- Liệu có thể nói rằng, hàng ngày, phóng xe đi lại trên đường Hà Nội, anh chưa một lần vượt đèn đỏ trái phép? Anh đừng chối, đúng là không chứ gì? Mượn cái chữ của các cơ quan quản lý, vậy là có những lúc anh đã thiếu ý thức. Có bao giờ anh thử giải thích với chính mình tại sao cái gọi là ý thức giao thông khó bồi dưỡng đến vậy?
Một anh bạn đã độp vào mặt tôi mà tương ra những câu hỏi hắc búa trên, đúng vào những ngày giao thông đang trở thành câu chuyện đầu miệng giữa mọi người.
Bởi anh đã cài trước rằng đừng có chối, nên tôi cũng phải thành thực mà nhận. Nhận rằng có đôi lúc không tự chủ được. Nhìn trước nhìn sau không có công an đứng đón là tranh thủ làm một cú ào qua đường. Chẳng qua không phải là làm thường xuyên thôi. Và phải nói ngay là nhiều lần khác, cái định ào qua đường ấy đã đến, rồi thấy có lẽ cũng hơi nguy hiểm, nên bấm bụng chờ đợi.
Tôi nghĩ rằng trước hết ở đây, nói cho to tát ra, có cái tạm gọi là "căn bệnh thời đại" : bệnh sốt ruột. Hình như nay là lúc ai cũng vội. Hàng ngày mở mắt ra đã thấy bao nhiêu việc chờ mình. Ý nghĩ chúng ta đi quá nhanh. Mà tốc độ đi lại thì quá chậm. Đó là một lẽ. Nhưng không chỉ có vậy.
Hồi còn sống, nhà văn Phan Tứ (tức Lê Khâm) nổi tiếng máy móc. Đi đâu, ông cũng túi dết khẩu trang đàng hoàng. Nhà thơ Xuân Quỳnh dự đoán : “Ông này 12 giờ đêm, qua ngã tư vẫn giơ tay xin đường… ”. Theo tôi, cái thói quen ấy của Phan Tứ có liên quan đến cuộc sống nền nếp mà bây giờ không sao khôi phục nổi. Những năm bảy mươi của thế kỷ trước, giao thông Hà Nội còn khá quy củ.
Chắc Phan Tứ cũng có lúc khổ vì thói quen của mình, muốn sửa mà không sửa được.
Còn chúng tôi bây giờ thì khác. Cái đời sống nhộn nhạo chung quanh lúc nào cũng thầm thì vào tai tôi : “Luật lệ là một chuyện, nhưng kìa, nhìn xem, trên đường phố và ở bao nhiêu những góc tối của cái thành phố này, bao nhiêu người đang phạm luật. Mình chỉ là một thành viên bé nhỏ của cái guồng máy khổng lồ. Giữ gìn chỉ thiệt!”.
Ở trên, tôi vừa nói là có những lúc, tôi đã định ào qua đèn đỏ, rồi kịp kiềm chế, và lâu dần thành một thói quen sống bình tĩnh, từ tốn, sống biết chờ đợi.
Nhưng có những lúc lạ lắm. Rõ ràng đã tự nhủ rằng : “Không đi đâu mà vội!” rồi, mà vẫn cứ đâm đầu phạm lỗi. Nghĩ lại thì hóa ra lúc ấy có mấy người khác cũng làm cái chuyện bậy bạ đó và mình bị cái tâm lý bày đàn chi phối.
Phương Tây từng có câu chuyện ngụ ngôn kể về một anh nọ hại một nhà buôn cừu bằng một cách lừa đơn giản. Trên chuyến tàu vượt bể, anh ta gạ mua của nhà buôn chỉ một con với giá rất đắt. Để làm gì? Để quẳng nó xuống biển. Kết quả đau lòng, cả đàn cừu của gã nhà buôn cùng nhảy xuống theo.
Tôi biết rằng người ta sẽ cãi lại : “Ý thức của anh đâu?”.
Ai có cười thì tôi cũng xin chịu, nhưng phải nhận trong con người tôi lúc ấy, có một con cừu nó thức dậy.
Người ta thích bắt chước nhau lắm. Bắt chước cái tốt thì khó chứ chạy theo cái xấu thì dễ ợt, có ai cần phải cố gắng.
Hồi Hà Nội còn xe đạp nhiều hơn xe máy, đến Thư viện Quốc gia, giới bạn đọc bọn tôi (kể cả những người già như tôi, chứ không phải chỉ các cô các cậu sinh viên) có thói quen phóng cả xe qua cái cửa hẹp. Mới đầu, mấy sinh viên nước ngoài nhìn thấy thế lắc đầu, bảo người Việt các anh lạ thật đấy, vội vội vàng vàng, trăm người như một. Vài năm sau, chính họ cũng làm thế, cũng phóng xe qua cửa rồi mới xuống xe một cách “tự nhiên như người Hà Nội”. Nói như dân gian, do ở đây lâu, họ đã ăn phải đũa người Việt lúc nào không biết.
Kết luận cuối cùng của tôi : Trong điều kiện giao thông vừa manh mún vừa quá tải, nói chung là trong điều kiện đời sống còn rất lạc hậu như hiện nay, những rủi ro là khó tránh khỏi. Nhắc nhở nhau về ý thức là cần, nhưng cũng nên biết, ở đây không phải chỉ có ý thức, mà còn phải tính tới sự có mặt một mớ bòng bong rắc rối gọi chung là tâm lý cá nhân nữa. Trong tâm lý của mỗi người đều in dấu của xã hội. Rồi ra xã hội có tiến lên thì tâm lý con người mới khá lên theo được.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét