Ghi chép hàng ngày (12 )

1-10

Một tờ báo nước ngoài nói VN chi trả cho giáo dục nhiều hơn các nước láng giềng.

Đã tính đóng góp của dân chưa? Nếu tính cho đủ, thì người ta kết luận ra sao?

Tôi hay nói với các gia đình quen, cố mà cho con đi du học.

Đi thế, đắt lại hóa rẻ.



( Cố nhiên không phải cố với bất cứ giá nào. Nếu con không có khả năng hội nhập, thì đi đâu cũng cứ bật về, mà lại hư thêm.)

Cái gì ở VN cũng thế -- chúng ta chỉ biết làm ra những sản phẩm kém bằng một chi phí lớn hơn nhiều so với cách làm của các nước khác.

Các ngành nông lâm ngư của một số đại học các tỉnh không có người nộp đơn theo học.



Báo Thanh niên có bài nói về rác nhập từ nước ngoài.

Chắc nhiều người nghĩ như tôi -- kiểu nhập rác hiện nay là tột cùng của sự tha hóa của con người Việt Nam.

Vì lợi riêng, cả người đứng ra nhập và người cho phép nhập, dám làm cái việc mà ngàn đời con người trên mảnh đất này còn nguyền rủa.

Thế nhưng thử nghĩ lại:

Hãy nghĩ đến những người cho nhập tràn lan phim ảnh khiêu dâm và trò chơi bạo lực.

Hoặc nghĩ tới ngành giáo dục.

Hàng mấy trăm trường đại học bất thành nhân dạng mở ồ ạt ở các tỉnh.

Theo tin ĐĐK, chuẩn để học sinh vào các trường sư phạm ngày càng thấp.

Toàn ngành ngày một xuống cấp. Cả về tư cách làm người lẫn việc nắm chắc kiến thức, học sinh phổ thông cũng như sinh viên ra trường ngày một kém.

Vậy thì chúng ta đang gửi vào tương lai những người như thế nào đây ?

Cả ngành là một guồng máy khổng lồ, một quốc gia đâu có đến hơn hai chục triệu sinh mạng, chẳng ai kiểm soát nổi, người ta rất dễ ngụy biện về thành tích do người ta đã làm, các bậc phụ huynh thì không đủ trình độ để cãi lại người đã dạy dỗ con em mình.

Nhưng thử đứng ở một vị trí khách quan mà nhìn nhận. Thử so sánh với nền giáo dục trong các thời trước. Thử nhìn ra thế giới.

Tạm để sang một bên những cố gắng lẻ loi, mà xét đại trà, tôi có cảm tưởng nhiều người có lúc trong đầu cũng thoáng qua cái ý nghĩ như tôi lúc này. Là trong việc làm hỏng tương lai, cái tội của ngành giáo dục hôm nay cũng chẳng kém gì những người cho nhập trò chơi bạo lực và những người nhập rác nói trên!



Hôm nay là ngày Thế giới phi bạo lực. Ông Tổng thư ký Liên hiệp quốc khi phát biểu dẫn một câu của Gandhi—sức mạnh thế giới là phi bạo lực.



2-10

Lướt qua các chương trình văn nghệ Hà Nội. HN đã quá lai căng. HN không tìm thấy mình. Và chúng ta đang tự lừa mình bằng một thứ tạp pí lù mà ta không biết.



4-10

Đọc bài tường thuật hội thảo về kiến trúc HN. Tôi muốn mạnh dạn mà nói rằng cái mà ta làm cho Hà Nội mấy chục năm nay về căn bản, chỉ là một thứ kiến trúc nông thôn hoặc là kiến trúc đô thị tủn mủn thời phong kiến được nhân lên bằng các yếu tố hiện đại. Không chỉ là xấu xí tùy tiện nhếch nhác kỳ dị …mà là lạc hậu cả một thang bậc tư duy về lịch sử phát triển xã hội.



5-10

Lũ lụt. Có tin hàng vạn học sinh các tỉnh miền Trung nghỉ học vì lũ lụt.

Người dân méo mặt nhận quà của cấp trên gửi tặng. Chú thích ảnh” lá lành … hành lá rách”.

Lũ lụt trong dịp đại lễ chỉ làm tăng thêm cái tình thế trớ trêu đã sẵn có trong tình hình hiện nay.

Một bên là cuộc sống xa hoa trụy lạc hoang phí ngày một gắt lên chói lên ở các đô thị.

Một bên là cảnh lạc hậu nghèo nàn, một sự xác xơ tàn lụi của các vùng nông thôn nghèo và các vùng sâu vùng xa.

Sực nhớ tới một bài thơ của Văn Cao viết đầu 1945 và từng in trên tạp chí Tiên Phong của Hội Văn hóa Cứu quốc mang tên Chiếc xe xác đi qua phường dạ lạc.

Ở một đoạn giữa bài thơ, tác giả viết:

Ta về gác, gió cài then, cửa rú

Trên đường tối gió khỏa thân khiêu vũ

Kèn nhịp xa điệu múa vô luân

Run rẩy giao duyên khúc nhạc trầm trầm

Hun hút gió nâng cầm ca nặng nhọc

Kiếp người tang tóc

Loạn lạc đòi nơi xương chất lên xương

Một nửa kêu than ma đói sa trường

Còn một nửa lang thang tìm khóai lạc



6-10

Bài viết Một Nghìn Năm Thăng Long - Hà Nội, Nhìn Lại Giá Trị Tác Phẩm" Thiên Đô Chiếu" Của Thái Tổ Lý Công Uẩn của Nguyễn Phạm Hùng Đại học Quốc gia Hà Nội, có cái ý rất hay, bài chiếu tuyên bố quan điểm thay đổi đường lối chính trị của cả vương triều Lý, chuyển chế độ chính trị từ "vũ trị" sang "văn trị".

Tác giả lưu ý không khí nội chiến bao trùm các triều Ngô, Đinh, Lê với nghĩa tranh giành quyền bính của các tù trưởng, các thủ lĩnh.

Các vương triều đó thực chất là các thể chế quân sự. Các bậc đế vương và người đương thời thường tôn vinh sức mạnh vũ trang, sức mạnh cơ bắp hơn là sức mạnh kinh tế, văn hoá và trí thức.

Ngô Vương Quyền gắn với hình ảnh "tay nâng đỉnh", "thong thả như cọp, có trí dũng, sức có thể cầm vạc giơ lên". Đinh Tiên Hoàng gắn với hình ảnh viên tướng bách chiến bách thắng, Vạn Thắng Vương. Họ đều xuất thân từ trận mạc nổi tiếng có tài quân sự rồi mới làm vua.

Hoa Lư là thành lũy, kinh đô quân sự của nhà nước "vũ trị" chứ không phải là kinh đô văn hoá – chính trị của nhà nước "văn trị".

Rồi tác giả chỉ rõ trong hòan cảnh ấy, Lý Công Uẩn hiện ra với sắc thái khác hẳn.



Tôi muốn mượn cái ý của ông Hùng về các thời Ngô, Đinh, Lê để đưa lên thành một khái quát: thật ra cho đến cuối thế kỷ XIX, xã hội VN vẫn giống như một đạo quân hơn là một xã hội theo nghĩa tối thiểu của khái niệm này mà các nhà lịch sử vẫn thường sử dụng.



Bữa nọ đọc Nghiên cứu Huế tập 7, đã nhặt được cái ý “ biến dân thành lính” là một chính sách lớn chi phối việc tổ chức quốc gia mà các chúa Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài trong hai thế kỷ XVII—XVIII cùng theo đuổi.

Hà Nội thời Gia Long vẫn do các võ quan cai trị, lúc đó nó còn gọi là Bắc thành đứng ngang với Gia Định thành, mãi sau này Minh Mạng mới cho lập tỉnh Hà Nội.

Nhưng có nhân vật “ văn trị” nào được nhắc tới trong lịch sử HN thế kỷ XIX đâu?!



Vào dịp nghìn năm Thăng Long này, người ta chỉ nhắc tới HN thanh lịch và HN hào hùng chiến đấu.

Chưa ai nghĩ tới chuyện viết một lịch sử làm ăn buôn bán, lịch sử kiến thiết xây dựng HN ?



7-10

Em ơi Hà Nội bụi.

Tôi muốn kêu lên như thế trong mấy ngày đầu thu đầy cảm xúc này.

Mùa thu là mùa của gió.

Gió cho người ta cảm giác rằng cuộc đời không phải tù túng như người ta đang sống đâu, còn có những phương trời khác, những không gian khác.

Bụi làm mất đi quà tặng thiên nhiên tuyệt vời ấy.

Nhớ thơ Huy Cận, bài Chín

Thu tới ngoài kia

Nghe nhân thơm trong trái nặng

Nghe nhựa ấm trong cành thưa

Nghe run rẩy tiếng gió ru lúa chín

Xôn xao cuống lá rụng thay mùa



Nhớ những trang Nguyễn Tuân tả gió trong Thiếu quê hương.



Tập sách thu góp cả đời thơ Lưu Quang Vũ có cái tên Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi. Chịu khó nhặt sẽ được nhiều câu viết về gió rất đáng nhớ. Nhất là trong các bài thơ tình.

Bài Phút em đến

Dù nơi đâu anh cũng là của em

Đợi nhau trong mưa, tìm nhau trong gió

Bài Quả dưa vàng, viết trong xưởng họa Nguyễn Thị Hiền

Mùa hạ đầu tiên chiến tranh chấm dứt

Bụi trắng đường, gió lộng mặt hồ xa

Đây là hai câu thơ viết khi Vũ còn đối với Xuân Quỳnh bằng một tình cảm ngập ngừng

Nơi đảo xa chỉ nước với trời

Nơi bãi cát em đi bao ngả gió

Còn đây là hai câu viết khi hai người sợ hãi mà vẫn cả quyết về với nhau

Mưa như bước chân những khát vọng vô hình

Trên một biển lá vàng đang nổi gió



9-10

Phố tôi nhiều nhà mới xây có kiểu rất lạ, khiến tôi mỗi lần đi qua không thể nhìn vào bên trong, sau đó rồi lại xấu hổ vì sao mình thô lỗ vậy…

Cuối cùng mới vỡ nhẽ, cái chính là xưa nay dân mình ăn ở vốn kín đáo, không ai mở tô hô cả bức tranh sinh hoạt của gia đình mình cho thiên hạ thấy. Phô phang là lối sống phổ biến của người thời nay.

Xưa nay còn khác nhau ở nhiều chuyện nữa.

Xưa có tiền trăm người ta mới tiêu tiền chục, không ai đi vay tiền mà làm nhà vay tiền mà ăn chơi như thời nay.

Xưa chính quyền thực dân luôn luôn đặt ra giới hạn cho việc rượu chè. Nay thì các tỉnh đua nhau mở nhà máy bia. Báo Tuổi trẻ 14-9 đưa lên trang đầu bài Ào ào nhập bia

Xưa huyện nào có đê vỡ thì tri huyện mặc nhiên là bị cách chức, chuyển đi xa. Nay đê đập có vỡ, chỉ thấy đưa tin địa phương đã trích quỹ công để úy lạo cho các gia đình khó khăn, ngoài ra, ai ở nguyên địa vị người ấy
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét