Một chút ngỡ ngàng khi đọc thơ Tý Xù…
Chẳng có gì ăn nhập giữa nàng và thơ của nàng.
Đen ra đen, (dù là đen dòn) + Gầy ra gầy, (dù là mình dây) = Già ra già, (dù là già dẻo già dai). Ấy vậy mà thơ ra thơ, hóm ra hóm.
Ta hãy cùng nàng ung dung một tâm thế thanh thản trong cõi đời vô thường:
Mỗi sớm ban mai/ Luôn là bắt đầu/ Của ngày còn lại/ Luôn là bát ngát/ Của muôn: sẽ là.../ Mỗi sớm ban mai/ Luôn là đầu tiên/ Của muôn dự định/ Cất vào chiếc túi/ Hành trang cuộc đời…/ Mỗi sớm ban mai/ Bàn chân thong thả/ Bước vào tương lai/ Dẫu gần hay xa/ Nào đâu biết được/ Ung dung thanh thản/
Ta vui lên đường!
Ta vui lên đường!
Đó là niềm vui của người nhận biết được quy luật muôn đời để thêm trân trọng những gì cuộc sống ban tặng:
Mở mắt: Trời cao xanh/ Bước chân: Đất hiền lành/ Lòng ta dào dạt sóng/ Đấy Phúc Lộc trời ban.
Ung dung thanh thản vậy mà nàng vẫn đau đáu con tim đầy trắc ẩn:
"Bao giờ cho đến Tháng Mười"/ Như là lời hẹn, như lời ước ao/ Mãi là một giấc chiêm bao/ Vàng ươm nỗi nhớ, hanh hao nỗi chờ!.../ Bao giờ lại có tháng Mười/ Cho ta bớt lạ, cho người bớt quen? Quãng đường xa lắc khó tìm/ Bóng ai khuất nẻo mắt mòn khát khao!
Giấc chiêm bao thao thiết quá, và niềm mong mỏi mới thương làm sao: “Cho ta bớt lạ, cho người bớt quen?”. Trong bao nhiêu giăng mắc kiếp người, lạ - quen đầy biến ảo. Vô cùng gần vẫn lạ, vô cùng xa vẫn quen. Bớt một chút lạ, bớt một chút quen thì có vẻ như người ta với người ta nhẹ nhõm hơn chăng?
Dù quen dù lạ, dù xa dù gần, nàng vẫn thật chân thành trong chia sẻ, kể cả khi biết rằng cuộc sống nhiều khi không như ta nghĩ:
‘Xắn tay nhào bột nên hồ/ Những mong tấm bánh thơm tho tay người/ Chẳng ngờ thành cái ơ hờ/ Bột đi đằng bột, thẫn thờ lòng nhân/ Những mong nồng ấm, ngọt lành/ Hóa ra thành cái chúng mình lửng lơ/ Bánh ngon mà khó thế ư/ Bột tươi, nhân đậm sao chưa thành giòn!”
Vì những ơ hờ, vì những lửng lơ ấy mà nàng thẫn thờ bởi bánh mãi chẳng giòn, như cuộc đời vốn đỏng đảnh từ vô lượng kiếp. Để rồi có những lúc, nàng cũng như bao người khác, chợt thấy mình trĩu nặng một riêng tư:
“Miên man chiều biển tím/ Dào dạt sóng vỗ bờ/ Dấu chân em lặng lẽ/ Chạy vệt dài xa xăm…/ Gió xóa nhòa nỗi nhớ/ Dấu trên cát chẳng còn/ Dấu trong tim hằn đọng/ Sao cho mờ… Gió ơi!”
Nàng không chỉ tinh tế trong thơ, tản văn của nàng cũng đẹp như thơ và đầy gợi cảm. Nàng tinh tế ngay cả khi hài hước, đặc biệt “tự biết mình”:
Lông mượt mượn của Cún con/ Tý già vẫn cứ hom hem xù xì/ Mịn màng, mướt mát.....ước gì...!!!!!!!/ Dưng Giời cho thế... thế thì thế thôi!
Xóm Tri ân “đã quá đã” với “người siêu hoa” của thày Đỗ Đình Tuân, còn thày thì “đã quá đã” với “Siêu quá là siêu” của nàng:
“Trồng bí: bí siêu ngọn/ Trồng cà: cà siêu cuống/ Trồng bắp: bắp siêu râu/ Trồng người: người siêu móm// Mới hay tái cơ cấu/ Hiệu quả thật bất ngờ/ Xóm làng mừng hớn hở/ Nhà mình có siêu già.
Nét tinh tế mà hóm hỉnh trong thơ nàng dẫn người đọc vào những cung bậc cảm xúc bất ngờ. Nếu có điều gì cần “chỉnh” trong thơ nàng thì đó chính là VẦN. Nàng cố tình bất chấp luật về vần. Người đọc đang trôi êm đềm trong mạch lục bát ngọt ngào thì nàng ngáng cho một bàn cào. Điển hình là bài “Bao giờ…”
Bao giờ cho tới ngày xưa
Bao giờ cho tới những mùa mộng mơ
Ngát xanh cái liếc tình cờ
Ngát thơm vành nón che hờ bờ vai
Ngẩn ngơ một chút khát khao
Bâng khuâng một chút cái thời hoa niên
Phút giây quên bớt ưu phiền
Cho mình một chút về miền tuổi thơ
Hoàng hôn tím đến thẫn thờ
Ủ muôn hạt nắng đón chờ ban mai.
Bao giờ cho đến......ngày mai
Bao giờ cho hết những ngày mộng mơ????
Bao giờ cho hết những ngày mộng mơ????
Người đọc như đang nhâm nhi bát chè hoa cau ngọt mát thì bị hóc lưỡi câu loại bự, đau hết cả người. Nếu quả có một luật mới nào đó về VẦN trong thơ, nhất là thơ lục bát thì người yêu thơ nàng vẫn mong không bị hóc lưỡi câu khi cùng nàng dạo bước cõi thơ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét