Nhật ký 2011 ( tuần XXX –XXXIV)

29-7

TÍNH ĐA NGHĨA CỦA NGHỆ THUẬT

Quan họ bài nào cũng hay nhưng riêng tôi thấy thích nhất hai bài. Một là Hoa thơm bướm lượn nói về cái tình trạng ngập ngừng xen lẫn nửa vời đâu cũng gặp trong cuộc đời này. Hai là Trên rừng ba mươi sáu thứ chim gợi ra cho người ta thấy vẻ đa dạng của thiên nhiên, trên đời chẳng cái gì độc tôn, đã có cái này phải có cái khác, tất cả tồn tại cạnh nhau mà không thể thay thế cho nhau.




Thú thực bây giờ tôi ít đọc thơ chống Mỹ. Trong khi đó, khi nào thấy trên đài cất lên âm thanh của những Bước chân trên dải Trường Sơn, Đường chúng ta đi… là đang làm gì cũng muốn dừng lại. Lời những bài ca đó rất sáo. Nhưng cái còn lại là giai điệu. Những giai điệu ấy không thuộc riêng về thời nào mà tôi tin là con người thuộc các thời khác nhau cũng có thể chia sẻ.
Những bài hát hay nhất bao giờ cũng nhiều nghĩa, tức là hát cho ra vui cũng được mà cho buồn cũng được. Mỗi khi nhớ lai cái buồn bã của phận gái đơn độc giữa núi rừng và rộng ra mà nói cái buồn bã đơn độc của bao nhiêu con người trong những năm đất nước chiến tranh khốc liệt, tôi thường thầm ôn trong đầu bài Đời giao liên bước tôi đi dài theo đất nước.
Văn chương của thế hệ tôi không được nói tới cái buồn. Nhưng trong đời sống tôi vẫn được chứng kiến bao nỗi buồn thanh cao đẹp đẽ. Ngày nay, soi vào các bạn trẻ thì thường chỉ thấy cười chả thấy buồn bao giờ; từ những trang sách từ những câu thơ mà một số cây bút trẻ đang viết ra nhiều khi thấy tiếng cười mà không thấy niềm vui, thấy sự cuồng nhiệt mà không thấy khao khát cao đẹp; thay cho tình cảm thực, có một cái gì cứ lạnh tanh đi toát ra qua những dòng chữ.


2-8

TRỊ QUỐC CHI ĐẠO (II)

Các xã hội chiến tranh là những xã hội tham nhũng nặng nề. Lần đầu tiên tôi biết điều đó là từ phần viết về nhà Nguyên trong cuốn Những bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung quốc, của Cát Kiếm Hùng, bản tiếng Việt của nhà sách Văn Lang 2004.
Nhưng mới đây đọc lại hóa ra các sử gia chuyên về sử Trung quốc đã viết về tình trạng thiếu pháp luật và tham nhũng của các chính quyền quân sự từ lâu. Bắt đầu ngay từ thời Chiến quốc, thời các chư hầu đánh lộn lẫn nhau.
“Quan lại đa số tham nhũng: Tư Mã Thiên trong bộ Sử ký thiên 119 chỉ chép truyện của năm vị quan tốt, mà thiên 122 chép truyện của mười tên quan xấu( chữ Hán gọi là khốc lại).
Kẻ sĩ tranh nhau ăn tới mức Phạm Tuy tể tướng Tần, tư cách chẳng cao đẹp gì mà cũng phải ví họ với bầy chó của vua Tần: “( khi bình thường) nằm thì cùng nằm, đi thì cùng đi, ngừng thì cùng ngừng, không cắn nhau; nhưng hễ ném cho chúng một khúc xương thì chúng vùng dậy, nhe nanh ra cắn nhau. Chỉ tại tranh ăn.
..Xã hội từ trên xuống dưới đầy trộm cướp “.
( Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi – Hàn Phi Tử -- Bản của Nxb Văn hóa 1997—tr 29)


5-8

GHI VẶT

Tất cả thần thái của nhiều bài báo hiện nay đã hiện ra ngay ở cái đầu đề của nó.
--Đi du lịch ở Việt Nam: Bỏ tiền để bị hành xác
- Ăn cháo trộn nước lau sàn, 27 trẻ mẫu giáo nhập viện
-Đê biển vừa gia cố 36 tỉ đồng bị sóng đánh tan hoang.
Hôm nọ thì hàng ngàn thí sinh đến xoa đầu rùa và cầu khấn tại Văn Miếu
Hôm nay thì Áp vong tìm mộ, tha… tổ mối về thờ.
Nhà báo Tạ Phong Tần tóm gọn đời sống tinh thần con người trong một đôi câu đối: Người Việt mình vừa có cái ồn ào vô bổ, vừa có cái im lặng hèn nhát.
Mấy tháng trước một bài trên BBC có cái tên có vẻ đa cảm Sao quê hương mình già nua đến vậy?


9-8

TA VỚI THẾ GIỚI

Nhiều người đã lên tiếng chung quanh hiện tượng hàng ngàn điểm 0 môn sử. Khi trả lời các phóng viên về những vấn đề liên quan đến việc này, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận bảo “Việc có hàng ngàn điểm 0 trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ vừa qua là vấn đề bình thường”.
Tôi thấy nói thế không hẳn là sai với nghĩa thực ra hiện nay hàng loạt ngành học của chúng ta, hàng loạt ngành hoạt động trong xã hội đều trong tình trạng vật vờ, trục trặc, có nổi đình đám thế nào đi nữa thì cũng là tốt lỏi và nhiều khi là giả tạo.
Toàn xã hội đang trong một tình trạng bất bình thường. Cái gì cũng kém, cái gì mang ra đánh giá cũng đạt điểm thấp, riêng gì môn sử.
Nhưng khi ông Bộ trưởng nói “Điểm lịch sử thấp là vấn đề của thời đại...”. thì dẫu muốn “chia lửa” với ông lần nữa cũng không thể được.
Một người đã phản bác lại cho biết các nước tiên tiến người ta chú ý khoa học xã hội ghê lắm, chỉ có ở nước ta khoa học xã hội mới bị rẻ rúng thế này.
May ra chỉ có thể nói, mặc dù đã tìm vách bứt phá, nhưng ở nhiều nước thời nay, khoa học xã hội – trong đó có sử -- vẫn còn lạc hậu hơn so với khoa học tự nhiên với nghiã chưa lợi dụng được cái đột phá về tư duy của khoa học tự nhiên để soi vào xã hội.
Chỗ này thì ta lại giống thế giới. Có điều đó là giống ở cái phần lạc hậu cổ lỗ, chứ không phải ở phần chuyển hóa thay đổi.


10-8

TÌNH CẢNH HẬU CHIẾN

Trong một số đoạn ghi chép trước, tôi đã dẫn ra vài nét về tình hình hậu chiến, sau khi đánh thắng quân Nguyên (đời Trần), cũng như sau khi đánh thắng quân Minh( đời Lê ).
Thế còn thời bắt đầu triều Nguyễn ra sao? Ngay các sách sử triều Nguyễn cũng ít nói tới. Nhưng một ít ghi chép của các sử gia nước ngoài cũng đã xới lên tất cả.
Ngoài phần lịch sử Đàng ngoài thế kỷ XVII- XVIII trong đó nổi bật là chuyên khảo của thầy tu Richard mà tôi đã trích dẫn trên blog này tháng sáu vừa qua, trong cuốn Tư liệu văn hiến Thăng Long Hà Nội – Tuyển tập tư liệu phương Tây do Nguyễn Thừa Hỷ chủ biên còn có một tài liệu viết khá kỹ về thời Gia Long mà tôi sẽ có dịp trở lại.
Dưới đây là hai đoạn trích dẫn từ các tác giả khác .
Trên đại thể, tình hình của một xã hội bước ra từ chiến tranh đã được nhà sử học hàng đầu của Pháp chuyên về sử VN là Ch.Maybon phác ra như sau:
Bánh xe hành chính bị làm méo, tôn ty trật tự bị phá hủy, thuế không thu, danh sách sở hữu cộng đồng bị mất, giấy sở hữu quyền lợi cá nhân bị mất. Đồng ruộng bị bỏ trống, đường xá cầu cống và các kho thóc công cộng không được bảo quản. Công việc ở các mỏ hoàn toàn đình đốn. Việc xử kiện bị gián đoạn, tất cả các tỉnh bị bọn cướp hoành hành. Việc vi phạm pháp luật không bị trừng trị thậm chí phải nói luật pháp cũng trong tình thế bất định…”


Còn sách Lịch sử Đông Nam Á của D.G.E.Haal đưa ra một cái nhìn sâu hơn về người đứng đầu quốc gia:
“Thiết lập lại một bộ máy hành chính ổn định sau nhiều năm nội chiến là một nhiệm vụ to lớn, nhưng giống như Henry VII của Anh, Gia Long không phải là một người sáng tạo. Ông ta sử dụng cơ cấu hành chính cũ quen thuộc và những phương pháp chỉ thiêng liêng do nơi đã trở thành truyền thống lâu đời. Xã hội đang trong tình thế sự hỗn loạn tập thể được dập tắt, song xu thế tự phát tự điều chỉnh của các địa phương các bộ phận chính quyền lại bộc lộ rõ hơn bao giờ hết.
Trong hoàn cảnh ấy lẽ ra phải có người thật giỏi về hành chính để đưa đất nước vào quỹ đạo của một xã hội dân sự.
Nhưng Gia Long làm sao hiểu được như thế. Ông có vẻ giỏi về chinh chiến hơn quản lý đất nước.”


12-8

DI LỤY CHIẾN TRANH



Đầu tháng bẩy dương lịch có cả một lễ kỷ niệm rất hoành tráng về những trận đánh Quảng Trị 1972. Nhưng tối nay xem VTV1, thấy có một phóng sự về phế liệu chiến tranh, thấy gợi không khí hơn nhiều.
Trên cái nền đất mới san, các em nhỏ vùng các huyện miền núi cầm một dụng cụ như cái xẻng trà sát qua những mảng đồi mới cầy để tìm sắt vụn. Biết chắc rằng sắt vụn đấy mà bom mìn cũng đấy chúng vẫn phải làm, bóng mỗi trẻ lướt đi lướt lại thoáng trông như những hồn ma hiện về trên miền đất dữ.
Thê lương buồn bã nếu không muốn nói là khủng khiếp quái đản … những ấn tượng ấy từ chiến tranh thường ít được chúng ta ghi nhận nay hiện ra một cách giản dị.


Nhắc tới Quảng Trị 1972 tôi nhớ ngay hai bài bút ký. Chúng không phải những bài hay nhất nhưng là những bài đầu tiên nói về một mặt của Quảng Trị mà tôi từng chứng kiến.
Bài ký thứ nhất của Dương Nghiễm Mậu mang tên Quảng Trị đất đợi về in trên tạp chí Chính văn số 1, 15-7-72 mà câu kết là Quê hương ta, những vùng đất hứa có thật vừa còn đó, nhưng chừng như lúc nào cũng ngoài tầm tay với.
Bài thứ hai Một ngày ở Trị Thiên của Ngụy Ngữ (Bách Khoa số 376 ). Tác giả mở đầu bằng việc theo một xe con vào Huế, ra Mỹ Chánh, Hải Lăng. Đến Diên Sanh xe không đi thêm được; quân dù chạm súng trên quốc lộ cách 1km. Mấy câu kết nghe buồn buồn “Có nơi tôi đã được sinh ra đời, có nơi tôi đã lui tới suốt tuổi ấu thơ, có nơi tôi đã cười cợt với bạn bè… tất cả bây giờ là một miền vỏ đạn.”
Có một Quảng Trị như thế. Cũng như cuộc chiến tranh nói chung, Quảng Trị 1972 có nhiều bộ mặt khác nhau. Nó còn đang nằm rải rác trong báo chí đương thời và nhất là trong ký ức của các cá nhân.
Chúng ta sẽ rất có lỗi với các thế hệ sau nếu không đưa ra hình ảnh thực của chiến tranh để mọi người cùng biết.
Và trước tiên là có lỗi với những người đã nằm xuống vĩnh vĩễn trên mảnh đất ấy.
Ai đó từng nói -- một lần tôi nghe rồi không sao quên nổi -- Quảng Trị là nơi mà số chiến binh đủ mọi miền quê nằm lại ở đó còn nhiều hơn số người đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.


Di hại của chất độc da cam chiếm một thời lượng khá lớn trong tuyên truyền về chiến tranh. Thế còn những di lụy trong đời sống tinh thần, những di lụy ở tận bề sâu? Người Mỹ họ nói rằng họ đã đánh vào hệ sinh thái của ta. Tôi cảm thấy tất cả những hư hỏng làm ăn bừa bãi của người dân cùng là sự quậy phá chơi bời của lớp trẻ hôm nay có liên hệ với tình trạng hệ sinh thái bị phá hủy đó. Nhưng hình như nhiều người vẫn rất ngại ngùng và thích lảng tránh khi nghĩ tới chuyện đó.


13-8

THIÊN HẠ SỐNG KHÁC HẲN MÌNH

Nhà thơ Vương Trọng từng có bài ký Lạ lắm Phần Lan kể rằng ở bên ấy dân họ rất sợ tiếng ồn. Con đang chơi ngoài vườn mà mẹ có gọi vào thì cũng ra tận nơi gọi chứ không đứng ở cửa mà réo.
Việc quản lý chất thải chặt chẽ phát sợ. Đến các viên thuốc thừa người ta cũng yêu cầu phải giao nộp theo cách nào đó, chứ không quẳng vào thùng rác vô tội vạ.
( Báo Tuổi trẻ cười số ra 1-8 thì dẫn lại câu chuyện có liên quan tới một người đẹp đương thời là Lều Phương Anh. Cô này khi sang Nhật thích bắt trộm chim bồ câu để ăn, chỉ có một nỗi lo là làm sao tẩu tán xương. Thật là một chi tiết rất Việt Nam !)


Một người khác kể chuyện về lò sát sinh. Ở nhiều nước Tây Âu, trước khi bị làm thịt, bò được dẫn theo một con đường hoàn toàn giống như những con đường nó vẫn đi hàng ngày và chắc chắn là nó không hề có những phản ứng tự nhiên của một con vật cảm thấy mình sắp bị giết. Người ta bảo phải làm thế vì họ biết rằng nếu chứng kiến những đồng loại bị giết hại một cách tàn nhẫn, trong cơ thể bò sẽ tiết ra một thứ chất dịch nào đó , có hại cho những người ăn thịt -- chất cuồng bạo trong họ sẽ bị kích thích.


Trên SGTT một số ra tháng sáu 2011, anh Đoàn Khắc Xuyên kể là ở bên Butan, trên đường xe cộ đi lại không có cảnh sát, người ta quan niệm rồi người lái xe biết cách thỏa thuận với nhau, chứ không cần đèn xanh đèn đỏ gì hết.
Còn bên Thái Lan một hai năm trước, khi phe áo đỏ mới biểu tình, công an ra giữ trật tự. Hết buổi ra về, công an và dân lại trò chuyện với nhau một cách thân mật.


16-8

MỘT CÁCH HỘI NHẬP “KIỂU VIẸT NAM”

Giả sử hôm nay là ngày thế giới không hút thuốc lá hoặc ngày thế giới phòng chống ma túy, hoặc ngày thế giới tôn vinh người hiến máu. Tôi biết được điều đó là nhờ một chương trình ngắn trên TV, ở đó người ta giải thích một cách công thức và cổ lỗ ý nghiã của hoạt động này.
Thứ đến là một buổi mít tinh của những người trong giới, thứ nữa là hình ảnh ở một cơ sở nào đó, tất cả được bố trí theo những kịch bản nhạt nhẽo và các “diễn viên” thì đóng vai một cách gượng gạo.
Người ta càng thấy buồn hơn nếu biết rằng sở dĩ mọi hoạt động còn được như thế vì các ngành hữu quan tiến hành theo sự gợi ý của các tổ chức quốc tế -- và chỉ đáp lại một cách chiếu lệ.
Nước ngoài họ có biết chuyện này không? Biết chứ.
Thời gian qua nhiều lớp dạy nghề đã được mở ra.
Theo một bài trên báo mà tôi đọc được trên mạng, trong mười năm vừa qua số tiền đầu tư cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo - dạy nghề nói chung đã tăng khá. Từ 15.609 tỉ đồng năm 2001, đến năm 2011 đã lên tới 145.120 tỉ đồng.
Một phần trong đó có sự tài trợ của nước ngoài.
Nhiều ngành nghề được dậy, nhưng người học xong không kiếm được việc, lại phải quay về nghề cũ. Tại sao?
Một công trình phân tích gần đây mang tên Báo cáo Phát triển kỹ năng cho công nghiệp hóa của Việt Nam, Mori và các đồng tác giả Việt Nam, 2009 - Đại học Hiroshima cũng đã ghi rằng phần lớn các khoản tiền chi tiêu trong đào tạo - dạy nghề đó đã không được sử dụng một cách hiệu quả.
Bản thân tôi hai chục năm trước có lần được nói chuyện với một người Nhật lo tài trợ cho một công trình nghiên cứu nhỏ ở Viện khoa học nọ. Anh kể là chẳng thấy cơ quan VN xin tài liệu chuyên môn gì cả. Nói chung là các dự trù cho hoạt động khoa học chả là bao. Mà chỉ toàn xin trang bị văn phòng chẳng hạn máy tính để làm công cụ cho nhân viên, máy photocopy chuyển ra kinh doanh bên ngoài kiếm thêm cho anh em.
Ngày nay tôi ngờ cách xoay sở của cán bộ ta không còn cò con như thế mà đã thông minh hơn, nhưng tinh thần thì chắc đâu đã khác.


THỂ THAO & ĐỜI SỐNG

Các bản tin thể thao trong nước dạo này đưa nhiều cảnh ẩu đả trên sân.
Mấy năm trước tôi nhớ có đọc trong một bài báo kể lại những cảnh mà thoạt nhìn có vẻ dịu dàng hơn nhưng lại có gì đó bi thảm hơn.
Khi một đội bóng bị đối phương ép sân thì các cổ động viên đội nhà hè nhau cùng chửi. Réo họ tên tiền đạo đội bạn -- cả tên bố mẹ ông bà họ -- ra chửi, chửi thật to, chửi bằng những lời lẽ bẩn thỉu nhất mong các cầu thủ đối phương cảm thấy bị ức chế, không còn tâm trí đâu mà đưa bóng vào khung thành đôi nhà.


VTV1 tối 13-8 đưa tin: theo quy định, các trận bóng đá đều có giám sát. Nhưng một người làm giám sát cũ kể là các báo cáo của họ chẳng được cấp trên đọc bao giờ hết. Thậm chí những giám sát sắc sảo làm việc hết mình thì lại bị cho thôi việc. Chính những giám sát khù khờ lại được ưa chuộng để không ngăn cản người ta “ làm luật” với nhau. Đâu cũng vậy chứ có riêng gì thể thao, sai phạm của cấp dưới là thứ cần thiết cho cấp trên, nếu không thì cấp trên sống sao nổi!


20-8
Hàng tuần nay, mưa chen với nắng, ngày nào cũng mưa. Tự nhiên lẩm nhẩm câu thơ của Lưu Quang Vũ Tháng bẩy mưa nhiều – Tháng tám sen tàn bưởi chín.
Bằng Việt thì có Nhớ mùa đông rất dài Nhớ mùa thu rất rộng. Ngay từ hồi nó xuất hiện trong bài Về hỏa tuyến thăm con, bọn tôi đã phục lắm.
Một lần vào nhà một bạn trẻ ở Sài Gòn, anh hỏi tôi có gì thiếu trong căn phòng này không, tôi bảo hình như chỉ thiếu thiên nhiên.
Con người đương đại con người của những năm tháng kinh tế thị trường này không còn may mắn sống thanh thản bên cạnh thiên nhiên, lẽ tự nhiên là những cảm giác trước trời đất mưa nắng cũng nhợt nhạt hẳn đi và nếu như trong ai đó cái mầm cảm xúc có nhen nhúm thì lại thiếu đi mất những thi sĩ đương thời chia sẻ với họ.


21-8

VĂN HỌC TRUNG QUỐC KHÔNG CÒN LÀ MÌNH

Hơn mười năm trước được đọc một loạt bản dịch từ những tác giả Mạc Ngôn, Vương An Ức, Trương Khiết, Thiết Ngưng, Lý Nhuệ, Hàn Thiếu Công… tôi đã hy vọng nhiều ở một nền văn học được tái sinh.
Nay thì mấy dịch giả như Phạm Tú Châu, Lê Sơn mà tôi quen đều nói rằng tình hình không được như cũ. Cái xu hướng mà Vương Sóc mở đầu, xu hướng lưu manh và báng bổ như được phát triển.
Những người có thiện chí cũng bắt đầu lo lắng.
W.Kubin chuyên gia Đức chuyên về văn học Trung quốc gần đây trong một cuộc phỏng vấn nói thẳng rằng văn học Trung quốc bây giờ hỏng hết rồi, chỗ mà các nhà văn cần lên tiếng thì chả thấy ai lên tiếng cả. Nhà văn phải làm việc trong im lặng chứ một khi tác phẩm đã được cả xã hội hoan nghênh, như trường hợp Vu Đan với mấy cuốn Khổng tử cảm ngộ, Khổng tử tâm đắc thì không thể gọi là học thuật được.
W.Kubin kể tiếp mới đây ông có sang Thượng Hải giảng tại một trường đại học. Các đồng nghiệp của ông lúc nào cũng bàn về tiền. Còn các sinh viên thì nhiều người ngủ gật, hỏi tại sao họ bảo ban đêm họ còn phải đi làm thêm lấy tiền để sống cho kịp trào lưu thời đại.


24-8

GHI VẶT

Tin trên mạng NLĐ Xới tung rừng tìm thảo dược
“Không chỉ nông – hải sản, gần đây thương lái Trung Quốc còn đẩy mạnh thu mua nhiều loại thảo dược tại Việt Nam, tạo ra cơn sốt săn lùng khiến nhiều khu rừng tan hoang”.
Tự nhiên nhớ một câu thơ Chế Lan Viên, không rõ là trong bài nào
Trên đất nước ta ta phải làm con thịt
Làm hươu nai cho chúng đến ăn phần


Nhà chức trách ở Thái Lan cho biết đã giải cứu được trên 1.000 con chó từ một bọn buôn lậu đang trên đường chở qua cho thị trường tiêu thụ thịt chó ở Việt Nam.
Nhìn những cảnh bắt người buôn lậu các vùng biên giới bao giờ tôi cũng nhớ cái chiến thuật được áp dụng phổ biến hồi chiến tranh là đánh du kích. Nay người buôn nhỏ cũng áp dụng chiến thuật đó.
Lâu nay chỉ nghĩ được như thế. Nhưng đến một hôm xem chương trình VTV1 buổi tối thấy có lẽ phải nghĩ khác. Màn ảnh ghi lại cảnh hàng chục xe tải chở khoáng sản nối nhau chạy trên đường lớn bụi bay mù mịt sang bên kia biên giới. Trên màn hình hiện lên dòng chữ những con số báo cáo từ cơ sở Việt Nam chỉ là bao nhiêu, mà bên Trung quốc họ ghi nhận những là bao nhiêu.
Có lẽ cái câu quan trọng nhất trong truyền thuyết Mỵ Châu Trọng Thủy phải kể là “ Giặc sau lưng nhà vua”.


ĐỒNG TIỀN & GIÁ CẢ

- Một yến nhãn, mới được cân thịt lợn (NNVN).
- Giá thu mua 1kg chè chỉ là 30.000đ.
--Nghiên cứu khoa học lĩnh vực nông nghiệp:Chi 1.000 tỷ đồng mỗi năm, được gì? ( Tienphongonlie 23-8 ).


Một mạng khác cho biết Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã gây ra ‘địa chấn’ khi ông nói thẳng băng: “Người nghèo chả bao giờ mua được nhà”. “Với cấp Bộ trưởng, chúng tôi tính phải 40 năm mới mua được nhà…Với lương 2 triệu mà đặt bài toán cho ngành xây dựng, bất động sản phải làm được nhà. Tôi đầu hàng luôn.”


26-8

KHÁI QUÁT& LIÊN TƯỞNG

Nhân vụ tầu cao tốc bị đâm đổ, các nhà phân tích chính trị có dịp tìm tới một số ý tưởng khái quát hơn. Họ nói nhiều người Trung Quốc nhận ra rằng “đây không chỉ là một tai nạn xe lửa mà là vụ va chạm giữa quá khứ và tương lai của Trung Quốc, giữa tham vọng và giới hạn của nó, và giữa sự cần thiết về tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và tình trạng không có khả năng thay đổi chính trị


Quay về chuyện nhà mình, một người bảo bệnh trạng xã hội ta hôm nay ở hai dạng 1/ vừa là bệnh cấp tính nguy kịch, 2/ vừa là bệnh mãn tính, hay đúng hơn bệnh đã ăn vào tận lục phủ ngũ tạng. Cơ thể xã hội giống như người tiêm quá nhiều corticoit dẫn đến tình trạng hết chất miễn dịch. Các vi khuẩn đã nhờn thuốc và ngày một thêm khả năng kháng thuốc.


27-8

THÓI HAY GIỞ MẶT

Lâu rồi có chuyện một tài xế tắc xi lái xe cho một người nước ngoài từ Nội Bài về trung tâm Hà Nội. Hai bên đã mặc cả với nhau là hai trăm ngàn, nhưng đến HN, lái xe bảo là ông khách nghe nhầm thôi, nhất định đòi là bốn trăm, nếu không thì không cho khách ra khỏi xe. Lời qua tiếng lại một hồi, người khách -- trong thân phận người ở nơi xa tới – đành chịu trả vậy và thề là không bao giờ quay lại VN nữa.
Cuốn sách mỏng Người Pháp ở Đông Dương, ghi lại lời kể của F. Garnier trong chuyến thám hiểm qua ba vùng Nam kỳ, Trung và Bắc kỳ, ( Nxb Công An nhân dân, H 2010 ). Đọc vào, tôi thấy người ta ghi một nhận xét có liên quan tới chuyện trên. Ghi rằng người Bắc bộ có nhiều ưu điểm, nhưng đáng sợ nhất là thói tráo trở, nó “ giết chết những mặt đáng ca ngợi của họ” .




QUANH CHUYỆN NÓI NGỌNG

Càng ngày càng thấy có nhiều người nói ngọng quá. Sự phản cảm khiến tôi nhiều lúc trong điện thoại không sao tập trung được vào nội dung đang trao đổi mà cứ muốn nhanh chóng rút lui khỏi câu chuyện. Giống y như trong bữa cơm nhai phải mấy hạt sạn.


CÁCH VỨT RÁC KỲ CỤC CỦA NGƯỜI MÌNH

Chuyện có con chuột nào chết vứt ngay ra đường cho xe kẹp vốn chỉ có ở Hà Nội những năm chiến tranh thì bây giờ lan về các vùng ngoại ô và các thị xã nhỏ chung quanh Hà Nội.
Một lần vào chợ Châu Long gần hồ Trúc Bạch. Giữa ngày mưa tôi thấy các bà bán hàng có mớ rau đầu thừa đuôi thẹo nào liền ném luôn ra con đường hẹp giữa chợ cho xe đạp xe máy đi qua đè lên chà xát, lớp bùn dưới lòng đường trở nên lùng nhà lùng nhùng, người đi bộ đi qua mà thấy ghê cả người.
Điển hình nhất cho cách vứt rác của người Hà Nội thời nay thì có liên quan tới những cái túi ny lông. Càng những gì bẩn thỉu hôi thối người ta càng tìm cho được những cái túi ny lông thật bền thật chắc để nếu có tạm vứt vào thùng rác trước nhà cũng không ai cảm thấy khó chịu. Còn sau đó đến các bãi rác, loại của nợ này “đời đời bền vững” ra sao, không ai cần biết.
















Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét