Hôm nọ, trong khi ngồi đun nước, Thị vừa ngồi trông bếp vừa nhặt những tờ giấy thải loại có chữ viết của Hắn ra đọc. Chẳng hiểu là có dụng tâm dò xét gì không hay chỉ là một sự tò mò tự nhiên. Bỗng thị tìm thấy một bức thư cũ. Thị đọc lại và thấy lòng rưng rưng. Thị đem lên dí vào mũi Hắn khoe. Hắn đọc thấy gợi lại nhiều kỷ niệm cũ đã bị vùi lấp đi. Hắn thấy rất quý vội ghi lại đây giữ làm kỷ niệm:
Chí Linh 31 tháng 12 năm 1990
(15 tháng 11 âm lịch)
Em Song Thu yêu thương
Mấy ngày nay tâm trạng anh rất phức tạp: khi thì buồn bã, khi thì bâng khuâng. Biết em không về nhưng lúc nào cũng mong ngóng em. Khi thổi cơm, lúc lúc anh lại nhìn ra cổng. Khi cõng con đi chơi dạo vườn, thỉnh thoảng anh cũng nhìn lên dốc. Tắt đèn đi ngủ mong em về gõ cửa gọi anh…Biết đâu đấy em chẳng dành cho anh một niềm vui đột ngột ?
Chỉ có hai đứa con của chúng mình là vô tư thôi. Suốt ngày chúng nó đòi ăn, nô nghịch. Tối nay anh buồn, định mua rượu uống mà không mua được, chỉ nước trắng và thuốc lào vã.
Trưa nay Thương Chi xin 1000 đồng để đóng tiền học thêm. Anh đưa tiền cho con. Lúc con về, anh đang thổi cơm, anh hỏi: “Con đã nộp tiền cho cô giáo chưa?”. Thương Chi trả lời: “Con nộp rồi nhưng cô giáo bớt cho 500”. Con nó mở cặp và đưa tiền cho anh. Anh hỏi: “Thế cô giáo bảo thế nào?” Con nó kể: Cô giáo hỏi mẹ em về chưa, em lấy tiền đâu mà nộp? Con bảo: mẹ em chưa về, tiền em bắt được thì em nộp. Thế là cô giáo bớt cho 500…
Sắp đến ngày sinh Nguyên Lượng rồi. Tối nay anh đọc lại nhật ký của em để tìm một lần nữa những đoạn mà em nhắc đến Nguyên Lượng. Nhưng chính vì mải tìm Nguyên Lượng trong nhật ký, mà Nguyên Lượng trong thực tế lại bị ăn đòn. Chẳng là anh mải đọc thì Nguyên Lượng chạy vào buồng nghịch làm đổ mâm. Anh bực quá cầm ngay quyển nhật ký ném cho một cái. Rồi vớ cuống chổi quật cho một cái nữa. Nguyên Lượng độ này đổi khác. Nó không khóc đâu, cứ im lặng chạy ra nhà ngoài.
Anh trích lại đây, những đoạn mà em đã nghĩ và nhắc tới Nguyên Lượng:
11/5/1981(Đúng cái ngày anh lên bàn mổ)
Từ độ xuống đây (1) hầu như sống hoàn toàn tách biệt với thế giới trẻ thơ. Tối nay có một giáo viên mang con nhỏ đến chơi phòng Thạch.(2) Tiếng trẻ reo cười bi bô khiến trong em thổn thức một nhịp đập thiết tha khó tả. Một sự khát khao tràn ngập tâm hồn. Bỗng dưng em nghĩ đến một ngày nào đấy chúng mình sẽ có một Nguyên Lượng ra đời. Nó sẽ nói bi bô trong căn nhà bé nhỏ đầm ấm. Nguyên Lượng sẽ lớn lên trong sự thương yêu dạy dỗ của anh, trong sự ân cần chăm sóc của em. Nguyên Lượng kháu khỉnh sẽ có cả cái sâu lắng, đằm thắm của anh, cái thiết tha mãnh liệt của em…Thế rồi Nguyên Lượng sẽ vào đời làm cái gì đó cho đời. Nguyên Lượng sẽ là niềm vui, nguồn hy vọng và là một phần lớn trong hạnh phúc của hai đứa chúng mình, đúng không anh?
25/7/1981
Lại một thứ 7 nữa buồn nhớ trôi đi!
Sáng nay mình đang thẫn thờ ngoài giếng thì anh Thản (3)hỏi thăm sức khỏe của anh. Không hiểu sao mình bật khóc nức nở. Anh ấy hoảng quá tưởng anh nguy rồi. Mình vừa khóc vừa nói “Anh đỡ hơn nhiều rồi”. Anh ấy không tin và hỏi “Sao cô rơi lệ?”. “Em nhớ nhà”. “Cô này lại có nỗi buồn riêng rồi”. Mình ngượng muốn chết nhưng vẫn không ngăn nổi nước mắt. Chẳng hiểu sao mình yếu đuối quá thế nữa?
Tối nay ngồi nghĩ lại càng buồn hơn. Nhà bên Nhâm (4)đang hỏi chuyện con. Thắng bé mập và kháu thật. Đột nhiên mình tự hỏi mình sẽ có Nguyên Lượng thật không. Sự đời thật lắm cái éo le rắc rối
Anh Tuân ơi có hiểu em buồn không?
Sống lại những kỷ niệm của tình yêu, lòng anh thanh thản trở lại. Anh không thấy tiếc tiền tiếc bạc, không thấy bực bội với em nữa. Anh thấy chúng mình cần phải giữ gìn tất cả những gì là thành tựu của tình yêu và công sức của chúng mình. Đúng không em? (5)
Ghi chú
1. Từ ngày xuống đây: Trường cấp 3 Ninh Thanh, nay là Trường PTTH Quang Trung huyện Ninh Giang, Hải Dương (Thị từ Chí Linh chuyển xuống đây từ 30/4/1981)
2.Thạch: tên một cô giáo dạy Vật Lý.
3.Thản: tên một thày giáo dạy thể dục, bạn dạy của Hắn ở Trường cấp 3 Nam Sách từ 1965 đến 1968; bạn dạy của Thị ở trương cấp 3 Ninh Thanh từ năm 1981-1982 (khi Thị xin thôi việc).
4.Nhâm: tên một cô giáo dạy kỹ thuật. Sau đó theo chồng vào công tác trong Nam và đã mất.
5.Những dòng cuối của bức thư phải ghi xoay ngang lên lề giấy, nên bức thư cụt, không có lời chào cuối thư.
3/8/2012
Đỗ Đình Tuân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét