Những cuộc phỏng vấn trong giả định
Thật ra cách tìm xuống âm phủ để hỏi chuyện “các bậc tài hoa” đã chết như thế này từng được nhà văn Phạm Thị Hoài đầu têu với việc phỏng vấn Hồ Xuân Hương in ở Lao động chủ nhật số 2 ra ngày 10-12-1989; người viết bài này chỉ học đòi mà phỏng theo.
Nhưng tôi – xin mạn phép tự nhận—là có cách làm riêng.
Phạm Thị Hoài mượn hình thức hỏi chuyện để trình ra một số ý nghĩ của mình về cuộc cách mạng tình dục; bài phỏng vấn đó thực chất là một tiểu luận.
Còn các bài viết của chúng tôi là bài phỏng vấn … thứ thiệt, với nghĩa đúng là những cuộc đối thoại. Sau các câu hỏi, là những câu trả lời. Chúng do người phỏng vấn bịa ra. Nhưng tôi tin rằng trong hoàn cảnh ấy, trước các câu hỏi ấy, người đối thoại với tôi --- trung thành với tính cách vốn có của mình -- có thể đưa ra câu trả lời như vậy. Họ sẽ ký duyệt cho bài phỏng vấn của tôi.
Cố nhiên đấy là mong muốn chủ quan. Xin bạn đọc xa gần, nhất là các đồng nghiệp thử xác minh hộ xem những người đối thoại với tôi có đúng là những Hồ Xuân Hương Tú Xương Tản Đà Nam Cao Xuân Diệu thật không, hay là những hồn ma nào khác..
Cả năm bài dưới đây đều in lần đầu trên tờ Thể thao & văn hóa đầu những năm chín mươi, sau đó đưa vào Những kiếp hoa dại - 1993 và in lại vào Cánh bướm và đóa hướng dương - 1999.
MỘT HAM MUỐN SÔNG
“THẬT ĐÃ ĐẦY, THẬT TRỌN VẸN”
Tự bạch của Hồ Xuân Hương
Trong số những câu thơ nổi tiếng nhất của Hồ Xuân Hương, có hai câu chỉ đơn thuần là một giả định, song đầy chất thách thức:
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?
Có vẻ như người viết nên hai câu ấy là con người không chịu an phận, con người nghĩ rằng lẽ ra cuộc đời này nên khác đi so với cái mà người ta đang thấy. Tất cả nên được sắp xếp lại. Và như vậy thì cái hội hóa trang này sẽ biết bao kỳ thú.
Câu thơ của Hồ Xuân Hương gợi mở cho tất cả chúng ta nhiều giả định khác. Những giả định riêng bên cạnh những giả định chung. Những giả định lớn lao và cả những giả định rất bình thường nữa.
Riêng trong phạm vi những người đọc và yêu thơ Xuân Hương, nghĩ và cảm bằng thơ Xuân Hương, tôi tưởng nhiều người chúng ta đều có chung một ước ao: có dịp gặp Xuân Hương, nghe Xuân Hương trò chuyện. Nghĩa là được giả định rằng Xuân Hương không phải là người của hai trăm năm trước, mà bà đang sống và làm việc giữa chúng ta, và những bài thơ như Mời trầu, Đề đền Sầm Nghi Đống, Mắng học trò dốt… chỉ vừa được viết ráo mực.
Bởi lẽ trong thơ, bà là một trong những tác giả cổ điển có cái dáng vẻ hiện đại bậc nhất, nên chi, về mặt tính cách, chắc chắn đấy cũng là một người dễ hợp với thời đại chúng ta, dễ chấp nhận cái đa đoan của thời đại chúng ta và cả những hình thức quan hệ mà thời đại ta đang có.
Tự bạch là cái cách mà các siêu sao điện ảnh và âm nhạc, siêu người mẫu cùng với cầu thủ bóng đá nổi tiếng đôi khi sử dụng để tiếp xúc với bạn đọc. Dưới đây, là một đoạn mà Hồ Xuân Hương trong giả định của tôi -- Hồ Xuân Hương người cùng thời với chúng ta -- tự bạch, thông qua gợi ý của một số câu hỏi ngắn.
- Bà có cho rằng, trong nền thơ Việt Nam, bà tượng trưng cho một cái gì thái quá, một ngoại lệ?
- Tôi thích câu của một đồng nghiệp người Pháp, sống sau tôi hơn nửa thế kỷ, ông G.Flaubert: Trong nghệ thuật, không nên sợ sự thái quá, nhưng đó phải là một sự thái quá liên tục, và nhất là cần thiết cho người có cái vẻ thái quá đó.
Còn câu này có đúng khi vận vào tôi hay không, xin để các anh suy nghĩ lấy.
- Cảm tưởng của bà khi nghe những lời giải thích của nhiều thế hệ bạn đọc và các đồng nghiệp?
- Được trở thành đối tượng cho người ta bàn cãi cũng thú chứ! Và tôi lại càng thú vị khi biết rằng những lời giải thích ấy hết sức khác nhau, trong thâm tâm, mỗi người đều biết rằng còn lâu mới tìm ra bản chất đích thực của tôi.
- Xin bà thử bình luận về một vài lời giải thích mà bà cho là chưa trúng cách.
- Hãy nói trước một điều: Thơ tôi quá gắt, quá mạnh. Những ai yếu thần kinh chớ nên chạm đến nó. Chắc gần đây, các anh đã được đọc di cảo của ông Hoài Thanh, trong đó có các nhận xét về những bài như Một trái trăng thu chín mõm mòm… Theo Hoài Thanh, vì giận ghét xã hội, tôi đã ném các thứ dơ dáy lên thiên nhiên. Và cái nhìn ấy, đối với thiên nhiên, nên coi là một cái nhìn bệnh tật người đời sau không nên chấp nhận.
Tôi cho rằng trong cái việc không thích đọc thơ tôi, cũng như không chịu được Số đỏ (mà tác giả Thi nhân Việt Nam gọi là văn chương hạ cấp, đồ rác rưởi), Hoài Thanh đã trung thực với chính mình, mặc dù, các anh thử giả định, nếu các ý kiến này của Hoài Thanh mà được tin theo, thì người ta sẽ đối xử với tôi và Vũ Trọng Phụng như thế nào!
Trở lại với những lời bình luận sai lạc. Không kể những kẻ bài bác, hãy nói những người thiện chí nhất. Ông Nguyễn Đức Bính bảo tôi trở về với thời nguyên thủy. Tôi đâu có thế! Tôi gần gũi với các khao khát không yên của con người hiện đại. Người nguyên thủy đâu có lắm chuyện như tôi! Hoặc ông Chế Lan Viên bảo tôi là he hé tài tình. Chữ tài tình ấy, tôi chả từ chối. Nhưng có lẽ phải đổi he hé thành lấp lửng mới đúng. Đôi khi, tôi giả bộ che đậy, để gợi trí tò mò, còn trong tinh thần, bao giờ tôi cũng muốn nói đến cùng, nói toạc mọi chuyện.
- Cảm hứng chi phối bà trong sáng tác?
- Trò chơi. Lúc nhỏ, tôi là con bé hiếu động. Khi đã trưởng thành, tôi thường vừa thích thú, vừa có đôi chút khó chịu khi bắt gặp mình vẫn có tính ham chơi, tức trong lời lẽ cử chỉ, vẫn bị thói tinh nghịch trước đây chi phối.
Như trong việc sử dụng các thể thơ chẳng hạn. Có người hỏi tôi tại sao chỉ làm thơ Đường luật. Bởi họ hiểu là Đường luật có nhiều cái gò bó. Nhìn tôi tự do lui tới giữa những lề luật rắc rối của nó, người ta chắc tôi sẽ có lúc mỏi gối chồn chân rồi đầu hàng nó, bị nó cầm tù. May thay điều ấy không bao giờ xảy ra. Thế là cái trò vui của tôi càng có sức lôi cuốn và tôi lại càng tìm ra đủ cách để trị thể thơ ngoại nhập kia bằng được. Có lẽ ở một thể dễ bắt vần và dễ kéo dài như lục bát, uy thế của tôi không có dịp bộc lộ rõ đến thế.
- Thế còn khi bà nói những điều cấm kỵ, cũng là một thứ trò chơi hay sao?
- Gần như thế. Nhiều người hay nghĩ chuyện ấy, muốn nghe, mà không dám nói, thì tôi nói cho họ sướng.
- Có điều bà đã trở đi trở lại tới mức quá quắt.
- Ai đó từng bảo: mỗi nhà văn, nhà thơ chỉ có một điều gì đó để nói, và suốt đời, chỉ nói điều đó mà thôi.
Nhưng này, đừng nghĩ rằng cái gì tôi cũng cố tình làm ra. Trong thơ tôi có cả những cái mà tôi không muốn. Ở con người tôi, không thiếu những điều phi lý mà tôi không kiểm soát nổi, chờ đến khi nó hiện hình trong thơ, tôi mới hay biết là có.
- Trong con người, bà ghét những thói xấu gì? Hạng người nào thường khiến bà nổi máu châm chọc?
- Sự che giấu tầm thường. Sự bất tài, dấu hiệu rõ rệt của những kiếp sống lờ đờ, èo uột. Sự giả dối không cần thiết, không vì một mục đích to lớn nào hết. Đó là những thói tôi khó chịu nhất. Có lẽ vì thế, trong thơ, tôi sẵn sàng trở thành hung thần của các đấng nam nhi còn đủ các bộ phận, song lại mang tính cách hoạn quan, và cứ vừa sống theo kiểu ngái ngủ vậy, vừa leo lẻo khoe mình là quân tử. Tôi cũng thường hiện ra như kẻ thù của đám đàn ông mặt nạc đóm dày, nhạt nhẽo vô vị song lại lắm ham muốn vặt, thứ đàn ông dê cỏn quá nhiều chất là là sát mặt đất của đàn bà. Thêm nữa, loại đàn ông hèn hạ, xong việc là chối, là giở mặt, tôi cũng hết sức khinh bỉ.
- Nhiều khi, sự giận dữ ở bà bị đẩy đến cùng, và vì vậy, người ta bảo bà mất hết nữ tính?
- Không đúng! So với đàn ông, phụ nữ chúng tôi bao giờ cũng hết mình hơn. Hiền dịu cũng hiền dịu hơn, mà tai quái cũng tai quái hơn. Chúng tôi thường xa lạ với sự chừng mực, bởi lẽ hiểu rằng cuộc sống chỉ có một lần, không dám là mình thì không bao giờ trở thành mình cả.
- Ngoài một ít bất hạnh riêng tư, ở bà còn có nỗi buồn nào khác?
- Không đợi đến thế kỷ XX, tôi đã hiểu rằng sự làm người vốn rất khó khăn. Tôi biết trong con người, ước mơ thường đi xa hơn hành động. Tôi quá nhạy cảm với những gì dư thừa lỉnh kỉnh trong con người. Tôi lại cười nhanh hơn người khác… Tất cả những điều ấy làm tôi buồn.
- Và cái cách để vượt qua nỗi buồn?
- Cũng vẫn chỉ một cách đó – biết cười. Khi nói rằng chung quanh có quá nhiều điều lạ lùng kỳ quặc tức là có thể phần nào làm dịu bớt những gì có thật, nó vẫn đè nặng trong ta.
- Liệu còn có gì làm bà e dè? Bà có cảm thấy cần phải ghen tị – một sự ghen tị chính đáng – với một ai đó?
- Có chứ. Nguyễn Du. Thơ chữ Hán của ông thật sâu sắc. Đọc xong, tôi thấy mình còn có chỗ tầm thường. Còn phô quá, tức là còn có cái vẻ le te, chơi trội, ra điều tài hơn, xoa đầu chòng ghẹo mọi người. Trong khi ấy, Nguyễn Du hầu như chỉ quan tâm đến điều ông suy nghĩ, và dẫn người đọc đến thẳng với những điều ấy, mà không dềnh dàng chơi nghịch dọc đường.
Người ta vẫn hay dẫn ra câu thơ Nguyễn Du tả cây liễu Tối điên cuồng xứ tối phong lưu (Lúc càng điên càng đẹp) và bảo rằng nó thích hợp với tinh thần tìm tòi của các nghệ sĩ ở thế kỷ XX. Về phần mình, khi mới đọc nó lần đầu, tôi đã ghê sợ. Tưởng như cả đời thơ của tôi cũng chỉ thu gọn trong một khái quát ghê gớm đó.
Nhưng thôi, đặt bên cạnh Nguyễn Du, tôi vẫn còn có chút an ủi. Là trừ Truyện Kiều không kể, thơ tôi thường xuyên ở giữa tâm trí mọi người, khuấy đảo họ, không để cho họ yên, thế là được rồi.
- Vâng, ai cũng biết rằng trong việc tìm hiểu văn học cổ điển Việt Nam, người nước ngoài thường dễ đến với bà hơn Nguyễn Du.
- Tôi cũng biết. Thơ tôi oái oăm thế mà họ vẫn thích dịch, bởi nó nói rằng những gì mà nhân loại này quan tâm thì cũng không xa lạ với người Việt Nam. Trong tôi, người ta nghe ra những âm hưởng của Boccacio, Rabelais …
Nhưng muốn hiểu được dân tộc này, nhất thiết phải đến với Nguyễn Du. Đọc ông người ta không nghĩ rằng ông hiện đại hay cổ điển mà chỉ nghĩ rằng con người là vậy, thơ là vậy.
- Theo bà hiểu, đóng góp của bà trong văn học là gì?
- Tôi là cái ham muốn muôn đời của con người, muốn được sống thật đã đầy, thật trọn vẹn. Và cũng là cái ham muốn vượt lên trên mọi ràng buộc, không chịu khuất phục các quy phạm, muốn vứt bỏ hết mọi sự thiêng liêng đắp điếm giả tạo để tìm tới cái thiêng liêng chân chính của đời sống
LẲNG LẶNG MÀ NGHE NÓ CHÚC NHAU...…
Mười phút với Tú Xương
Tuy sống và viết chủ yếu vào ba chục năm cuối cùng của thế kỷ XIX, Tú Xương vẫn còn kịp biết đến 7 năm của thế kỷ XX.
Ông mất khi Tản Đà ra đời đã 18 năm, Khái Hưng 11 năm, Tú Mỡ 7 năm và Nguyễn Công Hoan 4 năm.
Song đó chỉ là một trong những lý do để lý giải chất hiện đại trong thơ Tú Xương. Còn có những lý do khác quan trọng hơn, nó nằm ngay ở tâm lý tác giả, cách cảm nhận đời sống của tác giả…
Bởi lẽ vào thời của mình, Tú Xương chưa có được các cuộc trò chuyện với bạn đọc nào khác ngoài thơ, có thể dự đoán ông không ngần ngại khi cần bộc bạch tâm sự của mình với hậu thế.
- Cuộc phỏng vấn của chúng tôi là để chuẩn bị cho một số báo tết. Chắc ông cũng thừa biết rằng ngày tết, dân ta nhiều người có thói quen tự nhiên là lẩm nhẩm lại vài câu của ông, những là “Anh em đừng tưởng tết tôi nghèo” với lại “Khéo bảo nhau rằng mới với me – Bảo nhau rằng cũ chẳng ai nghe”
- Người ta đọc tôi cả trong ngày thường ấy chứ.
- Dẫu sao, tiếng pháo nổ, màu bánh chưng xanh, câu đối đỏ thường khiến ông xúc động?
- Nó chỉ là một dịp để tôi thấy cuộc đời phô bày rõ thêm những nhố nhăng vốn có (cười). Vả chăng, tết nhất thường vẫn sẵn cái ăn cái uống. “Ý hẳn thịt xôi lèn chặt dạ - Cho nên con tự mới lòi ra”; vào những ngày ấy, cái sự rậm rật có đến với các nhà thơ thì cũng là lẽ thường tình.
- Nói thế e các thi sĩ thuần khiết lại cho rằng quá thiên về vật chất, không thanh cao, không đáng trọng, và biến thơ thành một thứ dung tục?
- Theo quan niệm an bần lạc đạo của nhà nho chứ gì? Cái đó tôi biết. Chính vì phải vùng vẫy để cố thoát ra khỏi sự kiềm chế vốn có - đúng hơn là tự kiềm chế, nông nỗi của những kẻ bị nho học ngấm vào người quá lâu – mà thơ tôi đôi lúc có ngả sang giọng gay gắt và cả trâng tráo nữa. Nhưng nghĩ lại, vẫn thấy mình phải. Sẽ là vẻ vang, theo tôi, nếu một người làm thơ được xem là người phát ngôn cho những dục vọng và vạch vòi ra đủ thứ ham hố trần tục đang xé rách bao tâm hồn đồng loại.
- Hẳn ông cũng biết rằng với một tuyên ngôn như thế, ông trở nên rất gần với con người hiện đại?
- Gần chứ. Chúng tôi gần nhau ở nhiều thứ. Nhu cầu tiêu thụ. Khao khát tiện nghi. Cảm giác về một sự náo động thường xuyên. Cảm giác về tốc độ. Nói thế không phải tôi vơ vào đâu mà thực sự đã có thơ tôi làm chứng.
- Nhưng về thơ, nói vậy là xa rời truyền thống thi ca dân tộc?
- Truyền thống điền viên? Tôi cho cái đó đủ rồi. Tôi muốn nối tiếp một cái mạch khác, mạch của Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, thơ Hồ Xuân Hương... Tóm lại là mạch văn học đô thị, ở đó, con người thường xuyên cô đơn, khinh bạc, cay đắng, bồn chồn.
- Đời sống đô thị đánh mất ở người ta nhiều thứ, đó là điều ông không tính tới sao?
- Sự quân bình trong tâm hồn. Cảm giác gần gũi hòa hợp với thiên nhiên… Tôi đồng ý là đời sống tinh thần của con người đô thị có bị mất đi một ít nhân tố đẹp đẽ nào đó. Nhưng để bù lại, họ được làm giàu thêm bởi những cảm xúc mới như trên vừa nói. Đúng ra, mỗi nhà thơ chỉ làm được một ít phần việc của mình.
Ở thời của tôi, để nối tiếp dòng thơ điền viên êm ả, đã có cụ Tam nguyên Yên Đổ. Cụ luôn luôn đi tìm sự yên ổn trong tâm hồn, và sự thực là đã tìm thấy. Còn tôi, tôi có việc khác.
Chắc hậu thế các anh thừa hiểu rằng trong thơ Tú Xương người ta không còn thì giờ để ngắm nghía tán tụng về trăng, mà chỉ có những câu hỏi đặt ra với trăng thôi. Song, có phải vì thế mà thiên hạ không đọc thơ tôi đâu (cười).
Này, nói vụng với nhau, trong cách nhìn nhận thiên nhiên, tôi còn hiện đại hơn khối ông thi sĩ làm thơ sau tôi vài chục năm, vào thời Thơ mới ấy nhé!
- Tú Xương còn hiện đại ở chỗ thường công khai nói thẳng về mình, sẵn sàng nhạo báng mình, cái đó cũng là do chủ định chăng?
- Con người không biết tự cười giễu, con người mà u mê đến nỗi toàn lo bốc thơm, lo tô công tụng đức cho mình thì dơ dáng quá, còn ra cái lý cố gì để phải bàn! Đâu phải đến tôi, người ta mới biết tự trào. Tôi chỉ khác người ở chỗ nói bằng hết, nói tuột ra cả những buông tuồng nhảm nhí vốn có.
- Nhà thơ trong ông không định dùng thơ để “tải đạo”và cá nhân ông không định làm mẫu cho mọi người nữa?
- Tôi xa lạ với mọi thứ văn chương giáo hóa. Chính đời tôi, tôi còn chưa tính được, tôi không rõ mình phong lưu hay túng kiết, trong sạch hay lầm lỗi, không rõ nên sống ra sao, ước muốn cái gì… thì tôi còn khuyên dạy ai được. Để đến với sự thiêng liêng, tôi không biết đường. Trái lại, sự sống ở cái dạng suồng sã của nó, mới chính là điều tôi biết, vậy cứ nói ra, không chừng lại có ích cho kẻ khác.
- Nghe ra ông vẫn còn tâm huyết với thơ, với những điều ông đã viết. Ngược lại, trong một số bài thơ, ông ra sức xỉ vả nghề thơ, nào là “một việc văn chương thôi cũng nhảm”, nào là “muốn bỏ văn chương học võ biền”… Như thế là sao?
- Kinh nghiệm đời tôi bảo với tôi rằng: Người ta không bỏ nổi văn chương thì hãy làm văn. Nó là chuyện nghiệp chướng. Không ai lại đi chọn nó cả.
Tôi chán những kẻ lấy văn chương để lập thân, với lại chán những sự cảm động hão huyền, nước mắt ngắn nước mắt dài sụt sịt trong thơ lắm rồi. Lúc nào cũng leo lẻo nói đến tình, chưa chắc đã là kẻ có tình với đời, còn trong thứ thơ ngoa ngoắt chua cay như thơ tôi, có tình hay không, xin thiên hạ cứ đọc sẽ rõ.
- Nhân dịp năm mới, ông có nhắn nhủ gì thêm với bạn đọc?
- Ở trên, các anh có bảo rằng giờ đây, người ta còn thích đọc thơ tết của tôi. Trong loạt thơ tết đó, hẳn anh biết bài Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau. Mặc dù đã được viết ra ngót nghét trăm năm, nghe chừng bây giờ mấy câu cuối trong bài thơ ấy có vẻ vẫn hợp với các anh. Vậy cũng mong được xem như lời nhắn nhủ của một kẻ đã qua đời những năm đầu thế kỷ, gửi cho những ai đang sống những năm cuối cùng của thế kỷ này:
Bắt chước ai, ta chúc mấy lời
Chúc cho khắp hết cả trên đời
Vua quan sĩ thứ, người muôn nước
Sao được cho ra cái giống người
TỰ NHIÊN, THÀNH THỰC CÙNG MỘT CHÚT SAY SƯA…
Với Tản Đà , bên chiếu rượu
Về tài làm văn làm thơ của mình, trong bài Hầu trời --, gợi cho chúng ta hình ảnh của một Táo quân-- Tản Đà đã kể là ông từng đọc nhiều sáng tác cho cả thiên đình nghe và được tưởng thưởng hết mức:
Đọc hết văn vần, sang văn xuôi
Hết văn thuyết lý, lại văn chơi
Đương cơn đắc ý đọc đã thích
Chè trời nhấp giọng càng tốt hơi
Văn dài hơi tốt ran cung mây
Trời nghe Trời cũng lấy làm hay
Tâm như nở dạ, Cơ lè lưỡi
Hằng Nga Chức Nữ chau đôi mày
Song Thành Tiểu Ngọc lắng tai đứng
Đọc xong mỗi bài, cùng vỗ tay.
