Nhật ký 2012 ( II )

1-2 
TIẾP TỤC CÂU CHUYỆN NGƯỜI XƯA NGƯỜI NAY
    Cậu em tôi kể có người hỏi Lê Khanh, con gái Hà Nội xưa và nay khác nhau ra sao, nữ nghệ sĩ này trả lời như sau. Xưa con gái đẹp đi đường mà bị con trai trêu, chỉ cúi đầu che nón bỏ đi. Còn ngày nay bị con trai trêu là các nàng chửi giả ngay.


    Sinh thời anh Võ Huy Tâm kể với tôi là công nhân mỏ thời Tây không bao giờ ăn cắp vì ăn cắp lập tức bị đuổi việc. Còn ngày nay thế nào thì ta biết rồi.

    Thời bọn tôi đi học cũng có cóp bài của nhau, nhưng là bí quá phải cóp. Còn ngày nay học sinh chuẩn bị cóp ngay từ ở nhà. Và không cần che giấu. Sau các kỳ thi phao trắng sân trường.


    Nguyễn Hiến Lê có lần than phiền là người già thời nay khổ quá, nuôi dạy con trưởng thành về già lại còn phải lo cho chúng mãi.


    Đọc trong Kinh Lễ thấy người Trung quốc thời Thương Chu khuyên nhau chỉ chữa bệnh ở những thầy thuốc đã làm nghề y ba đời. Thấy người xưa sướng quá, người thời nay chúng tôi mấy ai dám tính chuyện lựa chọn kỹ như thế.


      Sau ngày 30-4 một ông anh họ tôi ở SG có bị đi cải tạo ít ngày rồi về ngay vì thời trước ông chỉ làm ít việc liên quan đến kinh tế. Cũng chẳng oán thoán gì nhiều, ông chỉ bảo nghĩ thương cho mấy ông quản giáo ở trại. Một là có trong tay một lực lượng rất giỏi giang mà chẳng biết dùng làm việc gì. Hai là lúc lên giảng bài cải huấn cho tù nhân, sao cứ vừa nói vừa sợ, chắc sợ mình nói sai với ý của cấp trên. Thành ra lúng túng ngượng nghịu đáng thương quá.


4-2
NHỮNG NỖI SỢ THÔNG THƯỜNG
     Nội dung bài Thời sự và suy nghĩ  báoTuổi trẻ  hôm 30-1 là một lời nhắn nhủ  Đừng để lễ hội thành nỗi sợ.
    Lâu nay báo chí thường chỉ nói tới những nỗi sợ có liên quan đến quyền lực nhất là bạo lực.
     Nay hóa ra trong đời sống còn vô số nỗi sợ thông thường khác, những nỗi sợ này có sắc thái trung tính nhưng cũng rất tiêu biểu cho thời đại.
      Buổi sáng sợ đi làm vì không dễ gì vượt qua sự chen chúc trên đường. Đến sở sợ gặp không khí chơi bời xả láng đến mức thấy mọi cố gắng bản thân thành vô nghĩa. Có việc gặp cơ quan công quyền sợ mọi sự hạch sách vô lý.
    Đang ngồi trong căn phòng khách sạn chợt thấy tiếng loa phường mắc trên cột điện chõ ngay vào cửa sổ, nghĩ sợ sao không cách gì thoát nổi của nợ này.
    Đi họp phụ huynh cho con chợt phát hiện cô giáo là người kém cỏi lại ham thành tích, sợ không biết cô còn dẫn con mình tới chỗ nào.
     Một người bạn già của tôi bảo rằng tuy ốm đau luôn đấy nhưng rất sợ phải đi khám bệnh vì thường gặp một ông bạn cũ tháng nào cũng vào khám cốt lấy ít thuốc hạng bét về bán đi thêm tiền tiêu vặt.
      Nhớ những nỗi sợ được diễn tả trong văn học. Đây là hai câu thơ của Nguyễn Duy, tả nỗi khổ thời bao cấp nghèo đói:
    Vợ chồng ngủ với nhau như vụng trộm
   Không nỗi sợ nào bằng nỗi sợ có con
    Đoạn cuối Chuyện kể năm hai ngàn của Bùi Ngọc Tấn có một chi tiết lạ. Nhân vật chính ở tù ra đến xin đi làm. Ông cán bộ nhà máy biết rằng anh này xưa nay vốn rất tốt, nên vui vẻ ký nhận ngay. Nhưng vừa ký xong thì một nỗi sợ mơ hồ cứ bám riết lấy ông. Ông cứ phải nói to lên ta không làm điều gì xấu cả.
    Chính thức mà nói, ai cũng biết người mãn hạn tù tức là trở về có mọi quyền công dân bình thường, ấy thế mà sao lớp người chúng tôi vẫn gờn gợn thế nào mỗi khi tiếp xúc với họ, chắc đó là thói quen mà chỉ con người miền Bắc trước 1975 mới có.   


6-2
  TÌM THƠ Ở ĐÂU?
     Ngày hội thơ. Các nhà thơ diễn thuyết toàn thấy nói về họ đã làm những câu thơ ấy trong hoàn cảnh nào, muốn gửi gấm điều gì. Sau buổi festival, nhiều người tham dự trở về lại chỉ nhớ mấy giá hầu đồng và màn múa phụ họa. Chỉ có thơ là thiếu, không biết xem kỹ thế nào chứ liếc qua tôi không tìm thấy câu nào bài nào đáng nhớ. 


     Trong  khi đó thì tôi lại tìm thấy những lý giải về thơ khá thú vị trong một bài viết về …bóng đá
     Những khoảng lặng luôn có nhiều giá trị. Một trong những giá trị quan trọng nhất của nó là sự chiêm nghiệm. Nói như nhà thơ gốc Serbia, Charles Simic (chủ nhân giải Pulitzer 1990), thì thơ ca chỉ là đứa con mồ côi của sự tĩnh lặng. “Ngôn từ không bao giờ tạo ra được những trải nghiệm như những gì ở giữa chúng”. Hoặc nói như Khổng Tử, thì sự tĩnh lặng là người bạn không bao giờ biết phản bội.


   
    Đăng kể chuyện trên đường phượt xuyên Việt, đến đoạn cửa khẩu Pờ y có qua Lào chơi, thấy bên ấy còn nguyên rừng nguyên thủy, trong khi ở mình,  loại rừng nguyên thủy này đã bị đốn sạch.

    Về chuyện rừng bị phá, có lần đọc trên mạng RFA Thực trạng rừng Việt Nam hiện nay ra sao?  thấy một cán bộ lâm nghiệp ta khi trả lời phỏng vấn nói gần đây, độ che phủ rừng  VN tuy có tăng lên xấp xỉ  40%, nhưng tỷ lệ rừng nguyên sinh chỉ ở mức khoảng 10% so với mức 50% của các nước trong khu vực.

     Còn một chuyện khác.
     Độ hai chục năm trước tôi đã nghe chuyện cùng con đường 9, cùng dùng tiền do nước ngoài tái trợ, cùng một công ty VN làm, nhưng đoạn đường bên Lào tốt hơn hẳn đoạn trên đất VN. Lý do là vì quan chức bên Lào yêu cầu thợ làm nghiêm chỉnh, còn quan chức VN nhận tiền hối lộ xong thì mặc, đường làm thế nào cũng xong. Cố nhiên tôi không cách gì kiểm tra lại được, nhưng sao tôi tin chắc đúng như vậy. Dạo này đổ đốn đến mức ai nói chuyện gì xấu là tôi tin ngay.




7-2
KẾT THÚC TRUYỆN TRẠNG
    Đọc các truyện cổ truyện trạng kể theo kiểu liên hoàn như Trạng Quỳnh Trạng Lợn Ba Giai Tú Xuất thường thấy kết thúc bỏ lửng. Các trạng không có tuổi già. Trạng Quỳnh chết vì bị vua đánh thuốc độc. Điều đó còn được ghi trong câu lục bát Trạng chết chúa cũng băng hà—Dưa gang đỏ đít thì cà đỏ trôn.
    Nhưng tôi ngờ cái chết sóng đôi này là biểu hiện một mong mỏi của dân đen bọn mình hơn là tình tiết có thể có thực.
    Chỉ riêng Trạng Lợn hơi khác. Cuối truyện nhân vật này trở về với gia đình. Bà vợ-- trong truyện gọi là Phu nhân Phấn Khanh – bảo là bây giờ trạng phải ở nhà dạy con để lo người kế nghiệp. Trạng trả lời đại ý mình biết gì đâu, thôi phu nhân cứ làm như khi trạng vắng nhà, và bỏ đi chu du các vùng lạ.
    Tức trạng cũng hiểu thành đạt do gặp may chứ mình chẳng tài cán gì. Một cách nghĩ xa lạ với nhiều người Việt hiện nay dù họ cũng phất lên theo kiểu trạng.
  
HÔN QUÂN BẠO CHÚA  VÀ BỀ TÔI GIAN NỊNH
TRONG LỊCH SỬ
    Sách 100 danh nhân có ảnh hưởng đến lịch sử Trung quốc  (bản dịch của Nguyễn Văn Dương 2002) có lối phân loại nhân vật lịch sử khá kỹ. Chương I, dành cho các nhân vật ngoại hạng, như Khổng Tử Lão Tử Tần Thủy Hoàng Mao Trạch Đông. Chương II, các  vị đế vương các lãnh tụ vĩ đại.  Chương III, các nhà tư tưởng v.v…
    Lại thêm có phần phụ lục về 10 đại hôn quân bạo chúa và bề tôi gian nịnh, bao gồm vua Trụ, Tùy Dạng Đế, Từ Hy thái hậu, Tần Cối, Đổng Trác và Viên Thế Khải…
     Tôi đọc và thấy có lẽ phải làm thế mới gọi là làm sử.
    Lịch sử không phải chỉ là để nêu gương. Lịch sử là nói điều gì người nào đã có ảnh hưởng tới sự vận động của xã hội dân tộc thời đại. Có hiểu về những yếu tố  cả thuận cả nghịch này, mới hiểu quá khứ và định hướng thời đại.
    Tôi ước ao có người nào đó khi viết sử sẽ đi vào cuộc đời cả những bạo chúa và bề tôi gian nịnh trong lịch sử VN. Chắc chắn các nhân vật này ở VN khác nhiều so với những người cùng loại bên Trung quốc.


HỌC SỐNG TỪ NHỮNG TRANG VĂN   
 -- Tại sao nhiều bạn trẻ bây giờ không thể sống tốt?
    Trước câu hỏi đó, người ta nhắc đi nhắc lại rằng họ không được giáo dục. Nhưng thử nhìn vào các cuốn sách giáo khoa xem, cái tốt luôn được nói tới một cách tắc trách, chẳng có một nội dung cụ thể nào ngoài những công thức mơ hồ, nhạt nhẽo. Giáo dục của ta là thế.
     Chỗ riêng tư, một người bạn tâm sự với tôi sở dĩ anh có thể tốt được, theo anh tự nhận, chỉ vì đọc văn học khá rộng, ở đó anh thấy bao nhiêu con người với bao nhiêu cảnh ngộ và cách xử sự khác nhau.
     Cố nhiên thứ văn chương anh nói ở đây phải là thứ văn chương đích thực của nhân loại trong đó  nền văn chương tiền chiến ở ta là một ví dụ.


8-2
KHẢ NĂNG IM LẶNG
    Có một thứ năng lực mà người xưa hơn hẳn người nay, đó là khả năng cam chịu.
     Chắc có người nghĩ, nhấn mạnh khả năng cam chịu là làm hèn con người đi. Đâu có đơn giản thế. Khi biết là rơi vào tình cảnh bế tắc thì cam chịu là sáng suốt, cứ liều lĩnh làm bừa đi mới là ngu ngốc. Chính nhiều tôn giáo trong đó có Đạo Phật cũng đã dạy người ta cam chịu như là một sự chấp nhận. Im lặng và cam chịu ở đây đồng nghĩa với suy nghĩ, một nhân tố chuẩn bị cho một sự giải thoát đích thực.
   Trong các nhân vật trí thức nước mình, tôi thích nhất La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ( 1723-1804). Khi Tây Sơn cần, ông ra giúp, lập Sùng chính viện lo đào tạo cơ bản bằng việc dịch sách chữ Hán ra chữ nôm. Nhưng khi Quang Trung mất, ông làm việc dưới triều Quang Toản ít ngày, rồi rút lui về quê. Gia Long cho mời cũng từ chối.





   Nhưng có những khi người ta rơi vào hoàn cảnh muốn im lặng không được.

  Hồi 1974, Nguyễn Khải đi về Tiệp kể là trước mùa xuân Praha, các trí thức bên ấy bảo nhau: Nay là thời mà sự im lặng cũng phải câm nín.


10-2
 ĐỒNG LOẠT XUỐNG CẤP
     Tin trên Tuổi trẻ - Hàng chục tuyến đường ở TP Huế đang xuống cấp nặng nề. Có những con đường không thể đi lại được nữa, nhất là vào lúc này, khi mưa dầm kéo dài cả tháng.


     Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Thừa Thiên - Huế, có gần 20 tuyến đường ở TP Huế đang đồng loạt xuống cấp nặng nề-- tác giả bài báo viết --   nhưng thực tế còn nhiều hơn con số đó.
     Đường xá ra sao tình hình chung như vậy. Cứ nát bươm cả lên. Chỗ nào hôm nay còn tốt tháng sau năm sau sẽ hỏng thôi, tránh sao nổi.
   Nhân đây phải thú nhận một sự bất lực của tôi. Đang định dẫn lạị môt nhận xét của Hemingway có liên quan đến xu hướng trên. Đại ý trong một lá thư viết về chiến tranh, Hemingway kể rằng cái chết lúc nào cũng chờ mọi người; ai chưa chết hôm nay thì tháng sau sẽ đến lượt. Ở ta bây giờ cũng thế, không chóng thì chầy, tai vạ sẽ đến với tất cả.
    Biết là dẫn ra sẽ rất đắc địa mà chịu không nhớ là cái ý trên nằm trong tác phẩm nào của Hemingway để chép ra cho chính xác.


11-2
THÂN THIỆN VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI ?
      Trên mạng Huffington Post, bên Mỹ một khách du lịch cho biết: Không ai muốn trở lại nơi mà họ cảm thấy bị đối xử tệ. Khi tôi ở Việt Nam, tôi đã liên tục làm phiền, bị bắt phải trả quá giá, bị móc túi và bị đối xử tệ. Tôi không bao giờ cảm thấy được chào đón ở đó.
     Tin này vừa đưa thì trên báo có ngay bài phản bác, chê người du lịch kia là nói không đúng sự thật chắc là dân không chuyên nghiệp(!)
     Những chuyện này tôi vẫn nghe thấy luôn, dân mình làm phiền nhau chặt chém nhau đủ kiểu và cũng dùng đủ mọi cách đó với người nước ngoài.
      Thế mà họ vừa nói ra mình đã phản pháo ầm ầm thế, liệu ai người ta còn muốn dây với mình nữa?
    Ta chỉ thích người ta nói những câu giả dối rồi trong bụng có chửi thầm cũng mặc. Đến nữa hay không là việc của họ, chỉ có yêu cầu họ không được nói điều không thích với người chưa đến. Chẳng phải đó là cách hiểu về sự thân thiện rất phổ biến trong chúng ta hôm nay?


TẠI TA  HAY TẠI NGƯỜI ?
      Nhìn rộng hơn về mối quan hệ với nước ngoài. Một khách du lịch khác kể một giáo viên tiếng Anh tại Nha Trang cho anh ta biết người Việt được giảng dậy rằng tất cả các vấn đề mà người Việt gặp phải đều được đổ lỗi cho phương Tây, đặc biệt là người Pháp và người Mỹ. Nay người Việt hi vọng người phương Tây đến để tiêu tiền ở Việt Nam… do đó họ (người Việt) không chào đón tây ba lô (những người ít tiền).
    Nửa sau câu nói chỉ là chuyện nhỏ.
    Nhưng nửa đầu thì là chuyện lớn.
   Việc coi người phương Tây là nguyên nhân của mọi vấn đề mà người Việt  gặp phải là cách nghĩ của cả cộng đồng chứ không phải của riêng ai.
   Chẳng phải đó là lý do khiến chúng ta đồng tâm làm cuộc đổi dời lớn lao là đập vỡ xã hội cũ để dẫn tới tình trạng ngổn ngang hôm nay?


      Đỗ Mục (803-853) là một nhà thơ lớn đời Vãn Đường, nổi danh không kém gì Đỗ Phủ thời Thịnh Đường. Trong bài phú Cung A Phòng nói về sự hưng vong đời Tần Thủy Hoàng và  sáu nước thời Chiến quốc (Yên Triệu Hàn Ngụy Tề Sở) ông từng viết “Than ôi! kẻ diệt lục quốc không phải Tần mà là lục quốc. Kẻ diệt Tần chính là Tần không phải thiên hạ “. ( Theo bản dịch Cổ văn Trung quốc của Nguyễn Hiến Lê S. 1966 ).
  
      Có lẽ còn phải một thời gian nữa rồi dân ta mới đạt tới cách nghĩ  “tiên trách kỷ hậu trách nhân” như vậy. Nhiều người Trung quốc khi nhìn sự phát triển xã hội hiện đại cũng mắc bệnh này. Nhưng bệnh dân ta nặng hơn bệnh dân Tầu.  


19-2
 TIẾNG VIỆT LÀ THẾ NÀY Ư?

     Một bài báo hôm nay có tên Giết người man rợ. Tại sao tôi cứ thấy chương chướng khi đọc một cụm từ độc lập như vậy. Giá làm biên tập thì tôi phải sửa lại Một vụ giết người man rợ.

     Cũng tương tự, đọc một câu thơ Vĩnh biệt niềm đam mê chân mây Anh chỉ là chiếc áo ngủ điêu tàn tôi cứ ngờ ngợ. Điêu tàn vốn là hai chữ Hán ghép lại. Nhưng theo chỗ tôi tra ở các từ điển phổ thông Trung quốc thì từ ghép này bên ấy họ ít dùng. Còn ở VN, cuốn Hán Việt từ điển của Nguyễn Văn Khôn in ở SG 1969  ghi điêu tàn là tan nát, sụp đổ tan tành.

      Từ điển tiếng Việt của Văn Tân ghi xơ xác tàn lụi

      Từ điển Nguyễn Bá Đạm ghi giảm sút đến mức gần như mai một

       Nếu vậy thì làm sao có thể  viết chiếc áo điêu tàn được nhỉ!

      Lại còn trường hợp tên cuốn sách Tại sao Việt Nam?  của L. A. Patti. Tôi hiểu rằng đây là dịch thẳng từ tiếng Anh Why Vietnam? sang. Nhưng bao giờ nghe thấy cái câu Tại sao Việt Nam? , tôi cũng tự hỏi không hiểu tác giả muốn nói ý gì. Tại sao những chuyện này lại xẩy ra ở VN? Tại sao chúng ta có mặt ở VN ? Chắc là bên Anh Mỹ, người ta hiểu ngay cái mạch ngầm đằng sau. Lẽ ra, người dịch phải làm hộ người đọc cái điểm đó.

      Trong tiếng Việt sau từ tại sao, không bao giờ được phép ghép chỉ một danh từ nào đó. Ví dụ không ai nói tại sao cái búa?  Mà phải nói tại sao cái búa hỏng ? không nói tại sao hòa bình ? mà phải nói tại sao hòa bình được lập lại?

 Trích trong bài Kissinger bàn về Trung Quốc: Ý chí Mao Trạch Đông

      Chương sách đầu tiên về Mao mở đầu như sau: “Ở vị trí người đứng đầu của triều đại mới, triều đại mà vào năm 1949 đã tràn từ nông thôn ra tiếp quản thành phố, sừng sững một người khổng lồ: Mao Trạch Đông. Độc đoán, ảnh hưởng bao trùm, tàn nhẫn và xa cách, vừa là nhà thơ vừa là chiến sĩ, vừa là người đưa ra chủ trương vừa là nhà phê bình, ông thống nhất toàn Trung Quốc và đưa cả đất nước này vào một hành trình gần như hủy diệt xã hội dân sự. Điều kỳ lạ là cho tới cuối hành trình, Trung Quốc đã trở thành một trong những siêu cường của thế giới.”


Trích từ  30 điều thú vị về Thailand
    Thường bạn không bắt gặp những người say bia rượu trên đường phố Thailand. Người Thái dường như không bao giờ uống say, và nếu bạn hơi lâng lâng, thì họ cư xử bình tĩnh và không gây ồn ào. Trạng thái bình thường của người Thái say rượungồi và cười.
    đất nước này không chấp nhận nói chuyện to giọng. Và người hay cười không bị xem là kẻ ngốc nghếch, cười đáp lời Thailand – đó là chuẩn mực. Chính bởi vậy Thailand được gọi là đất nước của nụ cười.
    Trong tiếng Thái không có từ “đói”.





20 -2
    NHÂN CHUYỆN TÁI CƠ CẤU,
   NHỚ NHỮNG BÀI HỌC HỒI CHIẾN TRANH
  Chuyện sửa xe đạp
 1/ Có hỏng gì thì  sửa ngay, càng để lâu càng khó sửa.
  2/ Khi một ổ bi đã hỏng  thay vào vài viên bi mới cũng vô ích.
  3/ Lốp nát thì xăm tốt cũng vứt đi, và ngược lại. Xích líp cũng quan hệ tương tự
  4/ Khi các trục đã nát, không thể vặn chặt quá. Tốt nhất là để nó hơi giơ, tức là hơi lỏng một chút. Vặn chặt quá sẽ vỡ nát cả trục.


  Chuyện bó chân
     Năm 1969 anh T. B. đang công tác ở chiến trường Tây nguyên thì được lệnh ra Hà Nội. Cùng ra với anh có cả chị và hai cháu. Một cháu đã lớn, tự đi được. Một cháu nhỏ phải ngồi trong ba lô, nên khi ra chân bị cong như hai nửa hình tròn, T. B. phải nhờ quân y đập chân ra để bó lại cho thẳng. Hồi trước 1975, với chúng tôi đó là một quyết định quá bạo, nhiều người tự nghĩ ở địa vị mình không dám làm. Nhưng thử nghĩ làm gì có cách nào khác.
    Khi biết tôi định liên hệ chuyện này với vấn đề thay đổi cải cách xã hội hôm nay, một bạn tôi là bác sĩ bảo:
 --Nhưng nên nhớ rằng lúc ấy sức khỏe bệnh nhân phải tốt lắm.
     Một bạn khác nghiên cứu xã hội học đế thêm.
--Tôi hiểu. Không phải thấy việc gì cần làm là cứ nhắm mắt làm. Có một câu danh ngôn đại ý nói người ta không nên tính phá đi một căn nhà khi không hình dung ra sẽ xây dựng lại ngôi nhà mới như thế nào và có đủ tiền không. Tôi cũng thấy thế, không nên ủng hộ lối hành động chỉ để chứng tỏ là mình có hành động. Ngồi yên là có tội. Nhưng cũng không được chữa theo kiểu bôi bác và kêu ầm lên sau sửa chữa mình rằng có một ngôi nhà “trên cả tuyệt vời”.       




23-2


   Ở Hy Lạp, đôi chỗ dân bắt đầu có hình thức đổi công cho nhau, mà không dùng tiền.
   Ở Mỹ, bắt đầu có các cửa hàng trưng biển chuyên bán hàng Mỹ.
   Rút lại chỉ là nhân loại cảm thấy mình đã phát triển nhanh quá. Sự toàn cầu hóa -- sự hiện đại hóa --đã đến quá sớm.




  Có tin mấy thành phố như Nha Trang Hạ Long định phấn đấu để trở thành thành phố không có khói thuốc.
  Tôi định viết nghe mà thấy như chuyện tầm phào. Nhưng rồi đọc lại, hóa ra ở đây người ta có nói tới việc nhất định làm được đâu mà chỉ nói phấn đấu thôi, ai bắt vạ được. Cứ nói tướng lên là mình định thế này thế nọ. Không phải là ảo tưởng nữa mà là dối người và dối mình luôn thể. Có sao đâu?
   
    24-2


GHI VẶT
  Bên Nga săp bầu cử. Vừa thấy có những cuộc biểu tình phản đối thì lại có ngay những cuộc khác đông hơn vui vẻ hơn ủng hộ Putin. Do ông Putin tổ chức, cố nhiên. Một ông hiệu trưởng nói rằng ông được lệnh phải huy động các giáo viên tham gia, nếu không sẽ mất việc.
   Nay thì người ta có thể chế ra tất cả các thứ hàng giả, và thứ hàng giả chính trị ở cấp quốc gia như thế này đang phổ biến ở nhiều nước.


    Nhớ một lần họp báo, nhân có tin Putin đã có tới 40 tỉ đôla  gửi ngân hàng, một phóng viên phương Tây hỏi, nghe nói ngài giàu lắm phải không, thì được ngài tổng thống trả lời: Vâng tôi rất giầu, đó là giầu tình yêu của nhân dân Nga với tôi.


    Học sử ngoài đường được xem như một sáng kiến với nghĩa dưới tên phố danh nhân ghi thêm một đoạn về công tích danh nhân đó.
    Cái thứ sử mà chúng ta muốn mọi người biết chỉ là thứ kiến thức hời hợt và vu vơ như thế đó.
    Anh Tạ Ngọc Liễn bên Viện sử tôi quen từ hồi hay đi thư viện với nhau trước 1975 hôm nọ bảo thôi đành để việc viết sử VN cho người nước ngoài vậy.  


  25-12
  TRÌNH ĐỘ KHOA HỌC XÃ HỘI? Ở TA HÔM NAY
   Một tin ngắn trên bản tin VTV1—khoảng 80% (?) sinh viên Đại học khoa học xã hội nhân văn thuộc Đại học quốc gia HN không hiểu tại sao mình lại vào trường này và không biết sau này mình ra trường làm việc gì.
   Trước đó tờ SGTT có một đoạn tin nói rằng nhiều gia đình trẻ bây giờ gặp phải hội chứng trẻ thích nổi tiếng, thích cha mẹ trở thành đại gia. Sau đó báo phỏng vấn một tiến sĩ tâm lý học đề nghị giải thích hiện tượng đó và cho một lời khuyên.
    Câu trả lời của vị tiến sĩ rút lại chỉ là cái ý “cha mẹ hãy quan tâm tới con cái”


   Còn nhớ trong những năm chiến tranh, dân tạm gọi là lao động trí óc bọn tôi luôn được nghe cấp trên giảng đại ý là
 --về khoa học  tự nhiên ta có kém thế giới
 --còn về khoa học xã hội, ta có lý luận của ta, đạt trình độ tiên tiến của thế giới rồi, thiên hạ có  nước còn muốn cắp sách đến học ta nữa ấy chứ. 


27-2
  NÀO TA CÙNG TỰ SÁT  
      Cái tiêu đề này là của blog Nhị Linh, tôi mượn để nói thêm.
     Khi trả lời phỏng vấn một tờ báo Việt Nam, một chuyên gia giao thông người Nhật Bản nêu nhận xét rằng ông thấy người dân ở Hà Nội đi xe máy đúng theo kiểu tự sát.
     Có thể bảo “đâm đầu vào cõi chết” là tinh thần chi phối xã hội ta trên nhiều phương diện sống khác. Ít ra là trong mấy việc:
    1/ cách ta xả rác và hủy hoại môi trường
    2/ cách ta khai thác hầm mỏ, đất đai … và các di sản văn hóa để thu lợi
    3/ Cách ta dùng người và đào tạo lớp trẻ.
    Xin nói rõ ý thứ ba bằng chuyện bên ngành giáo dục. Sinh viên các trường sư phạm giờ đây khi ra trường dù là giỏi đến đâu cũng không được nhận vào biên chế ngay mà phải qua nhiều lần hợp đồng.
    Nói là để thử thách. Nhưng thực chất là để các nhà tổ chức hét tiền cống nạp đâu từ vài chục đến cả trăm triệu mỗi lần.
     Một phó giáo sư giáo dục học đã về hưu kể với tôi từ đây xảy ra hai tình thế, một là có nhiều cử nhân sư phạm mới ra trường không kiếm được tiền đành bỏ nghề; hai là những em có khả năng mang tiền nhà đi vay đi mượn để nộp thì sau này mặc sức cướp bóc học trò để hoàn vốn.
    Chuyện cướp bóc xảy ra ở nhiều ngành khác, nhưng đến giáo dục càng thấy đau lòng vì trong tay những thầy giáo như thế thì con em chúng ta còn làm sao mà nên người được.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét