Chuyện lì xì
ngày tết
Nếu trong xã hội tiểu nông bước vào thời kỳ thoái hóa hôm qua, việc mừng tuổi nhiều khi là một thứ ăn miếng trả miếng kèm theo giả dối nhưng buộc phải làm, thì ngày nay trong hoàn cảnh chủ nghĩa tư bản hoang dại đang hòanh hành, việc mừng tuổi lại được sử dụng như một công cụ để người
ta chào hàng nhau mặc cả làm luật với nhau. Và thật dã man là trẻ con cũng bị huy động vào mục
đích vụ lợi này.
Nỗi khổ của những ngày Tết là chủ đề mà cánh già ngoài bãi sông Hồng chúng
tôi mấy ngày qua hay bàn. Chủ đề sáng nay lái sang câu chuyện về việc người lớn lì xì, hay nói theo lối đồng bằng
Bắc bộ, gọi là mừng tuổi bọn trẻ.
Anh A mào đầu kể, mấy ngày tết đi chúc tết đã mệt nhoài, tối nào về cũng có một
việc phải làm là quản tiền mừng tuổi mà đứa con trai anh đã nhận hôm ấy. Rồi
ra, đây cũng là việc mà tết xong anh phải lo tổng
kết và lên kế hoạch đối phó với nó khá tỉ mỉ.
-- Sao lại căng thẳng đến thế ?-- tôi hỏi lại.
-- Trẻ con giờ khôn lắm, nó biết đấy là dịp trời cho, tiền kia là tiền của nó,
mình không thể muối mặt đòi lại nó được. Sẽ được tùy nghi tùy tiện, muốn làm gì
thì làm. Được phiêu lưu trong hư hỏng… Thật chẳng khác gì người ta -- không cần
biết con mình còn vụng về thế nào -- đưa cho con mình con dao sắc, bố mẹ có gỡ
mãi cũng không nổi.
Chỉ còn có cách an ủi là nghĩ rằng trước đó mình cũng đã tham
gia vào việc trao con dao sắc cho con người khác nghịch chơi. Trách ai được nữa.
Anh B kể về một nỗi khó xử khác:
-- Có lần đến một nhà quen, đôi bên mừng tuổi con cái. Tôi cứ theo thói quen
đưa cái bao sắp sẵn hai mươi ngàn, nghĩ là lì xì trẻ lấy lệ. Nhưng về hỏi con mới
biết hôm ấy con tôi được anh bạn lì xì một trăm ngàn. Tự nhiên cảm thấy như mắc
một món nợ. Vợ tôi thì bảo thôi rút kinh nghiệm sang năm phải tìm hiểu trước,
xem bạn bè mình năm vừa qua làm ăn thế nào sẽ lì xì cho con mình bao nhiêu để
mà ra đòn tương tự, chứ không lại mang tiếng là bủn xỉn.
Anh C tiếp tục trở lại khía cạnh tiền làm hư trẻ:
-- Chưa nói chuyện tiêu vung cả lên sau, -- ngay lúc nhận tiền, ở đứa trẻ
lập tức hình thành một thái độ. Hễ ai cho nhiều tiền thì đó là người tử tế đàng
hoàng, ngược lại thì đó là người kém cỏi nếu không muốn nói là tồi tàn, bất lịch
sự, không biết cách cư xử. Đồng tiền mừng tuổi trở thành yếu tố quyết định
trong việc đánh giá con người của chúng, đã đáng sợ chưa? Phần lớn trẻ hiện nay
cư xử như tôi vừa kể. Nội cái việc cỏn con này, đã chứng tỏ chúng ta vụng
về và vô nguyên tắc vô trách nhiệm thế nào trong việc đối xử với cái thế hệ tương lai mà lúc nào ta
cũng lo lắng.
Lúc nào đó, phải nghiên cứu lai lịch cái chuyện lì xì này, xưa thế nào và nay
ra sao.
Có một điều chắc nhiều phong tục VN bắt nguồn từ Trung quốc.
Trong cuốn Cội nguồn văn hóa Trung Hoa, tôi đọc
thấy người ta viết rằng “ sau bữa cơm đêm giao thừa, người bề trên mừng tuổi
cho đám hậu sinh….Cũng có khi vào buổi sáng mồng một Tết, khi trẻ em đến chào hỏi
người trên, thì cũng được mừng tuổi tặng tiền”... Có người dùng tiền mừng tuổi
đặt trong bao đặt dưới gối con trẻ để xua đuổi tà ma…”.
Còn ở VN, ngay trong những câu chuyện kể về Tết ngày xưa,
chuyện này cũng chỉ được nhắc qua loa.
Việt Nam phong tục của
Phan Kế Bính giới hạn mừng tuổi trong phạm vi gia đình.
Nếp cũ làng xóm Việt Nam của
Toan Ánh cho biết “ con cháu chúc tết các cụ xong, các cụ cũng chúc tết lại
[…] Và các cụ cũng mở hàng lại cho con cháu một món tiền gọi là tiền mừng
tuổi, người giàu mừng tuổi nhiều, người nghèo cũng mừng tuổi tượng trưng một
vài đồng[ …] miễn sao để con cháu gặp được may mắn tốt đẹp “.
Phong tuc làng xóm Việt Nam của
Nhất Thanh—Vũ Văn Khiếu ghi: trong quan hệ với họ hàng bạn hữu, mừng tuổi cũng
gọi là mở hàng, nhiều ít tùy cảnh, và ngầm nói rằng việc khách mừng tuổi cho
con chủ nhà chỉ là việc tiện thì làm không thì thôi, không ai đánh giá nhau qua
việc đó cả.
Đối chiếu lại như thế, thì thấy mừng tuổi với con người gọi là thời
kinh tế thị trường hôm nay đã biến thành một tệ nạn.
Sau chiến tranh, nhiều phương diện đời sống ở ta có thiên hướng trở lại với cái
thời tiền hiện đại.
Nhân danh tiếp nối truyền thống, người ta thả mình vào vòng tay của mê tín dị
đoan, đằng sau đó không gì khác chính là nỗi lo lắng thường trực cho tương lai
và liều lĩnh làm tất cả để mưu sinh.
Mối quan hệ giữa người với người không tìm được những chuẩn mực hợp lý.
Để sang một bên việc mừng tuổi đối tượng làm ăn để ra giá, để mặc cả, để
hối lộ, và mừng tuổi người lạ để khoe của ngạo đời, -- hãy nói mối quan hệ
hàng ngày giữa những người công nhân viên chức lao động bình thường. Việc mừng
tuổi tràn lan vô tội vạ hiện nay chính là một bằng chứng của việc con người
không đủ sức kiểm soát nổi các hành động của chính mình. Ta tưởng ta làm việc tử
tế với người khác. Hóa ra ta đẩy đối tượng của mình vào một tình thế hết sức
khó xử. Ta muốn tỏ ra yêu thương con bạn nhưng làm thế là nối giáo cho giặc,
đánh thức cái phần hư hỏng trong đứa trẻ. Làm một việc dễ dẫn đến hiệu quả tai
hại – trong nhiều trường hợp phải gọi là một việc xấu -- mà lại cứ đinh ninh là
làm việc tốt và vênh vang tự hào vì điều đó.
10-2-2011
0 nhận xét:
Đăng nhận xét