Còn như về tài làm báo, ông cũng không tiện giấu diếm: Lên trời chơi (trong Giấc mộng con, ông tưởng tượng vậy), vừa nhất kiến gặp cụ Hàn Thuyên, ông đã bị cụ giữ lại để cùng… làm tờ Thiên triều nhật báo. Và trong ít ngày ở đó, ông đã viết bài cho đủ các mục xã thuyết, văn uyển, thời sự, tiểu thuyết. Không thấy nói là ông có được giao viết phỏng vấn không. Nhưng xem những đoạn trò chuyện với Đông Phương Sóc, Hàn Thuyên, Nguyễn Trãi … thì dễ đoán là ông cũng rất thích lối đàm đạo “xuyên thời gian”, xem đấy là một trò chơi thú vị. Có lẽ vì vậy, mà vừa nghe chúng tôi đề nghị, ông đã vui lòng chấp nhận ngay cuộc phỏng vấn.
Đọc tác phẩm của ông, nhất là các tự truyện, thấy ông kể là sống khá ung dung, trừ mấy năm cuối túng quẫn còn trước đó, lúc nào cũng có người giúp tiền để tiêu, có rượu để uống, thức ăn ngon để nhắm. Vậy mà ông vẫn hay kêu, những là "Nôm na phá nghiệp kiếm ăn xoàng” với lại “văn chương hạ giới rẻ như bèo", rồi ông lại được tiếng là nhà thơ đầu tiên sống bằng ngòi bút, tại sao?
-- Từ tôi trở về trước, có hạng nhà nho tài tử, luôn luôn nghĩ rằng mình sinh ra để làm thơ làm văn cho mọi người vui, vậy thiên hạ phải nuôi mình nếu để mình đói mình khổ là thiên hạ có lỗi.
Tôi là loại hậu duệ cuối cùng của dòng nhà nho tài tử đó, nên đúng là có hay kêu, mà cũng đã cố kiềm chế nên mới kêu có thế! (cười).
Nghe nói hình như các anh bây giờ lại cũng giống tôi, ăn phải đũa của tôi, đang được bao cấp, giờ phải tự nuôi lấy thân, nên cũng hay đập chân đập tay than thở! Nên nhớ trước các anh và sau tôi, các ông Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân… vào cái thời các anh gọi là tiền chiến ấy, cũng phải viết để sống, ai ăn chịu với nghề thì làm tiếp, ai ế hàng văn không người mua thì đi buôn, hoặc đi làm thuê làm mướn, chứ có thắc mắc bao giờ.
Học gì thì học, chứ học cái sự than thở của tôi, đâu có nên!
- Ông nghĩ gì về nghề văn, nói nôm na là thấy sướng hay khổ?
- Có thích thì mới làm, chứ có ai buộc mình phải cầm bút? Như tôi tự nghĩ, với người như tôi, viết là một lạc thú, như được ăn ngon mặc đẹp. Nhưng với người đời, chắc họ thấy mình khổ, họ không ao ước những nỗi chua cay mặn chát của mình làm gì. Vậy bảo chả sướng tí nào cũng được. Ai muốn sướng đừng làm thơ.
- Người ta có học để trở thành thi sĩ được không?
- Không. Nhưng phải học thì mới thành được thi sĩ lớn.
- Nếu như cần kể ra một vài nguyên tắc chi phối ông trong sống và viết, thì đó là nguyên tắc gì?
- Chỉ có một: theo tự nhiên. Nhưng phải là cái tự nhiên nồng nàn, thắm thiết chứ không phải cứ nằm ườn ra lười biếng rồi bảo là tự nhiên thì không ai chịu được. Này, tôi bảo thật, học được tự nhiên như tôi còn mệt. Kể cả khi tôi dông dài kể chuyện, khi tôi cầu kỳ tỉ mẩn trong ăn uống và đối xử, người ta vẫn thấy tôi tự nhiên, ấy thế mới khổ.
- Nghề nào, theo ông, là gần với nghề làm thơ hơn cả?
- Nghề cô đầu.
- Xin ông cắt nghĩa rõ hơn?
- Là nghề phải lấy thanh sắc ra mà chiều thiên hạ. Chết nỗi, sự phô diễn thanh sắc ấy cũng là niềm sung sướng của mình, nên mình cứ lao vào như thiêu thân.
- Có phải cô đào nào cũng thông minh tài hoa như nhân vật Vân Anh của ông trong Thề non nước đâu. Nhiều kẻ khác quá tầm thường.
- Thì nghề nào chả gồm rất nhiều chúng sinh mặt trắng nhợt nhạt và chỉ có một số rất ít vượt hẳn lên trên so với đám đông? Chẳng lẽ nghề văn của tôi, của anh… là một ngoại lệ ư?
- “Đôi hàng nước mắt đôi làn sóng – Nửa đám ma chồng nửa tiệc quan” – Sao trong bài Vịnh Kiều, ông nghiệt vậy?
- Tôi nghiệt với cô ấy, như đôi lúc đã nghiệt với chính mình. Cũng như cô ấy, tôi ham vui, nhẹ dạ, nông nổi, dễ quên.
- Thế cái gì mới là mối đe dọa với nghề văn?
- Thói khệnh khạng của mấy ông quan dở.
- Ngoài thơ, ông còn làm báo, viết văn, viết cả sách cho trẻ con học nữa. Làm việc cật lực như vậy, nhằm chứng minh cái gì?
- Không gì là không làm được. Ví như người ta bảo tôi vốn xuất thân nho học, chỉ giỏi chữ ta, không làm báo như tây được, thì tôi làm cho họ biết.
- Đâu là lý do khiến ông cảm thấy dễ dàng hòa nhập vào nền văn chương đang được Âu hóa lúc ấy?
- Sự thành thực. Thành thực dám là mình, nói to lên những điều mình cảm, mình nghĩ, không cần tính đến chuyện là khôn hay dại. Tôi cho rằng văn chương cả đông lẫn tây đều cần đến sự thành thực ấy.
Ví dụ như những rung động trước một người đẹp. Lại ví dụ như chuyện ăn uống. Trong Giấc mộng lớn, tôi đã kể lần ở Cổ Đẳng “… đương ăn rau đổi ra ăn thịt. Mỗi ngày cũng chỉ có một bữa ăn, mỗi bữa ăn hoặc là cái thủ heo, hoặc con gà con vịt hoặc con cá… Đương lúc ăn rau thời ở trong nhà đi ra sân, có khi phải vịn theo hàng ghế, đến khi ăn thịt thời sao mà khỏe mạnh lạ thường. Nhân nghĩ đến câu thực nhục giả dũng hãn (ăn thịt có sức khỏe) có khi là phải; mà sự ăn quan hệ với người khá nhỏ ru!”.
Ngờ rằng nhiều người thời tôi cũng thích ẩm thực như mình, ăn ngon cũng thấy sướng, nhưng lại ngại nói ra. Họ sợ, tôi thì không.
- Đương thời một học giả có hạng, ông Phạm Quỳnh, đã bỉ bác ông là tha hồ nói theo ý mình, như người “trần truồng mà đi ngoài phố”, hẳn ông giận lắm?
- Đã gọi là người viết thực sự ai chẳng có lối cực đoan, chỉ thấy có việc của mình đáng làm, cái cách của mình hay ho, còn thiên hạ thì hỏng hết… Nghĩ lại thấy nên đánh một chữ đại xá, người nọ đại xá người kia, là xong. Như các anh bây giờ gọi là thông cảm ấy. Tôi không thích người ta cứ buộc tôi phải thù ghét mãi những người đã có lúc cãi cọ với tôi. Nhỡ ở dưới suối vàng, tôi với họ lại thân nhau thì sao?!
- Ông nghĩ thế nào khi viết “Phiêu lưu tên lính đội tiên phong?”. Có phải ông thích làm người dẫn đường?
- Thích cũng chẳng được. Làm gì có ai chọn được thời mình sống, mấy lại cái vai tuồng của mình ở thời ấy, bao giờ.
Chẳng qua, như đã nói, tôi phải cái tính ngược. Ở chỗ mọi người không thích làm, mình lại thích làm, ở chỗ mọi người nghĩ mình không làm được, mình làm cho họ trông thấy. Lại coi thế là sướng. Ấy, tội là tội chỗ ấy.
Tiên phong với ai đâu, chỉ tiên phong với chính mình. Mà thấy ai chăm chăm bắt chước như mình, lại ngán luôn, không muốn nhìn mặt nữa.
- Ông nghĩ sao khi thấy ở nửa cuối thế kỷ XX này, trên trần thế chúng tôi, thơ in ra nhiều vô kể?
- Ối dào, về cái sự lạm phát ấy, tôi cũng đã lãnh đủ rồi. Các anh cứ giở lại Nam phong mà xem số nào cũng vài chục bài thơ, tính lại thơ ngổn ngang cả đống, kém gì thời các anh bây giờ. Nhưng thử hỏi, ngoài thơ tôi với mấy bài của Đông Hồ, Trần Tuấn Khải, thì thơ thời ấy còn lại cái gì?
Khi ai cũng biết làm thơ, nghĩa là thơ bắt đầu hỏng. Như trong đá bóng mà các anh thích ấy, phải có nhà thơ chuyên nghiệp và có “đẳng cấp” cao, cái mà các anh bây giờ bảo là ngoại hạng hay gì gì đó.
- Nhưng như thế, trước sau lại rơi vào cảnh “thơ ca bán phố phường?”
- Khổ thật, cay đắng thật, nhưng thà có sự phân biệt thật giả như thế còn hơn đăng đàn diễn thuyết trong hội nghị hoặc viết sách giáo khoa mà khen nhau, ai cũng đáng khen mà chẳng ai thành nhà thơ cả.
- Khi nào ông cảm thấy bài thơ mình viết đáng gọi là bài thơ hay?
- Tự mình thấy sung sướng, như được bát canh ngon, chén rượu quý.
- Cái sướng ấy, sẽ dẫn đến sự say sưa?
- Say nghĩa là được sống một cuộc sống khác. Vượt lên cái thông thường hàng ngày, không bị nó quấy nhiễu, vậy sướng thì phải say chứ sao.
- Và ông sẽ khuyên mọi người cùng tận hưởng như ngày nào ông cầu chúc cho khắp mọi nhà “Tha hồ rượu sớm trà trưa – Nghiêng chai dốc chén say sưa tối ngày”?
- Không hẳn thế. Mỗi người nên có cái say riêng của mình. Chỉ những người không say cái gì, cứ tỉnh khô ra, tôi mới cho là hỏng.
Lại nói chuyện hưởng thụ. Tôi làm thì tôi phải được hưởng. Tôi chỉ hưởng trên cái phần tôi làm ra, không tranh phần của người khác là được. Các anh còn nhớ là tôi có lúc phải đi làm nghề gieo quẻ Hà Lạc để kiếm sống đó sao?
Vả lại, nói của đáng tội, nhỡ tôi có cách hưởng thụ đẹp, xem tôi hưởng thụ, người ta thấy vui thì sao? Thế thì việc gì phải xấu hổ cho thêm rách việc (cười). Hình như ở chỗ này, tôi cũng theo kịp lối nghĩ hiện sinh của các anh sống ở cuối thế kỷ XX đấy chứ!
- Nếu được sống lại, ông sẽ làm gì?
- Đến lên trời, tôi còn làm báo, nữa là được sống giữa dương gian, nhất định tôi sẽ viết, có phải vừa kêu trời vừa viết cũng chẳng sao.
PHỎNG VẤN TÁC GIẢ CHÍ PHÈO
Năm 1941, kiệt tác Chí Phèo của Nam Cao (dưới cái tên Đôi lứa xứng đôi) được in ra ở Hà Nội. Từ ấy, cái tên Chí Phèo, sánh ngang với những Hoạn Thư, Sở Khanh trước kia, những Xuân tóc đỏ, ông Típ-phờ-nờ… đương thời, trở thành một điển hình bất tử trong lịch sử văn học.
Vào dịp anh Chí đến tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, giá Nam Cao còn sống, chắc các nhà báo đến phỏng vấn ông dài dài.
Nhưng Nam Cao cũng đã mất từ tháng 11-1951, và cuộc phỏng vấn mà bạn đọc chờ đợi đó, chỉ có thể diễn ra trong tưởng tượng.
- Căn cứ vào bản lý lịch ông khai ở Hội nhà văn, nhiều sách vở nói ông sinh 1917. Nhưng một vài nhà nghiên cứu đến gặp gia đình lại bảo thật ra ông sinh 1915, tuổi Mão. Ông nghĩ sao về chuyện này?
Một đồng hương của tôi là Nguyễn Bính sinh vào ngày nào năm 1919 không ai biết. Cô Xuân Quỳnh mới chết, lý lịch ghi sinh năm 1942, cũng là bớt đi mất mấy tuổi. Khối cây bút đang sống sờ sờ, tuổi khai bát nháo chi khươn, mà có ai bắt tội?
Người Việt ta xưa nay vẫn thế, đâu phải chỉ nhà văn. Song các cuốn sách có ghi năm xuất bản, nghĩa là các nhân vật của chúng tôi có lý lịch chính xác, thế là được rồi.
- Hẳn ông cũng biết Chí Phèo sống, sống dai dẳng hơn bao con người có thật khác?
- Thì người sống các anh chả hay bảo nhau rằng phải có một tí A.Q, một tí Chí Phèo trong người mới sống được là gì? Bao đứa con bất trị cũng như bao nhân viên ngang bướng vẫn thường được gọi là Chí Phèo. Xét kỹ, thật nhiều khi oan cho anh Chí của tôi quá.
- Niềm vui của một nhà văn là được hậu thế nhắc nhở nhiều…
- Nhưng nỗi buồn cũng là ở đấy. Người ta còn hay tìm anh để đọc. Tức là người ta thấy cuộc sống vẫn y nguyên như anh đã miêu tả. Thử hỏi còn hay hớm cái nỗi gì?
- Nét chủ yếu trong tính cách Chí Phèo?
- Hành động mù quáng mà lương tâm sáng suốt, lương tâm còn sáng suốt.
- Nghĩa là trong đó có những đốm sáng, những điểm khả thủ?
- Đúng thế. Điều tôi sợ nhất ở con người là ngược lại. Lương tâm chết hẳn. Mà tính toán lại chi ly, kỹ lưỡng. Rồi thông minh, rồi sắc sảo. Tóm lại vẫn phải gọi là sáng suốt, nhưng là sáng suốt trong việc làm bậy, giành giật của người khác. Để tồn tại, họ bất chấp đạo lý. Không cần biết thế nào là lẽ phải. Không hối hận mà cũng không xấu hổ bao giờ.
- Điều ông cầu mong cho con người tương lai?
- Có những nhà văn nói rõ thói xấu của họ. Với một cái nhìn thông cảm, cố nhiên.
- Như ông đã nói về người đương thời, qua Chí Phèo, giáo Thứ và nhiều nhân vật khác?
- Phải, như thế xem ra có ích hơn là cứ xoa dịu, vuốt ve nhau, rồi mặc cho bọn xấu tha hồ hoành hành trong bóng tối.
- Điều kỳ quặc trong số phận của một nhà văn như ông hồi viết Chí Phèo, Sống mòn?
- Chúng tôi phải viết trong khi cũng túng đói, khổ sở, bất lực như chính các nhân vật của mình vậy.
- Và đây là lý do khiến ông toàn viết về những người trong gia đình với hàng xóm làng giềng chung quanh?
- Một nhà văn không biết kỹ về mình, về những người quanh mình thì còn biết được gì khác nữa!
- Kinh nghiệm tồn tại của ông trong văn học?
Giữa sự đánh giá của người đương thời và giá trị thực của nhà văn thường khi có một khoảng cách. Phải dũng cảm là mình. Phải tập sống đơn độc dù đôi khi, đơn độc nghĩa là thiệt thòi.
Câu hỏi cuối cùng:điều gì khiến cho một nhà văn sắc sảo như ông sau khi chết vẫn nhắm mắt chưa yên?
Nói đùa một chút cho vui. Là bị một nhà phê bình nhạt nhẽo đeo đẳng rồi độc chiếm và biến mình thành ra của riêng của anh ta.
Nhưng trên đời này có ai tự nhận là nhạt nhẽo đâu, kể cả các ông giáo sư.
Nên nói vậy chứ nói nữa, họ cũng chẳng động lòng.
Thôi, đành tự an ủi, chắc trời bắt tội, thì mình phải chịu.
Thế còn nói nghiêm chỉnh?
Ở dưới suối vàng này, tôi cùng với các bác Ngô Tất Tố, Khái Hưng, Thạch Lam... thường vẫn bàn với nhau: dạo này trên trần các vị viết ẩu quá, câu cú tùy tiện, chữ nghĩa lung tung hết cả lên. Có nhà văn thuộc thế hệ tôi còn sống, cậy tài cho là mình có quyền bịa ra chữ, đặt ra ngữ pháp, viết phứa phựa không còn ra làm sao. Tiếng Việt cứ bị làm hỏng như thế, thử hỏi chúng tôi nhắm mắt sao yên?
CHƯA AI THÔNG CẢM HẾT
SỰ CÔ ĐỘC CỦA TÔI
Xuân Diệu , một ít tâm sự riêng
-- Với thói bo bo bỏm bỏm chi li nhặt nhạnh những gì đã viết, hẳn ông vui sướng khi thấy Toàn tập 6 cuốn của mình đã được in ?
-- Nhưng nó cũng chỉ mới in một lần, mà tôi thì muốn in đi in lại nhiều lần. Một phần tâm huyết là các bản dịch các bài giới thiệu văn học nước ngoài của tôi còn chưa được sưu tầm và in lại đầy đủ.
Vả chăng, nay là lúc đến các nhà văn nhà thơ hạng nhì hạng ba cũng làm tuyển tập …
-- Ông không muốn lẫn đi giữa họ ?
--- Ai mà chẳng thế, có riêng gì tôi.
-- Còn nhớ hồi làm Tuyển tập tập 1 (1983), ông cố ý cho in cả những bài thơ dở?
-- Thơ hay tự bạn đọc biết tìm cho họ rồi. Nhiệm vụ của nhà thơ lúc làm tuyển tập cuối đời là đưa thêm cho họ thật nhiều, để họ đãi lại, may ra có được gì thêm.
-- Chỗ mạnh chính trong con người ông?
-- Làm việc cật lực, làm việc không ngẩng đầu lên được nữa.
-- Thế còn chỗ yếu?
-- Cũng là làm việc cật lực, bị việc nó lôi đi đến mức không có thì giờ xem xét lại, đánh giá lại bản thân mình. Người ta thích nhắc nhau câu của Goethe: Khởi nguyên là hành động. Nhưng nên nhớ Goethe còn nói: Sự hành động làm tê liệt tư tưởng.
-- Ông có nghĩ rằng trong giới văn nghệ sĩ nước ta thời hiện đại, không thấy có những trí thức cỡ lớn như R.Rolland, A.France…hoặc Sartre, Camus?
-- Thì dân tộc cũng chỉ rặn được ra lũ chúng tôi.
-- Kinh nghiệm tồn tại của ông trong văn học?
-
- Lúc làm thơ, phải thật trong sáng. Nhưng lúc in thơ lại phải thật cơ hội (cười). Cậu xem, trừ Tô Hoài, còn ai lắm đầu sách như mình nào! Mà quá nửa sách của Tô Hoài là sách viết cho thiếu nhi.
-- Phương châm sống của ông?
-
- Vắt kiệt cho đời. Viết hết những điều mà mình muốn viết và có thể viết. Một người như Nguyễn Tuân biết nhiều mà viết quá ít.
-- Vì cụ còn muốn sống cho đẹp?
-- Có lẽ thế. Còn mình mình nghĩ, phần tinh hoa của người nghệ sĩ, mà cũng là phần sống đời của họ, là ở tác phẩm. Theo mốt hiện đại, không ai đếm xỉa đến cuộc sống riêng của anh lắm đâu, mà anh phải quá chăm chút đến mất thì giờ vì nó. Tôi sống chỉ cốt để phục vụ cái tôi viết.
-- Nhiều người cũng muốn như ông, mà không xoay xỏa nổi.
-- Phải. Vì họ còn vợ đẹp con khôn, có người còn quyền cao chức trọng đủ thứ. Phần tôi, không có gia đình, tôi chỉ lấy viết làm vui. Sinh thời, tôi đã tập cho mình thói quen của mấy bà già nông thôn. Cậu có để ý thấy các bà ấy lúc nào cũng phải có việc gì đó để làm, rời tay cấy hái là lại lăn vào chuyện nhà cửa bếp núc nếu không thì cũng khâu vá hết ngày…
-- Lúc sống, có điều gì mà ông cảm thấy chưa được thông cảm?
-- Sự cô độc và những cách thức của con người để sống chung với sự cô độc, mà cũng là để chiến thắng sự cô độc ấy.
-- Tại sao những năm cuối đời, ông không tính chuyện viết hồi ký?
-- Mình không muốn công nhận là mình đã già. Mình mải việc…. Vả chăng, hồi ấy viết hồi ký có cái phiền của nó. Ví dụ chuyện mình có mấy bài thơ tặng Nhất Linh, Hoàng Đạo, rồi chuyện mình chính thức có chân trong nhóm Tự Lực văn đoàn, mình đã phải dẹp mãi, các sách văn học sử nó mới lờ đi cho. Ai hơi đâu mà lạy ông tôi ở bụi này? Còn như, giá được sống đến bây giờ trong hoàn cảnh Tự Lực văn đoàn được đánh giá lại, mình sẽ trình bày chuyện ấy thật đàng hoàng.
-- Giờ đây, ở dưới suối vàng, ông nghĩ thế nào về đời mình?
-- Mãn nguyện. Có thể coi là mãn nguyện được.
-- Nếu mai đây, các nhà văn học sử đánh giá lại về ông thì sao?
-- Đấy là việc của họ. Nhưng vượt được bọn mình, đâu có phải chuyện dễ!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét