Còn nhiều điều …bí mật


Chi Linh (Hải Dương) – quê hương bát cổ với rất nhiều di tích lịch sử văn hóa đang được bảo tồn, những hạng mục dựng xây cùng vốn đầu tư mang tầm cỡ quốc gia xây dựng đền thờ thày giáo Chu Văn An, Côn Sơn, Kiếp Bạc. Mở rộng khu vực đền Sinh, đền Hóa vv...mà vẫn giữ được những nét cổ truyền đậm sắc thái văn hóa địa phương.
Đặc biệt là  xã An Lạc (Chí Linh, Hải Dương) với những địa danh còn lưu giữ phần văn hóa địa phương pha trộn giữa huyền thoại và dấu ấn lịch sử oai hùng của thời Đông A.
Xã An Lạc có đền Cao thờ năm anh em họ Vương với nhiều truyền thuyết nói về cái cung cấm quanh năm cửa đóng im ỉm rất linh thiêng. Bất cứ ai…dù chỉ là tò mò đẩy cửa nhòm vào đều bị những hình phạt thảm khốc, chí ít là ốm thập tử nhất sinh đến rụng tóc đầu, nặng thì toi mạng.
Cách bài trí với khoảng không gian trong cung cấm? Có tượng, bài vị  không? Đấy là điều bí mật chưa được lời giải đáp.
Từ thủa bé mặc quần đùi đi chân đất và chẳng biết tự lúc nào, dấu ấn đã in đậm trong tôi là ngôi đền thờ tướng giặc bên Ngô. Lúc đó, cung cấm có bệ thờ bằng đất, nền là nền đất ẩm thấp (hình như bây giờ vẫn vậy). Khi đi học, biết đọc lịch sử và suy ngẫm tôi mới biết ra rằng: với kế sách ngoại giao cương quyết nhưng mềm dẻo của một nước nhỏ với một nước lớn thời bấy giờ, cha ông ta đã cho phép người HOA sống trên đất Việt được phép xây dựng đền thờ để họ cúng giỗ tổ tiên của họ. Tôi đã tìm được lời giải đáp - đó là việc hợp lòng nhân nghĩa, là việc cần làm  của cha ông nên mọi thắc mắc cũng dần quên lãng đi .
          Vào những 90 của thế kỷ trước, khi đọc bằng chứng nhận “Di tích lịch sử văn hóa” đền Cao tôi mới biết, đền Cao là một trong những ngôi đền ở xã An Lạc thờ năm anh em họ Vương?
        Những năm gần đây, tôi thường được tăng cường công việc bảo vệ những kỳ lễ hội đền Cao nên càng có dịp tiếp xúc, tìm hiểu thêm ở phần văn hóa tâm linh này.
...Việt Nam với tục thờ Mẫu. Đó là các đấng siêu nhiên và những nhân thần được dân gian tôn phong, thần thánh hóa thêm việc đấu tranh, bảo hộ của nhân vật mà dân gian đang thờ tự. Ở đây, họ chỉ quan tâm đến cuộc sống hiện hữu chứ không quan tâm đến cái gì sau khi chết đi như đạo thờ phật. Đến với đạo Mẫu là đến với sự bảo hộ, đấu tranh, là trừ tà, tróc quỷ. Theo quan niệm của đạo Mẫu, khi ta đến dâng hương ở các đền đình thì không một tà ma nào dám đi theo làm hại được.
         Cũng chính vì vậy, ta không hề thấy ở bất cứ một đình, đền nào có lăng mộ trong nội tự chôn cất  những thi hài như ở các chùa chiền.
Trở lại với đền Cao - một  ngôi đền cổ nổi tiến linh thiêng tọa lạc trên đỉnh núi rợp bóng cây, ngay sát tường hậu cung về hướng tây là những ngôi mộ cổ cũng rất linh thiêng và huyền thoại, đặc biệt có ngôi mộ là ông tổ của mười hai dòng họ như họ Cao, họ Phạm, họ Nguyễn, họ Hoàng v.v…  Những nghi thức trọng đại  như:  xin lệnh làm “ông Trùm” của đền Cao đều được tổ chức trang trọng ở đây chứ không phải ở trong đền. Tước vị này là suốt đời. Nếu hệ lụy đại tang danh tước bị hủy bỏ, dân làng làm đại lễ để xin bầu ông trùm mới.  Sau những vòng “Sơ khảo” ứng cử đến trước ngôi mộ linh thiêng là ông tổ của 12 dòng họ “ xin đài”âm dương bằng cách đầu đội một cái mâm trên đó có hai đồng xu , từ từ nghiêng mâm dội hai đòng xu xuống một cái mâm khác ở phía dưới với khoảng cách khoảng 0,70m. Chỉ xin một lần (nhất đài), nếu không đắc đài (đắc đài là hai đồng xu mặt sấp mặt ngửa ) chức vị đó khuyết , năm sau dân làng làm “đại lễ” xin lại.
        Nhìn chung, đền hay đình, có thể các sách , các bia, và cả phần “Hội” cũng bị “tam sao thất bản”. Còn các nghi thức về “ lễ”  thì bền vững hơn vì mang nặng tính đặc trưng thờ cúng của ngôi đền, đình đó.
          Đền Cao cũng vậy. Phần “Hội”,  ngoài các trò vui truyền thống như rước kiệu, cờ tướng, chọi gà vv… Còn có thêm những trò chơi hiện đại : bóng chuyền, cầu lông...
   Tán tía, lọng vàng, đai vàng khảm ngọc, nhã nhạc vang lừng theo điệu “Lưu thủy”.  Đó là đặc trưng phần “ Lễ” của người Việt. Đền Cao thì khác hẳn, khi tế lễ, trống không theo điệu “Lưu thủy” . Các “ Quan viên tế”  áo thụng mầu đen, đội mũ mầu đen, chân đất, mồm bịt một miếng vải.  Ban khánh tiết (ban bô lão chuyên lo việc lễ cho các tiết Hạ, Thu, Đông vv…) thì gọi là “Quan đám”, khi dâng hương trong đền phải là hương đen. Cao hơn tất cả “quan đám” là “ ông trùm” (chức ông trùm là tối thượng ở đền, được cả tổng xã trọng vọng)
Đây quả là một điều khác lạ khiến ta phải suy ngẫm?.
An Lạc còn một làng có đặc trưng rất riêng biệt.  Đó là làng An Bài. Làng này không bao giờ đi lễ ở đền Kiêp Bạc ( thờ Trần Hưng Đạo ) Các trai đinh không phải làm phu kiệu (khênh kiệu) ở đền Cao,  và cũng chính là làng có miếu thờ Phạm Nhan. Cách đây khoảng 20 năm, tôi đã đến thôn An Bài tìm hiểu nhưng không một ai mặn mà câu chuyện để chỉ lối đưa đường. Nhờ mãi, một người bạn đồng ngũ đã đồng ý cùng tôi vạch được đám cây rừng um tùm ven sông đến một ngôi miếu nhỏ tưởng chừng như hoang phế nhưng vẫn có bát hương và những chân hương cháy dở, vén tấm vải trên ban thờ không có bài vị, chỉ có hình đắp nổi một con đỉa rất to. Tôi rùng mình quay ra.
          Phạm Nhan- Dân gian ai cũng biết tên hắn. Vì tính khách quan của lịch sử, chúng ta cùng tìm hiểu.
          Hắn tên Bá Linh, họ Phạm, Phạm Nhan là tên chữ  khi hắn đi thi và làm quan. Theo PGS- TS Nguyễn Đăng Na - một nhà Hán Nôm rất nổi tiếng ở nước ta - bố hắn là người Quảng Đông (Trung Quốc ) sang buôn bán ở chợ Đông Hồ, lấy vợ làng An Bài và sinh ra hắn tại đây. Lớn lên hắn về quê cha, đi thi, đỗ tiến sỹ, vì có tài làm thuốc lại biết pháp thuật lên được tuyển vào cung. Do thông dâm với cung nữ, bị khép án chém đầu. đúng lúc đó vua Nguyên khởi công đánh Đại Việt lần thứ ba. Hắn xin cầm quân, lấy công chuộc tội với lý do rất thông thuộc “Sào huyệt” của tiết chế Hưng Đạo Đại Vương”. Đạo quân của hắn tràn vào Đại Việt với mối hận rửa nhục hai lần thất trận nên đi đến đâu chém giết rất dã man.        
         Chiều ngày 9/ 3/ 1288 hắn bị đại bại trên sông Bạch Đằng và bị bắt sống.
         Huyền thoại về cái chết của hắn cũng rất “Hiện đại” đáng để người đời suy gẫm’
Chuyện kể rằng: khi Hưng Đạo Đại Vương bắt được tướng giặc Phạm Nhan đem chém đầu, cứ chém đầu này thì đầu khắc lại mọc, nhờ có bà hàng nước mách bảo: Lấy vôi trộn với cứt gà sáp bôi vào gươm. Khi mang gươm tới, Phạm Nhan biết mình sẽ chết bèn cầu xin: xin hãy chém tôi thành ba mảnh, phần đầu thả xuống sông, thây vứt vào rừng, chân tay đem đốt rồi tung  lên trời. Lời cầu xin của kẻ xắp chết được ưng chuẩn.
        Sau này, phần thân Phạm Nhan biến thành vắt , phần chân tay biến thành muỗi, còn phần đầu biến thành đỉa nhưng có cái lạ là cái đầu không bị phân hủy, mục thối, cứ xuôi theo sông trôi về đến làng An Bài (Chí Linh, Hải Dương) thì tấp vào bờ, không trôi đi nữa.
         Từ đó, cái đầu Bá Linh tác oai tác quái, nhất là đàn bà sau khi mới sinh nở nếu có việc phải đi qua chỗ đó sẽ bị Phạm Nhan bắt mất vía để hút hết máu, gầy mòn dần cho đến chết. Người phụ sản nào bị mắc bệnh “Phạm Nhan” cứ mua chiếu mới , mang đến đền Kiếp Bạc đổi lấy chiếu cũ đem về trải nằm là bệnh sẽ thuyên giảm.
  Để không bị hại, dân làng lập miếu thờ Phạm Nhan.
         Chuyện thật sâu sắc và ghê tởm về  một đứa con phản bội, dám vì mạng sống của mình mà mang quân về giầy xéo đất quê mẹ, trên thì đắc tội với cao xanh, dưới thì đại ác với đất tổ quê mẹ, chết rồi còn đi hút máu người, đến cả máu hôi hám của đàn bà mới đẻ hắn cũng thèm thuồng.
        Chuyện có kể dân lập miếu thờ Phạm Nhan với dụng ý nhắc nhở muôn đời rằng, nếu không muốn sống cho đàng hoàng thì hãy coi chừng, hồn Bá Linh trong miếu Phạm Nhan còn đó, đó là tấm gương minh chứng cho sự thối tha hơn cả mọi sự thối tha.
          Mỗi thời có một cách giáo dục khác nhau nhưng nếp nghĩ ấy, niềm tin ấy đáng kính biết chừng nào.
                            
          Làng MO, Ngày 2 tháng 7 năm 2012
                     
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét