Các tài liệu nghiên cứu về Phan Châu Trinh thường dẫn ra đoạn một bài báo nhỏ in trên báo Tiếng dân 24-3-1936, mang tên Cụ Phan Tây Hồ với việc Tây học. Tác giả bài viết Huỳnh Thúc Kháng kể năm 1906, cụ Phan qua Nhật có gặp nhiều yếu nhân Nhật. Thoạt gặp, nhà chính khách Khuyển Dưỡng Nghị đã hỏi:
- Các ông có biết tiếng Pháp ?
- Thưa chưa
- Sao lại không học. Phải học để biết điều hay của họ chứ.
Tiếp đó Phan Châu Trinh gặp Đại Ôi. Ông thủ tướng đương thời của Nhật nhận xét ngay “ Việt Nam thuộc quyền bảo hộ của nước Pháp mấy mươi năm mà nay tôi mới gặp người Việt Nam đầu tiên tới nước tôi, đủ thấy các ông ít đi ra ngoài. Đã không ra ngoài, mà không học tiếng, ở cạnh nhau cách xa ngàn dặm nhưng thấy ngay là các ông mắc bệnh ngột” .( ngột = ngạt thở ).
“Lìa nhà mười dặm đã bùi ngùi những mưa gió hoa vàng . Ở lữ thứ vài năm đã than thở quan hà đầu bạc “-- Văn minh tân học sách cũng từng nói rất hay về cái tâm lý ngại đi xa của dân mình.
Có thể dự đoán cách sống bảo thủ và ngại thay đổi này hình thành ngay từ buổi đầu mới hình thành dân tộc. Theo sách Phương Đông thời cổ đại( trong tủ sách Que saisje – Tôi biết gì nổi tiếng ),nếu sự ra đời của đô thị là cuộc cách mạng thứ hai trong lịch sử cư trú loài người thì cuộc cách mạng thứ nhất bắt đầu từ thời điểm ra đời của nông nghiệp và kèm theo đó là sự ra đời của làng xã. Cho đến trước thời hiện đại, người Việt vẫn chỉ dừng lại ở cuộc cách mạng thứ nhất, tức là một cách sinh sống tự nhiên gặp sao hay vậy. Kinh tế xã thôn phụ thuộc thiên nhiên lại ở trình độ thấp, nhiều khu làm không đủ ăn. Đời sống mong manh và đầy bất trắc. Nhưng người ta không tin là có thể và cần thay đổi.
Nói như kỹ sư Nghiêm Xuân Yêm : “Họ nhận thấy ruộng thiếu phân bón nhưng họ chẳng biết làm thế nào cho có nhiều phân. Vì hình như họ cho sự thiếu thốn ấy là dĩ nhiên “ .
Nói chung là có nhiều việc họ hiểu nếu làm thì rất có lợi nhưng lại chẳng bao giờ bắt tay cùng làm .
Rồi họ buông trôi lảng tránh “Thà rằng chẳng nghĩ đến làm còn hơn (!) “( báo Thanh Nghị,1945 )
Trong khi chỉ biết quan tâm tới sự tồn tại trước mắt, tự nhiên là tâm lý bày đàn hình thành và cái nguyên tắc trông nhau mà sống, Chết một đống hơn sống một người càng níu kéo người ta lại.Một trong những câu ca dao mà cha mẹ vẫn nhắc nhủ con cái Ta về ta tắm ao ta – Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. Bảo thủ ở đây được đề lên thành nguyên tắc tối cao. Cả trong làm ăn sinh sống lẫn trong tổ chức xã hội .
Cái lối tư duy chỉ cốt số lượng mà bất chấp chất lượng đang làm khổ con người hôm nay, thật ra có nguồn gốc sâu xa như vậy.
Trên báo Tiền phong chủ nhật 24-8-03 có bài phỏng vấn Ea Sola. Nhà đạo diễn múa có cảm giác mệt mỏi “ Tôi đã đi khắp nơi, đã sống rất lâu ở nước ngoài. Anh không thể tưởng tượng được đâu, con người nhạt lắm, nhạt khủng khiếp. Nhạt! “.
Sau khi “ phán “ một câu chung chung rằng “ Chúng ta cần lo cho cuộc sống hôm nay tốt đẹp hơn “, được tác giả bài báo hỏi lại “Là lo cái gì ?”, Ea Sola bừng tỉnh, hạ một câu gan ruột :
- Người Việt hình như không thích cái mới.
Nhiều nhân vật của Thạch Lam trong Gió đầu mùa viết từ 1937 lại còn không cảm thấy mình có quyền thích hay không thích như vậy . Họ chỉ đơn giản là thấy mình bị ràng buộc trong cái cũ như con ruồi sa vào tấm lưới nhện mà không sao phá vỡ nổi. Nhân vật Liên trong Một đời người rất yêu người bạn trai nhưng không dám bỏ gia đình theo bạn . Như tác giả viết :
“ Liên nhiều khi sung sướng tưởng tượng đến cái đời dễ chịu của nàng nếu lấy Tâm .Nhưng Liên vẫn từ chối. Chính nàng vẫn không hiểu tại sao mà từ chối. Hình như có những cái lẽ tối tăm làm cho nàng sợ hãi, không dám nhận lời“.
TT&VH 31-7 2007
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét