Hội thảo là để ghi nhận đóng góp của ông với chèo cổ.
Nhưng Trần Huyền Trân còn là một nhà thơ.
Trong quá trình trở lại với những năm tiền chiến huy hoàng, sau khi choáng ngợp bởi Xuân Diệu Huy Cận, Hàn Mặc Tử Chế Lan Viên, tôi chỉ đọc được một ít bài thơ của Trần Huyền Trân, song vị đắng đót của nó chất bi phẫn của nó vẫn khiến tôi xúc động và có cảm tưởng những người như Trần Huyền Trân như Thâm Tâm là không thể thiếu trong bản hợp xướng thơ ca thời ấy, cũng như thơ VN nói chung.
Tôi đã thử phác họa lại cảm tưởng của tôi về Trần Huyền Trân và Thâm Tâm qua bài viết dưới đây, lần đầu in trong tập Cánh bướm và đóa hướng dương 1999.
Trong khi tìm hiểu về Trần Huyền Trân, một điều nữa làm tôi bị lôi cuốn là nhà thơ có một cuộc đời phiêu bạt và không được mấy người coi là tri kỷ này lại được Mai Thảo nhà văn hàng đầu ở Sài Gòn trước 1975, đặc biệt chú ý.
Mấy chục năm trước, trong khi lần mò giữa sách báo miền Nam, tôi đã chép vào sổ tay hai đoạn Mai Thảo viết có liên quan tới Trần Huyền Trân , một trên tờ Nghệ thuật số 3 ra từ 1965 và một trên tạp chí Vấn đề một số đầu 1970.
Trong cảnh làm ăn luộm thuộm cơm niêu nước lọ của một người làm nghề nghiên cứu suốt đời nghiệp dư, tôi đã không sưu tầm trọn vẹn bài Mai Thảo, lại càng không đủ sức làm cái việc cần thiết là tìm hiểu thêm để cắt nghĩa lý do nào đã khiến Mai Thảo có cảm tình với Trần Huyền Trân như vậy. Đó là công việc một lúc nào đó sẽ có người làm.
Những ghi nhận hôm nay của tôi chỉ xin được coi như những gợi ý về một quá trình tiếp nối liên tục của thơ Việt của thế kỷ XX mà các thi sĩ truyền giao cho nhau.
THƠ CỦA NHỮNG KẺ “RỪNG ĐỜI LẠC LỐI”
Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật có lẽ là một nhu cầu kỳ lạ nhất của con người. Nó có thể chấp nhận mọi “mặt hàng” hết sức khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Nó cũng đa dạng như chính đời sống.
Phong cách làm nghề tài tử
Những người mê tranh dân gian Đông Hồ (từ Đám cưới chuột, Đánh ghen, Hứng dừa đến các loại tranh lợn, tranh gà, Thầy đồ cóc…) có lẽ ít biết rằng thật ra các bức tranh này đều có tác giả. Chỉ hiềm một nỗi phần lớn những người đã vẽ nên chúng lại sống rất vụng. Trong cảnh vợ ốm, con đau thúc ép, người nghệ sĩ tài hoa phải cố vẽ lấy được vài bức tranh rồi mang bán thật nhanh, không còn thì giờ mà nghĩ ngợi xem tác phẩm ra sao, có xứng đáng với tên tuổi mìnhh hay không. Trong đa số trường hợp, các ý đồ tốt đẹp đổ vỡ tan tành và chỉ để lại mấy mảnh vụn là những phác thảo dang dở. Nhưng cũng đôi khi, trong cảnh thúc ép, ngòi bút trở nên xuất thần và tác phẩm thu được là một cái gì vượt lên bình thường, chắc chắn là lúc tỉnh táo bình tĩnh, người ta không làm nổi.
Cố nhiên loại nghệ sĩ tài tử vừa nói là sản phẩm của nền nếp sinh hoạt trung cổ, khi các thị trường nghệ thuật chưa hình thành và việc sáng tạo còn lẫn với các hoạt động kiếm sống khác. Có điều là ngay trong nước Việt Nam thời tiền chiến, không phải đã hết loại người kì lạ đó. Cả Thâm Tâm lẫn Trần Huyền Trân đều có cuộc đời riêng khá éo le kỳ cục. Mỗi khi nghĩ tới họ, trong đầu óc những người yêu thơ luôn luôn hiện lên một ám ảnh, đáng lẽ họ phải viết được nhiều hơn, đáng lẽ thơ của họ phải được xuất hiện trong những thi phẩm trang trọng và cuộc đời của họ phải sung sướng. Nhưng mọi chuyện lại cứ luôn luôn oái oăm hơn là ta vẫn tưởng và đôi lúc người yêu thơ chỉ còn có cách tự an ủi, biết đâu nhờ những long đong lật đật như thế mà họ lại viết được những vần thơ thật tuyệt.
Nghịch phách, cô đơn, giá buốt
Trong cuộc sống trôi dạt, khía cạnh đầu tiên thường thấy trong tiểu sử nhà thơ sống vụng về là một sự tản mạn. Tác phẩm của họ như con rơi, con vãi tản mát khắp nơi, chính họ cũng không nhớ hết là bản thân đã viết nên những thứ gì nữa. Và việc tập hợp để công bố thì chính các tác giả lại rất chểnh mảng. Sau mấy lần thất lạc , mãi tới 1987, bản thảo Rau tần của Trần Huyền Trân mới được in ra, nhưng là ở dạng một tập sách 48 trang, không có gáy, thơ đóng ghim, và một số bài xếp nối đuôi nhau khá chật chội. Trường hợp Thâm Tâm cũng bi đát không kém, cho đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều bài thơ Thâm Tâm vẫn chưa được sưu tầm đầy đủ ( chẳng hạn , trong số Văn nghệ đặc san tháng 4/1992 người ta lại đưa ra một bài mới). Tại sao có sự lơ đãng kéo dài đến vậy, lý do có thể tìm ngay ở quan niệm về thơ của từng tác giả. Với các ông, thơ là một cái gì ngẫu nhiên xuất hiện. Lúc bạn bè gặp gỡ khề khà chén rượu hoặc khi một mình một bóng quẫn bách đau đớn thì vớ lấy bút để viết. Viết cho vơi những buồn vui chứa chất trong lòng. Thơ làm ra không cốt công bố, chứ đừng nói mang bán. Được vài người bạn thật tâm đắc hiểu cho đã cảm thấy được bù đắp hoàn toàn.
Rộng hơn câu chuyện quy trình sản xuất , thật ra ở đây có chuyện cốt cách con người, nhân tố quy định cả cách ứng xử của người làm thơ lẫn nội dung thơ và nhất là cái phần nội dung đã chuyển thành hình thức, là hơi thở, giọng thơ. Trong khi vẫn khác hẳn nhau, như những phong cách riêng biệt, cả Thâm Tâm lẫn Trần Huyền Trân đều có một nét chung: cốt cách thi nhân cổ ở họ quá mạnh. Không phải ngẫu nhiên mà trong thơ họ, từ Hán Việt khá nhiều và được dùng khá nhuần nhuyễn. Hơn thế nữa, cái hơi hướng toát ra từ nhiều bài thơ cứ xui ta nhớ tới phần thơ biên tái trong thơ Đường. Đặt bên cạnh những Thế Lữ, Xuân Diệu, cái tôi của họ không phải không mạnh bằng, nhưng định hướng của cái tôi đó thì hoàn toàn khác hẳn. Ở một người như Xuân Diệu, đó là cái tôi ham sống, muốn sống thật đã đầy, và chỉ sợ người ta quên mình trong bữa tiệc lớn của cuộc đời. Ngược lại, cái tôi ở Thâm Tâm, Trần Huyền Trân là cái tôi của kẻ đi ngược gió (tên một bài thơ của Thâm Tâm), không chịu hùa theo đời.
- Hay gì bà hỏi đến tôi
Khóc thì trái thói mà cười vô duyên
(Trần Huyền Trân, Thưa bà)
- Lòng ai bầm tím, ai buồn tối
Cũng tại rừng đời lạc lối ra
(Thâm Tâm, Hoa gạo)
Ngậm lời tráng khí, chim bằng ốm
Chuyện lúc thương tâm gái điếm già
Gió thốc hàng hiên lười viễn mộng
Mưa rào mặt cát gợi ly ca
Phiếm du mấy chốc đời như mộng
Ném chén cười cho đã mắt ta
(Thâm Tâm, Can trường hành)
Biết rằng khác đời là rất khổ, nhưng không tìm được cách để hòa hợp, họ đành bằng lòng với cô đơn giá buốt, và thỉnh thoảng lắm, tìm thấy chút hơi ấm ở những người cùng cảnh ngộ (Thâm Tâm, Ngược gió; Trần Huyền Trân, Với Tản Đà, Lưu biệt – tặng Lê Văn Trương, Sầu chung – tặng Quách Thị Hồ). Sự ngang tàng trái khoáy ở đây không phải là vay mượn, là bị tố lên, mà hiện ra như một cái gì kìm giữ không nổi phải buột ra, òa ra vỡ ra, nên lại có vẻ cao sang riêng, và thường khi cả sự duyên dáng riêng nữa.
Quả trái mùa độc đáo
Cũng như mọi ngành nghề khác, con đường phát triển của những người làm công việc sáng tạo ở nước ta đầu thế kỷ này là con đường chuyên nghiệp hóa. Nhưng nghịch lý của nghề văn là ở chỗ trong khi buộc người ta phải làm hàng đều đều, nó lại vẫn yêu cầu mỗi nhà văn nhà thơ phải giữ được vẻ tươi nguyên trong xúc cảm, và càng tỏ ra ít làm nghề càng tốt. Chính ở chỗ này một số ngòi bút gọi là chuyên nghiệp trong đời sống văn học tiền chiến bộc lộ sự non yếu của mình. Vì mải làm hàng – bảo đảm mặt hàng, để rồi bảo đảm thu nhập – một số đâm ra nhênh nhang bôi bác, hoặc gò gẫm cố ý, tự lặp lại trông thấy mà không sao khắc phục nổi. Nhìn vào một “ông lớn” có thời rất sang trọng như Lê Văn Trương, một thi sĩ bẩm sinh như Lưu Trọng Lư, thậm chí một người vừa có tâm hồn, vừa chịu học hỏi như Xuân Diệu, người sành điệu đều mang máng nhận ra có phần như thế. Bấy giờ, nếu được tiếp xúc với những giọng thơ như Trần Huyền Trân, như Thâm Tâm, như Quang Dũng, người ta sẽ có cảm giác bắt gặp một cái gì thuần khiết, trong lành - đôi khi, một thứ quả trái mùa lạ lẫm – và hiểu ra rằng cả một đời thơ người này cũng không thay thế nổi một hai bài hay và lạ của người kia. Không ai thua được trong trường hợp này cả, cái chính là một nhu cầu đa dạng đã thắng thế.
Vài nét tiểu sử
Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình (1917-1950) làm thơ, viết kịch, viết truyện, nổi tiếng với bài thơ Tống biệt hành. Tác phẩm Thơ Thâm Tâm (1988)
Trần Huyền Trân (1913-1989) , tác phẩm chính : Rau tần (1987).
Tên sách Rau tần là lấy từ chữ trong câu thơ:
Mưa bay trắng ngọn rau tần
Việt nam tự điển của Hội Khai trí tiến đức chỉ nói đó là tên một loài rau mọc ở dưới nước. Việt Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của chua đầy đủ hơn - rau thơm, lá dày mà lớn, vị thuốc ho , thuốc mát.
Có người lại còn nói với chúng tôi là rau muống. Chỉ có điều chắc đó là tên một loại rau tầm thường, thức ăn của người nghèo, có khi lại còn ở tình trạng mỗi nơi gọi một khác, và chữ tần đây, mượn từ tiếng Hán, không được thông dụng kể cả ở các thành thị
Hai đoạn văn Mai Thảo viết về Trần Huyền Trân
Một vòm trời âm u xưa cũ
Về thế hệ tiền chiến
(Ngày nhỏ tôi) thường tìm trú ẩn trong cái thế giới nhiều bóng tối và nhiều màu xám, nhiều lượng đau và nhiều chất mục, là những áng thơ văn tiền chiến.
Văn học nghệ thuật tiền chiến với những vươn phóng nửa chừng, nửa vời, hành trình không tới chốn, phá vỡ chẳng hoàn toàn, những dòng chảy đứt quãng, những khai hoang bỏ dở, là cái hiện tượng tranh tối tranh sáng không phân định.
Theo Thế Lữ, Nguyễn Tuân “yêu mê những cái đẹp bởi lòng đầy hoài nghi và ngạo nghễ.”
Những người được nhắc tới Nguyễn Tuân, Nhất Linh, Thạch Lam, Nguyên Hồng (Những ngày thơ ấu) Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu, Hồ DZếnh
Nay, nó đã là dĩ vãng là lưu luyến tình cảm
Về Thâm Tâm
Thơ Thâm Tâm không nhiều… nhưng bài thơ nào mang trên Thâm Tâm cũng mang tên
Thời thế tối xám
Phẫn nộ cao lớn
Sầu hận ngút ngàn
Cảm khái chất ngất
Cười vang ném chén tan tành
Khoái nghe vỡ cái bất bình thành thơ
Thơ Thâm Tâm chính là sự ném vỡ thời thế khốn nạn.
Thâm Tâm sống ngạo nghễ mà đau đớn trầm tĩnh mà nung nấu.
----
Thơ Trần Huyền Trân
Tiếng thơ Trần Huyền Trân nhọn hoắt của một mũi nhọn ý thức đâm suốt vào hình hài dầy đặc những ung nhọt rức buốt là xã hội tiền chiến.
Lên thang nghe gió nhủ mưa thầm
Gác trọ không đèn hết cố nhân
Nhấc chén nghĩ khinh người chiến quốc
Phù hoa thường đổi lấy tri âm
Phượng hoàng gẫy cánh.
Đời sống của những người viết văn chúng ta là cái hình ảnh đó của một vụ mùa những hạt giống sớm, những nhánh mạ đầu có thể rất non xanh, nhưng mùa nửa chừng mùa. Không rực rỡ vàng thành cái nườm nượp mênh mông cánh đồng lúa chín. Người viết tích luỹ vào hồn mình một vốn sống đầy như biển đầy, nhưng cái vốn sống kia chưa thể buông thành một ngọn triều vượt thoát khỏi những bến bờ nội giới, tiếng nói đã tắt, cây bút đã rơi, tròng mắt đã khép, hơi thở đã đứt, người viết đã chết. Thực tế của người viết đất Việt là một thực tế mẹ kiếp. Muốn chửi thề. Muốn văng tục. Muốn nhỏ lệ
Thuế sống rồi con đóng nặng nề.
Rồi con viết mướn hay may thuê
Tìm đâu nương náu đi đâu thoát.
Hay sớm lang tháng tối ngủ hè
Trần Huyền Trân. Không tìm được, nương náu ở đâu hết. Không đi đâu thoát hết. Kẻ thù của những người viết văn đất Việt không thoả hiệp trước hết là thực tế khốn nạn quật đập tàn nhẫn, và thực tế đắc thắng ngửa cổ cất cao điệu cười khả ố mất dạy. Hai năm nay tôi tìm tài liệu viết cho một chương trình vô tuyến về thơ và con người Trần Huyền Trân mà không được. Lả tả những đề tài vụn vặt. Một vài câu thơ, người này còn nhớ, dăm bảy câu khác người nọ may quá chưa quên. Chỉ có thế. Một hành tinh lạc lõng bay vút qua một vòm trời nhân thế lạnh lùng, một ánh lân tinh chìm, một vỗ cánh vào hư vô trắng và trống và phẳng. Đó, những Trần Huyền Trân của chúng ta. Xâu chuỗi những sớm khuất phi lý là một xâu chuỗi dằng dặc hứa hẹn nối dài, không có dấu dứt. Đời ngắn quá chừng đời. Đời ngắn không thành đời. Khổng Dương. Leiba. Quách Thoại. Nguyễn Nhược Pháp. Nhớ thêm nữa, đầu óc choáng váng sẽ chỉ còn là một chất ngất mộ đầy. Hằng hà âm điệu vàng ngọc chưa kịp thoát bay ra ngoài cổ động chồng chồng giấy trắng mực đen có lửa, có hồn, có đời sống bắt sóng được, có ngôn ngữ làm mới, có bút pháp làm chủ, sẽ được chuyên chở vào kho tàng văn học chúng ta. Nếu những Thoại, Dương, Pháp kia được sống qua một mùa xuân kia, thêm một mùa hạ ấy.
… Không hiểu ở đâu, trong một truyện ngắn nào, tôi nhớ và yêu mãi câu văn này của Thạch Lam Chàng thấy mình bé quá và lại đi xa
Thạch Lam đã đi xa. Và những ai yêu mến cái bút pháp chuốt lọc, trong sáng và chính xác nhất của văn xuôi tiền chiến ấy hẳn muốn nhận lấy câu văn này của Thạch Lam vào hồi tưởng, câu văn kết thúc một truyện ngắn tả mối tình đầu như một loài hoa. Mỗi mùa, nàng lại cài một bông hoàng lan lên mái tóc, để tưởng nhớ mùi hương.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét