Về mặt số lượng mà xét , giờ đây không mấy ai còn phải tỏ ý phàn nàn : Báo ở ta đang ra nhiều đến mức cả những bạn đọc có nhiều thời giờ cũng than phiền là không sức đâu đọc hết . Thế nhưng cái sự đã như là thừa ấy một phần cũng lại là do chất lượng . Giả sử thế giới có một bảng xếp hạng , hẳn có thể đoán là tay nghề của các nhà báo ở ta , cũng như bóng đá mà hàng ngày chúng ta vẫn xem , chỉ chiếm một vị trí khiêm tốn .
Điều này hoàn toàn là có thể hiểu được nếu biết rằng nghề báo mới chỉ du nhập vào xã hội VN từ những thập kỷ cuối của thế kỷ XIX sau đó trở thành một hoạt động bình thường trong xã hội từ nửa đầu thế kỷ XX ,và ngay từ thời ấy nhiều người làm nghề đã tỏ ý chưa thoả mãn với trình độ của các đồng nghiệp . Trở lại với nghề làm báo thời tiền chiến có lẽ cũng là một dịp tốt để chúng ta nhận chân trình độ báo chí hôm nay .
Dẫu rằng nghề làm báo vốn từ Tây phương truyền sang , song những người đứng ra viết báo đầu tiên lại ở xứ ta ( rõ nhất là ở Hà Nội ) lại là các cụ đồ nho biết chữ Tàu . Nói gì thì nói các cụ cũng có một căn bản văn hoá nào đó . Chữ quốc ngữ lại dễ học với mọi người . Các cụ tìm thấy trong việc làm báo một điều kiện tốt để thực hiện cái chí đã hấp thụ từ đạo thánh hiền “ nhất ngôn khả dĩ hưng bang “ , nói nôm na như con người ngày nay tức báo chí có thể là một công cụ tốt để đóng góp cho xã hội và trước tiên là giáo dục quần chúng .
Bên cạnh những tờ báo do chính quyền thuộc địa lập ra thì báo chí Việt Nam ban đầu chủ yếu đã là báo chí tư nhân hoặc mang danh những hội ái hữu nọ kia nhưng thực chất là do tư nhân thao túng . Người đứng ra xin phép mở tòa báo không chỉ muốn làm một công vịệc có tính cách khai hoá ( tên một tờ báo do Bạch Thái Bưởi chủ trương ) , mà còn muốn xem báo chí là một cơ quan kinh doanh có lãi . Trong hoàn cảnh ấy ,họ giữ tư cách những ông chủ , còn ký giả thì là kẻ làm thuê. “Chủ báo quan niệm rằng ký giả là người làm công , ngày hai buổi đến toà soạn để viết xã luận đưa tin tức trám cho đầy các cột báo “ . Đấy là ghi nhận của Hoàng Tích Chu , một người có công lớn trong việc hiện đại hoá báo chí . Nguyễn Công Hoan trong Đời viết văn của tôi kể lại một chuyện khá vui :
Những người thực thi việc làm báo cũng chẳng khá hơn bao nhiêu . Tiếp tục cái ý bảo họ là kẻ làm thuê viết mướn kiếm ăn lần hồi , Hoàng Tích Chu nói thêm “ Những người làm công nói trên tìm ở đâu ra ? Đa số là những nho sĩ nghèo và dốt , những người kiến thức nông cạn nhưng muốn loè thiên hạ với những câu văn hoa bóng bảy” . Câu khái quát xanh rờn ấy , như chúng ta nói bây giờ ,có cái cơ sở thực tế của nó . Bởi sự thực là người có gan sang tận Pháp để học nghề như ký giả họ Hoàng , số đó đếm chưa đầy năm đầu ngón tay .Còn lại toàn vừa làm vừa học , đại khái trông vào các tờ báo viết bằng tiếng Pháp mà học theo . Tin thế giới thì dịch theo bản tin yết ở nhà bưu điện .Tin trong nước toàn việc vặt nào là quan chức thuyên chuyển , vợ chồng đánh ghen , toà án xử rượu lậu... Bên cạnh những tin tức hổ lốn ấy là những bài thơ phú cuối mùa đặc giọng thù tạc hoặc những bài xã luận đại cà sa , không ai muốn đọc .
Để hình dung ra công việc hàng ngày của một người làm báo , không gì bằng đọc lại các hồi ký viết về Tản Đà lúc làm An nam tạp chí . Tạp chí lay lắt chết đi sống lại mấy lần . Mà ngay lúc đang sống nó cũng ốm rề ốm rệt . Toà soạn chỉ có một mình Tản Đà ,ông vừa viết bài vừa đi nhà in vừa thu tiền bán báo . Mà lại rất thích tiếp khách . Gặp người tương đắc, ông có thể sai mấy cậu nhỏ đi mua đồ nhắm về khề khà chén rượu nói chuyện với khách hàng buổi . Cái cảm giác về thời gian đang trôi -- điều cần nhất với nhà báo -- thì Tản Đà chẳng coi ra gì . Chẳng bao lâu đã tới cái ngày Xuân Diệu về sau còn nhớ mãi : ở Quy Nhơn tác giả Thơ thơ mỏi mắt trông đợi mà mãi chẳng thấy báo ra và càng ngóng càng thấy vô vọng. An nam tạp chí cũng yểu mệnh như người chủ trì của nó vậy .
Hình ảnh nhà báo trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan
Trong khi hướng cặp mắt quan sát người đời tác giả Bước đường cùng không quên dừng lại ở giới báo chí . Ông có hai thiên truyện khá sắc sảo đó là Tôi chủ báo ,anh chủ báo , nó chủ báo và Ông chủ báo chẳng bằng lòng .
Truyện trên tố cáo cái lý do mỹ miều mà nhiều nhà giàu đương thời xông vào làm báo , đó là tính hiếu danh . Chẳng những không quan tâm tới sứ mệnh của ngòi bút mà cả đến cái thực chất của báo chí họ cũng không hiểu gì cả . Ngày họ đảm đương cái chức danh chủ báo là ngày họ nhận ra mình bị lừa : Bài vở kém cỏi, người viết xoàng xĩnh , báo ế . Cách duy nhất để họ thoát ra khỏi cảnh phá sản là đi lừa những anh háo danh và kém hiểu biết như mình hôm qua để thay mình chèo lái .
Còn truyện dưới thì tố cáo cái mánh khoé xoay tiền của giới làm báo . Họ sẵn sảng đánh quả tù mù đưa tin theo lôí nhỏ giọt bôi ra trong nhiều số , cốt để câu khách . Ai không làm thế bị coi như tay nghề kém cỏi .
Trong khi công kích bọn người lừa đảo mọi kẻ giàu sang phú quý đang phất lên ,một số ký giả lại biến thành một kẻ làm tiền , lo bán được báo với bất cứ giá nào , chứ chẳng có gì gọi là tâm huyết với trách nhiệm cả .
Và trong một mẩu chuyện vui của Vũ Trọng Phụng
Trong các tiểu thuyết của nhà văn này như Giông tố, Vỡ đê ... người ta đã loáng thoáng nhận ra hình ảnh của kẻ làm báo với sứ mệnh điều tra sự thật từ đó đóng góp vào việc làm sáng rõ hình ảnh một xã hội vốn nhiều bóng tối . Song là một ngòi bút hoài nghi, Vũ Trọng Phụng không quên đặt một dấu hỏi khá to trước tư cách người làm nghề viết báo đương thời . Sao mày không vỡ nắp ơi là tên một bài viết trên báo Loa 1934 ( mới được sưu tầm và in lại trong tập Vẽ nhọ bôi hề in ra năm 2000 ) . Để nói về tài đổi trắng thay đen của người cầm bút , họ Vũ dùng bút pháp thậm xưng kể chuyện một nhà báo kiếm ăn quanh một người chết . Ban đầu anh ta dựng chuyện người kia bị bức tử để tống tiền . Không được anh ta đánh bài chuồn bằng cách kể rằng hồn người chết vừa báo mộng cho biết người ấy tự tử vì một cớ vớ vẩn khác . Mọi chuyện được giải quyết gọn ghẽ tới mức viên tri huyện có liên quan xem xong phải thì thào “ Này ,sang năm về hưu tôi cũng muốn mở báo . Vậy thế nào ngài cũng về giúp việc cho tôi nhé ! “.
Trên cái nền chung của một nghề nghiệp
Trước 1945 , trong hoàn cảnh một nước thuộc địa , ở VN đã có đại học ,song các trí thức trẻ sau khi học xong mấy trường như trường luật trường thuốc phần nhiều gia nhập vào đội ngũ quan lại hoặc công chức cao cấp lương cao bổng hậu , nhường việc làm văn làm báo cho các loại trí thức lơp dưới . Nhà văn đồng thời là nhà báo Vũ Bằng có lần nhận xét báo chí thời ông là một thứ nghề không thày không trường ,cốt biết học lỏm bắt chước là được . Thành thử , nếu như số phận của những người làm nghề ở đây có phần giống với số phận những người làm ở các ngành nghề thủ công như làm tranh dân gian , thêu ren , in ấn , làm đồ gốm , hoặc các đèo kép trong mấy gánh hát rong ... thì cũng là chuyện tự nhiên . Còn cần cho mọi người thì còn tồn tại . Rât nhiều người có tài có năng khiếu . Song nhìn chung thì vẫn là cách làm cách nghĩ manh mún luộm thuộm và không ai đủ khả năng đưa nghề nghiệp lên mức hoàn thiện của một ngành công nghiệp hiện đại như người ta vẫn thấy ở các nước phát triển ./.
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét