã trở
thành một thứ bản năng tự nhiên.


   
Với nó, ông tha hồ tung hoành, có cảm tưởng là khi viết được như vậy ông
đã rất sướng mà người đọc cũng rất sướng, chỉ đến lúc tỉnh táo trở lại mới thấy
cứ miên man theo lối viết có phần ma mị ấy thì chết !


   
Nói thế bởi, theo sự quan sát của tôi, lối viết ấy đang gây tác hại ngay
với chủ nhân: nó khuyến khích ông thêm tự tin trong sự tuỳ tiện và áp đặt.


    
Các nhà nho người Việt từ giữa thế kỷ XIX từng truyền tụng câu “ Văn như Siêu quát vô Tiền Hán -- Thi đáo
Tùng Tuy thất Thịnh Đường
“. Trong bài Khái
luận về văn chương chữ Hán ở nước ta
đăng trong Tao đàn 1939, Phan Khôi đã mang câu đó ra phân tích.


   
Đến lượt Phan Ngọc trong chương III cuốn sách của mình, ông cũng nhắc
tới, nhưng bảo đó

là của một người Trung quốc nói, người Việt Nam không dám nói liều như thế
“( tr 127, bản của NXB Văn
hoá Thông tin
).


    
Lối viết bình thản như là nhân tiện mà đưa ra mà nhắc lại, song với
người đọc, nó hiệu qủa lắm, nó truyền cho người ta niềm tin rằng sự xác định
của người viết ( ông Phan Ngọc ) là một sự thật hiển nhiên, không cần chứng
minh, hoặc nêu xuất xứ.


    
Sự thực là ngược lại.


    
Giả sử có một người Tầu cụ thể nào đó nói thế ( nói giả sử cho hết lẽ,
thật ra dù là chỉ một người thôi, tôi vẫn không tin ), thì chắc chắn đó
vẫn không phải là lối nghĩ chung của nhiều người Tầu.


    
Mà nó mang nhãn hiệu Việt Nam 100%.




Một cách nhìn nhận về văn hoá

Trung Hoa cần phải thay đổi


  
Người ta thường nói chính những hàng xóm với nhau lại không hiểu nhau.
Nhận thức của nhiều người chúng ta về Trung Hoa đang trong tình trạng như vậy.


   
Trong những thiên kiến tuỳ tiện trên đây, ông Phan Ngọc không cô đơn.
Nhiều người đang nghĩ như ông.


    
Xin dẫn ra một bài thơ được in trong tuyển thơ Việt nam 1975-2000 :




NGUYỄN DU

Đến đâu con cũng gặp Người

Xin dâng chén rượu giữa trời Trung Hoa

Hạc vàng một bóng lầu xa

Hồ Nam úa ráng chiều tà hanh heo

Tiệc to thường ở nơi nghèo

Đồng ngô khô xác mái lều gió lay

Người xưa đi xứ qua đây

Bùn lưng bụng ngựa sông đầy thuyền trôi

Cỏ cây thành luỹ khác rồi

Hoàng Hà đã cạn thơ Người vẫn sâu

Thời nào thì cũng như nhau

Nỗi buồn ly biệt, nỗi đau dối lừa

Tiền Đường sầm sập đêm mưa

Nước âm u chảy như chưa vớt Kiều

Nghiệp Thành còn tiếng quạ kêu

Lâm Truy bến cũ cầu treo rực đèn

Sắc tài chi để trời ghen

Người đâu phải nước đánh phèn cho trong

Cõi đời đâu cũng long đong

Văn chương bạc phận má hồng vô duyên

Bời bời những cuộc đỏ đen

Chính trường sấp mặt đồng tiền xoay ngang

Đặt chân lên đỉnh Thiên Đàn

Bốn bề mây trắng thu vàng lá rơi

Bâng khuâng con lại thấy Người

Vái Người, con đứng ngang trời Trung Hoa


(
các câu gạch dưới là do VTN nhấn
mạnh
)





   
Tôi thường đọc lại những bài thơ loại này, để tự răn mình rằng cho đến
ngày hôm nay cách nghĩ dân gian Trạng Quỳnh Trạng Lợn vẫn đang được duy trì và
tái sinh nguyên vẹn trong nhiều người chúng ta.


    
Đọc riêng một câu Đặt chân lên
đỉnh Thiên Đàn
( có kèm theo lời chú “Nơi các hoàng đế Trung Hoa tế trời “)
đã thấy kinh sợ.


    
Sao chúng ta có thể cho phép mình kiêu căng hợm hĩnh như vậy nhỉ ?


    
Mà không chỉ đối với Thiên Đàn, với Trung Hoa nói chung cũng vậy --- xin
nhắc lại đây tôi không bàn về đối sách nên có giữa các quốc gia,
chỉ bàn về nhận thức
: Lẽ nào trước những vấn đề có ý nghĩa lớn như thế, ta
có quyền nói quấy nói quá thế nào cũng được ?




Một lối so sánh không đàng hoàng




   
Tuy bỏ ra rất nhiều giấy mực để viết về văn hoá Trung Hoa, song cái đích
của Phan Ngọc trong bài viết trên là để nóí về văn hoá Việt Nam. Họ cực đoan
tức là ta chừng mực, họ dị hình dị dạng tức là ta duyên dáng đáng yêu, họ quyết
liệt sát phạt nhau tức là ta bao dung nhân ái.

   Dù biết rằng đây là một cách đang
được nhiều người sử dụng, cách đây nhiều thế kỷ các nhà nho xưa ở ta đã có sử
dụng, tôi vẫn muốn nói đó là một cách làm không nghiêm chỉnh không đàng hoàng
và trước tiên không đúng.

   Có thật như Phan Ngọc khái quát, văn
hoá Việt Nam “theo phương châm làm nhỏ nhưng chu đáo cẩn thận“ hoặc “đi
vào cái nên thơ bình dị, nhưng tha thiết với cuộc sống con người“ ?

   Để trả lời câu hỏi này, học theo
Phan Ngọc, tôi muốn bắt đầu từ một việc cụ thể.


  
Tết Ất Dậu vừa qua, như báo chí đã viết, Hà Nội mạnh về quất hơn về đào.


  
Có mấy điều đáng nói liên quan tới những cây quất này.


  
Một là mặc dầu nhà cửa của
phần đông dân Hà Nội còn rất chật chội nhưng dân ta rất thích những cây quất to
lù lù giữa nhà. Theo tôi, cái việc nhỏ này nằm trong một nét tâm lý phổ biến
thời gian gần đây: Cái gì cũng muốn quá hơn mình có. Nói chữ tức là hiếu
đại.


  
 Hai là, nhiều cây trông chín đẹp như vậy nhưng mua về một hai hôm
là hỏng, quất rụng hết .Dân trồng quất đã quét cho nó một lớp nước muối hoặc
một dung dịch hoá chất nào đó để kịp bán trong mấy ngày tết.


  
Ba là, trước những cái giả dối
ấy, chúng ta thường xuê xoa cho nhau. Rồi lại tự khen rằng biết bỏ qua như thế mới là thương người ( với tình thương ấy, rút
cục người tốt người xấu cùng có quyền tồn tại và hoà cả làng ! ).

    Tôi thường nhớ lại chuyện này để nghĩ
về văn hóa Việt Nam. Kể lại ở đây để tự lưu ý mình rằng không thể nói một cách
“ráo hoảnh” ( cho phép tôi được dùng một chữ của dân gian ) như Phan Ngọc được.


   
 Dù là trong nhà với nhau cũng nên
dè dặt, nếu không ta sẽ rơi vào tự dối mình lúc nào không biết.


   
Mỗi khi động chạm tới những vấn đề lớn lao có liên quan đến quốc gia dân
tộc, tôi hay nhớ lại câu nói của Montesquieu do Ehrenburg dẫn lại khi bàn về
việc nên nói về nước Nga ra sao.


  
Câu của Montesquieu như sau : “ Càng những gì liên quan đến Tổ quốc
càng đòi hỏi chân thực. Mỗi công dân cần phải sẵn sàng hy sinh cả tính mạng cho
Tổ quốc mình. Nhưng không ai được nhân danh Tổ quốc bắt họ dối trá “.



Liệu có thể nói là ta “ rất biết cách

quan hệ với văn hoá nước ngoài “ ?





   
Trong khi đi tìm bản sắc, một vấn đề nữa cũng đang nổi lên, là sự hiểu
biết của Việt Nam ta về thế giới và cái cách ta tiếp nhận văn hoá nước ngoài.
Chỉ có điều lạ là mặc dầu trong suy nghĩ, nay là lúc nhiều người bắt đầu cảm
thấy rằng hình như ở đây dân mình có nhiều chỗ dở, song khi kết luận thường vẫn
dừng lại ở những khái quát dễ dãi.


   
Tôi nhớ trên báo Người Hà Nội
số ra 6-4-02, nhà văn Nguyên Ngọc trong một bài trả lời phỏng vấn đã khái quát
rằng quy luật của văn hoá là gìn giữ và tiếp nhận. Và ông quả quyết một cách
hết sức đúng đắn rằng khi ta biết mở cửa biết tiếp nhận cái hay của văn hoá bên
ngoài thì ta giữ được bản sắc, khi ta đóng cửa khép kín thì mất bản sắc.


   
Thế nhưng tiếp đó ông lại bảo “ Dân tộc ta hiểu rất rõ quy luật này,và
đã vận dụng hết sức sáng tạo “.


  
 Cuối cùng, ông chốt lại bằng nhận
định “ Kiểu cách văn hoá Việt nam là gì ? Đó chính là khả năng tiếp nhận và
tiêu hoá được tất cả những tinh hoa của nền văn hoá đến từ nơi khác, chắt lọc
và hoà nhập vào cái của mình “.


    Đọc
Nguyên Ngọc đến đây ( không biết đến đầu 2005 này, ông còn nghĩ thế không ),
tôi lại thấy có lẽ không phải. Tôi tự đặt cho mình mấy câu hỏi:


    
1/ Có chắc là đứng trước tinh hoa của người, ta hiểu rất rõ, hay thường
chỉ cảm thấy một cách lờ mờ và có thể nói là kèm theo rất nhiều ngộ nhận?


  
  2/ Có chắc là vận dụng sáng tạo hay còn nhiều
phen chắp vá cứng nhắc, nhất là ăn bớt động tác để thực hiện không đến nơi đến
chốn ?


   
 3/ Nên nói là ta đã tiếp thụ được
các tinh hoa, hay cần chỉ rõ là ngay trong việc học hỏi cũng đang có rất nhiều
vụng dại, cái hay không học lại học rất nhanh cái kém cái dở sẵn có của họ ?

     Chỉ cần nhìn ra thực tế chung quanh và không
tự dối lòng thì bất cứ ai cũng sẽ tìm ra câu trả lời đích thực !

      Có thể nhận định của Nguyên Ngọc cũng như lối
khái quát của Phan Ngọc đều xuất phát từ dụng ý tốt.

     Nhưng
nên nói rõ với nhau: đó là điều chúng ta muốn hơn là điều đã xảy ra trong thực
tế.

     Chừng nào còn dễ dãi và “vơ vào
khi nói về mình như thế này thì những thiên kiến và tuỳ tiện khi nói về
người hẳn còn có đất tồn tại./.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét