Nhật ký 2012 ( IV)

2-4
 TIẾP TỤC CÂU CHUYỆN VỀ LƯU MANH VÀ TRÍ THỨC
    Đọc trong mạng, thấy có bài Tên cướp đỏ, Phan Ba dịch từ chuyên san lịch sử "Trung Quốc của Mao Trạch Đông" do GEO EPOCHE xuất bản nói về chính Mao.  
     Để nói rằng đó là một tên cướp đỏ, bài viết đưa ra rất nhiều chi tiết nói về tính cách lừa dối hiếp đáp người khác ở Mao. Muốn hiểu thế nào là vô thiên vô pháp, hãy nhìn vào ông. Không việc gì mà ông ta không dám làm, nó là tiền đề để dẫn tới những hành động sẵn sàng lừa dối và khủng bố hành hạ cả một cộng đồng vài trăm triệu dân của nhà lãnh tụ.


     Nhưng bài viết lại cho tôi một chi tiết mới—Mao rất thích sử, rất giỏi sử. Sau khi học trường sư phạm Hồ Nam, ông  từng là giáo viên dạy sử. Về phương diện hiểu biết quá khứ, đó thực sự là một trí thức.
     (Anh Nguyễn Bá Dũng từng kể với tôi một câu chuyện thú vị. Lúc trẻ cả Mao Trạch Đông lẫn Tưởng Giới Thạch đều mê sử. Có một hồi hai người cùng làm việc tại đại bản doanh của Quốc Dân đảng, sáng dạy thường ra sân, mỗi người một cuốn sách. Lần ấy, từ hai góc sân hai người gặp nhau, tay đang để quyển sách sau lưng xòe ra cho người kia biết là mình đang đọc sách gì.  Thì ra cả hai đều đang đọc Tư trị thông giám của Tư Mã Quang.  Người Việt nói đến sử TQ, chỉ biết Tư Mã Thiên. Tầm cỡ Tư Mã Quang cũng tương tự. Tư ở đây là dựa vào, thông qua.Tư trị thông giám , theo nghĩa đen, nghĩa là tấm gương chung về việc cai trị nhìn qua các đời.)
    Thế tức là cái chất độc vô thiên vô pháp của Mao được chắt ra từ chính lịch sử Trung Quốc?
     Tôi chưa đủ trình độ để trả lời câu hỏi này, chỉ tạm thời rút ra kết luận cho bản thân. Có những con người là một thứ hợp kim kỳ lạ. Trí thức và lưu manh vốn là hai chất đối địch. Nhưng ở Mao, chúng lại được pha chế theo một công thức riêng, tạo nên sức mạnh của quỷ dữ.
     Quay trở về với những trường hợp ở đời sống chung quanh, thấy ở một xã hội kiểu làng Vũ Đại như xã hội mình, lưu manh hóa là một khả năng thường trực ở lớp trí thức, và khi đó người trí thức trở nên hung hãn hơn hẳn chứ không phải chỉ rụt rè yếu đuối như chúng ta quen nghĩ.


3-4
 TẠI SAO HỌ KHÔNG THỂ PHỤNG SỰ QUỐC GIA?
   Trong sách Luận ngữ , chương Dương Hóa tiết 15, thấy có ghi:
    Có nên để cho kẻ đê tiện phụng sự quốc gia chăng? Khi nó chưa có lộc vị  thì lo để cho được, khi được lộc vị rồi thì lại lo sợ mất đi. Đã lo mất mồi phú quý   thì điều ác nào nó chẳng dám làm ?
    Để khỏi mất thời gian của bạn đọc, tôi không ghi nguyên văn chữ Hán mà chỉ ghi bản dịch.
    Đây tôi lấy theo bản Tứ thư do Hoàng Văn Thư biên soạn, Nxb Văn hóa thông tin 2003.
    Sở dĩ tôi lấy bản này vì thấy hai chữ sự quân ở nguyên văn, các bản dịch khác đều dịch là thờ vua, nay ở đoạn trên, HVT dịch là phụng sự quốc gia. Nghe có vẻ hiện đại một chút, nhưng nghĩ kỹ thấy vẫn đúng tinh thần của nguyên văn và sát với nhu cầu của con người đương thời.
   Bây giờ hãy đi vào ý chính của đoạn văn.Thông thường mọi người khinh bỉ  những kẻ đê tiện (nguyên văn chữ Hán là bỉ phu – bọn không có kiến thức và phẩm hạnh), chỉ vì chúng làm hại tới quyền lợi cá nhân chúng ta. Nhưng với việc bọn bỉ phu này quản lý xã hội thì ta mặc kệ. Do đã quá chán giai tầng quý tộc, nhiều thế hệ hôm nay và cả trước đây đặt hết hy vọng vào những kẻ hạ tiện này.
     Xuất phát từ tình hình xã hội Trung Quốc cổ đại, câu nói trên hai ngàn năm trước của Không tử giống như một lời cảnh cáo. Và nếu nhìn ra chung quanh, chúng ta thấy lời cảnh cáo này vẫn đang được chứng nghiệm.


7-4
NHỮNG CHUYỆN KỲ CỤC
      Có lần đọc một bài viết về Voi và đỉa trên mạng TN. Con vật cần được bảo vệ thì truy đuổi đến cùng để tận diệt cho bằng hết. Con vật cần phải tận diệt triệt để thì lại dung dưỡng chỉ vì một chút tham vặt mà không lường hết những nguy cơ .
       Cái hướng chung của cách cư xử thời nay, của nhiều chính sách thời nay nữa, thường sai lệch ngược đời  như vậy.
     
       Thời bọn tôi đi học có chuyện đám học sinh lười biếng thì thầy cô và các bạn xúm vào giúp đỡ, còn các bạn giỏi thì dễ bị làm phiền, người xuất sắc thường bị kéo thấp xuống để cho hòa với đám đông.
        Nghe nói thời nay lại càng như vậy.
       Chính ra đó lại là một thứ bất công chứ không phải công bằng chi cả.


        Ng H Thiệp kể ở Binh Dương có nhiều cặp vợ chồng trẻ đẻ con xong thì mang cho.


MIẾNG ĂN QUÁ LỚN
          Trên TV cứ độ mươi cái quảng cáo thì năm sáu cái liên quan đến chuyện ăn. Từ già đến trẻ con, người ta mặt mũi tưng bừng sung sướng hoặc mắt lim dim  sống cho hết cảm giác được tận hưởng một món ăn ngon.
      Lúc lẩn mẩn, tôi tính giá có sức sẽ ngồi điểm lại tình hình người Việt và miếng ăn. Qua những điều tôi đã đọc được trong văn chương và cả những điều tôi biết từ giới viết văn, có cảm tưởng ở đây ẩn chứa cả tình trạng kiếm sống của cộng đồng bao đời nay, nó làm nên một quá khứ nghĩ lại thấy ứa nước mắt và nghĩ về phía trước thấy biết bao ngần ngại.


CÁI MẶC PHỤ THUỘC VÀO NGƯỜI
     Lâu nay với đám dân Hà Nội làng nhàng như bọn tôi quần áo hầu như hoàn toàn là hàng may sẵn, trong các gia đình không thấy bố mẹ dẫn con cái đi may quần áo mà chỉ có đi mua.
    Ờ, cái đó là dấu hiệu của xã hội hiện đại, ta chịu vậy.
     Nhưng điều đáng nói là quần áo chúng tôi mặc bây giờ hình như chẳng có thứ gì là vải nội địa, do VN sản xuất: tất cả là vải ngoại, chủ yếu là vải Tầu. Một cộng đồng gần trăm triệu người thế này mà không thấy có những nhà máy dệt của mình, không có thứ hàng của mình, thế là thế nào?
    Ấy là không kể các kiểu quần áo thì lai tầu lai tây đủ dạng.
    ( Lại nhớ cái lần anh Phan Cẩm Thượng kể khi làm cố vấn phục trang cho một bộ phim lịch sử; lúc qua Trung quốc trình bày với họ, nói là thời ấy dân tôi quan tôi ăn mặc thế này thì họ lấy ra các mẫu sẵn có và bảo thẳng rằng như họ mới chuẩn, ta đã làm theo lại làm không đúng; cũng cãi liều cho xong, nhưng trong bụng phải nhận là họ có lý thật. )


10-4
  NGHỆ THUẬT THUỞ ĐÓI NGHÈO
    Khánh Ly nói về một thời lãng mạn và đau khổ. Thời đó KL theo Sơn đi biểu diễn ở các trường đại học, không có thù lao; khi hát thường đi chân đất, nên được gọi là nữ hoàng chân đất
   Ở Hà Nội những năm ấy, hồi trước 75, một trong những niềm vui của ngày chủ nhật là được nghe chương trình ca nhạc theo yêu cầu của thính giả. Tôi nhớ tiếng hát Bích Liên , tiếng hát Thanh Huyền… Người biểu diễn cũng nghèo, người nghe cũng nghèo. Nhưng nghệ thuật hồi ấy có được cái vẻ thánh thiện mà nay tôi ngờ lớp trẻ không sao có nổi.
          
13-4
 SỰ DỐT NÁT CỦA QUAN LẠI
  TRONG LỊCH SỬ
  Trên báo Đại Đoàn Kết  từ cuối tháng 3 có mục Cán bộ phải là công bộc của dân.  Tôi sợ cách đặt vấn đề như thế là của thời 45-46. Hơn sáu chục năm đã qua, nay bộ khung đoàn thể hôm qua đã qua thành bộ máy nhà nước với hệ thống quan chức ngày một bành trướng. Nhiều thanh niên vào đời hiện nay cũng biết rõ là cách lập nghiệp nhiều triển vọng nhất là tham gia vào bộ máy công quyền ở đó tha hồ có mọi thứ cần thiết. Vậy phải cập nhật mà đặt vấn đề nghiên cứu về  bộ máy quan chức trước khi muốn khuyên bảo họ thế nọ thế kia.
      
     Ở nhiều người có sự ngộ nhận bộ máy quan chức thời nay khác hẳn quan chức thời xưa.
     Trên lý thuyết mà xét thì đó là điều không thể có.
      Đi vào sử sách càng thấy như vậy.
      Đọc những sách mà người Pháp viết, thấy họ kêu giời lên vì tình trạng quan chức người Việt dốt nát đến cùng cực và tham lam thì cũng không kém.
      Thế sách vở của VN? Tôi đã có lần dẫn ra tình hình thời Lê sơ là quan lại vốn chỉ quen chiến chinh, nên với việc kinh bang tế thế, dốt là cái chắc. Nay đọc lại ở Đại Việt sử ký toàn thư ( bản của Nxb Khoa học xã hội 1985, tập II , trang 389)  còn  thấy có đoạn kỹ đến thế này:
       “Bậc túc nho như  Lý Tử Tấn Trình Thuấn Du thì đẩy vào chỗ nhàn, phường dốt đặc ồn ào như ong đàn nổi dậy như chó chuột nhe răng. Tể thần như Lê Sủng Lê Sát thì ngu si không phân biệt nổi sáu loài súc vật; chưởng binh Lê Điêu Lê Luyện thì mù tịt, chẳng sao hiểu được bốn mùa trong một năm. Văn giai như Công Soạn tuổi gần tám mươi, tể thần như Lê Ê không biết một chữ. Người trẻ không biết nghĩ, làm việc ngông cuồng; người già chẳng chết đi, trở thành mối họa “  


16-4
 Ý NGHĨA CỦA CÔN ĐẢO
   Đến Côn Đảo, thấy đây như nước VN thu nhỏ trước 1945. Bãi biển vắng lặng vài người qua lại. Các trường tiểu học rộng mênh mông, khung cảnh mà tôi chỉ được biết hồi nhỏ. Người ở chợ từ tốn mua bán. Bãi biển lưa thưa vài người. Đường vắng. Đây có lẽ là nơi duy nhất mà người ta làm đường trước rồi mới tính chuyện xây nhà.
   Tôi  đặc biệt thích kiến trúc Côn Đảo. Cả thị trấn đáng được coi là một thứ bảo tàng thuộc địa. Sẽ là bất lương – theo tôi – nếu chúng ta không ghi nhận sự có mặt của văn hóa Pháp trong văn hóa VN.


SẴN SÀNG ĐÁNH MẤT MÌNH
       Trong cuốn Khám phá các làng nghề quanh Hà Nội, tác giả là một người nước ngoài cho biết người ta kể với bà là ngay dân Bát Tràng cũng có lối làm ăn rất vô nguyên tắc. Lợi dụng uy tín sẵn có, họ sắn sàng “luộc” hàng nơi khác nhận làm hàng của mình đánh lừa người mua. Họ bảo làm từ đầu thì chỉ đủ ăn không giầu nhanh được.
     Cái gốc của chuyện này, tôi nghĩ là chuyện trong xã hội hôm nay, các giá trị vẫn không được xác định chính xác và định giá đúng mức. Bao nhiêu giá trị giả mặc nhiên tồn tại. Giữa một giá trị cao và một giá trị thấp chẳng chênh nhau bao nhiêu. Ai cũng thấy mình ghê gớm mà lại chẳng là gì cả.


17-4
HỘI CHỨNG RỐI LOẠN NHÂN CÁCH

  Sự phổ biến của hiện tượng này khiến nhiều báo chí phải tìm tới các công trình nghiên cứu nước ngoài để xem nó được miêu tả ra sao.  Đây tôi dẫn lại từ một mạng y học:

Tiêu chuẩn chẩn đoán

  1. Tự cao tự đại về tầm quan trọng của mình (cường điệu các công việc và khả năng của mình, luôn muốn được xem là bề trên một cách không tương xứng với khả năng bản thân…)

  2. Cuốn hút bởi ảo tưởng về sự thành đạt, quyền lực…

  3. Tin tưởng rằng mình là người đặc biệt và duy nhất

  4. Thèm muốn mãnh liệt được ngưỡng mộ

  5. Ý nghĩ phải được phục vụ một cách đặc biệt và thỏa mãn một cách vô điều kiện các ước vọng

  6. Tận dụng những mối quan hệ để phục vụ các mục tiêu bản thân.

  7. Thiếu sự đồng cảm: không nhận thức và chia sẻ tình cảm, nguyện vọng của người khác.

  8. Luôn đố kỵ với người khác và tin rằng người khác cũng sẽ đố kỵ mình

  9. Có thái độ, hành vi kiêu căng

.   Nguyên nhân

  • Một tính cách quá nhạy cảm từ khi sinh.

  • Hay được người lớn cha mẹ khen ngợi hoặc đánh giá cao về những khả năng hoặc vẻ bề ngoài quá đặc biệt.

  • Cảm giác bị la mắng gay gắt ở thời thơ ấu.

  • Bị cha mẹ chăm sóc một cách hời hợt hoặc tạo cảm giác không tin cậy vào mình.

  Hồi trước, bên ngành văn chúng tôi, trong số các thứ lý luận hướng dẫn sáng tác có thứ lý luận về nhân vật tích cực. Các nhà văn xoàng xĩnh cố gắng xây dựng một vài mẫu người, rồi các nhà phê bình châu đầu vào phân tích loại nhân vật đó. Anh PHG bạn tôi đi học ở Liên xô hồi đó kể, một nhà nghiên cứu Xô viết đã thử mang các đặc tính được miêu tả ở một nhân vật tích cực tới trình bày cho một bác sĩ, thì được người này trả lời, có là tâm thần, là điên thì con người ta mới có cách cư xử theo kiểu đó.


    Hôm nay đây đọc các tiêu chuẩn về rối loạn nhân cách nói trên, tôi lại thấy nó đang phổ biến ở nhiều người bình thường, nói cách khác, phần lớn chúng ta đang rối loạn nhân cách, mà chúng ta không biết.


20-4
 THIÊN TÀI TRONG ĐÁNH GIÁ
   Ai cũng nghĩ làm thì khó, chứ đánh giá thì ai chả biết. Trong một cuốn sách kinh tế, mang tên Đường đến kết quả, do Ngân hàng thế giới xuất bản,  tôi thấy người ta dạy về cách đánh giá rất cẩn thận.
    Tôi thích nhất một đoạn của Winsston Churchill được sách này dẫn lại, đại ý nói không mấy khi người ta có đủ các dữ kiện chính xác; trong thực tế  người ta luôn luôn gặp thông tin trái chiều nhau cũng như các dữ kiện chưa chắc chắn. Trong hoàn cảnh đó, mà vẫn rút ra được các kết luận chính xác thì mới gọi là thiên tài thực sự.


     Đến một ngôi chùa ở Trà Vinh  ( có lẽ là  chùa Sam-rông ek như tôi đọc về sau trong một cuốn sách hướng dãn du lịch ?). Chợt  nhận ra một khu kiến trúc cổ , giống như một tòa tháp ở Mỹ Sơn nay để hoang vắng. Tôi cho rằng cái chỗ đó lại còn đáng xem hơn các chỗ sơn son thếp vàng mới được phục dựng.


NHỮNG HÌNH THỨC KHÔNG NỘI DUNG
   Nhiều người đang  băn khoăn về chữ lễ của người Việt. Đứa trẻ đưa tôi tờ giấy, tỏ ý tôn kinh, cố giơ thẳng hai tay trong khi đó cả người cháu co rúm lại rất buồn cười. Trong thư gửi tới những người mà mình tỏ ý kính trọng, nhiều bạn trẻ cố thêm vào cuối câu chữ ạ, thêm vào một cách rất ngô nghê. Trong cuốn Thế giới hán hóa mới, tôi thấy tác giả lưu ý một sự khác nhau như sau. Phương Tây quan niệm chỉ cần nhìn vào hình thức là đủ. Còn người Trung Quốc họ quan niệm chữ lễ rất nghiêm túc, một hình thức mà không có nội dung thì thà đừng làm còn hơn.


20-4
MỘT ĐỊNH HƯỚNG ĐỊA LÝ TRONG HỘI NHẬP
PHẢI LÀ ĐÔNG NAM Á
    Gặp lại Nguyễn Quân , ghi nhận một ý của Quân là chúng ta đừng có quá mơ tới chuyện đánh đu với các ông lớn trong văn hóa Đông Tây mà hãy trở vê với Đông Nam Á , trong làm ăn sinh sống trong trong mọi sinh hoạt văn hóa chúng ta  rất giống với các nước quanh ta, nếu không muốn nói là lạc hậu hơn.
     Thời Pháp thuộc, cả ta lẫn Campuchia và Lào được gộp chung vào một khối  gọi là Đông dương thuộc Pháp. Bây giờ hai chữ Đông Dương nghe đã quen, đến  mức nhiều người quên rằng nó vốn được dịch thoát từ chữ Indochina; nghĩa đen Indochina là nơi các yếu tố Ấn Độ và Trung Hoa giáp nhau, nhưng đồng thời lại phi Hoa phi Ấn, chẳng thuộc hẳn về bên nào cả.
    Cái yếu tố có nội dung địa lý nhân văn này có thể có ích cho những người nghiên cứu lại lịch sử dân tộc.






THẾ GIỚI NÀO VẬY ? 


RFA 25-11-2011 Theo báo chí Trung Quốc, trước tình trạng các công ty an ninh giả mạo hoành hành tại Bắc Kinh, trong đó có những công ty sẵn sàng giam giữ người trong các "hắc ngục" hay nhà tù bất hợp pháp, chính quyền thành phố đã phải tung chiến dịch truy quét. Tuy nhiên, theo giới bảo vệ nhân quyền, các hành vi phi pháp này khó có thể bị bài trừ.

Từ năm ngoái đã vậy, đến nay với vụ Bạc Hy Lai, người ta chợt nhận ra có một Trung Quốc khác, nằm sâu trong lòng nước Trung Hoa mà chúng ta không biết.

Như ở ta vậy.

LÀM CHO MỌI NGƯỜI  HIỂU ĐƯỢC SỰ BẾ TẮC
    Ông Dương Trung Quốc bảo“Đất  nước chúng ta đang đi trên một cỗ xe mà người lái xe không biết lùi, và trên cỗ xe phanh hỏng. Và chúng ta chỉ băm băm lao về phía trước, đầy những rủi ro”.
      Có thể là nhiều người đã biết những câu này. Nhưng tôi cho rằng chúng ta còn phải nhắc lại nó luôn luôn, cần phải đóng khung nó vào các trang báo hàng ngày, phải đặt nó ở trước bàn làm việc của  các viên chức, và có thể cả trước cửa trường cửa lớp để thế hệ trẻ của chúng ta thấy sự bế tắc của tình hình đương thời mà cùng tìm cách vượt qua và trước mắt…yên tâm chịu đựng.  
  
26-4
 CUỘC SỐNG KHÔNG ĐƯỢC NGHIÊN CỨU
  Sau phần Thói hư tật xấu người việt trong làm ăn buôn bán , tôi định viết riêng Người Việt thời nay và việc buôn bán thì gặp một bài thú vị trên RFI 25-4-12. Nhân có việc doanh nhân người Việt có xu hướng rời bỏ Ba Lan, người ta phân tích cách làm ăn của người mình thường đi theo lối mòn, dễ làm khó bỏ, và nhìn lại thì thường chỉ thành công ở thời điểm còn đang nhốn nháo, còn như trên những địa bàn cần hiểu biết rộng rãi thì bao giờ cũng chào thua người Tầu .
    Người đứng ra khảo sát là một nhà báo Ba Lan.
    Cả ở trong nước lẫn khi ra nước ngoài, người mình chỉ bảo nhau hành động chứ chưa bao giờ tách ra để nghiên cứu tình hình cả.  
    Khác với Trung quốc.
    Anh Tạ Ngọc Liễn có lần bảo tôi là riêng ở trung tâm Việt Nam học ở Đại học Trịnh Châu thủ phủ tỉnh Hà Nam Trung quốc, đã có 500 chuyên gia nghiên cứu về lịch sử  và văn hóa VN.
   Tôi đã ngờ ngợ sao lại nhiều thế, nhưng anh Liễn cả quyết, người Trung Quốc có truyền thống tìm hiểu bên ngoài, họ có chuyên gia về cả thế giới. Người học tiếng Nga hay tiếng Anh ở VN đều biết rằng khi có chỗ nào bí, tìm tới những cuốn Anh Hán Nga Hán là ra tuốt.
   
29-4
 TÍNH ĐA NGHĨA CỦA LỊCH SỬ
   Trên mạng GDVN - 25/01/2012  có bài Đại tướng Lê Đức Anh: "Bệnh thành tích thực chất là bệnh giấu dốt" http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Dai-tuong-Le-Duc-Anh-Benh-thanh-tich-thuc-chat-la-benh-giau-dot/100882.gd . Bài báo có đoạn viết:    
   “ Việc chúng ta năm nào cũng nói đến việc thắng Pháp, Mỹ trong các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc thì có đúng không? Theo tôi là chưa đúng. Pháp, Mỹ đều là các siêu cường cả về khoa học, kỹ thuật, quân sự đến Liên Xô thắng được phát xít Đức cũng phải nể.

    Thời điểm đó, mình thắng Mỹ làm sao được, mình là một nước nông nghiệp lạc hậu, chưa có vũ khí gì hết, không làm ra được 1 chiếc ô tô, xe máy. Đó là chúng ta bảo vệ được độc lập và Pháp, Mỹ phải rút quân. Sự thực như thế nào nói như thế, không được nói dối.”
     Nhân săp tới ngày 30-4, tôi cứ muốn theo tinh thần trên mà nghĩ lại mọi chuyện, trước mắt là xác định thực chất cuộc chiến thời kỳ sau 1954 là gì?  Có phải là nó có cả nghĩa khác, chứ không phải một nghiã duy nhất như chúng ta vẫn nói?




4-5

Mạng AlanPhan 3-5, 2012 có  bài Sự khác biệt quá lớn giữa người Việt Nam và người Nhật .
     Bài báo  kể rằng sau khi nói chuyện bên Nhật động đất, một số người mình đặt câu hỏi: Nếu tai họa như nước Nhật xảy ra tại VN thì chuyện gì sẽ xảy ra? Bà Mạc Việt Hồng đã diễn tả bức tranh đó như thế này:
- Động đất có khi chết 200 nhưng giẫm đạp lên nhau mà chạy, chết thêm nghìn nữa.
- Các ban ngành sẽ họp bàn cách cứu hộ từ ngày này qua ngày kia.
- Cướp giật hôi của sẽ phổ biến, hoa người ta còn cướp giật nói chi tới đồ ăn hay tiền bạc vào lúc hỗn quan hỗn quân như vậy. Người đi hôi của sẽ nhiều hơn người đi cứu trợ.
- Nếu có phát khẩu phần ăn sẽ chẳng có hàng lối gì, bà già trẻ nhỏ sẽ bị chen cho bẹp ruột, ai thắc mắc hay nhìn đểu mấy kẻ chen lấn, thì “bố cho mày mấy chưởng”.
- Sẽ xuất hiện đủ loại cò: Cò mua, cò bán, cò di tản, cò cứu trợ, cò bệnh viện… tha hồ chặt chém đồng bào.
- Tiền và hàng cứu trợ sẽ vào tay dân thì ít, cửa quan thì nhiều.
- Ai muốn người nhà mình đang kẹt trong đống đổ nát được đào bới, tìm kiếm trước thì hãy chi đẹp cho đội cứu hộ.
- Khu nào có quan chức ở thì được ưu tiên cứu hộ trước, khu nào dân đen sinh sống thì cứu sau.
- Cửa hàng sẽ thi nhau tăng giá, bắt chẹt những người khốn khổ.
- Tổ chức nào, tôn giáo nào muốn cứu trợ thì phải được sự đồng ý của Mặt trận Tổ quốc và các cấp chính quyền kẻo các “thế lực thù địch” lợi dụng.
…v.v….
     Tôi sở dĩ phải chép lại cả đoạn dài này vì thấy đó là điều có thể chia sẻ và muốn nhiều người cùng chia sẻ. Nay là lúc chúng ta bắt đầu hiểu nước ta lạc hậu dân ta kém cỏi không phải vì một thứ thế lực nước ngoài nào cả, mà chính là tự trình độ tổ chức cuộc sống ở ta chỉ đến vậy. Cả một cộng đồng hỗn hào trong đua chen kiếm sống, giành giật nhau mà sống, bạo lực tha hồ hoành hành, cái ác lan tràn không sao đủ sức chống lại. Một xã hội  dễ bị thương tổn và kém tự tin như thế thì làm sao có thể đứng vững trước mọi tai họa đang dồn dập đe dọa loài người trong thời hiện đại.


 SUY THOÁI NGAY TRONG NĂNG LỰC LÀM NGƯỜI    
  Đi đâu cũng nghe được những lời than phiền về sự suy thoái đạo đức. Nhưng song song với hiện tượng đó, còn cần phải lưu ý đến sự suy thoái trong năng lực làm người với nghĩa trình độ nghề nghiệp con người thời nay đang xuống rất thấp.  
     Nhìn vào ngành nào cũng vậy, từ sản xuất tới làm ăn buôn bán, trong văn hóa trong giáo dục, trình độ tay nghề của một người thầy, năng lực học hỏi cái hay cái đẹp nước ngoài của một ca sĩ…   cái gì người thời nay cũng thua kém cả ông cha --cụ thể là người Việt nửa đầu thế kỷ XX.-- , chứ đừng nói không là gì, so với thế giới.
       Cũng trong bài trên mạng AlanPhan có dẫn một ý của nhạc sĩ Tuấn Khanh “Đôi khi giữa những hoang tàn đó của nước Nhật, người ta bừng sáng hy vọng và đôi khi sống giữa những điều được gọi tên là bình yên của đất nước mình, một người Việt Nam vẫn có thể cảm nhận được những ảnh chiếu sắc cạnh của sự hoang tàn.” ( Góc ảnh chiếu từ nước Nhật ) .
     Hai tiếng hoang tàn cuối cùng đã gọi đúng hồn cốt của một đất nước sau 37 năm vẫn chưa thoát khỏi chiến tranh.


12-5 
GHI VẶT VỀ GIÁO DỤC
  -- Tỉnh nọ có lệnh học kém không cho thi đại học. Tôi đọc thấy vớ vẩn quá, đã gọi là học kém thì tự nó đã không tốt nghiệp trung học, vậy thì làm gì phải đặt vấn đề cấm không cho thi đại học nữa. Lòi ra cái đuôi là các kỳ thi tốt nghiệp  báo cáo chín mươi  với suýt soát trăm phần trăm, toàn là đồ giả.
  
      Cháu tôi học lớp một gần hết năm chỉ thấy lo luyện chữ đẹp còn phần hiểu nghĩa và cách sử dụng từ thì rất sơ sài.
    Các cô giáo than phiền học sinh học nặng quá. Họ bảo các em không có thời gian đọc sách. Nhưng tôi lại thấy cả ở trường và ở nhà các em bị cuốn vào những việc vô bổ. Ở tuổi tương tự các thế hệ trước đã trưởng thành rất nhiều rồi. Thực ra năng lực con người là một cái gì vô tận, miễn là ta biết đánh thức.


13-5


    Có tin là nhiều phụ huynh xin cho con vào trường thực nghiệm Hà Nội đã chầu chực ngày đêm và xô đổ cả cổng trường.
     Một người bạn tôi bảo cha mẹ thế mới là biết lo cho con cái chứ!
     Tôi chỉ phì cười, ờ, chắc là nhiều người trong họ còn sẵn sàng có ô tô đưa con đến trường nữa; chỉ có điều giá kể bảo họ hàng ngày xem lại bài vở của con cái và giúp con học tập thực sự-- chứ không phải lấy mấy cái điểm mười rất rẻ của nhà trường hiện nay--, thì chắc là họ không làm nổi. Họ chỉ muốn mà không biết làm thế nào để lo cho con cái cả.


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét