Làng nghề kêu cứu
Thoạt nghe chắc mọi người nghĩ tới một số làng nghề ở đồng bằng Bắc bộ làm ăn sa sút, mặt hàng thủ công không đủ sức cạnh tranh với các loại hàng làm bằng máy móc và nghề tổ bị xếp xó. Đó là một loại "làng nghề kêu cứu" lâu nay báo chí đã viết.
Nhưng những làng nghề tôi nói ở đây lại đang ăn nên làm ra. Chưa bao giờ hàng sản xuất được ưa chuộng như bây giờ, vừa làm rời tay đã có người đến nhận mang đi. Nhân lực thiếu, phải mướn thêm người các làng lân cận sang làm giúp những khâu lặt vặt. Nhà cửa mọc lên san sát. Các tiện nghi hiện đại được khuân về ùn ùn. Bữa cơm có giò, có chả chứ không phải xanh rờn những rau như ngày xưa. Nhưng tôi vẫn muốn bảo đó là những làng ở trong tình trạng kêu cứu, bởi lẽ:
Sự phát triển chỉ đến với từng nhà, chứ nhìn chung làng xóm không có gì thay đổi, cách ăn ở vẫn như từ hàng trăm năm nay các cụ để lại. Đất chật thêm, người đông thêm, hồ ao trong làng bị lấp tiệt lấy đất làm nhà, khiến cho cống rãnh không còn chỗ thoát.
Trước mắt chúng ta là một làng quê quá lứa, quá thì. Đáng lẽ nó phải chuyển thành một đô thị nhỏ. Phải có những ngôi nhà nhiều tầng, có đường sá rộng rãi, hệ thống thoát nước hợp lý, các công trình vệ sinh làm theo kiểu cách hiện đại. Nói chung phải có một môi trường mới, làm cho một cách sống mới. Nhưng đấy là chuyện xa vời, các làng nghề này không đủ sức vươn tới, mà xã hội cũng chưa tính chuyện gợi mở giúp.
Và thế là các cơ sở vật chất cũ kỹ được tân trang tí chút bề ngoài, cứ phải dằn lưng ra gánh vác những thay đổi nhộn nhịp xảy ra hàng ngày. Cả làng như con tàu mắc cạn, không sao cất mình lên được.
Một đặc điểm nữa, thường thấy ở các làng nghề làm ăn phát đạt: trẻ con đua nhau bỏ học, ở nhà làm nghề có ngay đồng ra đồng vào, lại chả hơn sách bút đến trường, mươi mười lăm năm tốn kém, mà liệu có nên cơm cháo gì?! Cha mẹ bọn trẻ nghĩ thế, và bản thân chúng cũng nghĩ thế.
Một cái làng nghề chỉ biết lao đầu kiếm ăn trước mắt, mà không tính toán gì đến tương lai, chẳng lẽ không phải đang trong tình trạng kêu cứu?
Thói quen tai hại
Về thăm Bát Tràng, cảm giác đọng lại trong tôi cũng như ở nhiều người khác, là một cái gì chua xót cho kiếp người. Ở đây chỗ nào cũng thấy khói than bụi bặm. Cả làng là một xưởng sản xuất lớn. Đồ gốm khắp nơi, thứ đang ở dạng sơ chế, thứ xếp trong lò, thứ nằm ngổn ngang chờ xuất đi bán lẻ, và có cả những thứ bóng lọng trong tủ kính. Hàng hóa nhiều quá, hàng hóa lấn át cả những sinh linh đã làm ra nó. Ngập lụt giữa hàng hóa do mình làm ra, con người dường như không còn đứng cao hơn sản phẩm, không còn là chủ nhân ông của mảnh đất này nữa. Mà con người chỉ còn là một chi tiết nhỏ nhoi trong cả guồng máy sản xuất to lớn.
Mới đây đọc báo Nông thôn ngày nay lại thấy nói tới một vùng sinh thái báo động: đó là chuyện ở Văn Thai, Cẩm Vân, Cẩm Giàng, Hải Dương. Dân nơi đây chỉ sống bằng nghề mổ thuê trâu bò. Góc sân bất cứ nhà nào cũng có thể biến thành lò sát sinh. Những thứ thải loại từ các cuộc mổ xẻ thủ công đó hàng ngày tự do tuôn ra đường sá, cống rãnh. Nhiều cái ao biến thành bể ngâm, xương vừa xẻ ra, vứt luôn xuống đấy chờ giòi bọ rỉa nốt những nhánh thịt dính bện mới vớt lên mang bán.
Giá kể ngày xưa, thì chuyện ở Bát Tràng, Văn Thai đã trở thành những ví dụ tốt, minh họa cho bài học về tình yêu lao động và tinh thần chịu đựng gian khổ của dân ta. Nhưng giờ đây người ta buộc phải nghĩ thêm: thói quen là một cái gì đáng sợ. Và khi một thói quen lại gắn bó với công cuộc kiếm sống vốn rất thiêng liêng, thì nó lại càng đáng sợ hơn! Dù biết rằng có hại cho cuộc sống, người ta cũng không dễ thay đổi. Ai mà biết được còn biết bao nhiêu nếp sống quen thuộc mà tai hại như vậy đang tồn đọng ở các làng quê?!
Tiếng loa rè
Quan họ với tôi là một món ăn tinh thần, có thể "ăn" mãi không chán. Tôi thường tự nhủ có họa là gỗ đá thì người ta mới không thích những bài dân ca, trong đó có quan họ.
Ấy thế mà một lần về Hội Lim, tôi đã phát sợ với những Người ơi người ở đừng về, Ngồi tựa mạn thuyền, Bèo dạt mây trôi...
Có gì đâu, hôm ấy, những giọng ca quan họ tuyệt vời được phát ra từ một cái loa rè.
Và một điều tai vạ nữa với những người hôm ấy về dự hội là cùng lúc trong không trung, các làn điệu tuôn ra hỗn độn, bài nọ lẫn với bài kia. Bởi ngoài mấy cái loa chung của ban tổ chức, còn rất nhiều loa lẻ khác. Của ông bán kem. Của bà hàng kẹo bột. Của cô hàng bún ốc... Người nào cũng một đài nhỏ, vặn hết cỡ. Cái thứ thức ăn tinh thần, mà lúc chín tới, vốn rất là ngon, giờ như một món cháo vữa, nuốt không nổi.
Vào những ngày xuân có bao nhiêu làng xã mở hội, thì bấy nhiêu nơi loa điện được mắc để gây thanh thế, và thu hút khách qua đường. Riêng cái chuyện chất lượng âm thanh các loa ra sao thì không bao giờ được để ý. Lại càng không ai để ý và tính chuyện quản lý những chiếc loa lẻ, lên tiếng ngay bên nồi canh riêu bốc khói, hoặc mẹt kẹo không ít ruồi bâu.
Cuối cùng, người đến dự hội chỉ còn có cách lắc đầu.
Nhưng tôi cũng biết chắc rằng, năm sau, giá có đi hội, thì vẫn được nghe những chiếc loa ấy. Chuyện này vốn ít được mọi người cho là đáng nói, mỗi khi bàn về lễ hội.
Chữ "chân quê" cũng có ba bảy đường
Xuân hè 1972, trong dịp tham dự chiến dịch Quảng Trị, tôi có dịp đi qua nhiều vùng nông thôn tỉnh này và sớm nảy ra một nhận xét nhỏ: sao mà dân ở đây mê đồ nhựa đến thế: rổ rá nhựa, đồ chơi trẻ con bằng nhựa, cho đến cành hoa mang bày trên bàn thờ tổ tiên cũng bằng nhựa tuốt. Với thói quen của một người lớn lên ở đồng bằng sông Hồng, tự cho mình là chân quê mộc mạc tuy không nói ra, nhưng tôi thầm nghĩ hình như cái vùng quê trong này mất gốc nhanh quá(!)
Nhắc lại chuyện này hôm nay, cũng là một dịp để cười với nhau cho vui. Vì cái lối sống mà tôi nghĩ là không được chân quê cho lắm ấy, bây giờ như vết dầu loang, đâu mà chả thấy. Những đồ vật làm bằng tre mây - niềm tự hào của nhiều vùng quê - nay không còn giữ địa vị độc tôn như xưa. Dùng được cái gì bằng nhựa là người ta dùng, nơi nghèo còn dè dặt, nơi giàu có một chút, đồ lề trong nhà cũng xanh xanh đỏ đỏ y như Quảng Trị mà tôi từng tới. Ngoài chợ, các bà có bán bánh trái, thì cũng từ tốn đặt nó vào trong cái túi nhựa mỏng dính, chứ không phải lúc nào cũng quấn sơ sài bằng mảnh lá chuối khô như xưa. Ngày tết, các cụ chống gậy đi hội, người nghèo đến mấy cũng kiếm được đôi dép lê; có lẩn mẩn hỏi rằng ở đây còn ai đi lại dép cổ ngày xưa (dép làm bằng mo cau và có sợi dây buộc vào cổ chân, phía trước chỉ cần xỏ một ngón chân là đủ), thì chỉ được đáp lại gọn lỏn:
- Gớm chết! Ai lại còn cổ lỗ đến thế!
Lại nhớ lại bài thơ Chân quê của Nguyễn Bính, với cái ý chủ đạo "van em em hãy giữ nguyên quê mùa" mà đi đâu cũng thấy có người nhắc. Thứ nhất giữ nguyên nếp sống xưa, bây giờ nhiều khi hóa bất tiện. Thứ hai, đôi khi lại là không kinh tế, nghĩa là tốn kém nữa. Yêu cầu của đồ dùng là phải rẻ mà lại bền, cái gì bền ắt rẻ. Rồi lại phải tiện dụng nữa, một vài cái rổ nhựa dễ được ưa chuộng hơn cái rổ tre, lý do là vì như thế, có phải vì dùng nó mà cuộc sống nông thôn thay đổi đi đâu?! Bài thơ của Nguyễn Bính rất hay, người ta sẽ còn đọc mãi, nó là lời cảnh tỉnh hữu ích cho những kẻ học đòi. Nhưng học đòi là một chuyện, mà làm cho cuộc sống ngày càng văn minh hiện đại là chuyện khác, không thể đánh lộn sòng mà nhập làm một.HỆN ĐẠI
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét