Tác giả cổ Chí linh 18

  Trần Quý Nha (1)
                                                
               Trần Quý Nha là người xã Điền Trì huyện Chí Linh (nay là thôn Trực Trì xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách). Có thuyết cho rằng ông có thể là Trần Tiến ( ?) Trần Quý Nha là người viết Công dư tiệp ký tục biên trong đó có khá nhiều chuyện viết về "đất và người" Chí Linh cổ. Cụ thể ông đã viết về các nhân vật và địa danh sau đây :
               -Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi
               -Thượng thư Nghiêm Sơn hầu Nguyễn Doãn Khâm
       -Hoàng Giáp Đồng hãng
       -Đông các Nguyễn Xuân Quang
       -Trạng nguyên Phạm Duy Trĩ
       -Thượng thư trí sĩ Tuyển Quận công Nguyễn Lễ (Nguyễn Phong)
      -Dương Tồn
      -Thám hoa Thượng thư trí sĩ  Cẩm quận công Nguyễn Thọ Xuân (Nguyễn Minh Triết)
      -Trí sĩ Nguyễn Quang Trạch
      -Lễ phi họ Nguyễn (Bà chúa Sao Sa)
      -Núi Côn Lôn (Côn Sơn)
      -Núi Phượng Hoàng
      -Động Huyền Thiên
      -Sông Lục Đầu.
Dưới đây chúng tôi xin lần lượt giới thiệu những nhân vật chưa từng được giới thiệu, hoặc tuy đã giới thiệu nhưng còn sơ lược

                1. TRUYỆN TRẠNG NGUYÊN HAI NƯỚC 
MẠC ĐĨNH CHI
                           (Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi)

               Ông tên chữ là Tiết Phu, người xã Lũng Động huyện Chí Linh 1.Ông là cháu đích tôn Mạc Hiển Tích, Thượng thư triều Lý. Hiển Tích đỗ Tiến sĩ thứ nhất khoa Bính Dần(1068) đời vua Trung Tông và làm quan đến Lại bộ Thượng thư. Đĩnh Chi là cháu đích tôn của Hiển Tích, tục gọi là Tú Sách, vì xã Lũng Động tên tục là Kế Sách.
               Tương truyền làng ông có một cái gò lớn, cây cối um tùm, có nhiều khỉ vượn. Một hôm mẹ ông lên gò kiếm củi, bị một con khỉ đực hiếp. Bà về nói chuyện với bố ông. Bố ông bèn mặc quần áo đàn bà và giắt một con dao sắc lên gò. Khỉ quen thói cứ chực hiếp dâm, thì bị bố ông dùng dao chém chết. Sáng hôm sau ra xem, thấy mối đã đắp lên xác khỉ thành một cái gò lớn. Bố ông cho là một sự kỳ dị. Từ đó mẹ ông thụ thai. Đến 12 tháng thì sinh ra ông. Ông thấp bé xấu xí, người ta cho là giống khỉ. Khi bố ông sắp mất, dặn người nhà đem mai táng ngay chỗ mộ con khỉ, chắc là cũng ngầm hiểu thiên cơ nên mới làm như vậy. Về sau Mạc Đĩnh Chi mất cũng đem mai táng ở phía dưới mộ cha, đến nay vẫn còn.
               Mạc Đĩnh Chi tư chất thông minh. Bấy giờ Hoàng tử Chiêu quốc công mở nhiều trường học. Ông đến thụ nghiệp. Năm 20 tuổi ông đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Thìn(1304) đời vua Trần Anh Tông. Vua thấy ông người thấp bé xấu xí, không muốn lấy đỗ Trạng nguyên. Ông bèn làm bài phú Ngọc tỉnh liên (Hoa sen ở giếng ngọc) để tự ví mình. Ý nói sen ở dưới giếng tuy thấp nhưng rất quý. Vua xem bài ấy tỉnh ngộ, bèn cho ông đỗ Trạng nguyên. Sau ông trải qua nhiều chức vụ và đi sứ Trung Quốc.
               Khi ông sang sứ, người Trung Quốc đã hẹn ngày cho vào cửa quan. Nhưng vì mưa gió cản trở, nên ông đến không đúng hẹn, người Trung Quốc không cho vào cửa. Ông khẩn khoản nài xin. Người Trung Quốc bèn ra một câu đối đứng trên cửa vứt xuống để ông đối. Câu đối ra rằng:
               Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan.
               Nghĩa là:
               Qua cửa quan chậm, cửa quan đóng, mời khách qua đường qua cửa quan.
               Ông ứng khẩu đối rằng:
               Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối.
               Nghĩa là:
               Ra đối dễ, đối lại khó, mời tiên sinh đối trước.
               Người Trung Quốc phục ông có tài mẫn tiệp, mở cửa quan cho ông vào.
               Ông đến Yên Kinh, người Nguyên thấy ông thấp bé có ý khinh bỉ. Một hôm tể tướng mời ông vào phủ cùng ngồi nói chuyện. Ông thấy có một bức màn mỏng thêu một con chim vàng, đậu ở trên cành trúc. Ông tưởng là chim sẻ thực, chạy lại bắt. Người Nguyên cười là ngớ ngẩn. Ông bèn xé tan con chim ấy ra. Mọi người đều thấy làm lạ, hỏi ông vì cớ gì mà xé? Ông trả lời rằng:
               -Tôi thấy cổ nhân vẽ “mai tước” chứ chưa thấy vẽ “trúc tước” bao giờ. Nay màn của quan Tể tướng thêu “trúc tước”. Ôi! “Trúc” là quân tử, “Tước” là tiểu nhân. Quan Tể tướng thêu như thế, tức là để tiểu nhân ở trên quân tử. Tôi sợ đạo tiểu nhân ngày một lớn mà đạo quân tử ngày càng tiêu đi, nên tôi phải vì thánh triều mà trừ khử hộ.
               Mọi người đều phục là giỏi hùng biện. Đến khi ông vào châu vua, bấy giờ có một nước ngoài đem dâng quạt, vua Nguyên sai ông và sứ thần Cao Ly vịnh thơ đề quạt. Sứ Cao Ly làm xong trước:
                                    Uốn long trùng trùng, Y Doãn Chu Công.
                                    Vũ tuyết thê thê, Bá Di Thúc Tề.
               Nghĩa là:
                        Khí trời nóng bức thì ra giúp đời như Y Doãn Chu Công.
                        Mưa tuyết lạnh rét, thì đi ẩn thân như Bá Di và Thúc Tề.
               Ông chưa biết làm thế nào, trông quản bút của sữ Cao Ly biết họ làm câu ấy, bèn nhân ý câu mà suy diễn cho dài ra:
               Lưu kim thước thạch, thiên địa vi lô, nhĩ ư tư thời hề,Y Chu cự nho;
               Bắc phong kỳ lương, vũ tuyết tái đồ, nhĩ ư tư thời hề Di Tề ngã phu.
               Y! dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng, duy ngã dữ nhĩ hữu thị phù.
               Nghĩa là:
               Vàng đá chảy tan, trời đất làm lò, lúc bấy giờ người là Y Chu cự nho;
               Gió bấc lạnh lẽo, mưa tuyết đầy đường, lúc bấy giờ người là Di Tề chết đói.
               Ôi! Dùng thì ra làm, bỏ thì đi ẩn, chỉ có ta và ngươi được như thế.
               Làm xong ông đệ trình vua Nguyên. Vua khuyên câu chữ “Y” và phong ông làm lưỡng quốc Trạng nguyên.
               Một hôm ông cưỡi lừa đi ở đường, gặp một người Trung Quốc cưỡi ngựa, lừa va chạm vào ngựa. Người Trung Quốc bảo ông rằng:
               Xúc ngã kỵ mã, Đông Di chi nhân giả?, Tây Di chi nhân giả?2
               Nghĩa là:
               Chạm ngựa ta cưỡi, là người Đông Di hay là người Tây Di?
               Ông ứng khẩu đáp lại:
               Át dư thân lư, Nam phương chi cường dư? Bắc phương chi cường dư?3
               Nghĩa là:
               Ngăn lừa ta cưỡi thử hỏi phương Nam mạnh hay phương Bắc mạnh?
               Ông lại thường cùng người Trung Quốc đối đáp. Người Trung Quốc ra câu đối rằng:
               Kỷ dĩ mộc, bôi phi mộc, như hà dĩ kỷ vi bôi 4
               Nghĩa là:
               Kỷ là gỗ, chén không phải là gỗ làm sao lấy kỷ làm chén?
               Ông đối rằng:
               Tăng tằng nhân, Phật phất nhân, vân hồ dĩ Tăng sư Phật
               Nghĩa là:
               Tăng là người, Phật không phải là người, việc gì lấy tăng thờ Phật? 5
               Người Trung Quốc lại ra câu đối rằng:
               An xuất nữ dĩ thỉ vi gia
               Nghĩa là:
               Chữ “an” bỏ chữ “nữ” ra, lấy chữ “thỉ” vào, làm thành chữ “gia”.
               Ông đối rằng:
               Tù xuất nhân nhập vương thành quốc.
               Nghĩa là:
               Chữ “tù” đem chữ “nhân” ở trong ra, cho chữ “vương” vào thì thành chữ “quốc”.
               Người Trung Quốc phê rằng: “Ngày sau con cháu có người làm vua, nhưng hiềm chữ quốc viết đơn nên hưởng nước không được lâu dài”.
               Người Trung Quốc ra câu đối rằng:
               Nhật hỏa vân yên, bạch trú thiêu tàn ngọc thỏ.
               Nghĩa là:
               Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt tàn thỏ ngọc.
               Ông đối rằng:
               Nguyệt cung tinh đạn, hoàng hôn sạ lác kim ô.
               Nghĩa là:
               Mặt trăng là cung, sao là đạn, chiều tối bắn rơi quạ vàng 6.
               Người Trung Quốc phê rằng: “Ngày sau con cháu tất có người cướp nước”.
               Người Trung Quốc ra câu đối rằng:
               Lỵ mỵ võng lạng tứ tiểu quỷ
               Nghĩa là:
               Lỵ, mỵ, võng, lạng là bốn quỷ nhỏ 7
               Ông đối rằng:
               Cầm sắt tì bà bát đại vương.
               Nghĩa là:
               Đàn cầm, đàn sắt, đàn tỳ bà  là tám đại vương 8.
               Người Trung Quốc phê rằng: “Ngày sau được làm huyết thực thần” 9.
               Người Trung Quốc ra câu đối rằng:
               Quách khiếu tường đầu đàm Lỗ luận: Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri.
               Nghĩa là:
               Chim chào mào kêu ở đầu tường học sách Luận Ngữ : Biết thì bảo là biết, không biết thì bảo là không biết, ấy là biết.
               Câu này người Trung Quốc có ý nhạo báng người An Nam nói líu lô như chim chào mào kêu, vì nếu đọc nhanh những chữ “tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri” 10 thì nghe ríu rít như chim kêu vậy. Ông bèn lấy những chữ giống tiếng ếch kêu để nhạo người Trung Quốc:
               Oa minh trì thượng đọc trâu thư: Nhạc dữ thiểu lạc nhạc, nhạc dữ chúng lạc nhạc, thục lạc?11
               Nghĩa là:
               Ếch kêu ở trên ao đọc sách Mạnh Tử : Cùng ít người vui nhạc, cùng nhiều người vui nhạc thì đằng nào vui hơn?
               Người Trung Quốc ra đối rằng:
               Lạc thủy thần quy đơn ứng triệu, thiên số cửu, địa số cửu, cửu cửu bát thập nhất số, số số hỗn thành tam đại đao, đao hợp Nguyên thủy Thiên tôn, nhất thành hữu cảm.
               Nghĩa là:
               Rùa thần sông Lạc ứng điềm lành, số trời chín, số đất chín, chín chín tám mươi mốt số, số số hỗn thành ba đạo lớn, đạo hợp Nguyên thủy Thiên tôn, nhất thành hữu cảm.
               Ông đối rằng:
               Kỳ sơn minh phượng lưỡng trinh tường, hùng thanh lục, thủy thanh lục, lục lục tam thập lục thanh, thanh thanh hưởng triệt cửu trùng thiên, thiên sinh Gia Tĩnh Hoàng Đế, vạn thọ vô cương.
               Nghĩa là:
               Minh phượng núi Kỳ trinh điềm tốt, tiếng hùng sáu, tiếng thư sáu, sáu sáu ba mươi sáu,tiếng, tiếng thấu suốt chín tầng trời, trời sinh Gia Tĩnh Hoàng Đế, vạn thọ vô cương.
               Ông đối đáp xuất khẩu thành chương không thua một câu nào. Bấy giờ hậu phi Bắc triều chết. Triều đình làm lễ tế, sai ông đọc văn tế. Ông mở văn tế ra, thì chỉ thấy có bốn chữ “nhất”. Ông đọc luôn rằng:     
                        Thanh thiên nhất đóa vân;
                        Hồng lô nhất điểm tuyết;
                        Thượng Uyển nhất chi hoa;
                        Quảng Hàn nhất phiến nguyệt.
                        Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết.
               Nghĩa là:
                        Trời xanh một đóa mây;
                        Lò đỏ một điểm tuyết;
                        Vườn Thượng Uyển một cành hoa;
                        Cung Quảng Hàn một mảnh trăng.
                        Than ôi! Mây tan, tuyết tiêu, hoa tàn, trăng khuyết.
               Người Trung Quốc rất lấy làm kính phục. Bài văn tế này có chép ở Bắc sử . Có người bảo là của Lý Thái Bạch làm. Nhưng xét kỹ lời văn và ý văn thì giống văn chương của ông, không biết có phải không? Có bài thơ vịnh quạt đích là của ông làm ra, không còn hồ nghi gì nữa. Sách Thuyết linh cho là của Phương Hiếu Nho làm ra, nhưng lấy điều ấy mà suy, thì sách sử bên Tầu chép vị tất đã là phải.
               Người Trung Quốc, người Nguyên rất phục tài ông nhưng xét tướng mạo ông thì không có vẻ gì đáng quý. Họ nhân lúc ông ra nhà xí đại tiện, xem phân thì thấy phân vuông, họ cho là ẩn tướng ở đó, mà rất đáng quý.
               Khi ông về nước, người Nguyên theo sang nước ta xem đất của nhà ông. Ông đưa khách đến xem phần mộ của tổ tiên nhà mình, họ đều bảo không có ngôi nào đẹp. Sau đưa đến mộ bố ông, họ mới tấm tắc khen rằng đó thực là đất phát tích của ông. Ngôi đất ấy rất đẹp, người thường cũng biết là quý cách 12, chỉ hiềm nước không tích tụ, cho nên chỉ có quý mà không có phú.
               Ông làm quan rất thanh liêm, sinh hoạt giản dị. Vua Minh Tông biét rõ tình cảnh của ông, bèn mật sai người đang đêm đem 10 quan tiền đến để ở phía trong cửa nhà ông. Sáng hôm sau ông vào triều, đem việc ấy tâu vua. Vua bảo:
               -Tiền vô chủ, nhà ngươi cứ việc lấy mà tiêu.
               Đại loại tiết tháo ông trong sạch như thế.
               Về sau Thoát Hiên 13 tiên sinh có vịnh ông một bài thơ rằng:
                        Đệ nhất khôi nguyên tảo trí thân,
                        Cư quan bất cải cựu thanh bần.
                        Phiến minh hựu trọng Yên Đài dự,
                        Sứ tiết phương chi quốc hữu nhân.
               Nghĩa là:
                        Đệ nhất khôi nguyên sớm thành danh,
                        Làm quan mà vẫn thanh bần như cũ.
                        Bài minh đề quạt được Yên kinh khen ngợi,
                        Cờ sứ nêu cao như ông, mới biết nước có người giỏi.
               Triều vua Hiến Tông ông làm Nội hành khiển Hữu ty Lang trung, rồi thăng Tả ty Lang trung và làm đến Tả Bộc xạ.
               Bình sinh ông trứ thuật rất nhiều. Nhưng chỉ còn truyền lại có mấy bài văn tán, văn tế, câu đối, 4 bài thơ chép ở trong tập Khởi thời , một bài tạ văn chép ở trong tập Quốc triều biểu chương và một bài bia dựng ở mộ Bùi Mộc Đạc 14, còn thì mất cả.
               Ông tuy được hiển quý, nhưng vẫn giữ được nếp thanh bần, cho nên ông để lại phúc trạch cho con cháu, đời đời là hào hữu ở miền Đông. Con ông là Khản và Trực đều làm đến chức Viên ngoại lang. Cháu ông là Địch, Toại và Viễn đều có thế lực.
               Gặp lúc họ Hồ cướp nước. Các ông Địch, Toại và Viễn cho rằng tổ tiên mình trước thờ họ Trần, nay mình phải vì nước báo thù.
               Bấy giờ nhà Minh sai Trương Phụ đem quân sang nước ta, nói là để diệt họ Hồ, lập con cháu họ Trần. Trương Phụ đóng quân ở bắc ngạn sông Phú Lương. Họ Hồ đem hết nam phụ lão ấu trong nước đi phòng ngự. Quân Minh không biết hư thực thế nào không dám sang sông.
               Anh em ông Địch bèn từ Nam Sách cùng với Phiên phán châu Tam Đái là Đặng Kinh đến đầu hàng người Minh và nói rõ tình hình quân Hồ cho người Minh biết. Quân Minh bèn sang sông tấn công, đánh đâu được đấy và lấy bọn Địch làm hướng đạo.
            Sau bọn Địch cùng với Hạ Hỏa Mục, Vũ Thạch Khanh bắt được Hồ Hán Thương và con là Nhuế ở núi Cao Vọng được công to nhất 15 . Người Minh cho Toại làm Tham chính sứ, Địch là Chỉ huy sứ và Viễn làm Diêm thiết sứ. Anh em đều được quý hiển, và đến khi quân Minh bị thua, về nước cũng không bị nạn.
            Con cháu Toại di cư xuống xã Ma Khê, huyện Thanh Hà. Đến đời thứ ba lại di cư sang xã Cổ Trai, huyện Nghi Dương, rồi sinh ra ngụy Thái tổ Đăng Dung, tức là cháu bảy đời của Đĩnh Chi vậy.
            Sau Đăng Dung cướp được nước, truy phong ông làm Huệ Việt Linh Khánh Đại Vương và phu nhân làm Lưỡng quốc Từ chính Công chúa.. Đến nay làng ông vẫn thờ ông làm Phúc thần. Những lời phê bình của người Nguyên ngày trước nay đều thấy ứng nghiệm.
            Họ Mạc lại lấy chỗ ông ở ngày trước trong làng Lũng Động làm điện Sùng Đức. Ở Bắc ngạn sông phía trước điện, đắp một cái đàn lớn làm chỗ bái vị. Các quan triều Mạc ai đi qua đấy cũng phải đến đàn vọng bái. Hiện nay nền điện và đàn đều còn 16. Người ta còn tìm thấy chỗ ông ngồi dạy học ngày trước: một chỗ ở xã Cao Đôi, một chỗ ở chùa Kiều Lâm xã Tống xá, những di tích ấy đến nay vẫn còn.
            Ôi! Học vấn của ông đứng đầu quần nho, danh tiếng của ông lừng lẫy hai nước.. Từ thời Trần đến nay hơn 500 năm, mà nam phụ lão ấu ai cũng biết tên ông. Nói đến sự nghiệp của ông thì rõ ràng như việc ở trước mắt. Đọc đến văn chương của ông thì vẫn còn thấy sống động. Thực là một nhân vật độc đáo trăm đời vậy. Như thế không có lẽ vì cớ con cháu đời sau mà bị ảnh hưởng đến thanh danh. Chỉ giận sử bút lịch triều ghi chép không được tường tận, và các danh nhân ngày trước không chịu viết về ông, để văn chương trước nghiệp của ông không được lưu truyền ở đời.
            Tôi là một kẻ hậu sinh, kiến văn kém cỏi, nay tạm lược thuật đại khái ra đây, mong các đại phương quân tử đính chính.
            Theo sử sách chép, ông sinh vào giờ thân ngày 8 tháng 6 năm Giáp Thân(1284), nhưng nay không căn cứ vào đâu mà khảo cứu được. Hai là trong truyện Quốc âm có nói ông gặp nàng Bảy dẫn đi xem Âm Ty, Truyện ấy cũng hoang đường. Nhưng theo các bậc tiền bối nói thì ông có làm bài văn Quốc âm để ghi chép việc này. Nhưng bài văn ấy đã thất truyền, nên tôi không dám chép việc ấy vào đây.
   
Ghi chú
            1-sử ký chép là xã Bàng Hà. xét từ chỗ núi đột khởi đi xuống, một dải ven sông ngày trước gọi là xã Bàng Hà, cho nên ngày nay chùa làng Lê Xá gọi là chùa Bàng Hà. Đó là chứng nghiệm.
            2-Câu này ở sách Mạnh Tử.
            3-Câu này ở sách Trung Dung
            4-Chữ “kỷ” là “cây liễu” do chữ mộc là “gỗ’ và chữ “dĩ” là “đã” làm thành. Chữ “bôi” là “chén” do chữ “mộc” là “gỗ” và chữ “phi” là “không” làm thành. Kỷ là gỗ chén không phải là gỗ thì làm sao lại lấy cây kỷ làm chén, như sách Mạnh tử đã nói
            5-Chữ “tăng” là “nhà sư” do chữ “nhân đứng” là “người” và chữ “tằng” là “đã” làm thành. Chữ  “Phật” do chữ “nhân đứng” là “người” và chữ “phất” là “không” làm thành. Tăng là người, Phật không phải là người, việc gì phải lấy tăng thờ phật.
            6-Ngọc thỏ hay thỏ ngọc chỉ mặt trăng. Quạ vàng do dịch chữ “kim ô” chỉ mặt trời.
            7-Cả bốn chữ lỵ, mị, võng, lạng mỗi chữ đều có một chữ “quỷ” thành 4 chữ “quỷ”
            8-Cả bốn chữ cầm, sắt, tì, bà mỗi chữ đều có hai chữ “vương” nên cộng lại thành 8 chữ “vương”.
            9-Huyết thực là lấy máu xúc vật cúng tế, ý nói được hưởng tế lễ của nhà nước.
            10- Những câu này ở sách Luận ngữ.
            11- Những câu này ở sách  Mạnh Tử.
            12-Có chép kỹ ở sách địa lý Hòa Thúc.
            13-Thoát Hiên là tên hiệu của Đặng Minh Khiêm.
            14-Bùi Mộc Đạc: ông này người xã Tri Lai, huyện Võ Tiên. Bia nay vẫn còn.
            15-Việc này được chép tường tận ở sách của Khưu Văn Trang.
            16-Điện ở xã Mã Thảo, thuộc bản xã gần sông cái.
                                                                                     (còn nữa)

2/8/2012
Đỗ Đình Tuân
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét