28-7
BỆNH VÔ CẢM NHƯ MỘT SẢN PHẨM CỦA CHIẾN TRANH
Trong khi vây thành Đông Quan, theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Lê Lợi không quên đặt pháp luật để trị quân dân.
Mười điều kỷ luật được đặt ra để răn dạy cho tướng sĩ. Ngoài những điều như phải tiến thoái theo hiệu lệnh, giữ vững hàng ngũ, có thêm ba điều cấm sau đây.
Điều 2; ( CẤM) Không có việc gì mà đặt chuyện ra để làm cho mọi người sợ hãi
Điều 8 ( CẤM) Tha binh đinh ( trai tráng bị động viên đi lính – VTN ) về để lấy tiền ; sổ sách mập mờ.
Điều 9 ( CẤM) Theo bụng yêu ghét của mình mà làm lòa mất công quả của người khác
( sđd, bản của nhà Tân Việt, 1951, tr 218)
Tình hình thực tế phải thế nào thì mới có lệnh cấm đó chứ ?!
Điều thú vị là có những căn bệnh của người xưa lại có sắc thái khá hiện đại .
Cũng trang sách trên có ghi:
Vương đặt ra ba điều để răn các quan:
1/Không được vô tình
2/không được khi mạn
3/không được gian dâm
Chỗ đáng chú ý ở đây là thói vô tình ( cũng tức là vô cảm , thờ ơ… ) được đặt lên hàng đầu. Hóa ra chiến tranh thời nào cũng vậy.
2-8
NIỀM TIN ĐỐI VỚI CHỮ NGHĨA
Trên trang Web của mình , Nguyễn Mộng Giác viết về Nguyến Hiến Lê:
“ Mỗi lẫn gặp ông, tôi đều nhớ lại hai câu thơ cổ:
Khẳng khái cần vương dị
Thung dung tựu nghĩa nan. (*)
(*) Xin tạm hiểu là Hết lòng phò vua là chuyện dễ, thung dung hy sinh vì nghĩa lớn mới khó VTN
Vâng, ông là người không ồn ào, không phô trương hào nhoáng, không cố làm cho người đời thấy mình rực rỡ lóng lánh mà chỉ lặng lẽ làm việc, thung dung đạt được điều nghĩa.
Niềm tin tưởng ở công việc mình làm nơi ông lớn lao quá, đến độ cuộc sống và thời cuộc không ảnh hưởng nhiều đến ông. Giữa một xã hội chữ nghĩa mất giá, ông vẫn giữ trọn niềm trân trọng đối với chữ nghĩa.”
9-8
MỘT MINH HỌA CHO THUYẾT ĐÁM ĐÔNG CỦA G.LE BON
Đó là cảm tưởng của tôi khi đọc các tường thuật về Đại hội nhà văn lần thứ 8, nơi đó, --theo con số của báo TT&VH 8-8-2010 -- 90% diễn giả, bất chấp hay dở đúng sai ra sao, bị cử tọa ngồi dưới vỗ tay mời xuống, ngay sau khi nói vài phút.
Nhiều nhà tường thuật đã nói tỉ mỉ, không phải tất cả hội trường vỗ tay. Khi ngán cả người phát biểu, lẫn sự phản ứng vô lối của người ngồi cạnh mình, nhiều nhà văn đã chọn con đường bỏ ra khỏi Hội trường.
Nhưng theo tôi hình dung, những người không vỗ tay chỉ im lặng ngồi đấy vẫn nhiều hơn. Hào hứng theo dõi không khí chung. Giữa một cuộc sống đầy những bức xúc chán chường, thấy như nó có đáp ứng một nhu cầu nào đó của mình. Ờ mọi chuyện cũng vui đáo để đấy chứ !
Tình thế bi hài của người tử tế bao giờ chẳng mang lại chút niềm an ủi cho tất cả những kẻ bất tài – đó là một quy luật tâm lý từng được nhiều nhà thông thái chia sẻ.
Có thể dự đoán là một diễn biến như thế đã đến với tâm lý nhiều người. Tôi lấy kinh nghiệm bản thân mà suy. Tức xin tự nhận là ở tôi cũng đã có những giây phút như thế và bây giờ không dám chắc là đã gột bỏ hết.
Giá có mặt ở Đại hội VIII, biết đâu tôi chả ngồi vỗ tay theo và hể hả vì thấy tất cả chỉ còn là trò hề.
( Chính vì thế mà tôi thấy cần truy kích những tiềm năng hư hỏng này tới cùng để …bận sau đừng thế nữa!)
Trở lại với tâm trạng người ngồi hội trường. Chủ quan từng người thế nào không biết song khách quan mà xét, tự khoác cho mình cái vai trò chứng kiến chỉ là một cách chạy tội.
Thực ra với những kẻ khởi xướng vỗ tay vô tội vạ, chúng ta đã là những kẻ đồng lõa.
Và nhìn toàn cục, tôi tưởng vẫn có thể nói rằng chúng ta có một hội trường giống như một đám đông pha trộn đủ thứ bệnh tật hư hỏng. Bắt nguồn từ sự mỏi mệt, người ta đã trở nên hung hãn dữ rằn từ lúc nào mà cũng không hay biết. Đã xuất hiện một tâm thế hư vô không coi cái gì là quan trọng. Đánh đồng tất cả, từ chối tất cả. Muốn phá phách, muốn lung tung cả lên để trả thù đời.
Lý thuyết của Le Bon– mà tôi nương theo để phát triển suy nghĩ của mình ở đây -- là tôi đọc được từ cuốn Tâm lý học đám đông ( đã có hai bản dịch một ở miền Nam trước 1975 và một, gần đây ở Nxb Tri thức). Theo Gustave le Bon, khi nhập vào đám đông hỗn độn, con người như đánh mất bản thân. Đám đông rất dễ bi những bản năng thấp chi phối, mất hết sáng suốt, dễ bị kích động, dễ nhắm mắt làm theo cái sai trái, kể cả chống lại chính mình.
Do đó đám đông rất dễ điều khiển.
10-8
MADE IN VIETNAM
Cuộc vận động dùng hàng Việt đang có một cái tên cụ thể hơn: cuộc đấu tranh giữa hàng Việt và hàng Tầu. Và hàng Tầu đang lấn tới bằng cách giả làm hàng Việt.
Trung quốc có cả một cuốn sách mang tên Thương chiến binh pháp, cuốn sách từng đã được dịch ở Hà Nội ( nxb Thanh niên, 1996, 539 tr.)
Chiểu theo quan niệm ấy, – quan niệm buôn bán cũng là chiến tranh — thì gần đây có hiện tượng phía họ đang trà trộn vào hàng ngũ ta , giả làm chúng ta, nói theo cách nói hồi chiến tranh, “túm lấy thắt lưng ta mà đánh”.
Giá có thời giờ đọc lại Đông Chu liệt quốc, chắc người ta hiểu ra ngay lối tác chiến kiểu này, khá phổ biến ở nước Tầu cổ.
Điều đáng nói hơn, là lúc này, trong trận chiến này, phía ta lại mời họ đến, cho họ mượn danh nghĩa, giúp cho cái việc hoán cốt đoạt thai kia trở thành hợp pháp.
Nhiều báo trong đó có SGTT đưa tin một số cơ sở sản xuất chỉ làm cầm chừng, phần chính đi đặt hàng bên “nước lạ” làm. Hàng vẫn mang nhãn mác do mình đặt, lại rẻ hơn và chất lượng tốt hơn, bán ra ăn khách hơn.
Chương trình VTV1 tối 9-8 đưa tin, ở phố hàng Bồ Hà Nội người ta nếu cần mua được rất dễ dàng những con tem made in Vietnam để dán vào thứ hàng mới nhập từ biên giới về .
Một người bán hàng chợ Đồng Xuân nói thêm với tôi:
-- Các tem này cũng do họ in sẵn, nên mới đẹp như thế.
Tự nhiên nổi hứng muốn … làm thơ con cóc. Có bản phỏng dịch một bài thơ không đề của B. Brecht ( tôi ghi theo trí nhớ)
***
Đả đảo chiến tranh
Người viết dòng khẩu hiệu ấy
Đã ngã dưới chân thành
Có thể nhại Brecht thành mấy vần lủng củng như sau:
***
Made in Vietnam
Nơi sản xuất những con tem ấy
Là bên Trung Hoa
Tem để dán trên hàng Trung Hoa
Chỉ có người bán và người mua
Là người Việt
Mua bán với nhau trên đất Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét