Ghi chép hàng ngày (5)

21/6

LÀM NHÀ BÁO LÀ KHÓ

     Thời chống Mỹ đã có hiện tượng nhiều bạn trẻ có năng khiếu viết lách vào đời bằng cách xin về một tờ báo để lấy chỗ làm ăn đi lại. Làm báo để kiếm sống, và trước mắt để có chỗ đăng bài xuất hiện trước công chúng. Trong khi đó nỗ lực của họ dành để làm văn, họ cho đó mới là chỗ để thổ lộ tâm huyết của mình. Trước các đồng nghiệp, nhiều nhà báo chỉ kín đáo nói khẽ, báo chí là thứ ngày mai người ta quên ngay, mình chỉ viết trả nợ, còn hồn vía  để cả ở văn chương kia.

      Tôi chỉ hỏi họ, thế ông hay bà thử kể tôi nghe, ở cái nước VN này mấy chục năm nay có nhà báo nào thành một cái tên để dân người ta tin, có vấn đề gì người ta nghĩ ngay tới chuyện tìm bài ông ta để đọc, hoặc khi có uất ức gì người ta tìm đến nhờ giãi bày?
      Hoặc đơn giản hơn, ông thử kể tên một người đáng gọi là nhà báo từ sau 1945 đến nay—tôi muốn nói nhà báo theo cái chuẩn chung của thế giới, chứ không phải theo cách định nghĩa riêng của VN.
    Thường nghe vậy người nói chuyện với tôi lảng sang chuyện khác.


     Thêm một nhận xét, từ khoảng 1986 về trước, đọc nhiều tờ báo không biết ai là Tổng biên tập cả. Nay tình hình có khá hơn, chức danh này đã kèm theo tên tuổi cụ thể.
     Chỉ có điều, nhiều khi có người đứng tên đó rồi mà một người đọc thông thường vẫn không sao nhớ nổi ông ta là loại nhà báo chuyên về vấn đề gì, đã viết những loại bài nào, ngòi bút ông ta có sắc thái ra sao. Thậm chí trên chính tờ báo ông ta phụ trách có khi đọc cả năm cũng không thấy bài báo nào của ông ta cả.
      Tôi biết rằng ở nước nào cũng vậy, có loại nhà báo không viết, nhưng giỏi chỉ đường cho các đồng nghiệp khác viết, giỏi giúp đồng nghiệp hoàn chỉnh bài vở, và xét về phương diện này, họ cũng là những nhà báo bậc thầy.
       Có thể nhiểu Tổng biên tập ở VN cũng thuộc loại đó chăng, tôi ước ao có  những công trình nghiên cứu về báo chí trong quá khứ và báo chí đương đại.
      So với giới viết văn, giới làm báo thật thiệt thòi với nghĩa một bên có kèm theo một lực lượng nghiên cứu hùng hậu và thành môn chính ở các nhà trường từ phổ thông tới đại học; còn một bên thì để dông dài, cho đến nay đâu chỉ lèo tèo vài cuốn tài liệu giảng dậy gọi bừa là lịch sử báo chí, song quá ư sơ giản và không có tư duy lịch sử.
      Thiệt cho nghề báo mà cũng là thiệt chung cho cả xã hội.


25—6


NHỮNG CON SỐ GIẬT MÌNH
      Báo chí đưa tin, các cơ quan quản lý lao động của nhà nước cho biết  năng suất lao động VN chỉ bằng một phần năm ở Đông Nam Á và  một phần mười của Singapore.
      Từ góc độ chuyên môn của mình, tôi rất tin con số thống kê này. Thường đọc các sách nghiên cứu của nước ngoài, tôi kinh hãi vì sao người ta tham khảo nhiều thế, có khi hàng vài trăm đề mục. Còn ở VN, cuối nhiều cuốn sách, chỉ thấy đề lèo tèo vài tài liệu tham khảo trong nước hoặc dăm bản dịch. Mà có khi còn khai láo nữa, tức là kê vào cho oai, chứ nhà khoa học chẳng hề đọc các cuốn sách đó một cách nghiêm túc.
      Chúng ta đang ở rất thấp so với mặt bằng khu vực và thế giới.
      Năm 2008, một cuốn hồi ký tung ra trên mạng gây xôn xao trong dư luận. Nhiều chuyện mới lạ thật. Nhưng một nhà văn tôi quen chỉ bỏ nhỏ một câu: Đọc cuốn này thấy ông X.( tác giả) không biết thế nào là hồi ký và chắc chưa từng đọc qua những cuốn hồi ký nổi tiếng của thế giới thế kỷ XX.


     Cũng thuộc loại con số giật mình, có tin giá thuốc của VN cao gấp 40 lần giá thuốc thế giới. Có đúng thế không ? Chắc cụ thể thì còn xê xích, nhưng hướng chung không sai.
           
  3-7


 NGUYÊN NHÂN CỦA MÔI TRƯỜNG DƠ BẨN


   Một người ở nước ngoài kể với tôi, ở bên ấy, đi đâu về có giặt sơ mi thì chỉ vò qua là sạch, còn ở ta cho vào máy rồi mà không vò kỹ thì hôm sau trông cái cổ áo đã không muốn mặc.
     Tôi cũng phụ họa bằng cách chỉ vào cái xe máy đang đi, ngày xưa, có bao giờ chúng tôi để cái xe đạp bẩn thế này đâu, song thời buổi này, xe vừa rửa xong đi một vòng về đã bẩn như trâu đầm, sức đâu mà lau chùi mãi.
     Đồ đạc trong nhà chỉ một ngày không lau đã đã bụi lầm.
     Một thống kê cho biết lượng bụi hàng ngày trên đường Nguyễn Trãi bẩn hơn 11 lần tiêu chuẩn cho phép ( báo Đại Đoàn Kết 2-7 )
    Thành phố bẩn, nông thôn bẩn. Các bãi biển bẩn—“biển một bên và rác một bên”. Các khu di tích danh lam thắng cảnh như Chùa Hương Đền Hùng xông lên mùi khó chịu. Các nhà vệ sinh ở Huế những ngày festival “ đệ nhất quốc gia lễ hội “ làm cho du khách kinh người. Chắc nó cũng bẩn  như …địa điểm vệ sinh ở các trường học Hà Nội hiện nay .
      
      Tôi ngờ rằng nhiều người, trong đó có những người có trách nhiệm quản lý xã hội từ lâu cũng biết chuyện này, nhưng ai cũng tặc lưỡi rồi một buổi phát động toàn thành phố làm vệ sinh là xong ngay mà.
       Có biết đâu cái vẻ ngoài nhếch nhác bẩn thỉu đang thấy chẳng qua chỉ là biểu hiện của một đời sống tinh thần mất đi sự quân bình và sự thiêng liêng mà các xã hội trước đây vốn có. Người ta sinh ra tùy tiện buông thả, chẳng coi cái gì làm trọng, luôn luôn loay hoay vật lộn mà không sao tìm được sự bình tâm để yên tâm sống, làm việc, nuôi dậy con cái, và tận hưởng vẻ đẹp hàng ngày.
       Tức là cuộc sống thiếu đi cái chuẩn chân thiện mỹ để hướng tới. Tức là cuộc sống không có cơ hội trở thành văn hóa .
        Đi xa hơn một chút tôi còn có cảm tưởng cái kiểu chung sống với dị mọ nhếch nhác hiện nay là dấu hiệu của sự bất mãn. Nhìn đâu cũng thấy không bằng lòng. Nhiều bực bội khó chịu mà không cách nào giải tỏa. Nên sinh ra thả lỏng con người bản năng trong mình. Nên sinh ra bất cần, muốn hư hỏng muốn quậy phá để chứng tỏ mình không coi đời là gì. Cũng có thể bảo đây là một cách để trả thù đời.
      
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét